TS. Nguyễn Lan Hương

Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ

Email: lhuong1492@yahoo.com

Tóm tắt

Trong những năm gần đây, Phú Thọ là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao với tăng trưởng công nghiệp vượt mức trung bình cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này đặt ra những thách thức lớn về môi trường và bảo tồn văn hóa. Bài viết này phân tích hiện trạng phát triển kinh tế tỉnh Phú Thọ qua 3 khu vực chính – nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ – đồng thời đề xuất các khuyến nghị giúp Phú Thọ phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Từ khóa: phát triển kinh tế, Phú Thọ, phát triển bền vững

Summary

In recent years, Phu Tho has been one of the localities with high growth rates, with industrial growth exceeding the national average. However, this rapid development challenges the environment and cultural preservation. This article analyzes the current economic development status of Phu Tho Province through three main sectors – agriculture, industry, and services – and proposes recommendations to help Phu Tho sustainably develop its economy.

Keywords: economic development, Phu Tho, sustainable development

ĐẶT VẤN ĐỀ

Phú Thọ thuộc vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Trước năm 2010, kinh tế tỉnh phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, từ năm 2015, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Tỉnh, thì cơ cấu công nghiệp trong GRDP ngày một lớn mạnh. Đóng góp từ 23,4% tăng lên đến 28,92% GRDP trong giai đoạn 2015-2023 với tốc độ tăng trưởng các năm (ngoại trừ hai năm chịu ảnh hưởng Covid-19) đều vượt mức 10%/ năm (Cục Thống kê Phú Thọ, 2024). Sự phát triển nhanh và mạnh của công nghiệp Phú Thọ bên cạnh việc tạo ra sự chuyển biến tích cực trong kinh tế của Tỉnh, cũng gây quan ngại về tính thiếu bền vững. Quan ngại này cần được nghiên cứu kỹ càng để có thể đưa ra nhận định và đề xuất một số khuyến nghị để kinh tế tỉnh phát triển bền vững.

HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA TỈNH PHÚ THỌ

Giai đoạn 2010-2020

Hòa cùng với sự phát triển kinh tế chung của cả nước, kinh tế phú Thọ đã có nhiều chuyển biến tích cực,tăng trưởng kinh tế của Phú Thọ đạt mức 6,68%/năm, cao hơn mức trung bình cả nước (6,21%) (Phương Anh, 2023; Ngô Thắng Lợi, 2024). Nếu như giai đoạn đầu, kinh tế Phú Phọ thụ thuộc nhiều vào dịch vụ và nông nghiệp, giữ tỷ trọng sấp xỉ 41% và 23,4% cơ cấu GRDP, thì cuối những năm 2020, dịch vụ và nông nghiệp chỉ còn giữ lần lượt là 37,9% và 21,8% cơ cấu GRDP. Thay vào đó, công nghiệp đã tăng từ 21,5% lên thành 26,32% trong cơ cấu GRDP (Cục Thống kê tỉnh Phủ Thọ, 2024).

Bảng 1: GRDP của Phú Thọ và GDP của Việt Nam giai đoạn 2020-2023

(Giá so sánh năm 2010)

Đơn vị: Tỷ đồng

Khu vực

GRDP Phú Thọ 2020

GRDP Phú Thọ 2023

Cơ cấu các khu vực KT trong GRDP Phú Thọ 2023

GDP Việt Nam 2020

GDP Việt Nam năm 2023

% tăng trưởng GRDP Phú Thọ 2020-2023

% tăng trưởng GDP Việt Nam 2020-2023

Tổng số

42.001

51.805

5.005.756

5.830.725

23,3%

16,5%

Nông, lâm, thủy sản

8.272,2

9.147,1

17,7%

565.987

630.675

10,6%

11,4%

Công nghiệp, xây dựng

15.088,7

20.441,4

39,5%

1.824.415

2.107.018

35,5%

15,5%

- Công nghiệp

11.091,2

15.048,9

29,0%

1.487.365

1.718.819

35,7%

15,6%

Dịch vụ - thương mại

15.892,9

18.970,3

36,6%

2.146.151

2.568.458

19,4%

19,7%

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

2.747,2

3.246

469.203

524.574

18,2%

11,8%

Nguồn: Tác giả tính toán dựa trên số liệu từ Tổng cục Thống kê, 2024; Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ, 2024

Qua giai đoạn 2020-2023, Bảng 1 cho thấy: Kinh tế Phú Thọ vẫn tiếp tục phát triển vượt bậc so với sự phát triển chung khi tăng trưởng GRDP của Phú Thọ năm 2023 so với năm 2020 năm đạt 23,3%, trong khi tăng trưởng GDP của cả nước là 16,5%.

Xét về cơ cấu kinh tế năm 2023, thì nông nghiệp đóng góp 17,7% GRDP, công nghiệp đóng góp 29% GRDP, dịch vụ - thương mại đóng góp 36,6% GRDP; Khu vực công nghiệp của Phú Thọ đã có sự tăng trưởng ấn tượng, gấp hai cả nước khi tăng trưởng 35,7% trong khi cả nước chỉ đạt tăng trường 15,6%; Khu vực dịch vụ thương mại có mức tăng trưởng cũng khá cao, 19,4% nhưng có phần nhẹ hơn mức tăng trưởng 19,7% của cả nước; Khu vực nông nghiệp tăng trưởng chỉ 10,6%, thấp hơn mức tăng trưởng chung của cả nước là 11,4%.

Với tỷ trọng đóng góp của công nghiệp gần bằng 79,% GRDP của dịch vụ, nhưng mức tăng trưởng giai đoạn 2020-2023 là 35,7%, trong khi dịch vụ chỉ có mức tăng trưởng 19,4% cho thấy, kinh tế của Phú Thọ đang có sự dịch chuyển mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp.

Nghiên cứu sự phát triển của từng khu vực kinh tế cụ thể, ta có:

Kinh tế công nghiệp

Bảng 1 và 2 cho thấy tăng trưởng của công nghiêp Phú Thọ giai đoạn 2020-2023 khá mạnh, vượt mức tăng trưởng chung của cả nước. Bảng 2 cho thấy tuy chỉ số sản xuất công nghiệp của Phú Thọ qua các năm không bằng Bắc Giang, Hải Phòng, nhưng điều đáng quan tâm là chỉ số sản xuất công nghiệp của Phú Thọ có khuynh hướng tăng dần.

Bảng 2: Chỉ số sản xuất công nghiệp từng năm giai đoạn 2020-2023 (%)

Địa phương

2020

2021

2022

2023

Cả nước

103,3

104,7

107,4%

101,5

Phú Thọ

102,7

109,3

111,4

118,3

Bắc Giang

119,8

112,2

132,9

120,0

Hải Phòng

114,6

118,7

114,4

112,6

TP.HCM

95,4

85,7

112,6

104,3

Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2024; Cục Thống kê Tỉnh Phú Thọ, 2024.

Bảng 3: Chỉ số sản xuất công nghiệp phân theo ngành công nghiệp (%)

Các ngành

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Sơ bộ 2023

TỔNG SỐ - TOTAL

102.68

109.26

111.59

118.26

Ngành cấp- 1

Công nghiệp khai khoáng

102,10

105,60

99,88

120,14

Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng,…

106,27

112,47

107,31

109,08

Cung cấp nước; quản lý và xử lý rác thải, nước thải

104,80

102,15

131,07

114,36

Công nghiệp chế biến, chế tạo

102,57

109,41

111,58

118,46

Công nghiệp chế biến chế tạo

Sản xuất, chế biến thực phẩm

95,84

94,44

96,46

88,67

Sản xuất đồ uống

68,07

99,47

106,88

102,69

Dệt

84,14

109,68

103,40

82,99

Sản xuất trang phục

134,39

106,28

97,83

86,47

Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan

64,03

110,79

107,93

82,48

Chế biến gỗ và SP từ gỗ, tre, nứa, rơm rạ ..

35,50

228,65

117,70

85,74

Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy

90,40

111,67

112,11

99,14

In, sao chép bản ghi các loại

91,89

208,05

133,54

91,19

Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất

91,94

91,40

91,10

104,97

Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic

94,72

105,17

95,26

94,80

Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác

91,90

97,47

120,44

93,88

Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn

159,39

82,50

109,16

93,73

Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học

109,08

121,86

120,78

139,05

Sản xuất thiết bị điện

68,68

110,88

189,38

391,30

Sản xuất xe có động cơ, rơ moóc

82,19

121,49

147,83

99,87

Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế

126,14

46,87

37,31

90,27

Sửa chữa bảo dưỡng, lắp đặt MMTB

91,92

102,87

73,08

69,29

Nguồn: Cục Thống kê Tỉnh Phú Thọ, 2024

Xét các ngành cấp 1, Bảng 3 cho thấy:

Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý chất thải thì do phải đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng các khu vực kinh tế và cuộc sống dân cư nên có tăng trưởng tốt.

Đối với công nghiệp khai khoáng, với nguồn khoáng sản sẵn có của tỉnh, tăng trưởng trong sản xuất phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thị trường, kỹ thuật khai khoáng, các chế tài, quy định đặt ra cho việc bảo vệ môi trường bền vững. Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành không tăng là do một số doanh nghiệp khai thác không đúng theo giấy phép hoặc ảnh hưởng đến môi trường nên bị buộc dừng. Năm 2023, do các doanh nghiệp bị ngừng hoạt động năm 2022 đã khắc phục các lỗi để quay về hoạt động, một số doanh nghiệp phát triển được thị trường mới, sự gia tăng giám sát các doanh nghiệp khai thác bằng công nghệ số, sự gia tăng doanh nghiệp đầu tư vào ngành (Quang Trường, 2023; Vũ Ngọc Tân, 2024) nên các chỉ số sản xuất công nghiệp của công nghiệp khai khoảng có sự gia tăng đột biến, 20,1%. Tuy nhiên, với lượng đơn thư kiếu nại của người dân liên quan đến tác động của hoạt động khai khoáng tới môi trường- sinh kế bền vững và các vụ việc sạt lở đất của Phú Thọ tháng 9 năm 2024 dước tác động của mưa, lũ thì việc cấp phép và giám sát khai khoáng cần được quan tâm hơn nữa để đảm bảo môi trường sống của người dân và sự phát triển các khu vực kinh tế bền vững.

Đối với công nghiệp chế biến chế tạo, thì hầu hết các ngành có sự tăng trưởng thiếu ổn định. Điều đáng ấn tượng là mặc dù số lượng lao động chất lượng cao tại Tỉnh không nhiều, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, thiết bị điện không thuộc nhóm các ngành công nghiệp chủ yếu của Tỉnh, nhưng tăng trưởng của hai ngành này trong 3 năm gần đây khá mạnh, riêng năm 2023 lần lượt đạt mức 139,05% và 391,3%. Đối chiếu số liệu tăng trưởng công nghiệp Phú Thọ năm 2023 so với năm 2020 là 35,7%, trong khi hầu hết các ngành công nghiệp đều chững lại hoặc phát triển không đáng kể thì khả năng cao sự là tăng trưởng mạnh của công nghiệp Phú Thọ trong 3 năm gần đây là nhờ tăng trưởng của 2 ngành này. Đây là vấn đề mà tỉnh như TP. Hồ Chí Minh và bản thân Phú Thọ cần phải nghiên cứu kỹ do trong giai đoạn 2017-2020, hai ngành này cũng tăng trưởng rất mạnh tại TP. Hồ Chí Minh (có giai đoạn hai ngành này chiếm trên 40% giá trị xuất khẩu của thành phố), nhưng 3 năm gần đây lại giảm khá mạnh gây tác động không nhỏ đến chỉ số phát triển của công nghiệp TP. Hồ Chí Minh).

Dịch vụ, thương mại

Là tỉnh có vị trí kết nối giữa Đồng bằng sông Hồng với vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc, cách sân bay Quốc tế Nội Bài khoảng 60km, có Quốc lộ 2, Cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường Hồ Chí Minh, có tuyến đường sắt xuyên Á; Các đường sông chạy từ Trung Quốc qua các tỉnh phía Tây vùng Đông Bắc đều quy tụ về Phú Thọ rồi mới tỏa đi Hà Nội, Hải Phòng và các khu vực khác, nên tỉnh Phú Thọ có nhiều điều kiện thuận lợi cho cho phát triển hoạt động kinh tế, giao thương (Tỉnh đoàn Phú Thọ, 2024).

Về du lịch và phục vụ du lịch: là nơi hợp lưu của ba con sông: Sông Thao, sông Lô, sông Đà, bao bọc giữa hai dãy núi Tam Đảo và Ba Vì nên Phú Thọ có nhiều danh lam thắng cảnh mà ít nơi nào có được. Bên cạnh di tích Đền Hùng, 1.371 di tích lịch sử văn hóa khác của tỉnh là tài nguyên vô cùng quý báu để phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ phục vụ du lịch.

Bảng 4: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành phân theo phân theo ngành kinh tế của Phú Thọ

Đơn vị: Tỷ đồng

Phân theo ngành kinh tế tại Phú Thọ

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Ước năm 2023

Tổng số

35.507,2

37.035,2

43.992,4

50.940,8

Bán lẻ hàng hóa

29.753,8

32.185,6

36.858,0

42.176,2

Dịch vụ lưu trú, ăn uống

2.630,4

2.017,6

3.666,1

5.208,7

Dịch vụ lữ hành

17,4

3,8

141,6

244,6

Dịch vụ khác

3.105,6

2.828,2

3.326,7

3.311,3

Nguồn: Cục Thống kê Tỉnh Phú Thọ, 2024

Về thương mại, Bảng 4 cho thấy, tăng trưởng dịch vụ thương mại giai đoạn 2020-2023 của tỉnh Phú Thọ cũng khá cao, tăng 19,4% trong khi cả nước là 19,7%. Đi sâu vào những lĩnh vực cụ thể của dịch vụ thương mại trong giai đoạn 2020-2023 thì bảng 4 cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại tỉnh đã tăng trưởng gần 43,5%, trong đó bán lẻ hàng hóa tăng gần 41,8%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 98%, Nếu so sánh với doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả nước chỉ tăng trưởng 28,5%, trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 27,4%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 40,4% (tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê, 2024; Vũ Khuê, 2023), thì hiện bản lẻ và dịch vụ phục vụ du lịch tại Phú Thọ tăng trưởng gần gấp đôi so với tăng trưởng của cả nước.

Bảng 5 cho thấy, năm 2023 so với năm 2020, lượt khách nội địa đi về Phú Thọ trong ngày cũng như qua đêm tăng gấp 2 lần. Với mức chi tiêu ước tính của khách du lịch nội địa là 45USD/ngày và số lượt khách nội địa thăm Phú Thọ trong ngày năm 2023 lên tới 1.725.036 lượt khách, chưa tính đến 746.276 lượt khách nội địa nghỉ qua đêm và khách du lịch nước ngoài thì rõ ràng đóng góp của du lịch vào phát triển kinh tế của tỉnh Phú Thọ rất lớn. Tuy nhiên, việc chỉ thống kê được lượng khách nội địa mà chưa đề cập đến lượng khách quốc tế trong niên giám thống kê của Tỉnh năm 2023 đã cho thấy có thể tỉnh chưa quan tâm đầy đủ hoặc chưa thu hút được nhiều khách quốc tế đến thăm. Điều này đòi hỏi Tỉnh cũng như sở du lịch cần phải quan tâm tìm hiểu để có giải pháp phát triển nhóm khách này, vì thực tế đây là nhóm khách có mức chi tiêu khá cao, ước 132USD/ngày (hơn 2,9 lần khách nội địa).

Bảng 5: Số lượt khách du lịch nội địa

Đơn vị: Lượt người

Nội dung

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Ước Năm 2023

Năm 2023 so với 2022

Khách du lịch nghỉ qua đêm

373.446

322.792

535.846

746.276

200%

Khách trong ngày

843.426

748.224

1.264.139

1.725.036

205%

Số lượt khách nội địa do các cơ sở lưu trú phục vụ

1.216.872

1.071.046

1.799.985

2.471.312

203%

Số lượt khách nội địa do các cơ sở lữ hành phục vụ

4.728

1.158

36.275

59.160

12.510%

Nguồn: Cục Thống kê Tỉnh Phú Thọ, 2024

Kinh tế nông nghiệp

Theo số liệu của cục Thống kê tỉnh Phú Thọ ta có:

Diện tích trồng cây hằng năm và cây lâu năm đều có xu hướng giảm dần. Nếu như năm 2020, diện tích cây hằng năm và lâu năm lần lượt là 109.233,8 ha và 31.418,8 ha, thì năm 2023, chỉ còn lần lượt là 105.567,1 ha và 29.357,7 ha (giảm 3% và 6,5%). Riêng những cây gắn liền với thương hiệu Phú Thọ như bưởi, hồng có diện tích trồng tăng trưởng năm 2023 so với năm 2020 ấn tượng, lần lượt 696,9 ha (tăng 14,2%) và 102,3ha (tăng 51,67%).

Đối với chăn nuôi, trước sức ép của thịt bò nhập ngoại có giá cạnh tranh, chất lượng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng nên lượng trâu, bò chăn nuôi có sự sút giảm, năm 2023 so với năm 2020 giảm lần lượt là 4,46% và 14,1%. Riêng lượng lợn mà nổi tiếng với giống lợn lửng có sự tăng trưởng khá tốt 15,99%.

Trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi chồng có xu hướng giảm dần từ năm 2020 đến năm 2023, giảm 2,1% nhưng sản lượng lại tăng 12,3%. Điền này cũng nói lên phần nào hiệu quả của kỹ thuật nuôi trồng mới.

Như vậy, mặc dù diện tích nuôi trồng nhìn chung giảm nhưng với mức tăng trưởng trong đóng góp GRDP của nông lâm ngư nghiệp năm 2023 so với 2020 là 10,6% (theo giá so sánh 2010) đã cho thấy người nuôi trồng đã ứng dụng hiệu quả kỹ thuật canh tác mới, phát triển hiệu quả, đúng hướng giống cây trồng vật nuôi. Ngoại trừ cây “chè” thì các sản phẩm nông nghiệp có “giá trị thương hiệu Phú Thọ” khác đang phát triển mạnh.

Phân tích tình hình phát triển kinh tế Phú Thọ trong thời gian quan cho thấy:

(1) Với sự tăng trưởng mạnh của công nghiệp, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh hiện cao hơn mức tăng trưởng chung.

(2) Đối với công nghiệp khai thác, mặc dù chính quyền đã dùng nhiều biện pháp để gia tăng việc kiểm soát, giảm thiểu tác tộc của ngành đến môi trường và sinh kế của người dân nhưng các khiếu kiện từ phía người dân vẫn diễn ra đòi hỏi chính quyền cần quan tâm hơn nữa.

(3) Đối với công nghiệp chế biến chế tạo, hầu hết các ngành đều có sự tăng giảm thất thường nhưng khuynh hướng chung là giảm. Riêng sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và thiết bị điện tăng trưởng rất mạnh trong 3 năm gần đây đòi hỏi cần có những nghiên cứu chuyên sâu.

(4) Đối với dịch vụ thương mại thì mảng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ du lịch thì tỉnh có mức tăng trưởng cao gấp 2 lần mức tăng trưởng chung của cả nước. Ước tính mức chi tiêu của khách du lịch nội địa cho thấy, sức đóng góp rất lớn của du lịch vào phát triển kinh tế Phú Thọ. Tuy nhiên sự thiếu vắng ước tính du khách quốc tế đến Phú Thọ cho thấy sự thiếu quan tâm hoặc Phú Thọ chưa thu hút hiệu quả nhóm khách có mức chi tiêu gấp 2,9 lần khách nội địa này.

(5) Đối với nông nghiệp, tại mảng nuôi trồng: do áp dụng các kỹ thuật mới, phát triển hiệu quả các cây trồng, vật nuôi gắn với thương hiệu “Phú Thọ”, nên mặc dù diện tích dành cho nông nghiệp giảm, nhưng tổng giá trị đạt được vẫn có sự gia tăng.

KHUYẾN NGHỊ CHUNG

Hiện nay, dù được đánh giá là một trong mưởi lăm tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước (Ngọc Long, 2024) nhưng hàng năm, trong khi các tỉnh thuộc nhóm phát triển có tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại là 90%->21% thì Phú Thọ được giữ lại 100% và được bổ sung thêm khoản thu ngân sách cân đối từ Trung ương với số tiền cũng gần sấp xỉ bằng thu ngân sách địa phương (Nghị Quyết số 105/2023/QH15). Do vậy, để đảm bảo sự phát triển kinh tế Phú Thọ một cách bền vững, thì người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp của Tỉnh Phú Thọ cần rất nhiều cố gắng.

- Đối với công nghiệp khai khoáng, là một tỉnh có trữ lượng khoáng sản cao nên sự phát triển của công nghiệp khai khoáng để đóng góp cho sự phát triển kinh tế của tỉnh và phát triển các ngành công nghiệp khác của cả nước là tất yếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh, phát triển kinh tế xanh, Phú Thọ lại là địa phương gắn liền với rất nhiều điểm đến du lịch sức khỏe, du lịch thiên nhiên và đặc biệt du lịch văn hóa hàng đầu của cả nước, đây cũng là cơ sở để dịch vụ hàng hóa bán lẻ phú Thọ Phú Thọ tăng trưởng gấp hai lần so với mức tăng trưởng chung. Do vậy, việc phát triển của ngành cần gắn chặt với việc giảm thiểu tối đa tác động môi trường. Chính quyền tỉnh Phú Thọ nên có những quy định, chế tài và chính sách hỗ trợ cụ thể để buộc các các doanh nghiệp khai thác áp dụng các công nghệ khai thác tiên tiến, giảm thiểu tác động môi trường.

- Đối với công nghiệp chế biến chế tạo, sự tăng trưởng mạnh của sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và thiết bị điện trong 3 năm gần đây là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, để giảm thiểu tình trạng tăng trưởng mạnh, nhưng sau đó, lại sút giảm kéo dài như trường hợp TP. Hồ Chí Minh, thì rất cần các nghiên cứu liên quan đến các yếu tố tác động đến sự tăng trưởng này tại TP. Hồ Chí Minh và tại Phú Phọ để tỉnh có thể rút kinh nghiệm, gia cố các yếu tố tác động để sự tăng trưởng này mang tính bền vững.

- Đối với các ngành công nghiệp chế biến còn lại, do đều có sự tăng giảm thất thường nhưng khuynh hướng chung là giảm, nên Tỉnh cũng rất cần phân tích, đánh giá kỹ lợi thế cạnh tranh bền vững của từng ngành khi đặt nhà máy đặt tại Tỉnh so với các tỉnh thành khác để có chính sách phát triển có chọn lọc trong tương lai.

- Đối với nông nghiệp, kết quả phân tích sơ bộ cho thấy đã có sự phát triển đúng hướng. Người dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, nuôi trồng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng gia tăng sản lượng sản phẩm từ lâu gắn với danh tiếng “Phú Thọ” vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao và vừa góp phần quảng bá “Thương hiệu Phú Thọ” rất tốt. Nếu bên cạnh việc phát triển số lượng, chất lượng sản vật được đảm bảo hoặc tốt hơn nữa là nâng cao, chắc chắn sẽ tác động tốt đến tốc độ phát triển ngành thương mại dịch vụ của tỉnh.

- Đối với bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ du lịch, mức tăng trưởng cao của tỉnh qua các năm đã nói lên phần nào tiềm năng phát triển. Đây là ngành công nghiệp không khói, vừa có giá trị kinh tế cao, vừa góp phần bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa và cũng giúp cân bằng sinh thái, phát triển giá trị sản xuất nông nghiệp và kích thích sự phát triển của các ngành khác nếu như được phát triển đúng hướng. Do vậy, bên cạnh những nỗ lực của người dân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, cảnh quan sinh thái, của doanh nghiệp trong việc cung cấp những sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng gắn với lợi thế của tỉnh thì cũng rất cần chính quyền và các ban ngành quan tâm đến quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch và môi trường phục vụ du lịch để ngành có thể phát triển bền vững.

- Đối với việc thu hút khách du lịch của quốc tế đến thăm Phú Thọ, bên cạnh việc nâng cao quản lý nhà nước về du lịch, có chính sách hỗ trợ đào tạo hướng dẫn viên du lịch quốc tế tại tỉnh thì việc phối hợp với các địa phương lớn, như: Hà Nội, Quảng Ninh xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch là cần thiết. Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các sự kiện hấp dẫn, thì sở du lịch cũng như các doanh nghiệp du lịch lớn của tỉnh cũng cần tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ quốc tế. Việc xây dựng các trang web, các kênh youtube giới thiệu sản phẩm du lịch, kết nối với các trang giới thiệu du lịch nổi tiếng của Quốc tế cũng sẽ rất hiệu quả để tiếp cận, thu hút việc du lịch đến tỉnh của nhóm khách hàng này.

Nhìn chung, để bảo đảm sự phát triển bền vững trong mọi khu vực kinh tế của Phú Thọ, vấn đề phát triển cần gắn chặt với bảo vệ văn hóa và môi trường./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Thống kê tỉnh Thú Thọ (2024), Niên giám thống kê tỉnh Phú Thọ tóm tắt 2023.

2. Ngọc Long (2023), Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Phú Thọ đứng thứ 3 các tỉnh vùng trung du miền núi phía bắc, truy cập từ https://nhandan.vn/toc-do-tang-truong-kinh-te-cua-phu-tho-dung-thu-3-cac-tinh-vung-trung-du-mien-nui-phia-bac-post786329.html.

3. Ngọc Phúc, Ngọc Tuyết (2024), Kinh tế-xã hội tỉnh Phú Thọ đang đà tăng trưởng tích cực, truy cập từ https://baophapluat.vn/kinh-te-xa-hoi-tinh-phu-tho-dang-da-tang-truong-tich-cuc-post501452.html.

4. Ngô Thắng Lợi (2024), Tác động của tăng trưởng kinh tế đến phát triển con người ở Việt Nam, truy cập từ https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM212412.

5. Phương Anh (2023), Phát huy tối đa các nguồn lực để Phú Thọ bứt tốc trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/phat-huy-toi-da-cac-nguon-luc-de-phu-tho-but-toc-tro-thanh-tinh-phat-trien-hang-dau-cua-vung-25315.html.

6. Quang Trường (2023), Phú Thọ: Quản lý doanh nghiệp khai thác khoáng sản thời công nghệ số, truy cập từ https://cand.com.vn/doanh-nghiep/phu-tho-quan-ly-doanh-nghiep-khai-thac-khoang-san-thoi-cong-nghe-so-i717483/.

7. Tổng cục Thống kê (2020), Niên giám Thống kê 2019, Nxb Thống kê.

8. Tổng cục Thống kê (2024), Niên giám Thống kê 2023, Nxb Thống kê.

9.Vũ Ngọc Tân (2024), Phú Thọ: Đẩy mạnh công tác quản lý sau đấu giá mỏ khoáng sản, truy cập từ https://www.nguoiduatin.vn/phu-tho-day-manh-cong-tac-quan-ly-sau-dau-gia-mo-khoang-san-204662314.htm.

10.Vũ Khuê (2023), Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 phục hồi tích cực, truy cập từ vneconomy.vn/tong-muc-ban-le-hang-hoa-va-doanh-thu-dich-vu-tieu-dung-nam-2023-phuc-hoi-tich-cuc.

Ngày nhận bài: 18/11/2024; Ngày phản biện: 25/11/2024; Ngày duyệt đăng: 30/11/2024