ThS. Nguyễn Thị Hiền

Khoa Lý luận chính trị và pháp luật - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Tóm tắt

Bài viết đề cập đến quá trình chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ số nhằm nâng cao năng suất, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và gia tăng giá trị sản phẩm nông sản. Đồng thời, phân tích các thách thức đang cản trở quá trình này, từ hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, trình độ ứng dụng công nghệ còn hạn chế đến những yêu cầu mới từ thị trường quốc tế. Cuối cùng, các giải pháp như đầu tư vào công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan được đề xuất để hướng tới một nền nông nghiệp số hiện đại và bền vững.

Từ khóa: nông nghiệp, chuyển đổi số, công nghệ cao

Summary

The article discusses the digital transformation process in Vietnam's agricultural sector, emphasizing the importance of applying digital technology to improve productivity, optimize the supply chain, and increase the value of agricultural products. At the same time, it analyzes the challenges hindering this process, from unsynchronized technology infrastructure, and limited technology application level to new requirements from the international market. Finally, the article proposes solutions such as investing in technology, training human resources, and promoting stakeholders' cooperation to move towards a modern and sustainable digital agriculture.

Keywords: agriculture, digital transformation, high technology

ĐẶT VẤN ĐỀ

Chuyển đổi số đang trở thành một xu hướng tất yếu trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, và ngành nông nghiệp Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy này. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, việc áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp nâng cao hiệu quả canh tác, mà còn góp phần tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình này tại Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản, từ hạn chế về hạ tầng công nghệ, mức độ sẵn sàng của người nông dân, cho đến những thách thức về thị trường và chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, sự biến đổi khí hậu, nhu cầu tiêu dùng ngày càng khắt khe và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang đặt ra yêu cầu cấp bách về một nền nông nghiệp thông minh, bền vững. Để vượt qua những thách thức này, Việt Nam cần có một chiến lược chuyển đổi số đồng bộ, kết hợp giữa đầu tư công nghệ, nâng cao nhận thức cho người nông dân và sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước. Việc triển khai chuyển đổi số không chỉ là một lựa chọn, mà đã trở thành một yêu cầu tất yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp trong tương lai.

LỢI ÍCH CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NÔNG NGHIỆP

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam, từ tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, giảm chi phí đến tăng cường khả năng kết nối thị trường. Việc ứng dụng công nghệ số giúp giám sát và điều khiển quy trình sản xuất một cách chính xác hơn, từ đó cải thiện năng suất và giảm thiểu thất thoát trong quá trình canh tác. Cụ thể, các công nghệ như: internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) đang được ứng dụng vào nông nghiệp để theo dõi điều kiện thời tiết, phân tích sức khỏe cây trồng và dự báo sản lượng. Nhờ đó, người nông dân có thể chủ động điều chỉnh kỹ thuật canh tác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước và phân bón, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số còn giúp nâng cao chuỗi cung ứng và tiêu thụ nông sản thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Nông dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, rút ngắn khoảng cách giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời gia tăng giá trị sản phẩm nhờ vào khả năng truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin. Ngoài ra, các công cụ số còn giúp cải thiện công tác quản lý nông trại, tối ưu hóa phân bổ nhân lực, tài nguyên và tài chính, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những lợi ích của chuyển đổi số, Việt Nam cần khắc phục những rào cản hiện tại, để thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp Việt Nam

THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH NÔNG NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

Kết quả đạt được

Trong những năm gần đây, chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến nhất định, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Đến năm 2022, cả nước có 34 khu nông nghiệp công nghệ cao được quy hoạch tại 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, có 6 khu nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn với diện tích trên 400 ha tại: TP. Hà Nội và các tỉnh, như: Thanh Hóa, Phú Yên, Hậu Giang, Bình Dương. Nhiều địa phương khác cũng đang thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp công nghệ cao. Đến hết năm 2022, cả nước có 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được các địa phương công nhận; có 51 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Các tiến bộ về khoa học - công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản giảm đáng kể, trong đó tổn thất của lúa gạo đã giảm xuống dưới 10% (Song Hà, 2022).

Việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở các doanh nghiệp quy mô lớn và hợp tác xã có năng lực tài chính mạnh. Một số công nghệ tiên tiến đang được áp dụng bao gồm Internet vạn vật (IoT) trong giám sát môi trường canh tác, trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu nông nghiệp và Blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo thống kê của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam trong Báo cáo "Ứng dụng công nghệ số trong chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam" năm 2024, khoảng 10% doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã áp dụng Blockchain để quản lý và theo dõi chuỗi cung ứng. Công nghệ này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đặc biệt là khi thị trường quốc tế ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao về xuất xứ và chất lượng sản phẩm.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, khoảng 30% doanh nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam đã ứng dụng một hoặc nhiều công nghệ số vào sản xuất, nhưng con số này vẫn còn khá thấp so với mục tiêu 50% vào năm 2025. Báo cáo Chỉ số chuyển đổi số quốc gia năm 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, ngành nông nghiệp xếp hạng trung bình trong các lĩnh vực về mức độ ứng dụng công nghệ số. Mặc dù nhiều mô hình nông nghiệp thông minh đã được triển khai, nhưng tỷ lệ áp dụng vẫn còn thấp, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp lớn, hợp tác xã tiên tiến và vùng sản xuất chuyên canh.

Một xu hướng nổi bật khác trong chuyển đổi số nông nghiệp là ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) và hệ thống quản lý trang trại thông minh (Smart Farming). Các công cụ này giúp nâng cao hiệu suất sản xuất, giảm chi phí nhân công và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên. Tuy nhiên, theo Báo cáo "Đánh giá thực trạng và xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam" của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, năm 2023, chỉ 15% hợp tác xã và trang trại có sử dụng hệ thống quản lý sản xuất số hóa, trong khi phần lớn vẫn dựa vào phương thức truyền thống. Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng số cho người lao động trong ngành. Theo thống kê của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam trong Báo cáo "Ứng dụng công nghệ số trong chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam" năm 2024, khoảng 10% doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã áp dụng Blockchain để quản lý và theo dõi chuỗi cung ứng. Công nghệ này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đặc biệt là khi thị trường quốc tế ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao về xuất xứ và chất lượng sản phẩm.

Thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2023 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, doanh thu bán hàng nông sản trực tuyến tăng 25% so với năm 2022, đạt mức 3,5 tỷ USD. Các sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử là trái cây, thực phẩm chế biến và nông sản có thương hiệu. Tuy nhiên, phần lớn giao dịch vẫn tập trung vào các sản phẩm có thương hiệu lớn, trong khi nông dân nhỏ lẻ gặp khó khăn trong tiếp cận nền tảng số do thiếu kiến thức và kỹ năng kinh doanh trực tuyến.

Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", ngành nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên. Trong năm 2023 và 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các địa phương để triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ mới, trong đó có các lớp đào tạo về kỹ thuật số cho hơn 50.000 nông dân và chủ trang trại trên cả nước (Bình Minh, 2024). Điều này giúp nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy quá trình áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Một số mô hình chuyển đổi số điển hình đã gặt hái được thành công tại Việt Nam. Chẳng hạn, mô hình canh tác thông minh của Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam đã ứng dụng IoT và AI vào chăn nuôi, giúp giảm 20% chi phí thức ăn và tăng 15% năng suất. Tương tự, hệ thống giám sát thời tiết tự động được triển khai tại tỉnh Đồng Tháp đã giúp nông dân điều chỉnh phương thức tưới tiêu phù hợp, tiết kiệm đến 30% lượng nước sử dụng (Thế Anh, 2024). Những thành công này cho thấy tiềm năng to lớn của chuyển đổi số trong việc cải thiện hiệu quả sản xuất và gia tăng lợi nhuận cho nông dân.

Bên cạnh các doanh nghiệp và chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và viện nghiên cứu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp. Một số dự án hợp tác quốc tế, như: Chương trình Hợp tác Nông nghiệp Việt Nam – Hà Lan, đã hỗ trợ nông dân Việt Nam tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, đồng thời hướng dẫn họ cách ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Theo Báo cáo của FAO năm 2023, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, nhờ vào sự kết hợp giữa chính sách hỗ trợ và các chương trình đào tạo hiệu quả.

Tóm lại, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Mặc dù còn nhiều thách thức cần vượt qua, nhưng với sự hỗ trợ của chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan, quá trình này đang diễn ra với những bước tiến vững chắc. Việc ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, mà còn giúp ngành nông nghiệp Việt Nam thích nghi tốt hơn với các yêu cầu của thị trường toàn cầu, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, thông minh và bền vững.

Rào cản trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản lớn, từ hạ tầng công nghệ, nhận thức của người dân đến chính sách hỗ trợ và khả năng tiếp cận tài chính. Những thách thức này đòi hỏi sự quan tâm và giải pháp từ nhiều phía để đảm bảo quá trình số hóa được triển khai hiệu quả và bền vững.

Một trong những rào cản lớn nhất là hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2023 trong báo cáo “Tổng kết công tác năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024”, chỉ khoảng 60% vùng nông thôn Việt Nam có kết nối Internet ổn định, gây khó khăn cho việc áp dụng các nền tảng số vào sản xuất và kinh doanh nông sản. Ngoài ra, mạng lưới cảm biến, thiết bị IoT phục vụ giám sát môi trường canh tác vẫn còn hạn chế do chi phí cao và thiếu sự đầu tư đồng bộ từ các địa phương.

Bên cạnh đó, trình độ ứng dụng công nghệ của nông dân vẫn còn thấp. Theo Báo cáo "Đánh giá thực trạng và xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam" của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn năm 2023, chỉ có khoảng 20% nông dân được đào tạo về công nghệ số, trong khi phần lớn vẫn quen với phương thức sản xuất truyền thống. Điều này khiến việc triển khai các giải pháp công nghệ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ không có điều kiện tiếp cận thông tin và công nghệ hiện đại.

Khả năng tiếp cận tài chính cũng là một trở ngại lớn. Đầu tư vào công nghệ số đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn để triển khai các mô hình sản xuất thông minh. Theo Báo cáo "Ứng dụng công nghệ số trong chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam" của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam năm 2024, hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và hợp tác xã nông nghiệp gặp trở ngại về tài chính khi muốn áp dụng công nghệ số, do chi phí đầu tư cao và khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình hỗ trợ, nhưng việc triển khai ở các địa phương còn chậm, dẫn đến tình trạng thiếu định hướng rõ ràng cho nông dân và doanh nghiệp. Thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký mô hình sản xuất số hóa, truy xuất nguồn gốc điện tử và thương mại điện tử vẫn còn phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn tiếp cận các công cụ số hóa.

Một thách thức khác là thị trường tiêu thụ chưa thực sự sẵn sàng để đón nhận nông sản số hóa. Mặc dù thương mại điện tử đang phát triển mạnh, nhưng theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2023 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, chỉ khoảng 30% nông dân và hợp tác xã sử dụng các nền tảng trực tuyến để bán sản phẩm. Điều này cho thấy sự thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng kinh doanh số vẫn là rào cản lớn, khiến nhiều nông dân chưa thể tận dụng tối đa lợi ích từ công nghệ.

Tóm lại, để chuyển đổi số thành công trong ngành nông nghiệp, cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn vào hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể và đồng bộ hơn từ Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình số hóa. Nếu các rào cản này được giải quyết, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ, nâng cao năng suất và gia tăng giá trị cho nông sản trong tương lai.

GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH NÔNG NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, cần có những giải pháp tổng thể và đồng bộ từ chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và chính bản thân người nông dân. Những giải pháp này không chỉ giúp ngành nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng mà còn giúp nông sản Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trước hết, đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ là yếu tố then chốt. Chính phủ và các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết nối Internet ổn định, đặc biệt ở khu vực nông thôn – nơi còn nhiều hạn chế về hạ tầng kỹ thuật số. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2024, mục tiêu đặt ra là đạt tỷ lệ phủ sóng Internet 100% tại các xã trên cả nước, giúp nông dân có điều kiện tiếp cận công nghệ mới. Bên cạnh đó, việc phát triển các hệ thống cảm biến, thiết bị IoT trong canh tác cần được ưu tiên, tạo nền tảng cho ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất.

Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng giúp nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ số của nông dân. Các địa phương cần xây dựng các chương trình đào tạo bài bản, dễ tiếp cận, lồng ghép các nội dung về ứng dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý trang trại thông minh và thương mại điện tử.

Thứ ba, tăng cường chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Theo Báo cáo "Ứng dụng công nghệ số trong chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam" của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam năm 2024, hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và hợp tác xã gặp khó khăn về vốn khi muốn đầu tư công nghệ. Vì vậy, cần có các gói tín dụng ưu đãi, quỹ hỗ trợ đầu tư vào công nghệ nông nghiệp, giúp doanh nghiệp và nông dân có đủ nguồn lực để áp dụng chuyển đổi số.

Thứ tư, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức nông nghiệp. Việc kết nối các tập đoàn công nghệ lớn với hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp sẽ giúp đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ vào thực tế sản xuất. Các mô hình hợp tác như liên kết giữa doanh nghiệp viễn thông với hợp tác xã trồng trọt để triển khai hệ thống giám sát nông nghiệp thông minh, hay hợp tác giữa công ty phần mềm với trang trại chăn nuôi để áp dụng AI vào quản lý dịch bệnh, sẽ giúp cải thiện hiệu quả sản xuất và kinh doanh.

Cuối cùng, cần xây dựng một hệ thống chính sách đồng bộ và minh bạch để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số. Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý về dữ liệu nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc điện tử, thương mại điện tử nông sản và bảo vệ quyền lợi của nông dân trong môi trường số. Đồng thời, các chương trình khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cũng cần được mở rộng nhằm tạo ra động lực phát triển bền vững./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2023), Báo cáo Chỉ số chuyển đổi số quốc gia năm 2023.

2. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương (2023), Báo cáo “Thương mại điện tử Việt Nam 2023”.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông (2023), Báo cáo tổng kết công tác năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

4. Bình Minh (2024), Người nông dân là trung tâm, động lực số hóa trong nông nghiệp, hơn 2 triệu hộ được đào tạo kỹ năng số, truy cập từ https://danviet.vn/nguoi-nong-dan-la-trung-tam-dong-luc-so-hoa-trong-nong-nghiep-hon-2-trieu-ho-duoc-dao-tao-ky-nang-so-2024051414542241.htm.

5. Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (2024), Báo cáo "Ứng dụng công nghệ số trong chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam".

6. Phan Thị Huê (2023), Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam: Khó khăn và triển vọng, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 26, tháng 9/2023.

7. Song Hà (2022), Việt Nam phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững, truy cập từ http://quocphongthudo.vn/kinh-te/xay-dung-nong-thon-moi/viet-nam-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-ben-vung.html.

8. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 575/QĐ-TTg, ngày 04/05/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

9. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

10. Thế Anh (2024), Nông nghiệp BAF hợp tác với Muyuan Foods ứng dụng công nghệ AI vào chăn nuôi, truy cập từ https://www.congluan.vn/nong-nghiep-baf-hop-tac-voi-muyuan-foods-ung-dung-cong-nghe-ai-vao-chan-nuoi-post312555.html.

11. Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (2023), Báo cáo "Đánh giá thực trạng và xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam".

Ngày nhận bài: 20/01/2025; Ngày phản biện: 30/1/2025; Ngày duyệt đăng: 28/2/2025