Hoàn thiện quy trình thẩm định tín dụng dự án vay vốn đầu tư của nhà nước
Nguyễn Thị Việt Hà
Khoa Quản trị Kinh doanh - Học viện Ngân hàng
Email: hantv@hvnh.edu.vn
Vũ Hương Trang
Khoa Quản trị Kinh doanh - Học viện Ngân hàng
Email: 24a4030144@hvnh.edu.vn
Tóm tắt
Quy trình thẩm định đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá và quản lý rủi ro tín dụng của các ngân hàng. Bài viết này tập trung vào việc hoàn thiện quy trình thẩm định dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, nghiên cứu cụ thể tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Bài viết phân tích thực trạng quy trình thẩm định hiện tại, bao gồm: các bước thực hiện, nội dung thẩm định và những kết quả đạt được cũng như hạn chế còn tồn tại; từ đó đề xuất các khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác thẩm định
Từ khoá: quy trình, tín dụng, thẩm định, vay vốn
Summary
The appraisal process is crucial in assessing and managing banks' credit risks. This article focuses on improving the appraisal process for State investment credit loan projects, notably studying the Vietnam Development Bank (VDB). The article analyzes the current situation of the appraisal process, including implementation steps, appraisal content, and achieved results as well as existing limitations; thereby proposing recommendations to improve the effectiveness of appraisal work.
Keywords: process, credit, appraisal, loan
GIỚI THIỆU
Vấn đề rủi ro khi cho vay ở các ngân hàng luôn là chủ đề nóng thu hút nhiều sự quan tâm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng phải kể đến 2 nguyên nhân chính: (i) Việc các cấp quản lý cùng thông đồng với các nhân viên hoặc các đối tượng bên ngoài để tham gia chiếm đoạt tài sản, cho vay bất hợp pháp, làm giả chứng từ để giải ngân vốn không có mục đích rõ ràng… nhằm mục đích chiếm dụng số vốn, tài sản đó dùng cho mục đích cá nhân; (ii) Khách hàng vay vốn có những hành vi lừa đảo tinh vi, trình nộp các giấy tờ, báo cáo tài chính thiếu minh bạch, thông tin về doanh nghiệp cố ý bị bóp méo và đệ trình các phương án kinh doanh bất khả thi và không chính xác để vay vốn ngân hàng. Những điều này khiến ngân hàng có nguy cơ không thể thu hồi được vốn, làm cho tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Từ đó, vấn đề đặt ra là các ngân hàng đó cần xem xét lại về công việc kiểm tra, kiểm soát và có những quy trình thẩm định cụ thể và hiệu quả để giúp các cán bộ tín dụng (CBTD) trong ngân hàng thực hiện tốt các nghiệp vụ rà soát các điều kiện cụ thể của khách hàng trước khi ra quyết định giải ngân.
Cùng với sự đổi mới của nền kinh tế theo định hướng kinh tế thị trường, tín dụng đầu tư của Nhà nước đã trải qua những giai đoạn phát triển nhất định. Trong thực tiễn triển khai, sau khi được tách bạch dần khỏi các ngân hàng và tập trung tại Quỹ Hỗ trợ phát triển và nay là Ngân hàng Phát triển Việt Nam, hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước đã phát huy vai trò quan trọng, góp phần khai thác các nguồn vốn trong xã hội, để đầu tư các dự án phát triển thuộc các ngành, các vùng, các sản phẩm trọng điểm, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác những tiềm năng to lớn của đất nước cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước còn chưa cao, đòi hỏi phải triển khai những giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước, phục vụ đắc lực hơn mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước. Để làm tốt việc này, công tác thẩm định cho vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, mà điểm mấu chốt là hoàn thiện thật tốt quy trình thẩm định là khâu then chốt và quyết định sự thành công.
Do đó, bài viết tiến hành đánh giá quy trình thẩm định cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp để hoàn thiện quy trình, khắc phục những mặt còn hạn chế để giúp hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam hiệu quả hơn.
TỔNG QUAN VỀ THẨM ĐỊNH DỰ ÁN VAY VỐN TÍN DỤNG NGÂN HÀNG
Vay vốn tín dụng ngân hàng
Tín dụng ngân hàng là việc ngân hàng thỏa thuận để khách hàng sử dụng một tài sản (bằng tiền, tài sản thực hay uy tín) với nguyên tắc hoàn trả bằng các nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác (Luật Các tổ chức tín dụng, 2024). Cho vay là hình thức cấp tín dụng thông qua việc tổ chức tín dụng giao, hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định, trong một thời gian nhất định, theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận cho tổ chức tín dụng (Thông tư số 12/2024/TT-NHNN, 2024).
Nguyên tắc cho vay
Để hoạt động cho vay được đảm bảo an toàn, phù hợp giữa lợi ích của bên cho vay và bên vay, hoạt động cho vay của các ngân hàng thường dựa trên những nguyên tắc nhất định và các nguyên tắc này ảnh hưởng đến việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động cho vay. Các nguyên tắc đó là: (i) Nguyên tắc hoàn trả: Khoản tín dụng phải được thanh toán nguyên gốc sau khi sử dụng để ngân hàng đảm bảo ở mức vốn tối thiểu nhất để có thể duy trì hoạt động; (ii) Nguyên tắc thời hạn: Khoản tín dụng phải được hoàn trả đúng vào thời điểm đã được 2 bên xác định cụ thể và được ghi nhận trong thỏa thuận vay vốn giữa khách hàng và ngân hàng; (iii) Nguyên tắc trả lãi: Ngoài việc thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc khách còn phải có trách nhiệm thanh toán khoản lãi tính bằng tỷ lệ % trên số tiền vay, được gọi là giá mua trên quyền sử dụng vốn; (iv) Nguyên tắc sử dụng vốn đúng mục đích: Tất cả các khoản tín dụng được sử dụng đúng như trong hồ sơ vay vốn.
Điều kiện cho vay
Theo quy định chung các điều kiện vay vốn, khách hàng cần có bao gồm: (i) Có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự, giấy phép đăng ký kinh doanh ngành nghề cụ thể và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật; (ii) Có mục đích vay vốn hợp pháp; (iii) Có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết; (iv) Có phương án sản xuất kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả; (v) Thực hiện các quy định về đảm bảo tiền vay theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước. Tuy vậy, các điều kiện vay vốn này chỉ hướng dẫn chung cần thiết cho các ngân hàng. Khi cụ thể hóa các điều kiện cho vay này, các ngân hàng có thể cụ thể hóa và đặt ra các điều kiện riêng của mình.
Thẩm định cho vay vốn tín dụng ngân hàng
Theo Nguyễn Minh Kiều (2008), thẩm định cho vay là quá trình ngân hàng hoặc tổ chức thẩm định giá tiến hành kiểm tra, cũng như xem xét, phân tích tài sản thuế chấp như sổ đỏ, sổ hồng, sổ tiết kiệm… nhằm xác định hạn mức cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp. Thẩm định cho vay là để ra quyết định cho vay. Do vậy, để giúp CBTD và cán bộ ngân hàng có thể mạnh dạn tránh sai lầm trong quyết định cho vay, thẩm định cho vay cần đạt các mục tiêu: (i) Đánh giá được mức độ tin cậy của phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư mà khách hàng đã lập và nộp cho ngân hàng khi làm thủ tục cho vay vốn; (ii) Phân tích và đánh giá được mức độ rủi ro của phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư khi quyết định cho vay; (iii) Giảm xác suất của sai lầm khi cho vay phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư tồi và từ chối cho vay phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư tốt.
Quy trình thẩm định
Các ngân hàng đều có quy trình thẩm định cho vay của riêng mình về các nội dung thẩm định, tuy nhiên nhìn chung, các ngân hàng đều thực hiện theo quy trình cơ bản sau:
Bước 1: Tiếp xúc và hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ vay vốn.
Bước 2: Thẩm định các nội dung hồ sơ vay vốn.
Bước 3: Đưa ra phương án đề xuất và lập báo cáo.
Bước 4: Trình phê duyệt.
Nội dung thẩm định cho vay
Một số tiêu chuẩn thường được áp dụng trong công tác thẩm định, như: tiêu chuẩn 5C (Character; Capacity; Capital; Collateral; Conditions) hay tiêu chuẩn 5P (Purpose; Payment; Protection; Policy; Pricing). Các nội dung thẩm định cho vay cụ thể như sau:
Thẩm định cơ sở pháp lý của khách hàng: Thẩm định cơ sở pháp lý là việc thu thập, phân tích những thông tin liên quan đến điều kiện pháp lý của khách hàng để làm cơ sở ra quyết định cấp tín dụng. Đây là một phần của công việc thẩm định giúp CBTD chọn lọc những khách hàng đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự, tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết những tranh chấp xảy ra trong quá trình vay vốn.
Thẩm định tư cách của khách hàng: Thẩm định tư cách của khách hàng là việc xem xét, đánh giá năng lực, trí tuệ, uy tín và đạo đức của người đi vay. Đánh giá này của CBTD có thể chủ quan, nhưng trong nhiều trường hợp, đối với nhiều ngân hàng, đây là yếu tố quyết định liệu một khoản vay nhỏ có được phê duyệt hay không.
Thẩm định tình hình tài chính của khách hàng: Thẩm định tình hình tài chính của khách hàng là việc đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để làm cơ sở ra quyết định cho vay. Dựa vào thông tin khách hàng cung cấp và những nguồn thông tin khác, CBTD đánh giá khả năng tài chính hiện tại cũng như khả năng trả nợ trong tương lai của khách hàng.
Thẩm định tài sản đảm bảo của khách hàng: Thẩm định tài sản đảm bảo là công tác định giá, đánh giá tài sản được dùng để bảo đảm khoản vay cho khách hàng. Để đảm bảo tiền vay thực sự hiệu quả đòi hỏi: (i) Giá trị bảo đảm phải lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm; (ii) Tài sản dùng làm bảo đảm nợ vay phải tạo ra được ngân lưu (phải có giá trị và có thị trường tiêu thụ); (iii) Có đầy đủ cơ sở pháp lý để người cho vay có quyền xử lý tài sản dùng làm bảo đảm tiền vay.
THỰC TRẠNG QUY TRÌNH THỰC HIỆN THẨM ĐỊNH TÍN DỤNG VAY VỐN DỰ ÁN ĐẦU TƯ CỦA NHÀ NƯỚC TẠI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
Cho vay tín dụng đầu tư ở Việt Nam thuộc chức năng của một số tổ chức tín dụng như: Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ phát triển nay được tổ chức lại thành Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB). Từ năm 2000 đến nay, khi tín dụng chính sách bắt đầu được tách bạch khỏi tín dụng thương mại thì Ngân hàng chính sách và Quỹ Hỗ trợ phát triển (nay là VDB) là tổ chức trung tâm thực hiện nhiệm vụ này, các ngân hàng còn lại chỉ thực hiện hoạt động tín dụng thương mại.
Quy trình thẩm định dự án đầu tư vay vốn tín dụng đầu tư tại VDB được thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ, thống nhất. Các quy định về thẩm định được quy định rõ ràng tại Công văn số 268/QLRR-NHPT ngày 21/02/2024 của VDB về hướng dẫn công tác thẩm định cho vay vốn tín dụng đầu tư (TDĐT) và Quyết định số 26/QĐ-NHPT ngày 07/02/2024 của VDB về ban hành Quy trình, hướng dẫn Quy chế về cho vay TDĐT đảm bảo công tác thẩm định thực hiện hiệu quả, kịp thời.
Hình: Quy trình thẩm định
![]() |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả |
Việc triển khai tín dụng được tiến hành lại từ cuối năm 2023, khi cơ chế cho vay mới được Chính phủ phê duyệt (Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, ngày 07/11/2023). Số dự án đã tiếp nhận đủ để thẩm định năm 2024 là 27 dự án, trong đó: 2 dự án nhóm A với tổng số vốn vay đề nghị là 5.500 tỷ đồng và 25 dự án nhóm B, C với tổng số vốn đề nghị vay gần 6.590 tỷ đồng. Việc triển khai ở các khâu đều rất thuận lợi và đúng quy định, cụ thể như sau:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ vay vốn. VDB đã tiếp nhận hồ sơ và nhu cầu vay vốn của 55 doanh nghiệp, trong đó: (i) 28 doanh nghiệp đã tiếp cận nhưng sau đó không có nhu cầu vay vốn hoặc đã tiếp cận và vay được vốn tại ngân hàng thương mại nên đã từ chối bổ sung thêm hồ sơ theo quy định; (ii) 27 doanh nghiệp đã chấp thuận các điều kiện vay vốn và hoàn tất hồ sơ vay vốn gửi VDB thẩm định theo quy trình.
Bước 2: Kiểm tra hồ sơ. CBTD đã thực hiện rà soát và đã phải có ý kiến yêu cầu 100% các doanh nghiệp (27 doanh nghiệp) phải bổ sung hồ sơ dự án theo quy định của VDB; trong đó, 17 doanh nghiệp đã phải bổ sung hồ sơ vay vốn đến lần thứ 2.
Bước 3: Nhận hồ sơ để thẩm định. Toàn bộ 27 hồ sơ dự án đã được tiếp nhận đầy đủ theo hướng dẫn trong quy trình thẩm định và được chuyển đến các đơn vị chủ trì thẩm định để tiến hành các bước tiếp theo.
Bước 4: Thẩm định. Việc thẩm định hồ sơ vay vốn được thực hiện đúng quy trình và thời gian quy định.
- Ban Quản lý rủi ro chủ trì thẩm định đối với 2 dự án nhóm A và tham gia thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay 25 dự án nhóm B, C với Ban Tín dụng 1.
- Ban Tín dụng 1 chủ trì thẩm định đối với 25 dự án nhóm B, C và tham gia thẩm định dự án nhóm A về các nội dung: hồ sơ dự án, năng lực tài chính và sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư; nguồn vốn tham gia đầu tư dự án, phương án trả nợ vốn vay, mức vốn cho vay; sản bảo đảm tiền vay đối với 02 dự án nhóm A với Ban quản lý rủi ro.
- Ban Pháp chế đã rà soát và có ý kiến để VDB ký được Hợp đồng tín dụng với 18 dự án vay vốn, 9 dự án còn lại do còn một số vướng mắc, doanh nghiệp chưa đảm bảo đủ các điều kiện và chưa bổ sung đủ hồ sơ sau khi VDB có ý kiến nên chưa được ký Hợp đồng tín dụng
- Ban Kế hoạch - Nguồn vốn đã rà soát, cân đối nguồn vốn để đảm bảo đủ nguồn vốn để giải ngân cho các dự án khi có yêu cầu.
Quá trình triển khai và phối hợp giữa các đơn vị rất thuận lợi và không có nhiều khó khăn vướng mắc.
Bước 5: Lập báo cáo thẩm định. Trên cơ sở nội dung đã thẩm định, CBTD lập báo cáo thẩm định theo các mục đã quy định. Trong quá trình triển khai không có khó khăn, vướng mắc gì; thời gian thực hiện đều ngắn hơn so với quy định.
Bước 6: Lưu lại hồ sơ và kết quả thẩm định. Toàn bộ hồ sơ và báo cáo thẩm định đã được các đơn vị lưu lại theo đúng quy định, trong đó 18 hồ sơ đã đảm bảo đủ điều kiện vay vốn được đơn vị chủ trì báo cáo Tổng Giám đốc VDB thẩm duyệt theo quy định; 9 hồ sơ dự án còn lại đều được Trưởng các đơn vị chủ trì thẩm định ký văn bản gửi doanh nghiệp về các nội dung cần bổ sung, chỉnh sửa, các nội dung này đều rất cụ thể và chi tiết trong báo cáo thẩm định của đơn vị chủ trì lập ở bước trên.
Bước 7: Ra quyết định cho vay. Toàn bộ 18 hồ sơ được các đơn vị chủ trì báo cáo đã được Tổng Giám đốc VDB thẩm duyệt và quyết định cho vay, đã được thông báo cho doanh nghiệp và đã ký Hợp đồng tín dụng. Trong năm đã có 10 dự án có khối lượng hoàn thành và được VDB giải ngân số vốn 2.440 tỷ đồng. Các dự án còn lại sẽ được giải ngân trong các năm tiếp theo.
ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG THỰC HIỆN THẨM ĐỊNH TÍN DỤNG VAY VỐN DỰ ÁN ĐẦU TƯ CỦA NHÀ NƯỚC TẠI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
Kết quả đạt được
Cùng với nỗ lực của toàn hệ thống và sự am hiểu nghiệp vụ của cán bộ VDB, qua quá trình triển khai nghiệp vụ, theo đánh giá quy trình thẩm định cho vay vốn TDĐT tại VDB đã đảm bảo tốt nhu cầu quản lý và quản trị của ngân hàng, một số điểm nổi bật có thể kể đến như sau:
- Quy trình thẩm định đã quy định rất rõ và cụ thể các bước triển khai từ giai đoạn hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ dự án đến thời điểm quyết định cho vay, đã hỗ trợ CBTD và CBTĐ triển khai một cách tuần tự, không bị trùng lắp và cũng rút ngắn nhất được thời gian cho vay đối với các dự án.
- Nội dung hướng dẫn thực hiện ở các bước rất chi tiết, có tham chiếu rõ ràng nên không làm khó khăn trong quá trình tác nghiệp, thực hiện nghiệp vụ của CBTD và CBTĐ.
- Sự đoàn kết, thống nhất của toàn hệ thống từ cấp Chi nhánh/Sở giao dịch cho đến Trụ sở chính đã mang lại hiệu quả nhất định trong việc thực hiện tốt Quy trình thẩm định cho vay vốn TDĐT khi có khách hàng đến tiếp xúc vay vốn. Sự phân công, phân nhiệm giữa các Phòng/Ban; sự phân cấp nhiệm vụ giữa các cấp đã đảm bảo được tính minh bạch và phân tách được nhiệm vụ, cũng như trách nhiệm ở từng khâu.
Một số hạn chế
Về các bước của quy trình thẩm định: Quy trình thẩm định tại VDB đã được hoàn thiện phù hợp hơn với thực tế; tuy nhiên, do cơ chế chính sách của Nhà nước có biến động nhiều, việc điều chỉnh quy trình thẩm định của VDB phải thực hiện nhiều đã dẫn đến CBTĐ không cập nhật được ngay và hết các nội dung thay đổi. Hơn nữa, mỗi cán bộ thẩm định được giao quản lý và thẩm định nhiều dự án thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nên dẫn đến không thể chuyên sâu được nghiệp vụ của mình.
Về nội dung thẩm định
Việc thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư: đang dừng ở phân tích, đánh giá Báo cáo tài chính và các chỉ tiêu tài chính là rất quan trọng, chưa thật sự chú trọng đến chất lượng của việc đánh giá này nên kết quả đánh giá chưa thật sự chính xác.
Thẩm định tài sản đảm bảo tiền vay: do quy định cho sử dụng tài sản hình thành sau đầu tư làm tài sản bảo đảm tiền vay nên khi dự án gặp rủi ro sẽ khó khăn cho việc thu hồi vốn và tài sản bảo đảm tiền vay.
MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH TÍN DỤNG VAY VỐN DỰ ÁN ĐẦU TƯ CỦA NHÀ NƯỚC TẠI NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
Trong giai đoạn cơ cấu lại 2023-2027, VDB tiếp tục là ngân hàng chính sách của Nhà nước, tiếp tục đổi mới, lành mạnh hóa tài chính và hoạt động, đảm bảo các điều kiện cần thiết và lộ trình, giải pháp cụ thể để tích cực thực hiện tốt việc cơ cấu lại hoạt động và xử lý nợ xấu, đảm bảo hoạt động ngày càng hiệu quả và bền vững. Thực hiện cho vay tín dụng đầu tư mới theo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí (bao gồm chi phí huy động vốn, chi phí quản lý và trích lập dự phòng rủi ro) đối với các khoản vay này, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Sử dụng các nguồn lực từ việc cho vay mới và các nguồn lực hợp pháp khác để xử lý rủi ro tín dụng, không sử dụng ngân sách nhà nước đề trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định của pháp luật.
Một là, hoàn thiện các bước của quy trình thẩm định
So với những năm trước đây, quy trình thẩm định tại VDB đã không ngừng được hoàn thiện, thanh giản những thủ tục không cần thiết cũng như điều chỉnh những thủ tục nhằm nâng cao chất lượng thẩm định. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất cho công tác thẩm định, Ngân hàng cần đảm bảo:
- Mọi công tác thẩm định dự án đầu tư tuân thủ chặt chẽ quy trình. Để làm được điều này, tất cả CBTĐ cần hiểu rõ nhiệm vụ, vai trò của từng bước trong quy trình. Thường xuyên đốc thúc, theo dõi công tác thẩm định tránh việc chủ quan, lơ là với từng bước nào trong quy trình và sẽ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các bước tạo hiệu quả cho công tác thẩm định.
- Không ngừng hoàn thiện quy trình theo hướng chuyên môn hoá. Phân công CBTĐ phụ trách khách hàng theo từng ngành nghề, lĩnh vực nhất định vì các dự án đầu tư rất đa dạng thuộc mọi ngành nghề khác nhau với nhiều vấn đề phát sinh không giống nhau. Một CBTĐ không thể am hiểu tất cả các dự án thuộc mọi ngành nghề kinh doanh khác nhau nên chỉ phân công một CBTD phụ trách một hoặc một số ngành nghề nhất định để từ đó CBTĐ sẽ có điều kiện đi sâu tìm hiểu các vấn đề có liên quan thuộc lĩnh vực mình đảm nhiệm.
Hai là, hoàn thiện nội dung thẩm định
- Thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư: Để có thể xây dựng được bức tranh toàn cảnh tình hình kinh tế tài chính của doanh nghiệp vay vốn, việc phân tích, đánh giá Báo cáo tài chính và các chỉ tiêu tài chính là rất quan trọng. Để chất lượng của việc đánh giá này được nâng cao, bên cạnh việc tính toán các chỉ tiêu này thật chính xác, cần phải chỉ rõ ý nghĩa những con số này mang lại.
- Giảm thiểu rủi ro trong việc đánh giá chủ đầu tư: ngân hàng nên tiến hành: (i) Nghiên cứu, bổ sung hệ thống chấm điểm và xếp hạng khách hàng, định mức tín nhiệm hàng năm, từ đó có chính sách tín dụng phù hợp đối với từng nhóm khách hàng, nhằm tạo điều kiện cho các khách hàng có năng lực và hạn chế rủi ro cho tổ chức cho vay đối với những khách hàng có định mức tín nhiệm thấp bằng các chính sách tín dụng chặt chẽ phù hợp hơn; (ii) Đánh giá tiêu chí chấm điểm như: ngành nghề lĩnh vực hoạt động; quy mô doanh nghiệp; các chỉ số về tài chính của doanh nghiệp; các chỉ tiêu phi tài chính (tiêu chí lưu chuyển tiền tệ, tiêu chí năng lực và kinh nghiệm quản lý, tiêu chí uy tín trong giao dịch, môi trường kinh doanh và đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp); (iii) Tìm hiểu rõ mối quan hệ tín dụng của doanh nghiệp với ngân hàng và với các ngân hàng khác thông qua việc tự thu thập thông tin.
- Thẩm định tài sản đảm bảo tiền vay: Việc thẩm định chính xác những nội dung trong quy định mới là nội dung cần quan tâm hơn hết. Khi tiến hành thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay, cán bộ nên kiểm tra thực tế thường xuyên, đột xuất hoặc khi có thông tin về rủi ro; quy định bắt buộc phân tích thực trạng và giá trị tài sản đảm bảo tiền vay theo khả năng thanh khoản của tài sản. Để năng cao chất lượng thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay, quy định đảm bảo tiền vay cần có đầy đủ các nội dung có liên quan trong quá trình thực hiện: (i) Mục đích đảm bảo tiền vay; (ii) Danh mục các tài sản có thể dùng làm đảm bảo tiền vay cho từng trường hợp cụ thể; (iii) Thẩm định nguồn gốc quyền sở hữu, khả năng giao dịch, tranh chấp, tính thanh khoản, thẩm định giá trị tài sản, khả năng quản lý, khả năng thu hồi nợ vay trong trường hợp phải xử lý tài sản đảm bảo; (iv) Mức cho vay và bảo lãnh đối với tài sản; (v) Hợp đồng, chứng thực giao dịch đảm bảo; (vi) Quản lý, khai thác tài sản đảm bảo; (vii) Xử lý tài sản đảm bảo./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ (1999), Nghị định số 43/1999/NĐ-CP, ngày 29/6/1999 về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
2. Chính phủ (2017), Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, ngày 31/03/2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
3. Chính phủ (2023), Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, ngày 07/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
4. Đỗ Thị Kim Thảo (2023), Giáo trình quản trị ngân hàng, Học viện Ngân hàng.
5. Hà Nam Khánh Giao (2023), Giáo trình quản trị kinh doanh, Học viện hàng không Việt Nam.
6. Ngân hàng nhà nước (2024), Thông tư số 12/2024/TT-NHNN, ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
7. Nguyễn Minh Kiều (2008), Tín dụng và thẩm định tín dụng NHTM, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
8. Quốc hội (2024), Luật số 32/2024/QH15, ngày 18/01/2024 Các tổ chức tín dụng.
9. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 369/QĐ-TTg, ngày 28/2/2013 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
10. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 1515/QĐ-TTg, ngày 03/9/2015 ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
11. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 90/QĐ-TTg về phương án cơ cấu lại, định hướng hoạt động của VDB giai đoạn 2023-2027.
12. VDB (2024), Báo cáo thường niên, các năm 2022, 2023, 2024.
13. VDB (2024), Công văn số 268/QLRR-NHPT hướng dẫn công tác thẩm định cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.
14. VDB (2024), Quyết định số 26/QĐ-NHPT ban hành Quy trình, hướng dẫn Quy chế về cho vay TDĐT.
Ngày nhận bài: 03/02/2025;Ngày phản biện: 18/02/2025; Ngày duyệt đăng: 27/02/2025 |
Bình luận