THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG ĐIỀU CHỈNH LIÊN QUAN ĐẾN XUẤT KHẨU TRÁI CÂY CỦA VIỆT NAM

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ khổng lồ, nhu cầu tiêu dùng về rau quả dường như không có giới hạn đối với nền nông nghiệp của nhiều quốc gia. Việt Nam với lợi thế vị trí địa lý cận kề Trung Quốc và được xem là nhà cung cấp hàng đầu nông sản nói chung và rau quả nói riêng cho thị trường Trung Quốc. Nếu tính thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra đầu năm 2020, thì hàng năm giá trị rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng trên 70% tổng giá trị xuất khẩu của ngành hàng này (Hình 1).

Sản xuất, xuất khẩu trái cây Tiền Giang và thách thức đến từ thị trường Trung Quốc [1]

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã và đang thực hiện chuyển hướng trong chính sách xuất - nhập khẩu từ nhiều hình thức nhập khẩu khác nhau về một hình thức duy nhất là xuất - nhập khẩu chính ngạch. Quốc gia này cũng thực hiện chặt chẽ hơn các quy định đối với hoạt động nhập khẩu nông, thủy sản qua đường bộ thông qua các biện pháp tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm… Theo hướng điều chỉnh này, chỉ có 9 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc bao gồm: thanh long, xoài, nhãn, chuối, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và đu đủ. Điển hình như năm 2018, tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu trái cây của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc chiếm 10,36%, đứng thứ 4, chỉ sau Chile, Thái Lan, Philippines (Hình 2).

Sản xuất, xuất khẩu trái cây Tiền Giang và thách thức đến từ thị trường Trung Quốc [1]

Vào thời điểm tháng 12/2018, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo các yêu cầu cụ thể về việc kiểm dịch đối với các mặt hàng nông sản, thuỷ sản… xuất - nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam. Theo quy trình kiểm dịch mới, trái cây xuất - nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam từ ngày 01/01/2019 sẽ bổ sung thêm giấy tờ chứng nhận về kiểm dịch thực vật. Trong quy trình mới, Cơ quan hải quan Trung Quốc tại các cửa khẩu sẽ đòi hỏi xác nhận rằng, trái cây là từ các nhà vườn, nhà xưởng đóng gói tại Việt Nam đã đăng ký khi kiểm dịch trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc. Tên hoặc mã của nhà xưởng sản xuất bao bì đã đăng ký nói trên phải được ghi trong tờ khai đính kèm của giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đã cấp. Các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu trái cây Việt Nam cũng phải cung cấp hình ảnh bao bì thông tin chất lượng sản phẩm truy xuất nguồn gốc khi xin giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu của Cục Kiểm dịch xuất - nhập cảnh Trung Quốc. Hải quan nước này còn yêu cầu các bên của đơn hàng phải làm thủ tục thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đã được chỉ định là cửa khẩu nhập khẩu trái cây.

Sản xuất, xuất khẩu trái cây Tiền Giang và thách thức đến từ thị trường Trung Quốc [1]
Vú sữa là một trong những loại trái cây đặc của của Tiền Giang.

Các điều chỉnh mới từ phía Trung Quốc được áp dụng vào đầu năm 2019, do đó, có thể xem là rất gấp và hiệu lực ngay đã gây ra nhiều bối rối cho phía doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Ngay cả các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại khu vực biên giới Việt – Trung chuyên kinh doanh nhập khẩu nông sản Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cũng tăng cường triệt phá các tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận thương mại mang tính hệ thống trong nhập khẩu trái cây vào Trung Quốc từ các nước ASEAN. Mặc dù các tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản vào Trung Quốc so với các thị trường cao cấp khác vẫn chưa thay đổi nhiều, nhưng thị trường xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc giờ đây không còn “dễ làm” như trước.

Một thực tế mà báo chí và nhiều địa phương ở Việt Nam cũng đề cập tới, đó là sự hiện diện của các thương nhân Trung Quốc tại các vùng nguyên liệu trái cây của Việt Nam. Thông qua nhiều hình thức và bằng cách nào đó, họ trực tiếp hoặc gián tiếp quản lý và điều hành mạng lưới thu mua trái cây ngay tại các vùng nguyên liệu trái cây chủ lực của Việt Nam. Trong khoảng 5 năm trở lại đây (2016-2020), sự hiện diện của các thương nhân Trung Quốc trong ngành kinh doanh trái cây tại Việt Nam đã trở nên “phổ biến” và “mọc rễ” khó kiểm soát cho nhiều địa phương. Vấn đề này cũng được nhắc đến tại nhiều địa phương trong các chương trình làm việc liên quan đến phát triển sản xuất, thị trường xuất khẩu cho cây ăn trái, tuy nhiên, cách ứng xử hay hướng giải quyết cho vấn đề này dường như chưa có kết quả. Hoạt động kinh doanh khó lường của các thương nhân Trung Quốc đã đem lại hậu quả xấu không dễ khắc phục tại các vùng chuyên canh trái cây của Việt Nam. Chẳng hạn sự đổ vỡ của mạng lưới phân phối trái cây do việc mất khả năng chi trả đến từ thương nhân Trung Quốc. Không có hợp đồng mua - bán, không ai chịu trách nhiệm và việc ngưng thu mua hoặc ngưng tiếp nhận tại cửa khẩu các đơn hàng đột ngột vì lý do nào đó từ nhóm các thương nhân Trung Quốc cũng thường xảy ra và thiệt hại thường về phần các doanh nghiệp và những người nông dân trồng trực tiếp trái cây tại Việt Nam. Chưa hết, trong quan hệ thương mại và thủ tục xuất - nhập cảnh, phía Trung Quốc cũng đề nghị phía Việt Nam tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích các thương nhân Trung Quốc, có các quy định thống nhất cho các loại thị thực và nới lỏng thời hạn thị thực cho các thương nhân Trung Quốc khi thu mua hàng nông sản tại Việt Nam, họ cũng mong muốn doanh nhân Trung Quốc có thể được thu mua trực tiếp nông sản tại các địa phương của Việt Nam.

SẢN XUẤT, XUẤT KHẨU TRÁI CÂY SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC TẠI TIỀN GIANG

Tiền Giang là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất cả nước và cũng là địa phương tập trung nhiều loại cây ăn trái nhất với 11/12 loại. Về cơ cấu, Tiền Giang đang có sự chuyển đổi một số mô hình cây trái do nhu cầu từ thị trường, nhưng thanh long, xoài vẫn được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển nông nghiệp của Tỉnh. Trên thực tế, diện tích trồng cây ăn trái của Tiền Giang đã vượt rất xa diện tích quy hoạch và đạt tới trên 81.000 ha, đồng thời, Tiền Giang cũng đạt sản lượng trên 1,5 triệu tấn trái cây các loại vào năm 2020 (Hình 3).

Sản xuất, xuất khẩu trái cây Tiền Giang và thách thức đến từ thị trường Trung Quốc [1]

Vùng nguyên liệu chính của trái cây chủ lực Tiền Giang trên thực tế được hình thành do điều kiện tự nhiên và diện tích trồng tập trung, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao của một hoặc một số loại trái cây tại các huyện, như: Cái Bè (xoài, cam, quýt), Tân Phước (dứa), Chợ Gạo (thanh long) và Châu Thành (bưởi, nhãn).

Để sản phẩm trái cây đạt các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, Tỉnh đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân liên kết, sản xuất theo hướng an toàn gắn với hình thành các vùng sản xuất tập trung được cấp mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Đến nay, Tiền Giang đã được cấp 186 mã số vùng trồng cây ăn trái với 19.011,5 ha và 721 cơ sở đóng gói. Trong đó, mã số vùng trồng được cấp sang thị trường Trung Quốc là 127 mã số, với 6 chủng loại cây gồm: mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chuối, chôm chôm (Khánh Trung, 2021).

Theo Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang, ngoài lượng trái cây xuất khẩu chính ngạch, thì xuất khẩu tiểu ngạch của Tiền Giang sang thị trường Trung Quốc cũng "rất đáng kể", mặc dù xuất khẩu tiểu ngạch chưa thể có số liệu thống kê chính xác, tuy nhiên ước tính phần này cao rất nhiều lần so với xuất khẩu chính ngạch. Điển hình như trường hợp Vựa trái cây Huỳnh Thu, xã Long Trung, huyện Cai Lậy của ông Nguyễn Văn Huỳnh, mỗi năm, vựa trái cây của ông Huỳnh xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc từ 100-150 container sầu riêng, tương đương từ 1.500-2.200 tấn quả và theo ông Dương Thành Hưng, Chủ tịch xã Long Trung, thì Xã hiện có trên 30 cơ sở thu mua, tiêu thụ trái cây với hàng chục cơ sở lớn không kém gì Vựa trái cây Huỳnh Thu. Từ 01 xã, tính rộng ra cả Tỉnh, thì lượng trái cây xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc chắc chắn chiếm tỷ lệ không nhỏ (trong bối cảnh bình thường, không có đại dịch Covid-19) (Phùng Quốc Anh, 2021).

Hình thức xuất khẩu trái cây bằng đường bộ sang thị trường Trung Quốc của các doanh nghiệp Tiền Giang được mô tả qua Sơ đồ. Trước sự điều chỉnh về chính sách và thủ tục nhập khẩu hàng hóa nông sản của Trung Quốc, các hình thức này cũng bị ảnh hưởng, thay đổi và không thể áp dụng như trước đối với các doanh nghiệp tại Tiền Giang.

Về xuất khẩu rau quả theo đường chính ngạch qua Trung Quốc cũng không thay đổi nhiều so với thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, hệ thống tiêu chuẩn chất lượng về rau quả nhập khẩu vào Trung Quốc cũng tương đối chặt chẽ. Rau quả nhập khẩu vào thị trường này phải bắt buộc kiểm dịch, tuân thủ quy định về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, quy chế về nhãn mác, luật dán nhãn thực phẩm. Giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn thực hiện các hiệp định thương mại tự do, như: Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và các thỏa thuận hợp tác liên quan đến lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật có từ năm 2008.

Sản xuất, xuất khẩu trái cây Tiền Giang và thách thức đến từ thị trường Trung Quốc [1]

Theo Sơ đồ, ở hình thức thứ nhất, việc bổ sung một số giấy tờ trong hồ sơ thông quan được xem như không ảnh hưởng nhiều tới cách làm trước đây, nhưng ở hình thức thứ 2, xuất khẩu tiểu ngạch không còn dễ dàng như trước. Trước đây, yêu cầu về chất lượng hàng nông sản nói chung, trái cây nói riêng gần như không có theo đường xuất khẩu tiểu ngạch. Thông thường, trái cây tới cửa khẩu dễ dàng được thông quan khi có sự chấp nhận đơn hàng của một thương nhân nào đó phía Trung Quốc, thậm chí nhiều đơn hàng được chấp nhận ngay tại các vùng nguyên liệu của Việt Nam với sự hiện diện của thương nhân Trung Quốc. Việc kết nối trước đây với các trung gian của Việt Nam tại cửa khẩu để làm thủ tục thông quan cũng không dễ dàng nữa, phần lớn các cá nhân hay doanh nghiệp trung gian tại cửa khẩu đa phần ở các tỉnh phía Bắc và bằng cách nào đó họ dễ dàng hoàn tất thủ tục thông quan với các khoản chi phí nhất định. Hiện nay, việc này đã khó hơn do thông tin và sự hiểu biết của các nhà chức trách phía Trung Quốc gia tăng. Xuất khẩu tiểu ngạch trái cây gặp khó khăn khi vùng nguyên liệu thực tế lại không phải ở các tỉnh giáp biên giới Việt - Trung.

HƯỚNG SẢN XUẤT, XUẤT KHẨU TRÁI CÂY TIỀN GIANG TRONG THỜI GIAN TỚI

Hội nhập kinh tế quốc tế mở ra cho ngành trái cây Việt Nam nhiều cơ hội đi đến các thị trường mới với các tiêu chuẩn và giá trị cao hơn, tuy nhiên, các quốc gia và khu vực mà ngành trái cây hướng tới vẫn chưa qua giai đoạn khai mở, chưa thể thay thế được thị trường truyền thống Trung Quốc “dễ làm” đối với chuỗi sản xuất trái cây của Việt Nam.

Vì vậy, theo tác giả, hướng sản xuất, xuất khẩu trái cây Tiền Giang trong thời gian tới, đó là:

Thứ nhất, sản xuất, xuất khẩu trái cây của Tiền Giang cần thiết duy trì chấp nhận sự phụ thuộc, theo đuổi các điều chỉnh từ thị trường trái cây của Trung Quốc. Theo hướng này thì sản xuất, xuất khẩu tại Tiền Giang sẽ không phải thay đổi nhiều, nguồn thu nhập cho nhà sản xuất cũng sẽ không có biến động. Tuy nhiên, về lâu dài, sự phụ thuộc quá mức dẫn đến chuỗi sản xuất, xuất khẩu trái cây sẽ bị tụt hậu do việc duy trì sản xuất diện rộng các sản phẩm trái cây có tiêu chuẩn thấp, thậm chí thiếu các tiêu chuẩn an toàn.

Thứ hai, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế hướng tới các thị trường giá trị cao không bao gồm Trung Quốc. Các thị trường lớn có tỷ trọng cao đứng sau thị trường Trung Quốc, như: Đông Bắc Á, Hoa Kỳ và EU - đây cũng là các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Để có được một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, thì xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp nói chung, các sản phẩm trái cây nói riêng phải hướng theo các tiêu chuẩn của các thị trường cao cấp này. Bên cạnh đó là các thị trường có tiềm năng thay thế Trung Quốc trong ngắn hạn như: Úc, Trung Đông, Nga và Ucraina.

Tận dụng các cơ hội đưa sản phẩm trái cây đi vào các thị trường lớn với thu nhập cao như: Đông Bắc Á, Hoa Kỳ và EU cũng là cách từng bước nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, vượt trên các tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc, qua đó gia tăng giá trị xuất khẩu và không bị động trong các điều chỉnh, thay đổi khó lường từ thị trường ngày càng có nhiều đối thủ và không còn dễ làm như Trung Quốc. Tuy nhiên, thay đổi cách làm trong sản xuất tại các vùng nguyên liệu trái cây cũng vấp phải rất nhiều khó khăn do sức hút của thị trường Trung Quốc và lợi ích kinh tế không có sự vượt trội khi áp dụng các quy chuẩn cao trong sản xuất./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tổng cục Thống kê (2017-2021). Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2016 đến năm 2020, Nxb Thống kê

2. Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang (2018, 2021). Niên giám Thống kê tỉnh Tiền Giang năm 2017, năm 2020, Nxb Thống kê

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang (2021). Dự án Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thanh long tỉnh Tiền Giang 2020-2025 và định hướng đến 2030

4. Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (2021). Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở 2021Tác động từ thị trường Trung Quốc đối với sản xuất và xuất khẩu trái thanh long tại tỉnh Tiền Giang”

5. Phùng Quốc Anh (2020). Tiền Giang: “Vương quốc trái cây” cần hội nhập sâu hơn để không phải “giải cứu”, truy cập từ http://songoaivu.tiengiang.gov.vn/khac/-/asset_publisher/QSpp7P8RukDa/content/tien-giang-vuong-quoc-trai-cay-can-hoi-nhap-sau-hon-e-khong-phai-giai-cuu

6. Khánh Trung (2021). Tiền Giang phát triển vùng trồng cây ăn trái tập trung có mã số vùng trồng, truy cập từ https://baocantho.com.vn/tien-giang-phat-trien-vung-trong-cay-an-trai-tap-trung-co-ma-so-vung-trong-a137487.html

7. Jing Zang (2018). China Fruit Import Statistics Released, retrieved from https://www.producereport.com/article/2018-china-fruit-import-statistics-released


[1] Đây là một phần nội dung nhiệm vụ khoa học cơ sở năm 2021 của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ “Tác động từ thị trường Trung Quốc đối với sản xuất và xuất khẩu trái thanh long tại tỉnh Tiền Giang”

Tạ Doãn Cường

Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)