Nguyễn Hữu Nhuần, Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Thọ Quang Anh, Trần Hương Giang, Nguyễn Thị Thu Huyền*

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

* Tác giả liên hệ: thuhuyen@vnua.edu.vn

Tóm tắt

Du lịch nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao thu nhập cho nông dân và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa địa phương. Bài báo phân tích thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp ở Việt Nam, chỉ ra các mô hình tiêu biểu và những thách thức như hạn chế hạ tầng, thiếu liên kết chuỗi giá trị và tính chuyên nghiệp trong dịch vụ. Dựa trên kinh nghiệm của một số quốc gia, bài báo đề xuất các giải pháp nhằm phát triển bền vững du lịch nông nghiệp tại Việt Nam.

Từ khóa: du lịch nông nghiệp, phát triển bền vững, kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam

Summary

Agricultural tourism plays a crucial role in diversifying tourism products, increasing farmers’ income, and preserving natural resources and local culture. This paper analyzes the current state of agricultural tourism in Vietnam, highlighting key models and challenges such as infrastructure limitations, weak value chain linkages, and lack of professionalism in service provision. Drawing from experiences in some countries the paper proposes solutions to promote sustainable agricultural tourism in Vietnam.

Keywords: agricultural tourism, sustainable development, international experiences, Vietnam

ĐẶT VẤN ĐỀ

Những năm gần đây, phát triển du lịch chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch mà còn tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, nâng cao giá trị nông sản và thúc đẩy phát triển bền vững. Ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp đó, Nghị quyết số 103/NQ-CP, ngày 10/7/2017 của Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đặt ra nhiều mục tiêu, giải pháp tập trung cho phát triển du lịch, trong đó tập trung mở rộng không gian khai thác du lịch, phát triển hệ thống sản phẩm chất lượng cao, khác biệt, có khả năng cạnh tranh cao, hấp dẫn khách du lịch. Nghị quyết nêu rõ, phải đảm bảo phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch; sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên du lịch theo hướng bền vững; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền… Trong đó, khu vực nông thôn sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, gắn với bản sắc văn hóa và tập quán canh tác lâu đời của Việt Nam và là yếu tố đầu vào quan trọng hình thành nên điểm đến và sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Nghiên cứu này nhằm tổng quan các vấn đề lý luận và thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG NGHIỆP

Du lịch nông nghiệp

Du lịch nông nghiệp là một hình thức du lịch diễn ra tại các khu vực nông nghiệp, bao gồm vườn cây ăn trái, trang trại nông lâm kết hợp, trang trại thảo dược và trang trại chăn nuôi. Bên cạnh việc tham quan, du khách có thể trực tiếp tham gia các hoạt động như thu hoạch nông sản, trồng cây, chăm sóc động vật, trải nghiệm công việc của nông dân hoặc tham gia các lễ hội nông nghiệp địa phương. Đây là loại hình du lịch mang tính trải nghiệm và tương tác cao, giúp du khách hiểu rõ hơn về quá trình sản xuất nông nghiệp, khám phá đời sống nông thôn và kết nối với người nông dân.

Du lịch trải nghiệm

Du lịch trải nghiệm được hiểu là một hình thức du lịch mà du khách không chỉ tham quan mà còn trực tiếp tham gia vào các hoạt động thực tế, mang tính tương tác cao. Loại hình này giúp du khách hòa mình vào đời sống địa phương, khám phá văn hóa bản địa, tham gia vào các hoạt động truyền thống và đóng góp vào các sáng kiến bảo vệ môi trường. Nhờ đó, du khách có được những trải nghiệm chân thực, ý nghĩa và tạo ra sự kết nối sâu sắc với cộng đồng địa phương.

Vai trò của du lịch nông nghiệp, nông thôn

Nghiên cứu các hoạt động phát triển nông thôn ở các quốc gia, Król (2018) đã chỉ ra sự phát triển của du lịch nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng trong tối ưu hóa cấu trúc sản xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng, và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, theo Fleischer & Tchetchik (2005), các doanh nghiệp du lịch nông thôn gặp phải một số vấn đề như quy mô nhỏ, kỹ năng của lao động kém, thu nhập thấp và đóng góp hạn chế trong nền kinh tế. Tương tự, kết quả này cũng được khẳng định trong nghiên cứu của Oppermann (1996) tại miền Nam nước Đức. Tác giả kết luận, du lịch nông thôn không chỉ đem đến nhiều cơ hội việc làm hơn mà còn giúp thay đổi các quan niệm truyền thống về cư dân nông thôn và phát triển kinh tế địa phương.

KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG NGHIỆP TRÊN THẾ GIỚI

Đầu tư vào hạ tầng du lịch

Trung Quốc phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái bằng cách đầu tư mạnh vào hạ tầng du lịch, đồng thời tạo ra những trải nghiệm độc đáo để thu hút du khách trong và ngoài nước. Quốc gia này chú trọng nâng cấp hệ thống giao thông, bao gồm đường bộ, đường sắt và sân bay, nhằm kết nối các điểm du lịch và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách di chuyển (Yan và cộng sự, 2022). Tại Bồ Đào Nha, các vùng nông thôn như Alentejo được đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng kết hợp với các trang trại sản xuất rượu vang, giúp du khách không chỉ tham quan mà còn trải nghiệm các quy trình sản xuất rượu, từ việc thu hoạch nho đến việc làm rượu. Nhiều tỉnh nông thôn ở Nhật Bản, tiêu biểu như Hokkaido, đã phát triển các khu nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp với hoạt động nông nghiệp. Tại đây, du khách không chỉ được nghỉ dưỡng mà còn có cơ hội trải nghiệm các hoạt động như cấy lúa, thu hoạch rau quả, chăn nuôi động vật và khám phá văn hóa địa phương.

Bảo tồn thiên nhiên và làng nghề, văn hóa truyền thống

Ở Trung Quốc, việc bảo vệ các khu vực thiên nhiên quan trọng và di sản văn hóa rất được coi trọng để phát triển du lịch bền vững, đồng thời duy trì sự đa dạng sinh học. Tương tự, Thái Lan cũng xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia kết hợp với du lịch sinh thái, giúp bảo vệ động vật quý hiếm. Quốc gia này đã kết hợp du lịch sinh thái và du lịch mạo hiểm, tạo nên sản phẩm độc đáo phục vụ du khách (Lê Văn Phục, 2019). Theo Nguyễn Thị Tám (2023), ngoài bảo tồn thiên nhiên, văn hóa truyền thống và sự mến khách của người dân Thái Lan đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút du khách. Du lịch là ngành mang lại nguồn ngoại tệ lớn, vượt trội so với nhiều ngành sản xuất khác, đồng thời thúc đẩy sản xuất thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Thái Lan có khoảng 70.000 làng nghề thủ công truyền thống, và từ năm 2001, chính phủ đã đẩy mạnh khai thác tiềm năng này để phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chính châu Á. Sau gần 20 năm, các làng nghề trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, trong đó du lịch văn hóa là một loại hình hấp dẫn, góp phần thu hút du khách quốc tế.

Phát triển du lịch nông nghiệp

Trung Quốc và Đài Loan đã phát triển mạnh mẽ du lịch nông nghiệp thông qua việc xây dựng các trang trại trải nghiệm và khu vườn du lịch nông nghiệp, đồng thời khuyến khích nông dân tham gia vào ngành du lịch để tạo ra những trải nghiệm đặc sắc. Đài Loan xác định du lịch nông nghiệp dựa trên các ngành chăn nuôi, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, đồng thời tích hợp sản phẩm nông nghiệp (chè, gạo, hoa, trái cây, rau, cá, gia súc) để phát triển du lịch theo chủ đề. Mô hình này không chỉ hướng tới lối sống xanh mà còn kết hợp các chức năng như giải trí, nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe, giáo dục di sản, bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Hiện nay, du lịch nông nghiệp tại Đài Loan được tổ chức thành các khu thắng cảnh và điểm sản xuất nông nghiệp, trong đó có 36 nông trường chăn nuôi và nhiều trang trại cung cấp hoạt động trải nghiệm thực tế cho du khách (Ngô Thị Phương Lan và cộng sự, 2020). Tương tự, Thái Lan cũng chú trọng phát triển mô hình du lịch nông thôn kết hợp với các hoạt động trải nghiệm sản xuất nông nghiệp tại các trang trại.

Chuyển đổi nông nghiệp thành hoạt động du lịch và nghỉ dưỡng

Chính sách nông nghiệp nghỉ dưỡng của Đài Loan khuyến khích chuyển đổi hoạt động nông nghiệp sang du lịch nghỉ dưỡng, theo định hướng của Luật Phát triển Nông nghiệp. Các trang trại không chỉ duy trì sản xuất mà còn tích hợp các dịch vụ như ăn uống, trải nghiệm sinh thái và giáo dục nông nghiệp. Việc sử dụng đất nông nghiệp cho các nhu cầu du lịch giúp mở rộng chức năng của trang trại từ sản xuất thuần túy sang kết hợp nghỉ dưỡng. Những yếu tố quan trọng trong mô hình này bao gồm du lịch, tái sáng tạo, nghỉ dưỡng, giáo dục, hiểu biết sinh thái, cung cấp thực phẩm và điều kiện sống. Xu hướng này giúp nông dân chuyển đổi từ mô hình nông nghiệp truyền thống sang mô hình kết hợp giải trí, tạo thêm giá trị kinh tế và bền vững cho ngành nông nghiệp (Ngô Thị Phương Lan và cộng sự, 2020).

Hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng nông thôn tham gia

Trung Quốc có nhiều chính sách khuyến khích các cộng đồng nông thôn tham gia vào ngành du lịch sinh thái, mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân và cộng đồng địa phương. Thái Lan triển khai chương trình “One Tambon One Product” (OTOP) để phát triển các sản phẩm độc đáo từ các làng nghề, giúp nông dân và các làng nghề có thể kết hợp sản phẩm của mình với du lịch (Nguyễn Thị Tám, 2023). Chương trình này do cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra khởi xướng, được lấy cảm hứng từ mô hình phát triển làng nghề của quận Oita (Nhật Bản) năm 1979. Theo đó, mỗi làng lựa chọn sản phẩm đặc trưng có tiềm năng để phát triển. Khác với Nhật Bản, OTOP tại Thái Lan được triển khai theo mô hình từ trên xuống, với vai trò dẫn dắt của chính phủ trong phát triển sản phẩm, đào tạo, hỗ trợ tài chính và tiếp thị. Chính phủ còn chỉ đạo các trường đại học hỗ trợ thiết kế sản phẩm, lập trang web bán hàng trực tuyến và tổ chức các tour du lịch làng nghề. Nhờ chính sách này, đến năm 2020, Thái Lan có khoảng 36.000 mô hình OTOP, mỗi mô hình thu hút từ 30 đến 3.000 thành viên tham gia.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực được đào tạo bài bản đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế và triển khai các chương trình xúc tiến du lịch hiệu quả. Trung Quốc đặc biệt chú trọng phát triển nhân lực du lịch chuyên nghiệp, thể hiện qua mạng lưới cơ sở đào tạo rộng khắp, chương trình giảng dạy đa dạng, phương pháp hiện đại và hệ thống hạ tầng chất lượng cao. Sự kết hợp giữa đào tạo lý thuyết và thực tiễn đã góp phần nâng cao năng lực đội ngũ lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững. Đài Loan phát triển các chương trình đào tạo cho nông dân và cộng đồng, giúp họ nâng cao kỹ năng trong việc phát triển các hoạt động du lịch nông nghiệp và quản lý du lịch bền vững (Ngô Thị Phương Lan và cộng sự, 2020).

Quy hoạch và quản lý du lịch nông nghiệp bền vững

Để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, Trung Quốc và Đài Loan đã thực hiện các chiến lược quy hoạch phát triển du lịch nông thôn và du lịch sinh thái bền vững, bao gồm việc phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với tài nguyên thiên nhiên và văn hóa địa phương (Ngô Thị Phương Lan và cộng sự, 2020).

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG NGHIỆP GẮN VỚI DU LỊCH Ở VIỆT NAM

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và sự chuyển đổi mô hình phát triển nông thôn, du lịch nông nghiệp ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, thể hiện qua việc đa dạng hóa các mô hình và sản phẩm du lịch. Cụ thể, các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp hiện nay có thể được chia thành nhiều nhóm chính, mỗi nhóm phản ánh một hướng đi phát triển riêng biệt, góp phần tạo ra giá trị kinh tế – văn hóa cho cộng đồng địa phương.

Trước hết, mô hình trồng trọt và sản xuất nông sản phục vụ du lịch hướng đến việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn như hoa, cây cảnh, trái cây, chè,… đồng thời tạo ra điểm đến thu hút du khách tham quan và trải nghiệm quy trình sản xuất. Tại Hà Nội, nhiều hợp tác xã đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong trồng hoa, cây cảnh và nuôi trồng thủy sản, kết hợp mở cửa đón du khách trải nghiệm thực tế. Ví dụ, Hợp tác xã hoa, cây cảnh dịch vụ Hồng Vân ở huyện Thường Tín đã quản lý gần 10 ha đất trồng hoa, cây cảnh và nuôi thủy sản, thu hút khoảng 20.000 lượt khách mỗi năm với doanh thu du lịch vượt 1 tỷ đồng (Đỗ Minh, 2020). Một ví dụ thành công khác là mô hình du lịch trang trại Ba Vì, nơi du khách không chỉ nghỉ dưỡng mà còn tham gia vào các hoạt động nông nghiệp truyền thống như cấy lúa, bắt cá, cua, ốc bằng dụng cụ dân gian, qua đó tái hiện sinh động nền văn minh lúa nước (Nguyễn Thị Hà, 2019). Tại Lâm Đồng, các điểm đến như khu vườn trên đường Hồ Xuân Hương và mô hình “Đà Lạt thu nhỏ” tại trang trại Langbiang đã trở thành địa chỉ hấp dẫn cho khách du lịch, khi du khách có cơ hội thưởng thức cà phê, mua đặc sản và tham quan các mô hình trồng rau, hoa theo công nghệ khí canh, thủy canh, autobox. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, các vườn trái cây và quy trình sản xuất nông sản sạch kết hợp với trải nghiệm đời sống miệt vườn, cho phép du khách tự hái trái, làm vườn và lưu trú tại nhà dân, từ đó cảm nhận trọn vẹn văn hóa sông nước (Nguyễn Thị Hà, 2019).

Bên cạnh đó, mô hình du lịch trải nghiệm nông thôn và cộng đồng đang được phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh miền núi và vùng nông thôn. Tại Yên Bái, đặc biệt ở các địa phương như Mù Cang Chải và Nghĩa Lộ, du khách được trải nghiệm làm ruộng bậc thang, trồng chè và tham gia các nghề truyền thống. Tỉnh Yên Bái không chỉ có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như hồ Thác Bà, cánh đồng Mường Lò, suối khoáng nóng và cảnh quan vùng cao tại Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, mà còn sở hữu di sản văn hóa đặc sắc của 30 dân tộc, trong đó có 11 dân tộc có bản sắc văn hóa độc đáo. Giai đoạn 2016–2020, với sự hỗ trợ của Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND, tỉnh Yên Bái đã triển khai 176 hồ sơ dự án với tổng kinh phí gần 7,5 tỷ đồng, qua đó bảo tồn văn hóa và nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, Yên Bái có hơn 200 cơ sở kinh doanh du lịch hoạt động tại 25 điểm du lịch trọng điểm, với 209 hộ gia đình tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch thông qua homestay, kinh doanh nông sản và đồ thủ công mỹ nghệ. Hay tại Tuyên Quang, mô hình du lịch cộng đồng cũng được khai thác để du khách có cơ hội tham gia sản xuất nông sản, chế biến món ăn truyền thống và trải nghiệm đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số, góp phần tạo ra nguồn thu ổn định và phát triển kinh tế địa phương.

Đồng thời, mô hình du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa truyền thống đang tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo thông qua việc kết hợp giữa văn hóa địa phương và sản xuất nông nghiệp. Tại Thái Nguyên, du lịch gắn với sản phẩm trà là một ví dụ tiêu biểu khi du khách được trải nghiệm hái chè, thưởng trà và tìm hiểu về văn hóa trà của các dân tộc thiểu số. Theo Dương Văn Lượng (2022), ngành du lịch ở Thái Nguyên đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời bảo tồn di sản văn hóa và môi trường sinh thái. Mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà đã được triển khai thành công tại nhiều địa phương như Tân Cương, La Bằng, Tức Tranh, Phú Đình, Phú Thượng, Bình Sơn, Minh Lập và Hòa Bình, trong đó các cơ sở sản xuất chè áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ, kết hợp chỉnh trang cảnh quan và phát triển các dịch vụ du lịch để nâng cao trải nghiệm du khách. Bên cạnh đó, Thái Nguyên còn phát triển các mô hình du lịch khác như vườn cây ăn trái ở Khôi Kỳ, Đại Từ, du lịch sinh thái hồ Ghềnh Chè và vườn hoa ATK, qua đó góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thúc đẩy chuyển dịch từ sản xuất thuần túy sang dịch vụ.

Đặc biệt, tại Đồng bằng sông Cửu Long, các mô hình du lịch làng nghề truyền thống được chú trọng phát triển nhằm bảo tồn giá trị văn hóa và nâng cao thu nhập cho người dân. Du khách đến đây có thể tham quan các làng nghề nổi tiếng như làng nước mắm Phú Quốc, làng hoa Sa Đéc, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc và kẹo dừa Bến Tre, đồng thời được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật dân gian như hát vọng cổ, cải lương. Những hoạt động này không chỉ tạo ra nguồn thu kinh tế ổn định cho cộng đồng mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Ở hạ lưu sông Mekong, du khách còn có thể trải nghiệm du lịch trên các chợ nổi và thưởng thức ẩm thực đặc sắc của vùng sông nước, qua đó hiểu rõ hơn về đời sống và văn hóa của người dân địa phương.Song song với các mô hình trên, du lịch sinh thái gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng được phát triển tại các khu vực có tiềm năng bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng. Tại Hà Nội, du lịch nông nghiệp sinh thái được triển khai tại các hợp tác xã, nơi du khách tham quan các trang trại hữu cơ và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Tại Lâm Đồng, các trang trại hữu cơ và vườn hoa tại Đà Lạt không chỉ là điểm đến du lịch mà còn là nơi trưng bày và bảo tồn các giống cây trồng bản địa, góp phần duy trì sự đa dạng sinh học và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên. Cuối cùng, phát triển các dịch vụ hỗ trợ du lịch như homestay, nhà nghỉ và hướng dẫn viên du lịch đã góp phần hoàn thiện hệ sinh thái du lịch nông nghiệp ở Việt Nam. Những dịch vụ này không chỉ mang đến trải nghiệm chân thực về đời sống nông thôn mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

GIẢI PHÁP CHO PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG NGHIỆP Ở VIỆT NAM

Nhìn chung, các mô hình du lịch nông nghiệp đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, qua đó gia tăng giá trị kinh tế của địa phương. Đồng thời, du khách có cơ hội tham gia vào các hoạt động sản xuất, trải nghiệm quy trình làm việc truyền thống và tìm hiểu văn hóa địa phương, tạo nên sự kết nối bền vững giữa cộng đồng và khách tham quan. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển mô hình này một cách bền vững, cần có một chiến lược tổng thể với các giải pháp cụ thể nhằm khai thác tối đa tiềm năng của loại hình du lịch này, đồng thời khắc phục những hạn chế hiện tại. Các giải pháp bao gồm:

Thứ nhất, hoàn thiện quy hoạch và chính sách phát triển du lịch nông nghiệp. Cần có một chiến lược quy hoạch tổng thể nhằm tích hợp du lịch nông nghiệp vào kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn. Chính phủ cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, và đất đai cần được điều chỉnh để khuyến khích hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đầu tư vào loại hình du lịch này. Việc áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất nông sản phục vụ du lịch sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo tính bền vững.

Thứ hai, đầu tư cơ sở hạ tầng và cải thiện dịch vụ du lịch. Một trong những trở ngại lớn đối với sự phát triển du lịch nông nghiệp là hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Cần nâng cấp đường giao thông kết nối các khu du lịch nông nghiệp, cải thiện hệ thống điện, nước, viễn thông và bãi đỗ xe. Ngoài ra, cần đầu tư vào hệ thống lưu trú như homestay, farmstay, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống, hướng dẫn viên để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Các địa phương có thể tham khảo mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch của Đài Loan, nơi các trang trại được cải tạo để đáp ứng tiêu chuẩn du lịch, đồng thời vẫn duy trì chức năng sản xuất nông nghiệp.

Thứ ba, đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp. Các mô hình du lịch nông nghiệp cần được đa dạng hóa để tạo ra sự khác biệt và thu hút nhiều nhóm khách du lịch. Cụ thể: mở rộng mô hình du lịch trang trại như ở Ba Vì, Lâm Đồng, nơi du khách có thể trực tiếp tham gia vào các hoạt động nông nghiệp như trồng rau, hái trái cây, chế biến thực phẩm; phát triển du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, chẳng hạn như mô hình vườn quốc gia – trang trại ở Lâm Đồng, giúp bảo tồn đa dạng sinh học trong khi vẫn phục vụ nhu cầu du lịch; mở rộng mô hình du lịch tại các làng nghề truyền thống như trồng chè (Thái Nguyên), làm gốm (Bát Tràng), làm nước mắm (Phú Quốc), tạo cơ hội để du khách trải nghiệm và hiểu rõ hơn về văn hóa địa phương. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển thương hiệu du lịch nông nghiệp bằng cách đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và quảng bá trên các nền tảng số.

Thứ tư, tăng cường liên kết giữa các bên liên quan. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp lữ hành, hộ nông dân và hợp tác xã là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững du lịch nông nghiệp. Chính quyền cần đóng vai trò định hướng, hỗ trợ và giám sát, trong khi doanh nghiệp lữ hành có thể giúp thiết kế các gói du lịch hấp dẫn, kết nối với thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, hợp tác xã nông nghiệp cần đảm nhận vai trò tổ chức các hoạt động trải nghiệm, cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là một yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nông nghiệp. Cần tổ chức các khóa đào tạo cho nông dân về kỹ năng đón tiếp khách, hướng dẫn du lịch và quản lý dịch vụ. Ngoài ra, các trường đại học và viện nghiên cứu cần xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về du lịch nông nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển du lịch nông nghiệp. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có mô hình du lịch nông nghiệp phát triển như Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan. Cụ thể, Đài Loan có các trang trại kết hợp du lịch sinh thái với giáo dục môi trường, Nhật Bản có các khu du lịch nông trại kiểu Hokkaido, Thái Lan phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OTOP (One Tambon One Product) để bảo tồn sản phẩm địa phương. Việc hợp tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam tiếp thu những mô hình thành công và áp dụng linh hoạt vào điều kiện thực tế của từng vùng./.

Tài liệu tham khảo

1. Bhatta, K., Ohe, Y. (2020), A Review of Quantitative Studies in Agritourism: The Implications for Developing Countries, Tourism and Hospitality, 1(1), 23–40.

2. Châu Phương Uyên (2018), Phát triển du lịch nông nghiệp ở đồng bằng sông cửu long, Tạp chí Nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế Trường Đại học Tây Đô, 04, 46–56.

3. Dương Văn Lượng (2022), Thái Nguyên phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, truy cập từ https://thainguyen.gov.vn/bai-viet-thai-nguyen/-/asset_publisher/ L0n17VJXU23O/content/thai-nguyen-phat-trien-du-lich-cong-ong-theo-huong-ben-vung?inheritRedirect=true.

4. Đỗ Minh (2020), Nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch: Tháo gỡ vướng mắc để phát triển. , truy cập từ http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/959219/nong-nghiep-sinh-thai-gan-voi-du-lich-thao-go-vuong-mac-de-phat-trien.

5. Fleischer, A., Tchetchik, A. (2005), Does rural tourism benefit from agriculture?, Tourism Management, 26, 493–501.

6. Hoàng Thiệp (2020), Thái Nguyên: Phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, truy cập từ https://thuonghieucongluan.com.vn/thai-nguyen-phat-trien-mo-hinh-nong-nghiep-gan-voi-du-lich-sinh-thai-a112820.html.

7. Król, K. (2018). Marketing quality of texts posted on the websites of rural tourism facilities in Poland, Economic and Regional Studies, 11(4).

8. Lê Văn Phục. (2019). Kinh nghiệm phát triển du lịch của một số nước trong khu vực và gợi ý cho Việt Nam, Tạp Chí Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam, 61(4).

9. Martínez, J. M. G., Martín, J. M. M., Fernández, J. A. S., Mogorrón-guerrero, H. (2019), An analysis of the stability of rural tourism as a desired condition for sustainable tourism, Journal of Business Research, 100, 165–174.

10. Ngô Thị Phương Lan và cộng sự (2020), Du lịch nông nghiệp – Từ kinh nghiệm ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến sự phát triển tại huyện Yeongdong, tỉnh Chungcheongbuk , Hàn Quốc, Tạp chí Phát triển Khoa học và công nghệ - Khoa học xã hội và nhân văn, 4(2), 365–375.

11. Nguyễn Thị Hà (2019), Phát triển du lịch nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay, Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, 5, 42–44.

12. Nguyễn Thị Tám (2023), Chính sách của Thái Lan về bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch: một số bài học kinh nghiệm cho tỉnh Cao Bằng, Tạp chí Khoa học xã Hội Việt Nam, 4.

13. Oppermann, M. (1996), Convention destination images : analysis of association meeting planners ’ perceptions, Tourism Management, 17(3), 175–182.

14. Yan, G., Zou, L., Liu, Y., & Ji, R. (2022), How does new infrastructure impact the competitiveness of the tourism industry?-Evidence from China, PLoS ONE, 17(12), 1–16.

15. Zyl, C. C. Van, & Merwe, P. Van Der. (2021), The motives of South African farmers for o ff ering agri – tourism, Open Agriculture, 6, 537–548.

Ngày nhận bài: 22/12/2024; Ngày phản biện: 23/01/2025; Ngày duyệt đăng: 18/02/2025