Digital marketing tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp đối với hoạt động du lịch
ThS. Ngô Phương Thúy
Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân
Trường Đại học Hồng Đức
TS. Mai Anh Vũ
Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
Tóm tắt
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành du lịch, digital marketing trở thành công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng hiệu quả. Bài viết phân tích thực trạng ứng dụng digital marketing trong ngành du lịch Việt Nam, nhận diện những xu hướng, kết quả đạt được và hạn chế, từ đó đề xuất các giải pháp tối ưu.
Từ khóa: digital marketing, du lịch, Việt Nam, chuyển đổi số
Summary
In the fierce competition in the tourism industry, digital marketing has become a crucial tool to help businesses reach customers effectively. The article analyzes the current situation of digital marketing applications in the Vietnamese tourism industry, identifies trends, achievements, and limitations, and then proposes optimal solutions.
Keywords: digital marketing, tourism, Vietnam, digital transformation
GIỚI THIỆU
Ngành du lịch tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ những năm gần đây, trở thành một trong những ngành kinh tế trọng yếu của đất nước. Năm 2024, du lịch Việt Nam ước đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023 (Xuân Trường, 2025). Du lịch khởi sắc tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là sự cạnh tranh khốc liệt từ các điểm đến du lịch khác trong khu vực, như: Thái Lan, Singapore, và Malaysia... Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, ngành du lịch Việt Nam cần phải đổi mới và áp dụng các chiến lược marketing hiệu quả, trong đó digital marketing đóng vai trò chủ chốt. Do đó, việc nghiên cứu và đánh giá thực trạng ứng dụng digital marketing trong ngành du lịch tại Việt Nam là vô cùng quan trọng.
THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG DIGITAL MARKETING TRONG NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM
Ứng dụng một số công cụ digital marketing trong hoạt động du lịch tại Việt Nam
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, người tiêu dùng ngày càng thành thạo với các nền tảng công nghệ số, việc ứng dụng digital marketing vào hoạt động du lịch giúp các doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch dễ dàng tiếp cận và duy trì mối quan hệ với khách hàng, góp phần tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong các hoạt động thu hút khách du lịch. Một số công cụ digital marketing được ứng dụng rộng rãi trong ngành du lịch Việt Nam bao gồm: nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, Instagram, YouTube, và TikTok; Website; Email marketing; quảng cáo trực tuyến (Google Ads)… đã trở thành những kênh quan trọng trong việc tiếp cận khách hàng tiềm năng.
Theo We Are Social và Kepios (2024), tính đến tháng 01/2024, có hơn 78,44 triệu người Việt Nam sử dụng Internet, với hơn 72,7 triệu người sử dụng Facebook; 76,5 triệu người dùng Zalo; 63 triệu người dùng Youtube; 67 triệu người dùng Tiktok. Số liệu này cho thấy mạng xã hội đã và đang trở thành kênh quảng bá chính của ngành du lịch, nơi các công ty du lịch thường xuyên sử dụng để quảng bá các gói du lịch, chia sẻ hình ảnh, video về các điểm đến nổi tiếng, cũng như tổ chức các chương trình tương tác với khách hàng. Đặc biệt, TikTok và Instagram với tính năng chia sẻ hình ảnh và video ngắn đang trở thành công cụ mạnh mẽ để thu hút sự chú ý của khách hàng trẻ tuổi, những người có xu hướng tìm kiếm thông tin du lịch thông qua các nội dung hình ảnh và video trực quan.
Ngoài ra, công cụ SEO (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) là một chiến lược quan trọng giúp các công ty du lịch nâng cao thứ hạng trên các công cụ tìm kiếm như Google. Việc tối ưu hóa website du lịch giúp doanh nghiệp và các tổ chức du lịch xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của khách hàng khi họ tìm kiếm các điểm đến du lịch hoặc dịch vụ liên quan đến du lịch. Theo báo cáo của Google (2021), khoảng 75% người tiêu dùng sử dụng công cụ tìm kiếm trực tuyến để tra cứu thông tin trước khi quyết định lựa chọn các dịch vụ du lịch. Điều này làm tăng khả năng tiếp cận khách hàng và tạo ra cơ hội chuyển đổi cao hơn từ người tìm kiếm thông tin sang khách hàng thực sự.
Bên cạnh đó, Website là một công cụ quan trọng không chỉ để cung cấp thông tin chi tiết về các tour du lịch, điểm đến, mà còn để khách hàng có thể dễ dàng tra cứu, đặt tour, thanh toán trực tuyến và đánh giá dịch vụ. Các công ty du lịch tại Việt Nam ngày càng chú trọng vào việc thiết kế website thân thiện với người dùng, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và tích hợp các công cụ hỗ trợ booking trực tuyến. Theo khảo sát của Statista (2022), 65% khách hàng du lịch tại Việt Nam sử dụng website để tìm kiếm thông tin và đặt dịch vụ du lịch.
Bên cạnh đó, Email marketing là một trong những chiến lược tiếp cận khách hàng hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp du lịch, tổ chức du lịch tại Việt Nam sử dụng email để gửi thông tin về các chương trình khuyến mãi, gói tour mới, hoặc những thay đổi trong lịch trình du lịch. Đây cũng là kênh quan trọng để duy trì mối quan hệ với khách hàng cũ, thúc đẩy họ quay lại sử dụng dịch vụ hoặc chia sẻ thông tin du lịch với người thân, bạn bè. Theo Campaign Monitor (2021), tỷ lệ mở email trong ngành du lịch tại Việt Nam đạt khoảng 25%, cao hơn mức trung bình của các ngành khác.
Trong khi đó, quảng cáo trực tuyến (PPC) là quảng cáo qua các nền tảng, như: Google Ads, Facebook Ads và Instagram Ads đã trở thành một công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp du lịch tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách nhanh chóng và hiệu quả. Theo báo cáo của Smartly.io (2021), chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số của ngành du lịch tại Việt Nam đã đạt 30 triệu USD trong năm 2021, với Google Ads và Facebook Ads chiếm phần lớn thị phần. Các chiến dịch quảng cáo trực tuyến được tối ưu hóa để hướng tới đúng đối tượng khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ du lịch, từ đó giúp doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu và cải thiện khả năng cạnh tranh.
Thực tế, hiện nay, một số doanh nghiệp du lịch lớn như: Vietravel, Saigontourist và TST Tourist đã ứng dụng các công cụ digital marketing, như: SEO, Google Ads, và tiếp thị qua người ảnh hưởng (Influencer Marketing) để tối ưu hóa quảng cáo và tiếp cận khách hàng. Các chiến dịch sử dụng Google Ads và Facebook Ads đã giúp các doanh nghiệp này gia tăng đáng kể hiệu quả chiến lược quảng bá, hướng đến đúng đối tượng khách hàng mục tiêu. Ví dụ, Vietravel đã tổ chức nhiều chiến dịch quảng bá qua các influencer nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội, từ đó thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng gia tăng. Đặc biệt, việc tối ưu hóa các công cụ tìm kiếm (SEO) đã giúp các trang web du lịch xuất hiện trên các trang đầu của các công cụ tìm kiếm, tăng khả năng tiếp cận khách hàng nhanh chóng.
Theo dữ liệu từ Google dẫn theo, lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam từ cuối tháng 11/2024 tới hết tháng 01/2025 tăng trong khoảng từ 15%-30% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong nửa đầu tháng 2/2025, lượng tìm kiếm quốc tế tiếp tục tăng ở mức 30%-45% (Diệp Anh, 2025). Chính vì vậy, quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng và tạo ra sự khác biệt trong ngành du lịch.
Kết quả đạt được
Việc ứng dụng digital marketing trong ngành du lịch tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch trong bối cảnh chuyển đổi số. Các chiến lược tiếp thị số không chỉ giúp các doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tối ưu hóa quá trình quản lý và quảng bá dịch vụ, mà còn gia tăng đáng kể lượng khách du lịch quốc tế và nội địa, qua đó tạo ra những tác động sâu rộng đến nền kinh tế quốc gia. Theo đó, các kết quả đạt được như sau:
Tăng trưởng mạnh mẽ lượng khách du lịch quốc tế và nội địa
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 đạt 3,66 triệu lượt, gấp 4 lần so với năm 2021. Năm 2023, khách quốc tế đến nước ta cũng được đánh giá là tăng cao nhờ triển khai hiệu quả chiến lược marketing và các đề án phát triển du lịch. Theo đó, khách quốc tế đến năm 2023 đạt 12,6 triệu lượt khách, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu đón 8 triệu lượt khách từ đầu năm và đạt mục tiêu điều chỉnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ 12,5 đến 13 triệu lượt người. Năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,6 triệu lượt người, tăng 39,5% so với năm trước. Nhìn chung, các chiến dịch quảng bá qua mạng xã hội Facebook, Instagram, và TikTok đã đóng góp không nhỏ vào sự thành công này. Điển hình là các chiến dịch: "Phú Quốc - Đảo Ngọc", "Đà Nẵng - Điểm đến mới", hay "Hà Nội - Thành phố vì hòa bình", đã thu hút hàng triệu lượt người theo dõi và chia sẻ, giúp các điểm đến du lịch Việt Nam đến gần hơn với du khách quốc tế và đối tượng khách hàng trẻ, năng động.
Xây dựng hình ành điểm đến qua các nền tảng trực tuyến
Ngoài mục đích tăng trưởng lượng khách du lịch đến Việt Nam, các chiến dịch Digital Marketing còn hướng đến việc tập trung xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch. Ví dụ, chiến dịch "Visit Vietnam Year 2022" được quảng bá rộng rãi trên các nền tảng xã hội và website du lịch, đã giúp hình ảnh các điểm đến, như: Hội An, Hạ Long, và Ninh Bình được nhiều du khách quốc tế biết đến. Mạng xã hội trở thành kênh thông tin chính thức và hiệu quả, tạo cơ hội cho các du khách chia sẻ trải nghiệm và cảm nhận về Việt Nam. Ngày 19/2/2025, theo thông tin Trung tâm Thông tin Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, hiện Việt Nam đang là điểm đến có sức hút cao trên bản đồ du lịch thế giới. Kết quả trên được rút ra từ số liệu tổng hợp dữ liệu tìm kiếm trên Google trong thời gian gần 3 tháng vừa qua. Cụ thể, theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam từ cuối tháng 11/2024 tới hết tháng 01/2025 tăng từ 15%-30% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, trong nửa đầu tháng 02/2025, lượng tìm kiếm quốc tế các thông tin về du lịch Việt Nam tiếp tục tăng ở mức 30%-45% (TTXVN, 2025).
Một số khó khăn, hạn chế
Mặc dù digital marketing đã mang lại nhiều thành tựu đáng kể cho ngành du lịch Việt Nam, nhưng vẫn tồn tại không ít hạn chế trong quá trình ứng dụng. Những thách thức này cản trở việc tối đa hóa hiệu quả của các chiến lược tiếp thị số và yêu cầu các giải pháp cải thiện từ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Cụ thể như sau:
Hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ
Một trong những hạn chế lớn nhất trong việc triển khai digital marketing tại Việt Nam là hạ tầng công nghệ chưa thực sự đồng bộ và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Mặc dù các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã có những nền tảng kỹ thuật số tiên tiến, nhưng tại các địa phương khác, việc ứng dụng các công nghệ số trong du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng mạng internet tại một số khu vực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cho các dịch vụ trực tuyến. Điều này gây khó khăn cho việc cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến, đặc biệt là khi khách hàng cần tra cứu thông tin, đặt tour, hay thanh toán trực tuyến.
Chưa khai thác hiệu quả dữ liệu khách hàng
Một trong những yếu tố quan trọng trong digital marketing là khả năng thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng để tối ưu hóa chiến lược quảng cáo. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam vẫn chưa áp dụng các công cụ phân tích dữ liệu hiệu quả. Theo báo cáo của McKinsey (2021), hơn 40% các công ty du lịch ở Việt Nam chưa tận dụng được dữ liệu khách hàng để thiết kế các chiến lược marketing phù hợp với từng cá nhân. Điều này khiến các chiến dịch quảng cáo không thực sự hiệu quả, đặc biệt khi đối mặt với nhu cầu ngày càng cao về trải nghiệm khách hàng được cá nhân hóa.
Sự cạnh tranh từ các đại lý du lịch quốc tế
Trong khi các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã bắt đầu khai thác các kênh digital marketing, họ vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) quốc tế, như: Booking.com, Agoda, Expedia và Traveloka. Các OTA này có nguồn lực tài chính mạnh mẽ và mạng lưới khách hàng toàn cầu rộng lớn, điều này khiến các công ty du lịch trong nước khó có thể cạnh tranh về mặt quảng cáo và tiếp cận khách hàng. Ngoài ra, các OTA quốc tế thường có chiến lược Digital Marketing mạnh mẽ và áp dụng công nghệ tiên tiến hơn, giúp họ chiếm ưu thế trong việc thu hút khách du lịch quốc tế.
Chưa tối ưu hóa chiến lược nội dung
Một trong những yếu tố then chốt của digital marketing là chiến lược nội dung. Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan quản lý du lịch tại Việt Nam đều có chiến lược nội dung được xây dựng một cách bài bản. Nội dung được cung cấp trên các kênh số thường thiếu sự sáng tạo, phong phú và chưa thực sự hấp dẫn đối với khách hàng tiềm năng, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Mặc dù mạng xã hội là kênh mạnh mẽ để thu hút khách hàng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đầu tư đủ vào việc xây dựng các chiến lược nội dung dài hạn, như video du lịch, blog chia sẻ kinh nghiệm, hay các bài viết mang tính giáo dục và truyền cảm hứng.
Chi phí đầu tư cao và thiếu chiến lược dài hạn
Nhiều doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc cân đối chi phí khi đầu tư vào digital marketing. Các chiến dịch quảng cáo trên các nền tảng như: Google Ads hay Facebook Ads đòi hỏi một khoản đầu tư khá lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thêm vào đó, việc thiếu một chiến lược dài hạn trong ứng dụng Digital Marketing cũng khiến cho các chiến dịch quảng bá chưa phát huy hết hiệu quả. Các chiến lược marketing dài hạn, như xây dựng thương hiệu và tạo dựng niềm tin từ khách hàng, chưa được nhiều doanh nghiệp chú trọng, dẫn đến sự thiếu bền vững trong kết quả đạt được.
Mặc dù digital marketing mang lại nhiều cơ hội phát triển cho ngành du lịch Việt Nam, nhưng các hạn chế trên vẫn cần được giải quyết để tối đa hóa tiềm năng của công cụ này. Các doanh nghiệp du lịch cần tập trung vào việc cải thiện hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn, khai thác dữ liệu khách hàng, và xây dựng các chiến lược digital marketing bài bản và bền vững. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ và đầu tư từ các cơ quan chức năng để tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của digital marketing trong ngành du lịch.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Digital marketing đã trở thành một công cụ quan trọng, giúp các doanh nghiệp du lịch, các cơ quản lý nhà nước về du lịch xây dựng thương hiệu, tối ưu hóa quy trình kinh doanh và nâng cao trải nghiệm khách hàng tốt hơn. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả tiềm năng của digital marketing mang lại, các doanh nghiệp du lịch cần áp dụng một loạt các giải pháp đồng bộ và sáng tạo, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đào tạo và phát triển đội ngũ digital marketing chuyên nghiệp. Để tối ưu hóa các công cụ digital marketing, như: SEO, quảng cáo trực tuyến, phân tích dữ liệu khách hàng và quản lý các chiến dịch marketing qua mạng xã hội, các doanh nghiệp du lịch cần phải đầu tư mạnh mẽ vào công tác đào tạo nhân viên. Một đội ngũ digital marketing chuyên nghiệp không chỉ cần có kỹ năng về công nghệ mà còn cần hiểu rõ tâm lý khách hàng và các xu hướng tiêu dùng hiện đại. Theo một nghiên cứu của Google, 64% khách du lịch tìm kiếm thông tin về điểm đến qua công cụ tìm kiếm trực tuyến, điều này nhấn mạnh sự quan trọng của việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) trong digital marketing. Việc đào tạo nhân viên về SEO sẽ giúp doanh nghiệp du lịch có thể xếp hạng cao trên các công cụ tìm kiếm, tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng. Bên cạnh đó, quảng cáo trực tuyến (Google Ads, Facebook Ads, Instagram Ads) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường độ phủ sóng của thương hiệu du lịch. Việc hiểu và sử dụng các công cụ này một cách hiệu quả sẽ mang lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp. Ngoài các kỹ năng về công cụ quảng cáo, nhân viên cần được đào tạo về phân tích dữ liệu khách hàng. Dữ liệu khách hàng chính là nguồn tài nguyên quý giá giúp các tổ chức du lịch nhận diện được hành vi, sở thích và nhu cầu của khách hàng, từ đó đưa ra các chiến lược marketing cá nhân hóa, phù hợp với từng nhóm khách hàng.
Thứ hai, tăng cường sử dụng video marketing và nội dung trực quan. Một trong những xu hướng nổi bật trong marketing hiện nay là sự ưa chuộng các nội dung trực quan, đặc biệt là video. Các nghiên cứu cho thấy, video marketing có thể tăng tỷ lệ chuyển đổi lên đến 80%. Trong ngành du lịch, video marketing đặc biệt quan trọng vì nó không chỉ giúp khách hàng hình dung rõ hơn về các điểm đến mà còn tạo cảm hứng cho họ về một kỳ nghỉ tuyệt vời. Đối với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, việc sản xuất các video hấp dẫn, chân thực về các tour du lịch, văn hóa và thiên nhiên của đất nước sẽ giúp thu hút sự quan tâm của khách hàng. Những video này có thể được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube, hoặc TikTok để tiếp cận đối tượng khách hàng mục tiêu. Đồng thời, việc sử dụng các nội dung trực quan giúp tăng khả năng tương tác với khách hàng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thể hiện nét độc đáo và bản sắc riêng biệt của mình.
Thứ ba, tăng chất lượng trải nghiệm người dùng trên website và các nền tảng trực tuyến. Một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược digital marketing là cải thiện trải nghiệm người dùng trên các nền tảng trực tuyến. Website chính là "gương mặt" của doanh nghiệp du lịch trên internet, vì vậy việc tối ưu hóa website để khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin, đặt tour và thanh toán online là rất quan trọng. Nếu khách hàng gặp phải những trải nghiệm không tốt trên website, họ sẽ ngay lập tức rời đi và tìm đến đối thủ cạnh tranh. Ngoài việc tối ưu hóa website, các doanh nghiệp du lịch cũng cần phát triển các ứng dụng di động để khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ mọi lúc, mọi nơi. Theo một nghiên cứu của Statista, khoảng 60% giao dịch mua sắm trực tuyến trong ngành du lịch xảy ra trên các thiết bị di động. Do đó, việc phát triển ứng dụng di động thân thiện với người dùng sẽ không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng mà còn tối ưu hóa quy trình mua hàng và thanh toán trực tuyến.
Thứ tư, tăng cường chiến lược quảng cáo hướng tới đối tượng mục tiêu. Các chiến lược quảng cáo cần được tùy chỉnh và tối ưu hóa để phục vụ các nhóm khách hàng cụ thể. Để làm được điều này, các doanh nghiệp du lịch cần phải sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu mạnh mẽ để hiểu rõ hành vi, thói quen và nhu cầu của khách hàng. Các công cụ phân tích dữ liệu như: Google Analytics, Facebook Insights, hay các phần mềm CRM (Customer Relationship Management), (Quản lý quan hệ khách hàng) giúp doanh nghiệp thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng một cách chính xác. Thông qua việc phân tích dữ liệu khách hàng, doanh nghiệp có thể phát triển các chiến lược quảng cáo hiệu quả hơn, như thiết kế các quảng cáo nhắm vào nhóm khách hàng tiềm năng, lựa chọn kênh quảng cáo phù hợp, và điều chỉnh thông điệp để tối ưu hóa kết quả.
Thứ năm, ứng dụng công nghệ AI và Big Data. Việc ứng dụng công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo) và Big Data vào Digital Marketing là một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong các ngành công nghiệp, bao gồm cả du lịch. Công nghệ AI có thể giúp phân tích hành vi của khách hàng, từ đó dự báo xu hướng du lịch và cá nhân hóa các chiến dịch marketing cho từng nhóm khách hàng. Ví dụ, thông qua AI, các doanh nghiệp du lịch có thể phân tích các dữ liệu khách hàng như hành vi đặt phòng, mức độ tương tác với quảng cáo, và các thông tin cá nhân khác để tạo ra các chiến dịch marketing phù hợp hơn. Bên cạnh đó, Big Data giúp doanh nghiệp thu thập và xử lý lượng dữ liệu khổng lồ để tạo ra các chiến lược marketing chính xác và hiệu quả hơn. Việc ứng dụng công nghệ này sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch nâng cao hiệu quả các chiến dịch quảng cáo, đồng thời tối ưu hóa chi phí cho các chiến dịch. Ngoài ra, Công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và chatbot có thể mang lại những trải nghiệm ảo hấp dẫn, cho phép du khách "thăm" các điểm đến du lịch nổi tiếng ngay từ xa. Ví dụ, du khách có thể trải nghiệm cảnh quan đẹp của vịnh Hạ Long hay chùa Một Cột qua các tour du lịch ảo, từ đó dễ dàng hình dung và đưa ra quyết định tham gia chuyến du lịch thực tế./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Campaign Monitor (2021), Nghiên cứu về hiệu quả Email Marketing trong ngành du lịch.
2. Google (2021), Thói quen tìm kiếm thông tin du lịch của khách hàng.
3. Google và Temasek (2021), Báo cáo thị trường Internet Đông Nam Á.
4. Lý Liệt Thanh (2024), Thực trạng và triển vọng phát triển bền vững ngành Du lịch Việt Nam, Tạp chí Tài chính, 839, 53-55.
5. McKinsey (2021), Nghiên cứu về việc khai thác dữ liệu khách hàng trong ngành du lịch tại Việt Nam, truy cập từ https://www.mckinsey.com/featured-insights/mckinsey-explainers/what-is-the-future-of-travel.
6. Ngọc Bích (2024), Truyền thông, kích cầu du lịch trên các nền tảng số, truy cập từ https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/truyen-thong-kich-cau-du-lich-tren-cac-nen-tang-so/44495.html.
7. Smartly.io (2021), Báo cáo về chi tiêu quảng cáo trực tuyến trong ngành du lịch Việt Nam.
8. Statista (2022), Khảo sát về thói quen sử dụng website trong ngành du lịch tại Việt Nam.
9. Tổng cục Thống kê (2022-2024), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội các năm, từ năm 2022-2024.
10. TTXVN (2025), Đầu năm 2025: Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng mạnh, truy cập từ https://vnanet.vn/vi/graphic/kinh-te-4/dau-nam-2025-luong-tim-kiem-quoc-te-ve-du-lich-viet-nam-tang-manh-7866447.html.
11. Trung tâm Thông tin, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (2024), Truyền thông số góp phần truyền tải hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn sau khi mở cửa trở lại, truy cập từ https://bvhttdl.gov.vn/truyen-thong-so-gop-phan-truyen-tai-hinh-anh-du-lich-viet-nam-an-toan-than-thien-hap-dan-sau-khi-mo-cua-tro-lai-20240319082447237.htm.
12. We Are Social và Kepios (2024), Báo cáo Digital 2024.
13. Xuân Trường (2025), 2024 - Năm khởi sắc của du lịch Việt Nam, truy cập từ https://bvhttdl.gov.vn/2024-nam-khoi-sac-cua-du-lich-viet-nam-20250102081702859.htm#:~:text.
Ngày nhận bài: 05/02/2025; Ngày phản biện: 19/02/2025; Ngày duyệt đăng: 10/03/2025 |
Bình luận