Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam phải đảm nhận chức năng vận tải lưỡng dụng
Không nên chỉ trường hợp cần thiết mới chở hàng hóa
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều ngày 20/11, Quốc hội thảo luận về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
“Đây là dự án đầu tư rất lớn, có tầm quan trọng đối với sự phát triển lâu dài, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đất nước. Do vậy, cần phải đánh giá kỹ dưới các góc nhìn đa chiều để lựa chọn được phương án phù hợp nhất.”, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu tại phiên họp.
Theo ông Hoàng Văn Cường, nếu chỉ vận tải hành khách thì sẽ lãng phí công suất, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, dễ dẫn đến thua lỗ |
Ông cho rằng, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam phải đảm nhận chức năng vận tải lưỡng dụng, vận tải cả hành khách và hàng hóa, không nên chỉ trường hợp cần thiết mới chở hàng hóa.
Theo Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), kinh phí để triển khai dự án là rất lớn, cần tập trung huy động nguồn vốn trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế sử dụng vốn ODA. Cần tập trung sử dụng nguyên vật liệu trong nước, huy động các doanh nghiệp trong nước có năng lực chuyên môn tham gia dự án. |
“Nếu chỉ vận tải hành khách thì sẽ lãng phí công suất, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, dễ dẫn đến thua lỗ. Bên cạnh đó, nếu không vận tải hàng hóa, thì không giải quyết được nút thắt về logistics, không đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa dọc hành lang kinh tế, không liên vận được với đường sắt quốc tế.”, ông Cường phân tích.
Cùng với đó, việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để nước ta làm chủ quá trình đầu tư, phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước. Do đó, trong lựa chọn nhà cung cấp, ta nên lựa chọn công nghệ sao cho có nhiều nhà cung cấp cạnh tranh trong chuyển giao công nghệ.
Nên giảm thời gian triển khai xuống dưới 10 năm
Thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) đồng tình cao với chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao ở thời điểm này và cho rằng, theo dự thảo, thời gian triển khai Dự án từ năm 2025 và sẽ phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2035.
Bà Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị giảm thời gian thực hiện dự án xuống dưới 10 năm với tinh thần chuẩn bị dự án thận trọng |
“Thời gian triển khai như vậy là quá dài, trong khi Nhật Bản - quốc gia đầu tiên triển khai đường sắt tốc độ cao cách đây 60 năm cũng chỉ cần hơn 5 năm để hoàn thành, Trung Quốc cũng chỉ cần gần 5 năm cho đường sắt tốc độ cao đầu tiên của quốc gia mình. Và gần nhất là Indonesia cũng cần 7 năm (tính cả thời gian kéo dài)...”, bà Thúy nói và cho rằng, với bài học từ 22 quốc gia đã thực hiện, cùng công nghệ phát triển nhanh chóng và hiện đại, quốc tế hóa như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể " đi tắt đón đầu", rút ngắn hơn nữa thời gian triển khai dự án.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đề nghị, khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, cần làm rõ lý do, cơ sở lựa chọn vị trí các ga của dự án, nhất là tính kết nối giữa các phương tiện vận tải, đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo tính hấp dẫn, thuận lợi của ga trong việc vận chuyển hành khách, có định hướng phát triển thêm các ga tiềm năng theo đề xuất của địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua. |
Bà phân tích, khi nhìn lại quá trình triển khai dự án của các quốc gia, điểm chung là thời gian chuẩn bị đầu tư của họ dài, nhưng tiến độ thi công dự án lại rất nhanh. Điều này cho thấy, việc chuẩn bị dự án rất được coi trọng, xem xét thấu đáo các nguồn lực, đánh giá tác động, các phương án phát sinh rất toàn diện, kỹ lưỡng.
“Đề nghị giảm thời gian thực hiện dự án xuống dưới 10 năm với tinh thần chuẩn bị dự án thận trọng, nhưng triển khai dự án "thần tốc", để tận dụng cơ hội phát triển trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng, tạo động lực mạnh mẽ cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.”, bà Thúy đề xuất.
Năm 2027 là thời điểm thích hợp để triển khai đầu tư
Giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự án này đã có thời gian nghiên cứu rất dài, hồ sơ đã được Chính phủ chỉ đạo rà soát, tính toán kỹ lưỡng, cẩn trọng, tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia đã phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới. Thời điểm năm 2027 là thời điểm thích hợp để triển khai đầu tư. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận rất kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư, các yếu tố điều kiện triển khai.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dự án này đã có thời gian nghiên cứu rất dài, hồ sơ đã được Chính phủ chỉ đạo rà soát, tính toán kỹ lưỡng, cẩn trọng |
Về sự phù hợp với các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch, ông Thắng cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã trình bày sự phù hợp của Dự án với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch mạng lưới đường sắt của Việt Nam, các quy hoạch vùng, tỉnh liên quan. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, trong đó cập nhật dự kiến tổng sử dụng đất của dự án. Các địa phương cũng đã cập nhật hướng tuyến của dự án, nhu cầu quỹ đất dành cho dự án.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tạo bước đột phá cho quá trình hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông. Các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến về phạm vi, quy mô, phân kỳ đầu tư, lưu ý về việc kết nối vùng và kết nối với các hình thức vận tải khác. Đồng thời, các đại biểu cũng cho ý kiến về hình thức đầu tư, hiệu quả tài chính, kinh tế, xã hội của dự án, công nghệ, việc sử dụng nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng đất, phương án thu hồi, tái định cư, đền bù thiệt hại, sơ bộ tổng mức đầu tư, khả năng cân đối các nguồn vốn, quan hệ với các chỉ tiêu về nợ công, bội chi, khả năng huy động các nguồn vốn và sự tham gia của các thành phần kinh tế.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định.”, ông Hải cho biết./.
Bình luận