Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Marcin Miller, đại diện McKinsey cho biết, nhiều quốc gia đã thúc đẩy việc phối hợp giữa các trường đại học với Chính phủ, các doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp với mục tiêu xây nên hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, triển khai trong thực tế không dễ dàng và cần rất nhiều sự nỗ lực. Tại Việt Nam, việc Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - NIC (ngày 09/01/2021) đánh dấu sự quyết tâm trong nâng tầm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, nhưng McKinsey cho rằng, NIC phải thực sự nỗ lực kết nối các chủ thể mới có thể tạo nên hệ sinh thái hiệu quả trong tương lai.

Nhiều chuyên gia quốc tế và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy NIC xây hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam

Các chủ thể NIC cần kết nối chính gồm: Chính phủ, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ. “Trong sự kết nối này, NIC cần liên tục cung ứng các chương trình đào tạo, các hoạt động hỗ trợ mang lại lợi ích thực tế cho các chủ thể trong hệ sinh thái”, ông Marcin Miller khuyến nghị.

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam cần tạo môi trường mà các bên liên quan cùng phối hợp với nhau với đa dạng các hình thức hợp tác. Chẳng hạn tại Singapore, bên cạnh trung tâm đổi mới sáng tạo còn có trung tâm số hóa, các công viên đổi mới, sáng tạo…, thu hút sự tham gia của tất cả các chủ thể và có đủ không gian để thể hiện tiếng nói của mình. “Cụ thể hơn, NIC của Việt Nam cần thúc đẩy cơ chế chia sẻ kinh nghiệm và thu hút được các doanh nghiệp thực sự khát vọng, sẵn sàng đầu tư cho đổi mới, sáng tạo”, ông Miller nói.

Lãnh đạo Mckinsey muốn hợp tác với NIC, xây trung tâm đổi mới sáng tạo thứ 7 tại Việt Nam

Lãnh đạo Mckinsey cho biết, tổ chức này đã xây dựng mạng lưới 6 trung tâm đổi mới sáng tạo tại Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á, nhằm thúc đẩy các nỗ lực đổi mới sáng tạo trên toàn cầu. Trung tâm gần nhất do McKinsey xây dựng là tại Singapore, đến nay đã đào tạo được 3.500 doanh nghiệp, giúp họ áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại hơn và thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo cho các chủ thể. Lãnh đạo McKinsey đề xuất phối hợp với NIC, xây trung tâm đổi mới sáng tạo thứ 7 tại Việt Nam. Ông Marcin Miller tin rằng, trung tâm thứ 7 sẽ thúc đẩy mạnh hơn hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, mang đến thành công chung cho các chủ thể và nền kinh tế.

Trong một nỗ lực khác của McKinsey, tổ chức vừa xuất bản báo cáo “Tương lai Việt Nam” với chủ đề: “Sáu quy tắc vàng giúp các doanh nghiệp hệ sinh thái dành thắng lợi tại Việt Nam”. McKinsey dẫn câu chuyện năm 2014, Công ty cổ phần VNG trở thành doanh nghiệp kỳ lân đầu tiên của Việt Nam. Mặc dù có xuất phát điểm là một công nhượng quyền kinh doanh trò chơi, nhưng đến nay ,VNG trở nên nổi tiếng với ứng dụng nhắn tin zalo với các khoản đầu tư khác nhau vào thương mại điện tử Tiki, trò chơi hay thanh toán (Zalopay). VNG không phải là doanh nghiệp chỉ tập trung vào lĩnh vực đơn lẻ mà cung cấp đáng kể các dịch vụ trực tuyến không thể hoạt động một cách trực quan trong cùng một ngành. Các công ty như VNG, bao gồm Grab, SEA và One Mount Group… nay được gọi là hệ sinh thái.

McKinsey dự báo, năm 2025 sẽ nổi lên 12 hệ sinh thái lớn trong các dịch vụ bán lẻ và tổ chức tại Việt Nam

Mckinsey cho rằng, trong thập kỷ tới, các doanh nghiệp sẽ phải đánh giá mô hình kinh doanh của họ không phải dựa trên thành công của họ khi so sánh với các công ty cùng ngành truyền thống mà dựa trên thành công khi cạnh tranh trong các hệ sinh thái đang phát triển nhanh chóng.

McKinsey dự báo, năm 2025 sẽ nổi lên 12 hệ sinh thái lớn trong các dịch vụ bán lẻ và tổ chức tại Việt Nam, với tổng doanh thu khoảng 2.400 nghìn tỷ đồng (100 tỷ USD).

Cuộc tọa đàm “Vai trò của trung tâm đổi mới sáng tạo trong nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế” tổ chức trong khuôn viên Triển lãm quốc tế về đổi mới sáng tạo Việt Nam (ngày 9-10/01/2021) thu hút nhiều chuyên gia, nhà quản trị hàng đầu Việt Nam và quốc tế tham dự.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, lãnh đạo Samsung Vina cho biết, từ năm 2015 đến nay, Hàn Quốc đã thành lập 17 trung tâm đổi mới sáng tạo

Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ông Nguyễn Anh Tuấn, lãnh đạo Samsung Vina cho biết, từ năm 2015 đến nay, Hàn Quốc đã thành lập 17 trung tâm đổi mới sáng tạo, nhằm kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn và chuỗi giá trị toàn cầu. Các trung tâm tại Hàn Quốc đã kết nối các tập đoàn lớn như Samsung, SK, Intel… với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Hàng năm, Hàn Quốc chi 1,8 tỷ USD cho các hoạt động đầu tư, bảo lãnh, cho vay… các dự án đổi mới, sáng tạo. Chính nhờ nguồn vốn hỗ trợ này, mạng lưới đổi mới sáng tạo Hàn Quốc đã thu hút hàng trăm tỷ USD từ các nhà đầu tư toàn cầu vào doanh nghiệp trong nước, mang lại thành công rất lớn cho Hàn Quốc khi đến nay, quốc gia này có 5.000 doanh nghiệp tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu”, ông Tuấn nói.

Phó giám đốc NIC, ông Vũ Quốc Huy chia sẻ, Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi đặc biệt cho NIC tại Nghị định 94/NĐ-CP

Chia sẻ với các chuyên gia, nhà quản trị trong nước và quốc tế, ông Vũ Quốc Huy, Phó giám đốc NIC cho biết, Chính phủ đã ban hành cơ chế ưu đãi đặc biệt cho NIC, được quy định tại Nghị định 94/NĐ-CP. Theo ông Huy, các cơ chế ưu đãi này không chỉ áp dụng cho NIC, mà còn cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào công cuộc đổi mới sáng tạo tại NIC. Bên cạnh việc khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (dự kiến xây trong 3 năm), ông Huy cho biết, Chính phủ khuyến khích các địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức xây trung tâm đổi mới, sáng tạo và các nỗ lực này có thể được áp dụng một phần hay toàn bộ các ưu đãi trong Nghị định 94/NĐ-CP./.