Nâng tầm năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt, cách nào?
Sức khỏe khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam
Ông Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam |
Ông Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam được hình thành từ năm 1991 khi nước ta có Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân và đến tháng 6/2017, Việt Nam lần đầu tiên có Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, trong 5 năm qua, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập tại Việt Nam tăng rất mạnh, đạt con số 1,2 - 1,3 triệu doanh nghiệp, tuy nhiên, thực chất số doanh nghiệp tồn tại và hoạt động thì chỉ khoảng 680.000, tính chung cả khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong số 684.000 doanh nghiệp này, số doanh nghiệp tư nhân trong nước khoảng 660.000 doanh nghiệp, 1.900 doanh nghiệp nhà nước và 22.000 doanh nghiệp FDI.
Cũng theo ông Bình, con số 684.000 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động là rất ấn tượng, nhưng nếu so với ASEAN thì lại thấy, sức phát triển của khu vực doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ bé. Chẳng hạn tại Thái Lan, quốc gia có dân thấp hơn Việt Nam, nhưng có 3 triệu doanh nghiệp; tại Indonesia, dân số gấp rưỡi Việt Nam nhưng họ có 5 triệu doanh nghiệp… Như vậy, khoảng cách số lượng doanh nghiệp/1.000 dân tại Việt Nam còn khá xa so với nhiều nước ASEAN và con số 684.000 doanh nghiệp đang hoạt động cũng có khoảng cách rất xa so với mục tiêu Việt Nam có 1,3-1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025.
Nhìn vào xu thế tăng trưởng trong 5 năm vừa qua, ông Bình cũng chia sẻ, số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại, cho thấy động lực tăng trưởng chậm lại.
Tuy tỷ trọng tích tụ vốn của khu vực kinh tế tư nhân tăng lên trong 5 năm qua, từ 53% năm 2016 lên 59% năm 2020, nhưng quy mô doanh nghiệp lại có xu hướng nhỏ dần. Từ mức trung bình 18 lao động/doanh nghiệp đã giảm chỉ còn 13-14 lao động/doanh nghiệp, như vậy cho thấy quy mô doanh nghiệp tư nhân chỉ nhỏ bé tương tự hộ gia đình.
Đặc biệt, quy mô trung bình của khối doanh nghiệp tư nhân rất nhỏ so với quy mô trung bình của khối doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế này dẫn tới không tận dụng được lợi thế về quy mô, không tập trung vào đầu tư công nghệ…
5 năm tốc độ đóng góp cho GDP vẫn ở mức khiêm tốn chỉ mức 7,8% năm 2016 lên 9,6% năm 2020, còn xa với mục tiêu tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP, để đến năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65% như mục tiêu của Nghị quyết số 10-NQ-TW. “Điều này cho thấy cần nhiều nỗ lực cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân để rút ngắn khoảng cách với các nước khu vực ASEAN và gần hơn với mục tiêu được đề ra”, ông Lê Duy Bình nhấn mạnh. Vậy làm thế nào để phát triển doanh nghiệp Việt Nam, nhất là năng lực cạnh tranh trong bối cảnh môi trường luôn biến động? Câu hỏi này được kiến giải với nhiều góc nhìn khác nhau.
Tân Hiệp Phát: Sức cạnh tranh ở chính tư duy người lãnh đạo
Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát chia sẻ, cốt lõi để xây dựng một doanh nghiệp trường tồn và có sức cạnh tranh là tư duy người lãnh đạo. |
Từ kinh nghiệm của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khởi sự kinh doanh năm 1994, đến năm 2011, được chào mua ở giá trên 2 tỷ USD, nhưng Tập đoàn kiên định không bán, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát chia sẻ, cốt lõi để xây dựng một doanh nghiệp trường tồn và có sức cạnh tranh là tư duy người lãnh đạo. Cùng với đó, doanh nghiệp phải có hệ thống quản trị, điều hành hiệu quả, thúc đẩy từng nhân sự cống hiến, sáng tạo, vượt qua các giới hạn của bản thân.
Với khát vọng tạo nên sản phẩm có ích cho người dùng và niềm tự hào cho quốc gia, Tân Hiệp Phát xác định tầm trở thành tập đoàn hàng đầu của châu Á trong lĩnh vực thức uống và thực phẩm. Tập đoàn chọn sứ mệnh sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng châu Á với mùi vị thích hợp và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời thỏa mãn nhu cầu hiện có và tiềm ẩn của khách hàng để trở thành đối tác được ưa chuộng hơn trong kinh doanh. “Những giá trị cốt lõi đó là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp luôn đi đúng hướng và tiến về phía trước”, bà Uyên Phương nói.
Đặc biệt, bà Phương nhấn mạnh, để xây dựng công ty có năng lực cạnh tranh và dẫn đầu, đội ngũ lãnh đao cần là những người có hoài bão, dám nghĩ dám làm. Tại Tân Hiệp Phát, các cấp quản lý cần là những người sẵn sàng tạo nên sự khác biệt, đầu tư, tìm kiếm những hệ thống, mô hình quản trị. Đồng thời tiên phong triển khai mô hình quản trị hướng tới phát triển bền vững. Những nỗ lực này giúp Tân Hiệp Phát trở thành công ty đầu tiên trong ngành đạt chứng nhận ISO 9001, ISO 14001 và là doanh nghiệp duy nhất trong 5 doanh nghiệp nước giải khát hàng đầu Việt Nam, xây dựng thương hiệu và cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn đa quốc gia trên toàn cầu.
Tân Hiệp Phát thực hiện nhiều dự án tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong năm 2021 |
Chia sẻ về thách thức đến từ đại dịch, bà Trần Uyên Phương cho biết, 90 ngày thực hiện 3 T (3 tại chỗ) chính là thước đo giá trị văn hóa, con người Tân Hiệp Phát. Những giải pháp đưa ra được sự đồng thuận và thực hiện đồng thời ở mọi cấp trong Tập đoàn, nên 90 ngày 3T không ai trong Tập đoàn bị nhiễm Covid-19 hay lây cho công đồng. Cùng với đó, ngay trong giai đoạn Covid-19, đội ngũ Tân Hiệp Phát đã tự lắp ráp cho ra đời dàn máy nhựa tái chế - đúng ngày kỷ niệm thành lập 27 năm Tập đoàn (15/10/2021) - mong muốn chung tay phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Một bước chuyển sáng tạo của Tân Hiệp Phát đó là vận hành hệ thống SAP- ARIBA kết nối toàn bộ quy trình mua sắm trong doanh nghiệp từ quản lý tìm nguồn cung ứng đến thanh toán (source-to-pay), thúc đẩy sự minh bạch công khai trong quá trình đấu thầu; mở rộng quy trình mua sắm toàn cầu… Cùng với đó là vận hành hệ thống SAP trên Amazon cloud và triển khai chu trình dịch vụ E2E, đưa nhiều giấy tờ lên Online, tận dụng năm 2021 tăng tốc chuyển đổi số…
Bên cạnh tầm nhìn, sứ mệnh được xác định rõ ràng, để tạo công ty có vị thế hàng đầu trên thương trường, tác giả cuốn sách “Vượt qua người khổng lồ” cho biết, yếu tố quan trọng nhất là người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm để thực thi khát vọng đã định. “Ở Tân Hiệp Phát, chúng tôi hạnh phúc khi được dẫn dắt bởi một đội ngũ những người say mê công việc, nhiều người đã làm việc nhiều năm ở các tập đoàn đa quốc gia, nhưng đã chọn về Tân Hiệp Phát vì cùng chung khát vọng phát triển”, bà Phương nói.
Công nghệ tốt, quản trị tốt, quy trình tốt giúp Tân Hiệp Phát tạo ra sản phẩm tốt và đặc biệt, ổn định được giá bán sản phẩm trong bối cảnh nhiều sản phẩm, hàng hóa tăng giá. “Lý do chúng tôi giữ được giá thành sản phẩm là vì có nhân sự tốt, hệ thống tốt. Tại Tân Hiệp Phát, chúng tôi luôn khuyến khích các nhân sự vượt qua giới hạn của bản thân. Mỗi lần vượt qua được là một lần bước lên tầm cao mới”, Uyên Phương chia sẻ.
Doanh nghiệp cần thay đổi và điều chỉnh và gắn với chữ “xanh”
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) |
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, sau khi Hiệp định thương mại tự do EVFTA đi vào hiệu lực, tăng trưởng thương mại hai chiều đã có sự chuyển biến tích cực. Về đầu tư, các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam với số vốn đáng kể. Đây là những nguồn đầu tư có chất lượng, sử dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường.Nhận định về bối cảnh chung, ông Mình cho biết, tình hình toàn cầu đang gặp nhiều bất lợi, các doanh nghiệp châu âu cũng gặp 1 số khó khăn cơ bản như cuộc chiến tại Ukraine, lạm phát gia tăng, chính sách zero Covid tại Trung Quốc… Điều này thể hiện trong chỉ số BCI (chỉ số môi trường kinh doanh) do Eurocham tiến hành thực hiện cho thấy, quý II/2022 đã có sự giảm nhẹ so với quý I, phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp châu Âu đang gặp phải.
Hiện nay, thị trường châu Âu là thị trường lớn, nhiều tiềm năng. Tham gia chuỗi cung ứng và bán hàng cho doanh nghiệp châu Âu cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Về chiều ngược lại, ông Minh cho biết, các doanh nghiệp châu Âu đều mong muốn xuất khẩu sang thị trường Việt Nam nhiều hơn, qua đó tiếp cận với thị trường ASEAN và cả châu Á. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào việc Việt Nam có tận dụng được cơ hội này hay không.
Về khía cạnh phát triển bền vững, Châu Âu có chiến lược phát triển bền vững nhiều năm nay và có một số trụ cột chính gồm bảo vệ môi trường, thúc đẩy quyền con người và quyền của người lao động và trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Ba trụ cột này được lồng vào chính sách thương mại của khối, cũng như được thể hiện trong Hiệp định EVFTA khi đưa ra những điều kiện và cam kết mà Việt Nam phải đạt được liên quan đến phát triển bền vững mới có thể hưởng những ưu đãi thuế quan.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp châu Âu đều là những doanh nghiệp đi đầu trong việc tuân thủ yêu cầu trong phát triển bền vững như sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất, tiêu chuẩn cao với người lao động. Ông Minh chia sẻ. hiện nay có khái niệm mới bao trùm hơn là thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Theo ông Minh, hiện nay Eurocham đang triển khai 1 số chương trình tăng cường liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên như các hoạt động kết nối để các doanh nghiệp có thể nắm bắt các thông lệ châu Âu đang triển khai; các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận thị trường, xúc tiến bán hàng; các chương trình đào tạo về các quy định mà doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt…
Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ tại hội nghị COP26, do đó, ông MInh cho rằng, các chiến lược, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cần thay đổi và điều chỉnh và gắn với chữ “xanh”.
Đổi mới sáng tạo cũng là một lĩnh vực được doanh nghiệp châu Âu quan tâm. Eurocham đang trong quá trình thành lập tiểu ban đổi mới sáng tạo, bao gồm các thành viên là những tập đoàn hàng đầu châu Âu, start up và những chuyên gia để cung cấp những hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp cần vun bồi đạo đức và văn hóa kinh doanh
Nhà sử học Dương Trung Quốc |
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự cạnh tranh của doanh nghiệp, bên cạnh các góc độ khác còn là góc độ văn hoá doanh nhân doanh nghiệp thể hiện ở đạo đức kinh doanh.
Ông Dương Trung Quốc đánh giá rất cao việc VCCI đã ban hành bộ Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam. Sáu nội dung bao gồm Tạo giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình là sự kết hợp hài hòa giữa mục tiêu tạo ra giá trị kinh tế với trách nhiệm xã hội, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng.
Tuy nhiên, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ băn khoăn về nội dung “yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình” và đề xuất nên cụ thể hơn thêm về đối tượng người lao động.
“Chúng tôi cũng nghĩ rằng việc doanh nhân tham gia phát triển kinh tế, đóng thuế, cùng các hoạt động xa hội, từ thiện…là đóng góp cho xã hội thực tiễn. Nhưng vẫn cần làm rõ nhân tố cực kỳ quan trọng, tạo ra giá trị trong nền kinh tế đó là người lao động”, Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Cũng theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Covid-19 là tai hoạ nhưng cũng là cơ hội. Bởi lịch sử cũng ghi nhận, những dịch bệnh lớn trên thế giới tuy tạo ra những trang sử rất ảm đạm về xã hội và y học nhưng là bức tranh sáng, bước ngoặt về kinh tế sau đó.
Những con số đang cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội này. Nhưng nếu chúng ta vội thoả mãn với cơ hội với thành tựu đó chúng ta sẽ dễ chủ quan mà đổ vỡ. “Người Việt giỏi thích ứng nhưng lại không giỏi làm bền vững. Nếu chúng ta không củng cố nền tảng, liên kết, tạo nền tảng vì cộng đồng thì chữ “yêu nước” phải làm thế nào cho đủ. Chúng ta phải tìm được cốt lõi để bền vững”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Ông Quốc cho biết, nghiên cứu lịch sử doanh nhân Việt Nam thời kỳ đầu tiên tiếp cận nền kinh tế tư bản phương Tây cho thấy họ đã hình thành đội ngũ doanh nhân mà cốt lõi là chữ Tín. Như vậy, làm sao trong 6 chuẩn mực này lấy chữ Tín là chuẩn mực là thước đo.
“Sự trung thực ngay thẳng, dù đã được nêu trong Quy tắc đạo đức doanh nhân nhưng phải lấy đó là chuẩn mực, là thước đo là nền tảng”, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Dương Trung Quốc cũng lưu ý câu chuyện chú trọng thị trường trong nước, bởi thị trường Việt Nam là thị trường vô cùng to lớn và cần tập trung để phát triển bền vững.
“Chúng ta chỉ nói về xuất khẩu như là một chuẩn mực phát tiển, nhưng chúng ta đâu hưởng lợi bao nhiêu, chúng ta thu được gì? Chưa nói tới rất nhiều ưu đãi, đất đai… Trong khi chúng ta có thị trường 100 triệu dân. Phải chuyển sang hướng hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam. Sao lại cái tốt nhất mang đi xuất khẩu nước ngoài? Tại Nhật Bản, những gì tốt nhất là tiêu thụ trong nước, chỉ bỏ qua những khâu đóng gói rườm rà. Còn chúng ta gần như bỏ ngỏ, coi thị trường trong nước là thị trường phụ. Dẫn tới tính xấu là sính ngoại. Các doanh nhân, doanh nghiệp phải chú trong thị trường trong nước nhiều hơn nữa”, Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định./.
Toàn cảnh Hội thảo |
(*) chia sẻ tại Diễn đàn: Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam tổ chức chiều 19/8/2022.
Bình luận