Kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và bài học đối với TP. Hà Nội
Đinh Vũ Minh
Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính
NCS chuyên ngành Quản lý kinh tế - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt
Thời gian qua, để tháo gỡ những khó khăn, phát huy vai trò của kinh tế tư nhân nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng, Chính phủ và chính quyền các địa phương trong cả nước, trong đó có TP. Hà Nội đã có nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ các DNNVV phát triển. Trên cơ sở tổng hợp, phân tích những kinh nghiệm của chính quyền Đà Nẵng và TP. Hồ Chí trong giai đoạn vừa qua, bài viết đưa ra bài học cho TP. Hà Nội trong bối cảnh mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Từ khóa: DNNVV, TP. Hà Nội, hỗ trợ doanh nghiệp, liên kết FDI
Summary
In recent times, to overcome difficulties and promote the role of the private economy in general and small and medium enterprises (SMEs) in particular, the Government and local authorities across the country, including Hanoi, have taken many measures to support the development of SMEs. Based on the synthesis and analysis of the experiences of the Da Nang and Ho Chi Minh City authorities in the recent period, this article provides lessons for Hanoi in the new context - the era of national development.
Keywords: SMEs, Hanoi, business support, FDI linkage
ĐẶT VẤN ĐỀ
Hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng có thể được hiểu là việc Nhà nước sử dụng các công cụ, biện pháp bổ sung thêm ngoài chức năng, nhiệm vụ để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV hoạt động. Hỗ trợ của Nhà nước nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế về vốn, lao động, công nghệ của các DNNVV cũng như tăng cường liên kết, mở rộng thị trường. Mỗi địa phương, tuỳ vào lợi thế so sánh của mình cũng như những yêu cầu phát triển DNNVV để ban hành các biện pháp hỗ trợ, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Tác giả lựa chọn Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh để nghiên cứu trường hợp hỗ trợ DNNVV, vì đây là 2 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế đa dạng khai thác được các lợi thế so sánh của địa phương, trong sự thành công đó có đóng góp không nhỏ của khu vực các DNNVV với nhiều chính sách hỗ trợ từ phía chính quyền thành phố.
KINH NGHIỆM HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA CỦA ĐÀ NẴNG VÀ TP. HỒ CHÍ MINH
Đà Nẵng là thành phố lớn thứ 4 ở Việt Nam sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng về đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Nằm trên bờ Biển Đông có cửa sông Hàn, Đà Nẵng là một trong những thành phố cảng có vị trí chiến lược của miền Trung Việt Nam và là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Lũy kế đến ngày 15/4/2024, thành phố có 40.576 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 257.065 tỷ đồng, trong đó số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 97%, đóng góp 45% GDP và giải quyết khoảng 60% việc làm.
Xác định DNNVV là động lực phát triển của thành phố, bố trí nguồn lực và đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV là nhiệm vụ trọng tâm được Thành phố chú trọng. Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, đồng thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho DNNVV nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV. Những thành công trong hỗ trợ của chính quyền Đà Nẵng là bài học có giá trị đối với thành phố Hà Nội.
Với diện tích 2.095 km2, dân số khoảng 9 triệu người (ngày 01/6/2023), TP. Hồ Chí Minh là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đóng góp lớn nhất vào NSNN. Với tổng GRDP năm 2023 đạt 1.621.190 tỷ đồng (tương đương 68.1 tỷ USD), TP. Hồ Chí Minh là động lực tăng trưởng kinh tế không chỉ của khu vực phía Nam mà còn của cả nước. Trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế thành phố có sự chuyển dịch và duy trì theo hướng hiện đại. Năm 2024, khu vực dịch vụ vẫn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Thành phố, khi chiếm tỷ trọng 65,5% GRDP; tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 21,7%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 0,5% và còn lại là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 12,3%[1].
TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương có số lượng DNNVV đang hoạt động cao nhất cả nước, đóng vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, số lượng DNNVV chiếm hơn 96,4% tổng số doanh nghiệp trong Thành phố, các DN có số vốn từ 100 tỷ đồng trở lên chỉ chiếm hơn 2% tổng số doanh nghiệp, tạo ra khoảng 70,2% lực lượng lao động và đóng góp hơn 23,34% GDP của Thành phố năm 2022[2].
Trên cơ sở Luật Hỗ trợ DNNVV ban hành năm 2017 của Quốc hội khoá XIV, nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của khu vực DNNVV của chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã và đang được triển khai, cũng tạo ra nhiều thành tựu, song cũng còn nhiều thách thức cần tiếp tục nghiên cứu để rút ra kinh nghiệm cho các địa phương khác trong cả nước, trong đó có TP. Hồ Chí Minh.
(1) Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DNNVV đã được chính quyền TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, phát huy vai trò của các DNNVV đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế
Với chính sách thông thoáng, đi liền với thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện nay, Đà Nẵng đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đến nay, thành phố đã thực hiện 38 chính sách hỗ trợ từ Trung ương và ban hành 17 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó phần lớn chính sách DNNVV có thể tiếp cận[3]. Trên cơ sở Luật số 04/2017/QH14 của Quốc hội khoá XIV, ngày 12/6/2017, có hiệu lực ngày 01/01/2018 về Hỗ trợ DNNVV, và Nghị định 80/2021/NĐ-CP, ngày 26/8/2021 của Chính phủ ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT, ngày 10/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, chính quyền TP. Đà Nẵng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể để triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV trong thực tiễn, như: Nghị quyết số 60/NQ-HDND về Quy định lãi suất đối với DNNVV vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố để thực hiện dự án phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 của Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng; Nghị quyết 36/NQ-UBND của UBND TP. Đà Nẵng về Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn Đà Nẵng năm 2023 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV, thu hút vốn đầu tư cho phát triển, giải quyết việc làm và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và nhiều Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố về hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Đà Nẵng như: Nghị quyết 54/2024/NQ-HĐND ngày 13/12/2024; Nghị quyết 59/2024/NQ-HĐND ngày 13/12/24 về Quy định các nội dung để xác nhận doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP. Đà Nẵng, Nghị quyết 55/NQ-HĐND về hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới…
TP. Hồ Chí Minh cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV trên địa bàn thành phố như: hỗ trợ vay vốn, các chính sách hoãn, giãn, giảm thuế, đầu tư tài chính, Kế hoạch hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số…
(2) các phương thức hỗ trợ DNNVV của chính quyền Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh đa dạng hơn, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong tiếp cận nguồn lực vốn, mặt bằng sản xuất và mở rộng thị trường
Nội dung hỗ trợ DNNVV
Với mục tiêu tăng số lượng DNNVV đăng ký thành lập đặc biệt là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, giảm số lượng các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số, chính quyền Đà Nẵng đã triển khai Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; Hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học vào sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và hỗ trợ lãi suất khi doanh nghiệp tham gia các hoạt động này; Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV; Hỗ trợ thuế, kế toán; Hỗ trợ thông tin, tư vấn, pháp lý cho DNNVV... Bên cạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV của Trung ương như hỗ trợ tiếp cận tín dụng với lãi suất ưu đãi thì Đà Nẵng cũng triển khai các chính sách hỗ trợ đặc thù về phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, phát triển công nghệ thông tin, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…[4], hỗ trợ DNNVV thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh và nâng tỷ lệ DNNVV tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới[5].
Tương tự Đà Nẵng, nhằm giúp các DNNVV phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau Đại dịch Covid -19, giai đoạn từ cuối 2021 đến nay, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi số, hỗ trợ nền tảng công nghệ[6], tăng cường đào tạo tư vấn, phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số, hỗ trợ thương mại và kết nối mạng lưới thị trường. Đặc biệt, với định hướng phát triển thành phố xanh, thông minh, nhiều biện pháp hỗ trợ chuyển đổi mô hình sản xuất gắn định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh cũng đã được triển khai sâu rộng[7].
Kết quả hỗ trợ DNNVV
Hỗ trợ của chính quyềnTP. Đà Nẵng
+ Hỗ trợ lãi suất từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố: Thực hiện Nghị quyết 60 của HĐND Thành phố Đà Nẵng, các DNNVV đã vay vốn tại Quỹ đầu tư phát triển Thành phố và được Thành phố phê duyệt hỗ trợ lãi suất 2 đợt với tổng số tiền hơn 936 triệu đồng[8].
+ Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, phát triển nhân lực, công nghệ, tham gia cụm liên kết ngành: Các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được Thành phố thực hiện đồng bộ.. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từ năm 2020 đến nay, thành phố đã hỗ trợ 27 lượt nhiệm vụ với tổng kinh phí gần 5,1 tỷ đồng theo Nghị quyết số 328/2020/NQ-HĐND, ngày 09/12/2020 của HĐND Thành phố về chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2025. Từ hỗ trợ trên, Thành phố có 169 dự án và 69 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thành lập; trong đó có các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, gọi được vốn hàng triệu USD như Datbike, Selly, Hekate, EM and AI... Bên cạnh đó, hầu hết các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ thông qua các chương trình ươm tạo, chính sách hỗ trợ của thành phố đã thương mại hóa sản phẩm tiếp cận thị trường. Trong đó, đã hỗ trợ 04 nhiệm với 3 nhiệm vụ hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và 1 nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tổng kinh phí hơn 766 triệu đồng.
+ Hỗ trợ đổi mới công nghệ: Thành phố đã hỗ trợ 72 lượt doanh nghiệp đổi mới công nghệ với tổng kinh phí hơn 8,5 tỷ đồng từ năm 2017 đến nay theo Nghị quyết số 18/2016/NQ-HĐND, ngày 11/8/2016 của HĐND Thành phố về một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng[9]. Ngành khoa học và công nghệ đã hỗ trợ cho 07 doanh nghiệp với tổng kinh phí là 230 triệu đồng cho lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường[10].
+ Hỗ trợ tín dụng ưu đãi thông qua Chương trình kết nối ngân hàng - DN của NHNN Việt Nam, chi nhánh Đà Nẵng: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Đà Nẵng phối hợp với Sở Xây dựng Thành phố và các sở, ngành liên quan triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các chủ đầu tư và người mua nhà; tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững; triển khai chương trình cho vay 5 lĩnh vực thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, công nghệ cao với lãi suất ưu đãi với lãi suất cho vay ngắn hạn là 4%/năm; Thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đến quý IV - năm 2023, các tổ chức tín dụng trên bàn đã cam kết cho vay hơn 2.171 tỷ đồng và đã giảm lãi suất cho 16 doanh nghiệp trên số dư nợ được giảm lãi suất hơn 320 tỷ đồng...[11]
+ Hỗ trợ chuyển đổi số: Là một trong những địa phương có tốc độ chuyển đổi số nhanh, các DNNVV, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ở Đà Nẵng cho rằng chuyển đổi số là “sống còn” của doanh nghiệp, là xu thế tất yếu. Tính đến 2023, Đà Nẵng đã có khoảng 2.500 doanh nghiệp chuyển đổi số, tăng gần 300 doanh nghiệp so với năm trước. Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã triển khai Công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tự đánh giá để xác định hiện trạng hay mức độ sẵn sàng chuyển đổi số[12].
Hỗ trợ DNNVV của chính quyền TP. Hồ Chí Minh
+ Hỗ trợ tín dụng: Từ năm 2021 đến tháng 11/2024, Chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính và nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, DNNVV trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025 đã thực hiện với số tiền đạt 2.319.496 tỷ đồng, cho vay 411.474 lượt khách hàng, trong đó phần lớn là DNVVN, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (Hình 1). Cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn do hệ thống các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trên địa bàn thực hiện đạt 21.405 tỷ đồng, cho vay 6.961 lượt khách hàng với số lượng thực hiện tăng dần qua các năm. Cho vay lĩnh vực xuất khẩu cũng được tổ chức, thực hiện xuyên suốt với sự tham gia của các chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) trên địa bàn và chuyên đề kết nối cho vay doanh nghiệp xuất khẩu đạt 378.974 tỷ đồng cho vay 107.118 lượt khách hàng[13].
![]() |
Hình 1: Hỗ trợ vốn DN khởi nghiệp và DNNVV trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2024[14] (Số liệu năm 2024 tính luỹ kế 11 tháng) |
+ Hỗ trợ chuyển đổi số: Tại TP. Hồ Chí Minh, chuyển đổi số đã trở thành yếu tố quyết định để giúp các doanh nghiệp duy trì sức cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Với tổng GRDP năm 2023 đạt 1.621.190 tỷ đồng (tương đương 68.1 tỷ USD), TP. Hồ Chí Minh là động lực tăng trưởng kinh tế không chỉ của khu vực phía Nam, mà còn của cả nước. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP của thành phố trong năm 2023 đã đạt 21,5%, tăng 2,84% so với năm 2022. Mục tiêu của TP. Hồ Chí Minh là đưa tỷ lệ này lên 25% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030[15]. Ngày 04/9/2024, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch 5143/KH-UBND về Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025, theo đó, triển khai nội dung hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, mục tiêu đến 2025: 100% DNNVV đang hoạt động trên địa bàn Thành phố được tiếp cận, cập nhật thông tin nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; 100% DNNVV được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số; Tỷ lệ DNNVV sử dụng nền tảng số đạt tối thiểu 60%[16].
+ Hỗ trợ đổi mới công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo: Trong 5 năm từ 2021-2025, Đề án 672 “Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025". Đề án 672 đã hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo (ĐMST) cho 5.063 doanh nghiệp, đạt 168,8% so với chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ ươm tạo, phát triển 1.001 dự án khởi nghiệp ĐMST, đạt 100,1% chỉ tiêu giai đoạn; hỗ trợ 276 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm (vượt 276% chỉ tiêu đề ra). Hỗ trợ phát triển sản phẩm và thị trường, Đề án đã tổ chức xét duyệt 133 dự án đăng ký hỗ trợ ở các giai đoạn tiền ươm tạo, ươm tạo và tăng tốc; triển khai thực hiện các nội dung về chính sách hỗ trợ DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn Thành phố[17].
Bên cạnh những kết quả đạt được, các chính sách hỗ trợ của TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, số lượng DNNVV tiếp cận chính sách còn khá khiêm tốn, thủ tục cho vay còn rườm rà khiến cho các DNNVV (đặc biệt là DNNVV do nữ làm chủ) không mặn mà. Nhận thức về chuyển đổi số của các DNNVV còn chưa bắt kịp với tốc độ chuyển đổi số của nền kinh tế.
BÀI HỌC RÚT RA CHO CHÍNH QUYỀN TP. HÀ NỘI GIAI ĐOẠN TỚI
Tính đến 10/12/2024, số lượng doanh nghiêp hoạt động trên địa bàn TP. Hà Nội là 406.200 doanh nghiệp, chiếm 1/3 số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên cả nước. Năm 2024 có 31.800 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là hơn 322.800 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm, cộng đồng doanh nghiệp tạo thêm hơn 200.000 việc làm mới. Trong đó, DNNVV của Hà Nội chiếm 98,2% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập, tạo việc làm cho 55,1% lao động, đóng góp trên 40% GDP cho thành phố Hà Nội[18].
DNNVV ngày càng phát huy vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển của thành phố, trở thành lực lượng chủ lực, là động lực quan trọng, góp phần tăng thu NSNN, tạo việc làm. Tuy nhiên, cũng giống như DNNVV của cả nước, DNNVV trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn lực cũng như tiếp cận thị trường, tham gia chuỗi liên kết với các doanh nghiệp FDI. Vì thế, DNNVV cũng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền TP. Hà Nội. Trên thực tế, chính quyền thành phố Hà Nội cũng đã triển khai nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DNNNN và cũng đã đạt được nhiều thành tựu.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm hỗ trợ của TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, có thể rút ra những bài học quý cho TP. Hà Nội trong bối cảnh mới.
- Bên cạnh việc triển khai các chính sách chung về hỗ trợ DNNVV của Nhà nước, các địa phương, trong đó có Hà Nội, cần có các chính sách đặc thù phù hợp với đặc điểm, loại hình hoạt động và lợi thế so sánh của các DNNVV trên địa bàn và các doanh nghiệp khởi nghiệp
- Các chính sách hỗ trợ DNNVV cần phù hợp với các mục tiêu phát triển của Thành phố trong từng giai đoạn.
- Cơ chế tài chính tín dụng cần đi cùng với sự đơn giản hoá trong thủ tục và đa dạng các kênh huy động vốn cho DNNVV.
- Song song với các chính sách hỗ trợ, cần tăng cường truyền thống chính sách và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số cho các DNNVV./.
Tài liệu tham khảo
1. Luật số 04/2017/QH14 của Quốc hội khoá XIV ngày 12/6/2017, có hiệu lực ngày 01/01/2018 về Hỗ trợ DNNVV
2. Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV
3. Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP
4. Website Cục Thống kê Thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh
5. Niên giám Thống kê của Việt Nam năm 2023
6. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII
Ngày nhận bài: 04/2/2025; Ngày phản biện: 10/02/2025; Ngày duyệt đăng: 14/02/2025 |
[1] https://ttbc-hcm.gov.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-cho-ngay-hai-qua-ngot-tang-truong-kinh-te-48340.html
[2] Niên giám Thống kê TP. Hồ Chí Minh năm 2023
[3] https://tapchicongthuong.vn/mot-so-giai-phap-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-trong-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-tren-dia-ban-thanh-pho-da-nang-132767.htm
[4] https://cadn.com.vn/da-nang-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-hon-12-ty-dong-post293338.html
[5] https://danang.gov.vn/chinh-quyen/chi-tiet?id=58451&_c=3
[6] https://mic.gov.vn/chuyen-doi-so-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-tai-tphcm-thuc-day-tang-truong-kinh-te-va-tang-cuong-canh-tranh-197241224155147386.htm
[7] https://consosukien.vn/kinh-te-xa-hoi-tp-ho-chi-minh-6-thang-dau-nam-ghi-nhan-nhieu-diem-sang.htm
[8] https://tuoitre.vn/da-nang-co-nhung-chinh-sach-gi-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-20240510143346265.htm
[9] Mai Quế (2025), Bố trí nguồn lực, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
[10] https://danang.gov.vn/chinh-quyen/chi-tiet?id=58451&_c=3
[11] https://danang.gov.vn/chinh-quyen/chi-tiet?id=58451&_c=3
[12] https://vov.vn/kinh-te/da-nang-ho-tro-doanh-nghiep-chuyen-doi-so-post993072.vov
[13] https://laodongthudo.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-ket-noi-ho-tro-hon-23-trieu-ty-dong-cho-doanh-nghiep-khoi-nghiep-181054.html
[14] https://laodongthudo.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-ket-noi-ho-tro-hon-23-trieu-ty-dong-cho-doanh-nghiep-khoi-nghiep-181054.html
[15] https://mic.gov.vn/chuyen-doi-so-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-tai-tphcm-thuc-day-tang-truong-kinh-te-va-tang-cuong-canh-tranh-197241224155147386.htm
[16] http://itpc.hochiminhcity.gov.vn/-/ke-hoach-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-chuyen-oi-so-tren-ia-ban-tp-hcm-en-nam-2025
[17] https://dost.hochiminhcity.gov.vn/hoat-dong-so-khcn/tphcm-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-khang-dinh-vai-tro-dong-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi/
[18] https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tong-so-luong-doanh-nghiep-tai-tp-ha-noi-chiem-13-ca-nuoc-20241221221117621.htm
Bình luận