Kiến nghị đề cao tính minh bạch của Quỹ bình ổn giá xăng dầu
“Theo dự kiến chương trình, tại phiên họp thứ 21 (tháng 3/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình dự án Luật Giá (sửa đổi). Để chuẩn bị nội dung trình UBTVQH cho ý kiến, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp phiên toàn thể để cùng các cơ quan hữu quan tiếp tục thảo luận, rà soát các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau với tinh thần lắng nghe, cầu thị, trao đổi kỹ lưỡng, để sớm đi đến thống nhất, bảo đảm chất lượng dự án Luật...”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tài chính – Ngân sách để cho ý kiến về một số vấn đề lớn và nội dung còn có ý kiến khác của dự án Luật Giá (sửa đổi).
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên họp là Quỹ bình ổn giá. Cơ quan soạn thảo và Ủy ban Tài chính – Ngân sách thống nhất cho rằng, cần giữ quy định hiện tại về Quỹ bình ổn giá trong Luật giá, nhằm tạo cơ sở pháp lý cũng như bảo đảm cho công tác tổ chức thực hiện đối với các trường hợp cần thiết phát sinh. Ngoài ra, việc giữ quy định về thành lập Quỹ như dự thảo Luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang hoạt động.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh, hiện người dân, cử tri, đại biểu Quốc hội đều thiếu thông tin về tình hình hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu |
Tuy nhiên, về thẩm quyền thành lập còn ý kiến khác nhau. Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao hơn, đồng thời để tương đồng với thẩm quyền quyết định Danh mục hàng hóa bình ổn giá, đề nghị quy định: Quốc hội có thẩm quyền thành lập Quỹ, trong thời gian giữa 2 kỳ họp, nếu trường hợp cấp bách, giao UBTVQH quyết định việc thành lập quỹ và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất. Trong khi đó, Cơ quan soạn thảo đề nghị giao Chính phủ quy định việc thành lập để bảo đảm tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Do đó, dự thảo Luật thiết kế 2 phương án để báo cáo UBTVQH xem xét, cho ý kiến.
“Đề nghị xem xét có nên quy định thành một điều trong Luật Giá về quỹ hay chỉ quy định tại điều khoản chuyển tiếp để tiếp tục thực hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tránh trường hợp tiếp tục thành lập quá nhiều loại quỹ…”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi đề xuất. |
Liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, có ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì Quỹ này bởi đây là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ này, vì đây là quỹ tài chính do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành. Hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới, việc lập quỹ là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết, hiện nay không chỉ người dân, cử tri mà cả các đại biểu Quốc hội đều thiếu thông tin về tình hình hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu để có thể đánh giá hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ này. Do đó, đề nghị trong quản lý, điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu cần đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn, việc sử dụng quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi biến động.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là phù hợp, giúp các doanh nghiệp duy trì và chủ động được nguồn kinh phí khi cần thiết. Việc cần duy trì Quỹ này còn bởi hiện Nhà nước vẫn còn định giá xăng dầu, chỉ nên bỏ Quỹ khi nào Nhà nước để xăng dầu cho thị trường tự quyết định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đặc biệt là những điều khoản then chốt nhằm giải quyết được những tồn đọng, vướng mắc hiện nay |
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, đối với các nội dung có ý kiến khác nhau (thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá và Quỹ bình ổn giá), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn, ưu nhược điểm, tính phù hợp với đặc thù của Việt Nam đối với từng loại ý kiến; quan điểm lựa chọn của Ủy ban Tài chính - Ngân sách để tới đây xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị chuyên trách và báo cáo UBTVQH với quan điểm chung là phối hợp tốt, lắng nghe, cầu thị để tạo sự đồng thuận, thống nhất, tốt nhất là chỉ trình Quốc hội một phương án.
“Lưu ý rà soát kỹ trong quá trình hoàn thiện dự án Luật để thống nhất với các quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh tại Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được xem xét sửa đổi…”, ông Hải nhấn mạnh./.
Bình luận