PHÁT TRIỂN TCTD TẠI VIỆT NAM

TCTD là việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính cho mọi người và doanh nghiệp (DN) với mức giá phải chăng. Đối với những người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương, TCTD giúp tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có dân số đông và trẻ, am hiểu công nghệ với tỷ lệ truy cập internet và sử dụng điện thoại di động cao, người Việt Nam có truyền thống văn hóa tiết kiệm. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu vay vốn của người dân, DN ngày càng gia tăng đã thúc đẩy quy mô tín dụng ngày càng lớn. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn những phân khúc khách hàng chưa tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh khu vực tài chính chính thức dưới sự quản lý của Nhà nước, còn có tài chính phi chính thức hoạt động ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật, còn được gọi là "tín dụng đen". Chính vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển TCTD, nhất là các hoạt động phổ cập dịch vụ tài chính để người dân và DN có thể tiếp cận tài chính dễ dàng, thuận lợi hơn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Fintech trong triển khai tài chính toàn diện: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam
Trong những năm trở lại đây, lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) phát triển khá nhanh tại Việt Nam.

Trong những năm qua, Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ liên quan đến các đối tượng của TCTD, như: Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành thực hiện từ năm 2006 đến nay và đang triển khai; Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011; Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế được ban hành với mục tiêu đến năm 2020, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cơ bản phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, có mức chi phí hợp lý đối với đại bộ phận dân cư ở độ tuổi trưởng thành và DN, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các DN nhỏ và vừa, dựa trên hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh, có trách nhiệm và phát triển bền vững. Ngày 20/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cùng với đó, Chính phủ đã triển khai một số sáng kiến để tăng cường phổ cập dịch vụ tài chính, nhất là thông qua việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, các chương trình tín dụng chính sách cho những đối tượng mục tiêu và khu vực ưu tiên. Các sáng kiến TCTD có đặc điểm chung là tập trung mạnh mẽ vào các đối tượng chính sách xã hội, chưa hoàn toàn áp dụng các cơ chế thị trường. Các ngân hàng thương mại trong nước cũng đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng và cơ hội phát triển dịch vụ trên nền tảng công nghệ, tăng cường cải thiện và đa dạng hóa các dịch vụ thông qua khuyến khích tài chính điện tử, giao dịch ngân hàng trên mạng internet, triển khai hoạt động tín dụng lưu động nhằm đưa các dịch vụ và sản phẩm tài chính đến với người dân ở phạm vi rộng lớn hơn, chi phí thấp hơn một cách nhanh chóng, an toàn và tiện lợi.

Mặc dù, mức độ bao phủ của hệ thống các tổ chức tài chính ở Việt Nam đã được mở rộng, nhưng tỷ lệ khách hàng cá nhân tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện còn khiêm tốn so với nhu cầu và tiềm năng phát triển. Mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính của Việt Nam còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Các chính sách thúc đẩy TCTD còn phân tán ở nhiều chương trình, dự án khác nhau, các yếu tố hạ tầng đóng vai trò quan trọng cho việc cung cấp dịch vụ tài chính vẫn còn đang được hoàn thiện. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật tài chính chủ yếu tập trung tại các trung tâm, thành phố lớn và chưa vươn đến được vùng khó khăn, lạc hậu...

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM

Fintech được hiểu là ngành công nghiệp bao gồm ngân hàng và các tổ chức không phải ngân hàng (trong đó, có các tổ chức khởi nghiệp - startup) sử dụng công nghệ để hỗ trợ hoạt động cung ứng các dịch vụ tài chính hiệu quả hơn. Fintech là những ứng dụng, quy trình, sản phẩm hay mô hình kinh doanh trong lĩnh vực tài chính nhằm mục tiêu cạnh tranh với những phương thức cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống. Mặc dù công nghệ là một phần không thể thiếu trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, song cho đến nay, vẫn chưa hình thành được một định nghĩa duy nhất về Fintech.

Dù bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2005 với sự thành lập của công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến đầu tiên là VTPay, nhưng thị trường Fintech Việt Nam mới chỉ phát triển mạnh mẽ kể từ năm 2015 đến nay, với nhiều biến động. Sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech dần trở nên xu hướng thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng và các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Theo báo cáo của Fintech News Singapore, số lượng những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam tăng hơn 179% trong giai đoạn 2017-2020, trong đó dịch vụ thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm 31%. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có 41 tổ chức phi ngân hàng được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, với 5 ví điện tử lớn nhất là MoMo, Payoo, Moca, Zalo Pay và ViettelPay. Đồng thời, theo Báo cáo toàn cảnh công nghệ thông tin Việt Nam 2020 của TopDev (một nền tảng tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin), số lượng người dùng dịch vụ thanh toán điện tử (giao dịch qua mạng Internet và điện thoại di động) là khoảng 36,2 triệu người, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này cho thấy những chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh toán không sử dụng tiền mặt của người dân (Trần Lương Mộng Trinh, 2021).

Báo cáo Vietnam Fintech Report 2020 cho biết, số lượng startup trong lĩnh vực Fintech ở Việt Nam tăng gấp gần 3 lần về số lượng từ năm 2017 (44 startup) đến năm 2020 (123 startup). Trong đó, thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm 31% tổng số lượng các startup Fintech. Trong khi các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán của Việt Nam tiếp tục phát triển và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) và không gian tiền điện tử/blockchain là hai phân khúc có mức tăng trưởng mạnh nhất. Hai dịch vụ này có số lượng công ty khởi nghiệp tăng từ ít hơn 5 công ty vào năm 2017 lên hơn 15 công ty khởi nghiệp trong năm 2020.

Giai đoạn 2017-2020 cũng chứng kiến sự xuất hiện của công nghệ bảo hiểm, ngân hàng kỹ thuật số và các doanh nghiệp tài chính vừa và nhỏ – là 3 phân khúc chưa có các công ty kinh doanh trong năm 2017.

Mặc dù có nhiều điểm sáng, mảng Fintech ở Việt Nam vẫn được đánh giá còn khá "thô sơ" khi so sánh với một số quốc gia láng giềng như Singapore. Các mảng kinh doanh quản lý tín dụng/chấm điểm tín dụng/dữ liệu hay gọi vốn cộng đồng vẫn có ít startup tham gia. Chưa kể, các startup Fintech trong nước vẫn đi theo mô hình B2C; trong khi đó, tại các quốc gia phát triển, mô hình startup Fintech B2B lại rất tiềm năng. Điển hình như việc các ngân hàng sẽ đối tác quan trọng thúc đẩy các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính phát triển thời gian tới.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA FINTECH TRONG TRIỂN KHAI TCTD TẠI VIỆT NAM

Fintech đang dần làm thay đổi cách con người giao tiếp với hệ thống tài chính truyền thống. Nhiều sản phẩm Fintech đã được ra đời và đã tạo ra sự hứng thú của người dùng, như: cách chi trả, cách gửi tiền, vay và cho vay tiền, cũng như đầu tư tiền của mình… với mỗi sản phẩm Fintech, hiện đã có những con kỳ lân khổng lồ, không thua kém các ngân hàng lớn trên thế giới.

Kỷ nguyên số hay Fintech đã mang đến một cơ hội tuyệt vời để củng cố thêm vào mục tiêu phát triển TCTD. Hay nói một cách khác, để phát triển TCTD, không thể thiếu được sự có mặt của Fintech, cầu nối của ngành tài chính. Fintech đang mang lại cả những cơ hội và thách thức đến với quá trình triển khai TCTD tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Cơ hội

Một là, hình thành kênh cung ứng dịch vụ tài chính số: Fintech tạo ra những mô hình kinh doanh mới làm thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ tài chính truyền thống, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng, như: Internet banking, Mobile banking, QR code, ngân hàng số, ví điện tử...

Hai là, thị trường và khách hàng mục tiêu lớn, nhất là thị trường nông thôn: Fintech tạo ra các giải pháp tài chính cho khách hàng ở vùng sâu, vùng xa hoặc những khách hàng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính do những rào cản về thủ tục hoặc địa lý.

Ba là, tạo xu hướng hợp tác cùng ngân hàng thương mại. Các công ty Fintech có lợi thế về công nghệ, ý tưởng sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức nhưng ít kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thương hiệu và uy tín chưa đủ lớn để có thể dễ dàng mở rộng thị trường một cách nhanh chóng, nhất là ở Việt Nam. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty Fintech, trong thời gian qua, chắc chắn là một thách thức đối với các ngân hàng truyền thống. Các ngân hàng có lịch sử và thương hiệu lâu năm, có mạng lưới hoạt động rộng lớn, lợi thế về lượng dữ liệu lớn của khách hàng, có đủ tài chính và kinh nghiệm hoạt động, nhưng ngân hàng luôn có một độ trễ nhất định về mặt công nghệ so với các công ty Fintech. Do đó, có những chiến lược của ngân hàng trong thời gian qua không thể hoàn thành, nếu thiếu công nghệ.

Bốn là, cơ sở hạ tầng tài chính đang hoàn thiện. Lĩnh vực Fintech ở Việt Nam hiện đang trong giai đoạn đầu phát triển ở dưới mức tiềm năng, do hệ sinh thái chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể (Chính phủ, tổ chức tài chính và các doanh nghiệp Fintech, quỹ đầu tư, hạ tầng tài chính - viễn thông...) và khuôn khổ pháp lý quản lý lĩnh vực Fintech chưa được đồng bộ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hoạt động Fintech tại Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh vượt bậc cả về mặt số lượng, sự đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ và thu hút vốn đầu tư.

Những thách thức

Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội phát triển Fintech trong triển khai TCTD tại Việt Nam vẫn còn không ít thách thức, như:

- Nhận thức về Fintech của người dân còn hạn chế, bị cạnh tranh bởi chính những đối thủ có tiềm năng, nền tảng lớn, như: các ngân hàng thương mại, thương mại điện tử, doanh nghiệp bưu chính viễn thông.

- Hành lang pháp lý còn thiếu, hạ tầng công nghệ vùng sâu vùng xa chưa được phát triển… cũng là một trong những rào cản với Fintech. Việc thiếu hành lang pháp lý khiến hoạt động của các Fintech gặp rất nhiều khó khăn, như: (i) Tâm lý khách hàng. Rất nhiều người dân lo ngại nếu xảy ra rủi ro mất tiền thì ai chịu trách nhiệm cho họ, lúc đó giải quyết theo quy định pháp lý nào? Điều này làm cho số lượng người tham gia cũng bị hạn chế hơn. Chưa khuyến khích được các dòng tiền nhàn rỗi trong dân đưa vào nền kinh tế; (ii) Nhiều tổ chức, cá nhân cả từ nước ngoài đã lợi dụng khoảng trống của pháp lý để tranh thủ lũng đoạn thị trường, họ trá hình dưới vỏ bọc P2P Lending để làm tín dụng đen phi pháp: cho vay nặng lãi và thực hiện khủng bố tinh thần người vay để đòi nợ… (iii) Các công ty trong nước đang gặp thiệt thòi trên chính sân nhà, do chưa có luật rõ ràng. Đơn cử như nhiều ứng dụng/công ty nước ngoài được xuất hiện trên App Store của Apple, còn các ứng dụng của Việt Nam lại bị Apple loại bỏ hoặc đã lên rồi bị gỡ bỏ với lý do ứng dụng của Việt Nam chưa được cấp phép.

- Fintech đang đối mặt với nhiều rủi ro về an toàn thông tin do phát triển nhanh, phát triển nóng, nên việc đảm bảo hạ tầng, vận hành và an toàn thông tin dễ bị bỏ ngỏ.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ VỀ FINTECH ĐỂ THÚC ĐẨY TCTD Ở VIỆT NAM

Ở Việt Nam hiện nay, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước năm 2020, 70% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng gần một nửa trong số đó không tiếp cận được với tín dụng. Vì thế, để thúc đẩy TCTD ở Việt Nam hiện nay, tác giả cho rằng, cần giải quyết các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, tạo hành lang pháp lý để Fintech phát triển an toàn, hiệu quả. Nhận thức được ý nghĩa và lợi ích của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam ở khía cạnh thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường cạnh tranh, cũng như nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động tiếp cận lĩnh vực này thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech vào tháng 03/2017 với mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái lành mạnh cho sự hình thành và phát triển của các công ty Fintech tại Việt Nam.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP, ngày 06/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng - Sandbox. Cùng với việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định trên, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng Nghị định, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản pháp luật có liên quan, trình Chính phủ trong quý IV/2021. Việc sớm ban hành Nghị định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, sẽ hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng dịch vụ Fintech chưa được cho phép chính thức.

Thứ hai, tăng cường, đẩy mạnh hợp tác giữa Fintech và ngân hàng để tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng. Việc hợp tác giữa Fintech và ngân hàng được coi là tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng cho người sử dụng tại Việt Nam. Vì thế mạnh của các công ty Fintech là công nghệ và ý tưởng mới đột phá, trong khi đó thế mạnh của các ngân hàng truyền thống là khả năng kiểm soát rủi ro đã được kiểm chứng và quy định chặt chẽ trong các thỏa thuận quốc tế. Vì vậy, một sự hợp tác giữa Fintech và ngân hàng truyền thống sẽ mang lại giá trị gia tăng to lớn cho khách hàng. Do đó, với trình độ phát triển hiện tại của Việt Nam, các nhà quản lý nên có chính sách khuyến khích sự hợp tác giữa các công ty Fintech và các ngân hàng thương mại để khai thác thế mạnh của các bên./.

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 149/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 phê duyệt Chiến lược TCTD quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

2. Nghiêm Thanh Sơn (2017). Định hướng và giải pháp thúc đẩy phổ cập tài chính tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, Kỷ yếu Hội thảo “Công nghệ số thúc đẩy TCTD tại Việt Nam”

3. Trần Lương Mộng Trinh (2021). Fintech - xu hướng phát triển tài chính hiện đại, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, số 4, tháng 2/2021

4. Trâm Anh (2021). Thông qua đề nghị xây dựng Nghị định Cơ chế thử nghiệm cho Fintech, truy cập từ https://ndh.vn/tai-chinh/thong-qua-de-nghi-xay-dung-nghi-dinh-co-che-thu-nghiem-cho-fintech-1299004.html

5. Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh (2018). Kỷ yếu hội thảo khoa học “Tương lai của Fintech và ngân hàng: Phát triển và đổi mới”, truy cập từ http://sob.ueh.edu.vn/thong-tin/ky-yeu-hoi-thao-khoa-hoc-tuong-lai-cua-Fintech-va-ngan-hang-phat-trien-va-doi-moi.html

6. TopDev (2020). Vietnam IT Landscape 2020 - Vận hội mới của ngành IT Việt Nam trước sóng đầu tư, truy cập từ https://topdev.vn/TopDev_VietnamITLandscape_2020.pdf

7. Fintechnews (2020). Vietnam Fintech Report 2020

Nguyễn Thị Kim Chung

Học viện Ngân hàng

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)