Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy các môn thực hành kế toán tại Khoa Kinh tế - Tài chính Trường Cao đẳng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh
ThS. Trần Thị Kiều Quyên
Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh
Email: ttkieuquyen@hitu.edu.vn
Tóm tắt
Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng và yêu cầu ngày càng cao từ thị trường lao động, việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn thực hành kế toán là vấn đề cấp thiết. Bài viết tập trung phân tích thực trạng chất lượng giảng dạy các môn thực hành kế toán tại Khoa Kinh tế - Tài chính, Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh, qua đó chỉ ra những hạn chế còn tồn tại. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Những giải pháp này kỳ vọng sẽ giúp sinh viên nâng cao năng lực nghề nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp, đồng thời góp phần khẳng định uy tín và chất lượng đào tạo của nhà trường.
Từ khóa: chất lượng giảng dạy, thực hành kế toán
Summary
In the context of deep economic integration and increasingly high demands from the labor market, improving the quality of teaching in practical accounting courses has become an urgent issue. The study analyzes the current state of practical accounting instruction at the Faculty of Economics and Finance, Ho Chi Minh City College of Industry and Trade, thereby identifying existing limitations. Based on the findings, the author proposes several practical solutions to enhance teaching quality. These solutions are expected to help students improve their professional skills, better meet the requirements of employers, and contribute to affirming the college’s reputation and training quality.
Keywords: Teaching quality, practical accounting
SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY CÁC MÔN THỰC HÀNH KẾ TOÁN
Kế toán vốn là ngành có tính ứng dụng cao, đòi hỏi người học không chỉ giỏi lý thuyết mà phải thành thạo kỹ năng thực tế như: ghi chép sổ sách, lập báo cáo tài chính, hạch toán nghiệp vụ kinh tế và vận dụng phần mềm chuyên dụng. Khi thiếu trải nghiệm thực tiễn, sinh viên sẽ lúng túng khi giải quyết công việc cụ thể. Do đó, quá trình thực hành chính là cơ hội để người học tích lũy kinh nghiệm, biến kiến thức thành năng lực hành nghề.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn thực hành kế toán giúp rèn luyện những phẩm chất nghề nghiệp thiết yếu như: tính cẩn trọng, chính xác và tinh thần trách nhiệm. Các tình huống mô phỏng như: xử lý hóa đơn, kiểm tra chứng từ, hay đối chiếu số liệu không chỉ nâng cao kỹ năng mà còn giúp sinh viên làm quen với áp lực công việc thực tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và xã hội.
Việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn thực hành kế toán mang lại nhiều lợi ích tích cực cho các đối tượng liên quan như:
Thứ nhất, lợi ích đối với người học: Sinh viên khi tốt nghiệp, được trang bị đầy đủ kiến thức về lý thuyết, thực hành, thực tế công việc, yêu cầu của doanh nghiệp, cùng những quy định của pháp luật về tài chính kế toán, thuế, công cụ phần mềm kế toán. Sinh viên có được sự vững vàng về kiến thức là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp lâu dài, đảm bảo chất lượng đào tạo, có được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Thứ hai, lợi ích đối với nhà trường - cơ sở đào tạo kế toán: Tạo sự đột phá trong đào tạo, gắn liền giữa đào tạo lý thuyết và thực hành, thực tế đảm bảo được chất lượng đào tạo theo tuyên bố chuẩn đầu ra của ngành kế toán, sẽ khẳng định được uy tín, thương hiệu của nhà trường.
Thứ ba, lợi ích đối với doanh nghiệp - người sử dụng lao động: Từ việc thay đổi cách tiếp cận với thực tế công tác kế toán cho sinh viên giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc lựa chọn nhân sự kế toán đáp ứng nhu cầu, giảm bớt chi phí đào tạo và hạn chế tình trạng “cầm tay chỉ việc”, đáp ứng mục đích của đơn vị là tuyển nhân sự vào làm việc chứ không phải tuyển nhân sự vào học việc.
TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập và nhu cầu thực tiễn từ thị trường lao động, việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn thực hành kế toán trong ngành kế toán ngày càng trở nên cấp thiết.
Theo Trịnh Xuân Hưng và Trần Nam Trung (2018), việc thiết kế phương pháp giảng dạy thực hành cần đảm bảo tính hệ thống, gắn với thực tiễn doanh nghiệp và có sự hỗ trợ của các phần mềm kế toán. Cách tiếp cận này giúp sinh viên dễ dàng nắm bắt quy trình kế toán thực tế, đồng thời hình thành tư duy xử lý nghiệp vụ. Trần Kim Chi (2017) nhấn mạnh vai trò của các kỹ năng mềm và kiến thức thực tế trong quá trình xin việc của sinh viên kế toán, từ đó đề xuất sinh viên nên được rèn luyện kỹ năng công nghệ và giao tiếp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Hoan (2021) chỉ ra rằng, cơ sở vật chất lạc hậu và thiếu đồng bộ là rào cản lớn trong việc tổ chức giảng dạy thực hành kế toán hiệu quả, đồng thời đề xuất việc tích hợp công nghệ số và xây dựng không gian học tập hiện đại để nâng cao hiệu quả đào tạo. Vũ Thị Diệp (2021) đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng đào tạo kế toán, bao gồm việc đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên công nghệ số.
Ngoài ra, các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng việc đào tạo kế toán hiện nay vẫn còn nặng về lý thuyết, thiếu sự liên kết với thực tiễn doanh nghiệp. Điều này dẫn đến sinh viên thiếu kỹ năng thực hành và khó thích nghi với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp để tổng hợp và chọn lọc các công trình nghiên cứu trước đây có liên quan đến đào tạo kế toán, đặc biệt là về giảng dạy thực hành trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số. Việc tổng hợp tài liệu giúp hình thành nền tảng lý thuyết ban đầu và chỉ ra các xu hướng đào tạo mới, cũng như các khoảng trống trong thực tế cần giải quyết.
Phương pháp điều tra mô tả kết hợp quan sát thực tiễn giảng dạy: Dữ liệu được thu thập chủ yếu từ kinh nghiệm thực tế của giảng viên trong khoa, thông qua hoạt động giảng dạy, thực tập nghề tại doanh nghiệp, và phản hồi từ sinh viên sau các học phần thực hành. Đây là nguồn dữ liệu có tính thực tiễn cao, phản ánh rõ ràng những ưu điểm và tồn tại trong phương pháp giảng dạy hiện tại.
Ngoài ra, phương pháp phân tích - tổng hợp và suy luận logic cũng được sử dụng nhằm đưa ra các nhóm giải pháp khả thi. Các giải pháp như: áp dụng bài tập tình huống, tăng giờ thực hành, sử dụng phần mềm kế toán, học nhóm có hướng dẫn và lấy người học làm trung tâm... được đề xuất dựa trên cả kinh nghiệm thực tiễn và cơ sở lý luận khoa học.
THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY CÁC MÔN THỰC HÀNH KẾ TOÁN TẠI KHOA KINH TẾ - TÀI CHÍNH TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG TP. HỒ CHÍ MINH
Hiện nay, Khoa Kinh tế - Tài chính đã sử dụng phương pháp giảng dạy kết hợp lý thuyết với thực hành trong hầu hết các môn học kế toán. Các nội dung thực hành được thực hiện trên trung tâm mô phỏng kế toán, dựa vào mô hình thực tế tại doanh nghiệp. Hàng năm, theo chủ trương của Nhà trường, 100% giảng viên của Khoa đã đăng ký kế hoạch thực tập tại doanh nghiệp để cập nhật, nâng cao kỹ năng thực hành. Tại đây, các giảng viên được tiếp cận với các bộ chứng từ, sổ sách kế toán thực tế và sử dụng các phần mềm kế toán khác nhau, qua đó góp phần giúp giảng viên nâng cao kiến thức thực tế vận dụng vào công tác giảng dạy.
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng Chương trình đào tạo ngành Kế toán, Nhà trường đã mời các doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến. Nhờ đó, khoa Kinh tế - Tài chính đã tiếp cận được nhiều thông tin, nắm bắt được yêu cầu của nhà tuyển dụng, từ đó kịp thời cải tiến, đổi mới chương trình, điều chỉnh phương pháp và hình thức đào tạo cho phù hợp với yêu cầu mà các doanh nghiệp đặt ra.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy các môn thực hành kế toán tại Khoa Kinh tế - Tài chính, điển hình như:
Một là, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy thực hành tại Khoa hiện vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng đầy đủ yêu cầu đào tạo theo hướng ứng dụng. Cụ thể, số lượng phòng máy hiện tại chưa tương xứng với quy mô đào tạo. Khoa chỉ có một phòng máy chuyên dụng và phải chia sẻ 15 phòng máy tính với các khoa khác trong trường. Điều này khiến cho lịch học thực hành bị dồn vào buổi tối do ban ngày cần ưu tiên cho ngành khác, gây khó khăn cho sinh viên trong việc sắp xếp thời gian, ảnh hưởng đến công việc làm thêm và cơ hội học kỹ năng mềm khác. Theo khảo sát, có đến 80% sinh viên phản ánh lịch học thực hành bất tiện và kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, thiết bị giảng dạy vẫn còn thiếu tính hiện đại và đồng bộ. Khoảng 30% máy tính đang sử dụng có cấu hình dưới chuẩn khiến tốc độ xử lý chậm, khó tương thích với các phần mềm chuyên ngành mới. Dù đã có 70% máy được nâng cấp, song vẫn chưa đảm bảo hiệu suất tối ưu cho toàn bộ lớp học thực hành
Hai là, chương trình đào tạo tuy đã dành hơn 60% thời lượng cho thực hành (theo chương trình khóa 2024), nhưng nội dung vẫn còn nặng về lý thuyết và thiếu tính ứng dụng thực tế. Phần lớn các bài thực hành chỉ mang tính chất minh họa, chưa khai thác sâu các tình huống phát sinh trong môi trường doanh nghiệp. Ngoài ra, chương trình còn thiếu các mô-đun kỹ năng nghề nghiệp thiết yếu như: giải trình số liệu với cơ quan thuế, cập nhật văn bản pháp luật mới… trong khi đây là những yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mức độ tích hợp công nghệ trong chương trình cũng còn hạn chế, khi chỉ khoảng 30% môn học ứng dụng phần mềm chuyên sâu như Power BI, SPSS hay các hệ thống mô phỏng ERP.
Ba là, năng lực của một số giảng viên còn hạn chế, đặc biệt ở khía cạnh kinh nghiệm thực tiễn và phương pháp giảng dạy. Theo khảo sát nội bộ, khoảng 30% giảng viên chưa từng làm việc tại các doanh nghiệp kế toán, khiến nội dung bài giảng dễ trở nên lý thuyết, thiếu sự liên hệ với các tình huống phát sinh thực tế trong công việc, làm giảm khả năng trang bị kỹ năng nghề cho sinh viên. Phương pháp giảng dạy vẫn còn mang tính thụ động; vẫn còn các tiết học thực hành được tổ chức theo mô hình “thầy làm mẫu - trò sao chép”, chưa tạo được môi trường học tập tương tác, hợp tác nhóm, hoặc xử lý tình huống đa chiều - những yếu tố quan trọng để phát triển tư duy thực hành và khả năng phản ứng linh hoạt trong nghề kế toán.
Bốn là, một số sinh viên vẫn còn thiếu chủ động trong quá trình học tập, đặc biệt là trong các môn thực hành. Thay vì xem đây là cơ hội để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, nhiều sinh viên có xu hướng học theo kiểu “đối phó”, chỉ thực hiện bài tập khi được yêu cầu, dẫn đến hiệu quả tiếp thu kiến thức không cao. Sinh viên còn hạn chế về kỹ năng mềm - những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong môi trường làm việc thực tế. Kỹ năng làm việc nhóm cũng còn yếu, thể hiện qua việc phân công công việc thiếu hợp lý và thiếu khả năng phối hợp khi xử lý tình huống trong các buổi học thực hành mô phỏng. Do đó, nhiều sinh viên mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm thực tế, cần thời gian tiếp cận và đào tạo thêm ở môi trường của doanh nghiệp.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY CÁC MÔN HỌC THỰC HÀNH KẾ TOÁN
Để khắc phục thực trạng, tồn tại nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học thực hành kế toán tại Khoa Kinh Tế trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh như sau:
Thứ nhất, chú trọng hiện đại hóa cơ sở vật chất một cách đồng bộ và hiệu quả: Cần nâng cấp, thay thế toàn bộ máy tính cũ trong phòng thực hành bằng thiết bị có cấu hình cao hơn, đảm bảo vận hành tốt các phần mềm chuyên ngành. Đồng thời, cần lắp đặt các phần mềm bản quyền đã được cập nhật mới nhất như MISA và Fast để sinh viên làm quen với môi trường làm việc thực tế. Bên cạnh đó, việc xây dựng thêm phòng mô phỏng doanh nghiệp, với hệ thống phần mềm mô phỏng ERP cùng camera giám sát, sẽ tạo điều kiện để sinh viên thực hành quy trình kế toán trọn vẹn, từ đó đánh giá và quản lý hiệu quả quá trình học tập.
Thứ hai, đổi mới chương trình đào tạo là một trong những giải pháp then chốt nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các môn thực hành kế toán tại Khoa. Việc tích hợp kỹ năng thực tế vào từng học phần không chỉ giúp sinh viên hiểu sâu hơn về kiến thức chuyên môn mà còn tăng khả năng thích ứng với môi trường làm việc sau khi ra trường. Cụ thể, chương trình cần bổ sung các học phần thực hành kế toán thiết yếu như thực hành khai báo thuế điện tử và Giải trình số liệu với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, phương pháp Case Study cũng cần được đẩy mạnh, thông qua việc khai thác tình huống thực tế từ các doanh nghiệp đối tác để xây dựng nội dung học tập sát với yêu cầu nghề nghiệp. Ngoài chương trình chính quy, Khoa cũng nên phát triển các khóa học ngắn hạn về kế toán doanh nghiệp, quản lý kho, kế toán sản xuất… tổ chức vào buổi tối hoặc cuối tuần. Đây sẽ là cơ hội tốt để sinh viên vừa học, vừa thực hành, vừa nâng cao năng lực chuyên môn trong thời gian ngắn.
Thứ ba, phát triển năng lực giảng viên cần được nhấn mạnh là yêu cầu cấp thiết. Giảng viên cần có thời gian tham gia thực tế tại doanh nghiệp để từ đó, giúp cập nhật kịp thời các quy trình nghiệp vụ và xu hướng mới trong ngành kế toán. Đồng thời, tăng cường mời chuyên gia từ doanh nghiệp, như kế toán trưởng hoặc giám đốc tài chính về trao đổi thêm cùng giảng viên và mời họ tham gia giảng dạy khoảng 30% số tiết học thực hành. Về phương pháp giảng dạy, cần áp dụng mô hình học tập tích cực như “Học lẫn nhau theo nhóm” để sinh viên hỗ trợ nhau trong quá trình thực hành. Hình thức học qua dự án (Project-based Learning) nên được lồng ghép với các yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp nhằm tăng tính ứng dụng và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.
Thứ tư, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa khoa và doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng. Việc ký hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp giúp khoa có thể gửi sinh viên đi thực tập hưởng lương, tạo điều kiện để sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tế ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, Khoa nên tổ chức các “Ngày hội việc làm” định kỳ nhằm tạo cầu nối giữa sinh viên năm cuối và doanh nghiệp. Đây là cơ hội để sinh viên tiếp cận trực tiếp với nhà tuyển dụng, hiểu rõ yêu cầu công việc và mở rộng mạng lưới quan hệ nghề nghiệp. Khoa cũng cần xây dựng hệ thống dữ liệu thực hành dựa trên chứng từ, số liệu thực tế từ các doanh nghiệp đối tác. Việc sử dụng dữ liệu thực tế trong các bài tập và đề thi giúp sinh viên làm quen với quy trình và tình huống thực tế, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
KẾT LUẬN
Việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn thực hành kế toán tại Khoa Kinh tế - Tài chính, Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh là nhiệm vụ cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và sự phát triển kinh tế hiện nay. Qua phân tích thực trạng có thể thấy rằng, bên cạnh những nỗ lực đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, năng lực giảng viên và sự chủ động của sinh viên. Do đó, việc hiện đại hóa trang thiết bị, đổi mới chương trình học, nâng cao trình độ giảng viên, cùng tăng cường hợp tác với doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên phát triển toàn diện kỹ năng thực hành, nâng cao năng lực nghề nghiệp và khả năng thích ứng với môi trường làm việc thực tế. Đây chính là bước nền tảng để đào tạo nguồn nhân lực kế toán chất lượng cao, góp phần phát triển bền vững ngành kế toán trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thi Hoan, (2021). Giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo kế toán trong bối cảnh chuyển đổi số, Tạp chí Giáo dục, 522, 28-30.
2. Trần Kim Chi, (2017). Phát triển kỹ năng mềm và ứng dụng công nghệ trong đào tạo kế toán, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, 12, 45-47.
3. Trịnh Xuân Hưng và Trần Nam Trung, (2018). Đổi mới phương pháp giảng dạy thực hành kế toán gắn với thực tiễn doanh nghiệp, Tạp chí Tài chính, 5, 31-34.
4. Vũ Thị Diệp, (2021). Nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán trong kỷ nguyên số, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, 7, 15-17.
Ngày nhận bài: 24/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 06/6/2025; Ngày duyệt đăng: 09/6/2025. |
Bình luận