Liên kết phát triển logistics hàng không thúc đẩy ngành du lịch cất cánh
Đây là khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn “Dịch vụ logistics hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam: Mở rộng thu hút du lịch khách quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tại Hà Nội ngày 26/12.
Thị trường hàng không phát triển giúp ngành du lịch cất cánh
Thông tin tại Diễn đàn, ông Võ Huy Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã phục hồi bằng mức năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát và có ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng của hàng không toàn cầu. Ước tính sản lượng vận chuyển hàng không quốc tế cả năm 2024 đạt hơn 41 triệu khách (tăng khoảng 27% so năm 2023; tương đương sản lượng năm 2019). Về thị phần khai thác vận chuyển quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam vẫn duy trì ổn định trên 42%; trong đó, Vietnam Airlines chiếm 18% và Vietjet chiếm khoảng 24% thị phần với hệ số sử dụng ghế bình quân đạt gần 80%. Dự báo thị trường vận tải hàng không quốc tế đến/đi từ Việt Nam trong năm 2025 tiếp tục tăng trưởng trên 10% so với 2024.
Diễn đàn “Dịch vụ logistics hàng không cho phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam: Mở rộng thu hút du lịch khách quốc tế đến và quay trở lại Việt Nam” |
Với tốc độ tăng trưởng trung bình dự báo khoảng 5-6%/năm, thị trường hàng không Việt Nam dự kiến sẽ đón khoảng 150 triệu khách vào năm 2035 và 200 triệu khách vào năm 2040, tăng lần lượt 1,9 lần và gần 2,5 lần so với năm 2019. Với nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy thị trường vận tải hàng không quốc tế của Việt Nam như: đã tạo lập được và duy trì vị thế là một “Điểm đến an toàn”, Chính phủ tiếp tục áp dụng chính sách miễn thị thực cho nhiều quốc gia; Việt Nam chủ động trong đàm phán, ký kết các hiệp định hàng không, thoả thuận về khai thác để cho phép các hãng hàng không tăng cường khai thác, phát triển các đường bay; cơ sở hạ tầng hàng không không ngừng được đầu tư nâng cấp, mở rộng, thêm nhiều đường bay mới…, ông Cường nhận định đây là thời điểm cất cánh cho ngành du lịch Việt Nam nếu có các chiến lược hiệu quả và phù hợp.
Cần chiến lược hợp tác chặt chẽ giữa các ngành
Tuy nhiên, thời gian qua, giá vé máy bay nội địa tăng cao đã gây tác động bất lợi cho ngành hàng không, du lịch và các ngành kinh tế. Cùng với đó, việc thiếu sự hợp tác bài bản giữa các hãng hàng không, địa phương, công ty du lịch cũng khiến 2 ngành này chưa bứt phá như kỳ vọng. Do đó, rất cần có giải pháp khắc phục các hạn chế này và xây dựng một chiến lược bài bản và sự liên kết hợp tác chặt chẽ với nhiều đơn vị trong và ngoài nước.
Theo ông Cường, trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia cạnh tranh mạnh mẽ để thu hút khách du lịch quốc tế, Việt Nam đang tích cực khai thác các điểm mạnh chiến lược để tăng cường khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, cần khai thác, quảng bá tối đa các dịch vụ bán lẻ và các dịch vụ ở sân bay, mở thêm các sản phẩm bay giờ sáng sớm và tối muộn với mức giảm giá từ 20-30% giá vé so với mức giá các chuyến bay vào giờ thông thường. Ngoài ra, các công ty lữ hành - du lịch, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, điểm tham quan... trên ở các vùng du lịch cũng cần cùng tham gia vào chiến dịch kích cầu các chuyến bay đêm, góp phần thúc đẩy ngành du lịch tăng tốc phát triển.
Thị trường hàng không phát triển giúp ngành du lịch cất cánh |
Cũng theo kiến nghị của ông Cường, cần giữ vững môi trường du lịch an toàn, trật tự an toàn xã hội tại các khu du lịch đông người, giá cả, dịch vụ cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm... Phát triển du lịch bền vững theo hướng bảo vệ cảnh quan, môi trường, văn hóa, loại hình du lịch đa dạng; Sử dụng các phương thức vận tải khác nhau giữa đường bộ, đường sắt và đường biển, và cần có sự thay đổi phù hợp để đa dạng hóa lựa chọn di chuyển, đi lại cho du khách.
Ngành du lịch cũng cần quan tâm tới nguồn nhân lực đồng đều giữa các vùng, địa phương (vùng núi, hải đảo...). Đặc biệt, cần khai thác, quảng bá tối đa các dịch vụ bán lẻ và các dịch vụ ở sân bay cũng như triển khai thêm các sản phẩm bay giờ sáng sớm và tối muộn với mức giảm giá từ 20-30% giá vé so với mức giá các chuyến bay vào giờ thông thường. Ngoài ra, các công ty lữ hành - du lịch, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, điểm tham quan... trên ở các vùng du lịch cũng cần cùng tham gia vào chiến dịch kích cầu các chuyến bay đêm từ đó góp phần thúc đẩy ngành du lịch.
Cùng quan điểm, TS. Bùi Thanh Thủy, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh, cần chú trọng cải thiện cơ sở hạ tầng để phát triển ngành du lịch. Trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay, cần cải thiện cơ sở hạ tầng, vật chất - kỹ thuật để kích cầu ngành Du lịch thông qua phát triển giao thông vận tải, nhất là đường bộ và hàng không. Đối với lĩnh vực logistics hàng không, giá vé máy bay cao là một hạn chế và rào cản lớn cản trở sự tăng trưởng không chỉ của ngành hàng không mà còn đối với các ngành kinh tế mũi nhọn khác, trong đó có ngành du lịch. Do đó, rất cần có sự bắt tay, liên kết giữa các bên liên quan để thực hiện tốt các kế hoạch và chính sách hiện có.
Bên cạnh đó, TS. Bùi Thanh Thủy cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để khai thác du lịch, nhưng cần tạo ra hệ thống các sản phẩm mang tính đặc trưng và quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia một cách hiệu quả, đồng thời cần hướng tới du kịch xanh, sinh thái trong mục tiêu chung của nền kinh tế là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững./.
Bình luận