Bên cạnh việc sáng tạo ra những giống cây trái mới lạ, hình thức đẹp mắt, nông dân cả hai miền Nam, Bắc đều đang khẩn trương cho vụ trái cây cuối năm. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà các nhà vườn đều đang vấp phải khó khăn.

Thành công của việc lai trồng thành công của loại bưởi Tay phật tưởng chừng mở ra một mùa trái cây phong phú về chất lượng cũng như sản lượng nhưng tính đến nay rất nhiều nhà vườn đang đương đầu với tình trạng, cây không đậu trái, rụng trái hàng loạt.

Bưởi, quýt, xoài… là những loại quả tiêu thụ nhiều nhất trong dịp Tết. Nhưng đến nay, thời điểm Tết Ất Mùi chỉ còn 2 tháng thì nhiều nhà vườn chuyên trái cây Tết báo mất mùa, nơi chỉ sản lượng đạt 30-40%.

Một vườn bưởi chỉ chọn được 30 trái

Hậu Giang, nơi tập trung đông đảo các nhà vườn trồng bưởi Tết đang thất vọng vì mất mùa bưởi Tết Ất Mùi. Các vườn bưởi trong vùng lưa thưa thớt trái, cây ít ra hoa, rụng cũng nhiều, đến khi kết trái cũng bị rụng.

Theo ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành (Hậu Giang), huyện có khoảng 1,5 nghìn ha vườn bưởi năm roi. Những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà vườn sử dụng kỹ thuật để sản xuất bưởi hồ lô bán có giá, thu lợi nhuận cao vào dịp Tết, sản lượng không ngừng tăng lên. Tuy nhiên măm nay tình trạng mất mùa diễn ra trên diện rộng, khiến sản lượng giảm từ 60-70%.


Anh Huỳnh Phước Giòn (Châu Thành, Hậu Giang) chăm sóc những số quả còn lại trong vườn.

Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bưởi da xanh và quýt đường đều thất thu. Trong đó, bưởi giảm 30-40% do sâu bệnh làm rụng trái non.

Ông Nguyễn Văn Bảy, nông dân trồng bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) cho biết: Năm nay bưởi Năm Roi ra hoa không như ý muốn của nhà vườn do thời tiết thất thường, xử lý cây ra hoa chỉ đạt tỉ lệ khoảng 30%. Chắc chắn sản lượng bưởi Năm Roi cung ứng thị trường tết không nhiều.

Bưởi không ra trái đồng nghĩa với việc không thể cho ra những quả bưởi in chữ “Tài lộc” – một trong những sản phẩm tiêu thụ mạnh mùa Tết. Anh Lê Văn Tấn Em ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Vườn ai cũng bị rụng trái, sản lượng giảm khoảng 70%. Ngay như vườn bưởi nhà tôi chỉ chọn được khoảng một trăm trái để làm bưởi hồ lô, nhưng loại nhất chỉ 30 trái, còn lại là bưởi loại nhì thôi”.



Bưởi ít đậu trái, nên những sản phẩm tạo hình “Tài”, “Lộc” này sẽ có giá cao

Quýt đường, xoài cát: không đậu trái, rụng trái non

Đối với các nhà vườn trồng quýt đường tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đây là năm thứ 2 rơi vào tình trạng mất mùa. Tại xã Tân Lâm vốn có diện tích canh tác 400ha thì hiện nay có hơn 100ha bị phá bỏ. Bệnh vàng cuống làm rụng trái hoành hành khiến nông dân bỏ quýt đường chuyển sang canh tác cây trồng khác khiến sản lượng quýt dự báo sẽ giảm còn một nửa so với Tết năm trước.

Theo nhiều nhà vườn trồng xoài trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, sản lượng xoài cung ứng cho thị trường Tết Ất Mùi tới đây sẽ giảm đáng kể, nhất là xoài cát Hòa Lộc. Nguyên nhân là vào thời điểm bà con xử lý cho trái thì đúng ngay lúc thời tiết bất lợi khi xuất hiện nhiều trận mưa lớn, nhất là vào ban đêm nên tuy xoài có ra bông khá nhiều, nhưng tỷ lệ đậu trái rất thấp.

Miền Bắc: cam rụng trái, quất mất mùa

Những ngày này tại các huyện ngoại thành như Thanh Oai, Hoài Đức… bỗng xuất hiện tình trạng rụng quả hàng loạt khiến nông dân lo lắng. Biểu hiện ban đầu của cam là vàng lá, sau đó quả nứt, rụng dần. Nhiều hộ nông dân đã quyết định phá bỏ vườn cam để trồng những loại cây khác ngay trước mùa thu hoạch Tết.


Ông Nguyễn Văn Duệ (Cao Viên, Thanh Oai) buồn rầu hồng bị rụng quả

Bà Nguyễn Thị Thành (59 tuổi) ở thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai xót xa cho biết: Từ đầu tháng 10 đến nay, gia đình bà đã thu nhặt gần 300kg cam rụng, trong đó đa phần là cam bị nứt rụng, song, có nhiều cây quả không bị nứt, quả lành lặn vẫn rụng. Mặc dù, gia đình bà đã mua rất nhiều loại thuốc về phun cho cam nhưng tình trạng cam vàng lá, rụng quả vẫn không ngừng diễn ra.

Trong khi đó, các chủ vườn quất tại Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) khá rầu rĩ khi một lượng lớn quất sau khi đậu quả lại trở nên héo rũ và chết dần. Năm nay, quất chín sớm trong khi thời điểm Tết Ất Mùi còn đến 2 tháng. Chị Huệ, chủ một vườn quất ở Tứ Liên vừa bó lại những bó rau cải, vừa than: “Năm nay chả còn hy vọng gì vào quất, cả vườn cây của tôi non nửa đã úa vàng, nửa còn lại đậu quả chín rộ, tôi phải nhổ vội để trồng xen vài lứa rau gỡ gạc”.

Nguyên nhân?

Theo những nhà vườn thành thạo kỹ thuật xử lý quy trình vẫn đúng nhưng tình trạng hoa không đậu trái, hay trái non rụng nhiều có thể do thời tiết năm nay thất thường, năm nhuận nên thời gian nắng nóng kéo dài, sau đó mưa nhiều khiến cây bị úng. Bên cạnh đó, việc phòng tránh sâu bệnh cũng chưa triệt để.

Riêng tại miền Bắc do thời điểm tháng 8 và tháng 9 năm ngoái, mưa lớn kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của quất, đặc biệt là bộ rễ, khiến một lượng nhỏ quất cảnh trong thời điểm hiện tại dù đã đậu quả, chín vàng nhưng lại héo rũ và chết dần.

Những diễn biến phức tạp của thời tiết và lây lan của sâu bệnh khi mùa thu hoạch trái cây Tết đang đến gần khiến các nhà vườn chịu nhiều tổn thất về kinh tế. Hơn nữa, việc khan hiếm trái cây cung ứng ra thị trường sẽ khiến giá cả tăng cao, gây nhiều khó khăn cho người dân trong dịp mua sắm Tết./.