Mở rộng các ranh giới chủ quan và thúc đẩy sáng tạo thông qua các kỹ thuật kể chuyện
Các xã hội và nền văn minh của loài người đã được xây dựng trên vô số các phát minh và sự đổi mới. Vai trò của sự sáng tạo là không thể thiếu để tạo ra những phát minh và sự đổi mới đó. Do đó, hiện nay việc đào tạo khả năng sáng tạo là ưu tiên hàng đầu của nhiều tổ chức và cơ quan [1,2].
Hai nhà nghiên cứu từ Đại học Ohio, Angus Fletcher và Mike Benveniste, đã đề xuất một phương pháp mới để đào tạo khả năng sáng tạo [3]. Phương pháp đào tạo này dựa trên lý thuyết kể chuyện (narrative theory) – một kỹ thuật nghiên cứu về cách mà các câu chuyện được xây dựng, truyền đạt, và nhận biết, cũng như cách chúng ảnh hưởng đến ý thức và hành vi của con người. [4]. Chương trình đào tạo bao gồm ba kỹ thuật kể chuyện/ (narrative techniques) [5]:
Xây dựng thế giới: Là kỹ thuật trong quá trình đào tạo sáng tạo nhằm giúp tâm trí của người học tưởng tượng ra một môi trường mới. Kỹ thuật này có thể bao gồm việc tạo ra các cảnh vật, không gian, và các yếu tố khác để mô phỏng một môi trường hoàn toàn mới mà họ chưa từng trải nghiệm trước đây. Từ đó, khuyến khích sự sáng tạo và mở rộng trí tưởng tượng của cá nhân, giúp họ nắm bắt và khám phá những khả năng mới và không gian mới mà họ có thể khám phá.
Thay đổi góc nhìn: Là kỹ thuật giúp tâm trí của người học tưởng tượng vấn đề từ các góc nhìn khác nhau, hoặc đặt mình vào vị trí của những người khác để hiểu được quan điểm, cảm xúc và góc nhìn của họ. Kỹ thuật này hỗ trợ sự linh hoạt trong tư duy và mở rộng khả năng hiểu biết, giúp cá nhân nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn và tạo ra những ý tưởng mới mẻ và độc đáo.
Tạo ra hành động: Là kỹ thuật giúp tâm trí của người học tưởng tượng các hành động có thể xảy ra. Kỹ thuật này giúp tạo ra và khám phá các kịch bản hoặc hành động tiềm năng mà cá nhân có thể thực hiện trong một tình huống cụ thể. Qua đó sẽ tăng cường sự sáng tạo và khả năng tư duy hành động, giúp cá nhân phát triển các giải pháp mới và đề xuất các hành động cụ thể để đạt được mục tiêu hoặc giải quyết vấn đề.
Mặc dù lợi ích và khó khăn khi thực hiện các kỹ thuật kể chuyện này vẫn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để đánh giá, hiệu quả của chúng có thể một phần nào đấy thấy được thông qua việc áp dụng sớm các chương trình giảng dạy. Đặc biệt, Trường Cao đẳng Chỉ huy và Tham mưu Quân đội Hoa Kỳ, cộng đồng tác chiến đặc biệt của quân đội Hoa Kỳ, Trường Kinh doanh Booth của Đại học Chicago, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Bang Ohio và các đối tác khác đã áp dụng và cải tiến chương trình đào tạo sử dụng các kỹ thuật kể chuyện cho quân nhân cấp cao, viên chức, giám đốc điều hành công ty và sinh viên tốt nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khởi nghiệp đến nghệ thuật [3].
Ảnh minh họa: Trí tưởng tượng bên trong các ranh giới chủ quan. Vẽ bởi Imagine AI (https://www.imagine.art/) |
Nếu nhìn qua lăng kính lý thuyết mindsponge [6,7], ta sẽ có thể hình dung được công dụng của các kỹ thuật kể chuyện trên rõ hơn. Lý thuyết mindsponge cho rằng thông tin trong thế giới vật lý là khách quan, nhưng cách mà con người hiểu và tận dụng thông tin đó sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chủ quan. Trong thực tế, mức độ mà con người có thể hiểu và tận dụng một vật hoặc sự kiện phụ thuộc vào khả năng tư duy/xử lý thông tin của họ để tưởng tượng các khả năng có thể xảy ra. Khả năng tư duy này bị hạn chế bởi tập hợp thông tin tồn tại trong tâm trí, tạo ra các ranh giới chủ quan (subjective boundary) cho sự tưởng tượng [8].
Từ góc độ xử lý thông tin, phương pháp đào tạo dựa trên lý thuyết kể chuyện có thể được hiểu là một cách để mở rộng thế giới chủ quan (hoặc các ranh giới chủ quan) trong tâm trí của người học thông qua các kỹ thuật xây dựng thế giới, thay đổi góc nhìn và tạo ra hành động. Khi góc nhìn chủ quan được mở rộng, con người có thể tưởng tượng ra nhiều khả năng có thể xảy ra hơn, từ đó tăng cường sự sáng tạo của họ – khả năng tạo ra và thực hiện các ý tưởng mới và hữu ích [9-11]./.
Tài liệu tham khảo
[1] Baer, M. (2012). Putting creativity to work: The implementation of creative ideas in organizations. Academy of Management Journal, 55(5), 1102-1119. https://journals.aom.org/doi/10.5465/amj.2009.0470
[2] Scott, G, Leritz, L. E., & Mumford, M. D. (2009). The effectiveness of creativity training: A quantitative review. Creativity Research Journal, 16(4), 361-388. https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/10400410409534549
[3] Fletcher, A., & Benveniste, M. (2022). A new method for training creativity: narrative as an alternative to divergent thinking. Annals of the New York Academy of Sciences, 1512(1), 29-45. https://nyaspubs.onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/nyas.14763
[4] Phelan, J., et al. (2012). Narrative theory: Core concepts and critical debates. Ohio State University Press. https://books.google.com.vn/books/about/Narrative_Theory.html?id=mDSpAQAACAAJ
[5] Fletcher, A. (2021). Wonderworks. Simon & Schuster. https://books.google.com.vn/books/about/Wonderworks.html?id=VKQbEAAAQBAJ
[6] Vuong, Q. H. (2022). Mindsponge theory. Walter De Gruyter GmbH. https://www.amazon.com/dp/B0C3WHZ2B3
[7] Vuong, Q. H., Nguyen, M. H., & La, V. P. (2022). The mindsponge and BMF analytics for innovative thinking in social sciences and humanities. Walter De Gruyter GmbH. https://www.amazon.com/dp/B0C4ZK3M74
[8] Nguyen, M. H., Le, T. T., & Vuong, Q. H. (2023). Ecomindsponge: A novel perspective on human psychology and behavior in the ecosystem. Urban Science, 7(1), 31. https://www.mdpi.com/2413-8851/7/1/31
[9] Runco, M. A, & Jaeger, G. J. (2012). The standard definition of creativity. Creativity Research Journal, 24(1), 92–96. https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/10400419.2012.650092
[10] Puryear, J. S., & Lamb, K. N. (2020). Defining creativity: how far have we come since Plucker, Beghetto, and Dow? Creativity Research Journal, 32, 206–214. https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/10400419.2020.1821552
[11] Vuong, Q. H. (2022). A new theory of serendipity: Nature, emergence and mechanism. Walter De Gruyter GmbH. https://www.amazon.com/dp/B0C5C4LPF1/
Bình luận