NỀN KINH TẾ SÁNG TẠO Ở HÀN QUỐC

Chỉ trong vòng hai thập kỷ, bằng sự đầu tư có trọng điểm và chọn lọc cùng quyết tâm cao của Chính phủ, sự bứt phá về khoa học và công nghệ dẫn đến sự phát triển tăng tốc thần kỳ của Hàn Quốc khiến các cường quốc từ ngỡ ngàng đến thán phục với sự lớn mạnh của các công ty hàng đầu thế giới như Samsung và Hyundai. Cho đến năm 2020, thời đại của nền kinh tế thông tin, Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 8 trên thế giới phổ cập dịch vụ internet tốc độ cao. Hàn Quốc xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng 30 quốc gia có nền kinh tế sáng tạo nhất của Bloomberg năm 2014, trong khi năm 2013 vẫn đang ở vị trí thứ 19. Diễn đàn Kinh tế thế giới mô tả Hàn Quốc có “năng lực sáng tạo đáng chú ý” và xếp hạng quốc gia này ở vị trí thứ 17 trên toàn cầu (KISDI, 2020).

Nền kinh tế sáng tạo của Hàn Quốc và những gợi ý cho Việt Nam
Nền kinh tế Hàn Quốc đã đạt đến giới hạn của "chiến lược bắt kịp" giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia

Nền kinh tế Hàn Quốc đã đạt đến giới hạn của "chiến lược bắt kịp" giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia trong hơn 40 năm qua, do các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự rượt đuổi từ các nền kinh tế công nghiệp mới nổi (NICs).

Năm 2009, Hàn Quốc đã hình thành "Mạng lưới nghiên cứu kinh tế sáng tạo Hàn Quốc" nhằm thảo luận và thống nhất xây dựng nền kinh tế sáng tạo. Diễn đàn này nhằm mục tiêu xây dựng chiến lược cho nền kinh tế Hàn Quốc để tiến tới gia nhập vào nhóm các quốc gia tiên tiến dẫn đầu. Kết quả của những cuộc thảo luận đã đi đến kết luận, cần phải thực thi chính sách kinh tế sáng tạo để tạo sự hợp lực giữa thông tin và công nghệ, sản xuất truyền thống và các ngành công nghiệp văn hóa. Ngoài ra, trong bối cảnh mô hình kinh tế chuyển đổi từ nền kinh tế tri thức sang nền kinh tế sáng tạo, thì việc thực hiện đổi mới theo hướng mở là cần thiết cho tất cả các DN, thậm chí khi các DN lớn chú trọng vào thị trường, còn DN đầu tư mạo hiểm tập trung vào đổi mới. Thông qua các quá trình này, nền kinh tế sáng tạo đã trở thành triết lý quốc gia của Chính quyền Tổng thống Park Geun-hye.

Kế hoạch hành động của nền kinh tế sáng tạo là “Hiện thực hóa kỷ nguyên hạnh phúc mới cho người dân Hàn Quốc thông qua nền kinh tế sáng tạo", xây dựng hệ sinh thái kinh tế sáng tạo với 3 mục tiêu: (1) Tạo việc làm và xây dựng thị trường mới thông qua ĐMST; (2) Tăng cường khả năng lãnh đạo toàn cầu của Hàn Quốc thông qua nền kinh tế sáng tạo; (3) Xây dựng một xã hội, trong đó tính sáng tạo được tôn trọng và phát huy.

Để thực hiện những mục tiêu nói trên, Hàn Quốc đã chủ động thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất, Chính phủ hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực của DN đầu tư mạo hiểm và DNVVN trong nền kinh tế sáng tạo.

Chính phủ Hàn Quốc và các tổ chức công thực hiện hỗ trợ sản phẩm của các DN để thâm nhập các thị trường mới. Các DN sản xuất những sản phẩm sáng tạo triển vọng trong tương lai như các sản phẩm sử dụng vật liệu mới, có cơ hội thâm nhập thị trường mua sắm công thông qua các hệ thống lựa chọn hàng hóa mua sắm của chính phủ.

Thông qua các biện pháp của Chính phủ phát triển hệ sinh thái hỗ trợ đầu tư mạo hiểm - khởi nghiệp, thị trường giao dịch chứng khoán chuyên biệt cho DN khởi nghiệp (KONEX) đã mở cửa cho các DN đầu tư mạo hiểm và DN nhỏ và vừa (DNNVV). Các hệ thống niêm yết và quản lý KOSDAQ (Korean Securities Dealers Automated Quotation là thị trường mạng máy tính điện tử được Chính phủ Hàn Quốc thành lập vào tháng 4/1997) đã được cải tiến và các hình thức miễn, giảm thuế cho hoạt động M&A đã được sửa đổi. Ngoài ra, một số quỹ được thành lập như "Quỹ tăng trưởng Ladder", các quỹ tài chính bưu điện và các quỹ M&A.

Chính phủ xây dựng hệ thống kết nối nhu cầu giữa các cơ sở giáo dục và tuyển dụng để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực cho các DN. Các tổ chức liên quan đến DN đầu tư mạo hiểm và DNVVN, chính quyền địa phương, các viện giáo dục và đào tạo cùng hợp tác để thực hiện điều tra sơ bộ, kết nối giữa các DN đang bị thiếu hụt nhân lực với nguồn lao động cần thiết, từ đó các bên cung cấp các dịch vụ giáo dục/đào tạo phù hợp, cũng như xây dựng hệ thống quản lý nhân lực và thị trường lao động.

Thứ hai, nuôi dưỡng nguồn nhân lực tài năng sáng tạo toàn cầu để ứng phó với thách thức của nền kinh tế sáng tạo

Học sinh, sinh viên đại học được khuyến khích tham gia vào các hoạt động tăng cường kỹ năng nghề nghiệp bên ngoài lớp học. Chính phủ giới thiệu và đẩy mạnh phổ biến “Hệ thống tuyển dụng siêu việt Spec" dành cho sinh viên chuẩn bị đi làm có định hướng phát triển năng lực sáng tạo của bản thân.

Các trường học tổ chức những chương trình thực hành thực tế, mô hình "trại khởi nghiệp công nghệ” cung cấp kinh nghiệm nghề nghiệp, các cuộc thi về mô hình kinh doanh cũng được tổ chức. Các câu lạc bộ khởi nghiệp của thanh niên và sinh viên tại các trường đại học được hỗ trợ phát triển nhằm giới thiệu cho sinh viên những thách thức khởi nghiệp để họ mạnh dạn thử thách với những lĩnh vực mới.

Khuyến khích tài năng sáng tạo trong nước trau dồi tri thức ở nước ngoài. Do số lượng thanh niên quan tâm đến tìm kiếm việc làm và thành lập DN ở nước ngoài tăng lên, các chính sách của chính phủ đã khuyến khích thanh niên tài năng sáng tạo trong nước trau dồi tri thức ở nước ngoài.

Người nước ngoài sở hữu các công nghệ xuất sắc, sẽ nhận được visa khởi nghiệp để vào Hàn Quốc và thành lập DN mới một cách thuận lợi. Các điều kiện để tài năng nước ngoài định cư tại Hàn Quốc, như: chỗ ở, chăm sóc y tế và giáo dục… được cải thiện.

Thứ ba, xây dựng và phát triển mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ và vườn ươm DN khởi nghiệp sáng tạo để hỗ trợ và tạo nền tảng cho nền kinh tế sáng tạo.

Năm 2015, Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập 17 trung tâm xúc tiến ý tưởng sáng tạo kinh tế khu vực (CCEI) ở các địa phương nhằm hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp ĐMST hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin - Truyền thông. Các trung tâm này giúp các DN khởi nghiệp kết nối với các tập đoàn của Hàn Quốc cũng như các tập đoàn quốc tế trong khu vực.

Các hợp phần của hệ sinh thái được hình thành xung quanh các trung tâm CCEI là: Công viên công nghệ, Trung tâm thiết kế, khu phức hợp công nghiệp, các cơ quan nghiên cứu và trường cao đẳng/đại học. Mỗi trung tâm CCEI điều hành một hệ thống hỗ trợ trực tiếp cho từng đối tượng trên cơ sở hợp tác với chính quyền địa phương hoặc trung ương và các tập đoàn lớn.

Ngoài các trung tâm CCEI, Chính phủ Hàn Quốc còn xây dựng thành công hàng loạt các vườn ươm DN khởi nghiệp sáng tạo. Các vườn ươm DN tại Hàn Quốc chủ yếu được các trường đại học và viện nghiên cứu vận hành. Theo Lee Min-Hwa và Cha Doo-Won (2014), năm 2014, có 282 vườn ươm DN được thành lập, trong đó 209 vườn ươm của trường đại học, 25 vườn ươm của phòng thí nghiệm, 5 vườn ươm của DNNVV, 18 vườn ươm của địa phương và 25 vườn ươm khác. Các vườn ươm DN do các trường đại học thành lập có xu hướng hướng đến các DN khởi nghiệp và DN dựa vào công nghệ.

Hệ thống điều hành vườn ươm về cơ bản là mô hình tập trung vào các thành phần của quá trình ươm tạo cũng như các mục tiêu và chiến lược của vườn ươm. Một mô hình cơ bản có thể gồm 3 thành tố chính: vườn ươm, DN và nhà đầu tư. Nhà điều hành của các vườn ươm DN nhận hỗ trợ tài chính từ các nhà đầu tư. Nhà đầu tư của vườn ươm là chính quyền trung ương và địa phương, các trường đại học, phòng thương mại, các DN tư nhân... Nhà đầu tư hỗ trợ các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp và DN nhỏ và giám sát Trung tâm ươm tạo DN thông qua hoạt động của Ủy ban Giám sát. Các yếu tố chính trong hoạt động ươm tạo có thể được chia thành 5 loại bao gồm: chính sách quản lý, cơ cấu tổ chức, tài nguyên, dịch vụ hỗ trợ và các kết nối bên ngoài.

Thứ tư, xây dựng nền văn hóa kinh tế sáng tạo cho người dân Hàn Quốc.

Chính phủ tổ chức “Triển lãm kinh tế sáng tạo” để người dân Hàn Quốc tiếp xúc với những điển hình thành công trong nền kinh tế sáng tạo và nền văn hóa thách thức và cởi mở. Người dân có ý tưởng xuất sắc được hỗ trợ xin cấp sáng chế thông qua “Phong trào sở hữu trí tuệ của hộ gia đình”. “Phòng tưởng tượng vô hạn" được lắp đặt tại các bảo tàng khoa học, bưu điện và thư viện và được triển khai trên cả nước. Ngoài ra, Chính phủ đã tổ chức các "Lễ hội ý tưởng" để tạo ra bầu không khí xã hội, nơi bất cứ ai cũng có thể chủ động đề xuất các ý tưởng sáng tạo của mình và được hỗ trợ để đẩy mạnh thương mại hóa các ý tưởng xuất sắc.

NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG THÚC ĐẨY NỀN KINH TẾ SÁNG TẠO CỦA VIỆT NAM

Việt Nam cần đầu tư đáng kể về kết cấu hạ tầng tương ứng để đảm bảo tính bền vững của hạ tầng khoa học, công nghệ và ĐMST. Phát triển hạ tầng cho sáng tạo mở cần có ba đặc điểm là: dữ liệu lớn; sử dụng bằng phần mềm và được thiết kế dành cho điện toán đám mây; có tính mở và cộng tác.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã nhận ra vai trò của ĐMST đối với sự phát triển của nền kinh tế và điều này đã được khẳng định tại Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết khẳng định sự quyết tâm phát triển ĐMST ở tầm quốc gia, lấy cộng đồng DN làm trung tâm, các trường đại học, viện nghiên cứu và tri thức người dân làm chủ thể để phát triển.

Tại sự kiện khai mạc Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam và khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức vào ngày 09/01/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động ĐMST và tin rằng, đây là chìa khóa để nước ta thoát thoát bẫy thu nhập trung bình và đạt được sự phát triển bứt phá trong tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên, nhìn chung, trong quá trình ĐMST nền kinh tế của nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đó là:

- Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ khoa học và công nghệ và ĐMST còn thiếu rất nhiều. Chất lượng giáo dục không đồng đều (ví dụ, khác biệt giữa thành thị và nông thôn) và thiếu sự gắn kết giữa giáo dục và thị trường lao động.

- Môi trường kinh doanh chưa thật sự thuận lợi. Theo báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới năm 2020, Việt Nam xếp hạng 70/190 quốc gia, tụt 1 bậc so với năm 2019. Theo đó, khó tiếp cận tài chính, thiếu cơ sở hạ tầng và thiếu lao động tay nghề là các vấn đề thách thức nhất của các DN Việt Nam.

- Đầu tư cho khoa học và công nghệ và ĐMST còn thấp so với các nước trong khu vực. Theo đó, tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam chỉ đạt 0,52% GDP năm 2017, tương đương với tỷ lệ này của Trung Quốc năm 1996 (0,56%). Bên cạnh đó, đầu tư cho R&D của doanh nghiệp hiện khoảng 64% tổng đầu tư cho R&D quốc gia, dù đã tăng nhiều so với những năm trước, nhưng để doanh nghiệp thực sự là nhân tố quan trọng cho ĐMST, thì tỷ lệ phải đạt từ 75%-80% (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2019).

- Việt Nam vẫn còn thiếu đa dạng về sản phẩm, điều này gây cản trở việc gia tăng danh mục hàng hóa xuất khẩu và khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu một cách hiệu quả hơn trong dài hạn.

Vì vậy, để Việt Nam nhanh chóng trở thành điểm đến của ĐMST trong khu vực, dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc và thực tế tại Việt Nam, theo tác giả, cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Một là, hoàn thiện cơ chế hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, tạo lập môi trường, thể chế xã hội thích hợp. Chính phủ cần thực hiện phân công rõ ràng về quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ và ĐMST của Chính phủ. Qua bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc, có thể thiết lập Bộ Khoa học, Công nghệ và ĐMST trên cơ sở Bộ Khoa học và Công nghệ hiện nay để thúc đẩy hơn nữa hoạt động ĐMST, phù hợp với xu hướng thế giới.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cần được củng cố vững chắc, hoàn thiện các văn bản luật và các văn bản dưới luật theo hướng thúc đẩy hơn nữa R&D và ĐMST, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp, cần để doanh nghiệp thực sự ở vị trí trung tâm của nền kinh tế ĐMST. Hoạt động phối hợp công tác giữa các bộ/ngành cần phải chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong các hoạt động liên quan đến ĐMST, như: giáo dục, đào tạo, R&D và sản xuất, kinh doanh. Đối với các dự án khoa học, công nghệ và ĐMST do Chính phủ tài trợ, cần hướng đến khu vực doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận thông tin về chương trình hỗ trợ. Minh bạch hóa từ đầu vào đến đầu ra của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tránh trùng lặp. Tăng cường hơn nữa việc bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Hai là, doanh nghiệp là trung tâm trong các hoạt động ĐMST. Theo đó, các DN cần tập trung tạo ra lực lượng lao động có chất lượng cao hơn, cũng như kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ này; đào tạo và nâng cấp kỹ năng làm việc số hóa tương thích với thay đổi của DN trong toàn bộ nhân viên, nhất là các cấp quản lý của DN.

DN muốn ĐMST thành công trước hết phải dựa vào khoa học và công nghệ. Để tận dụng công nghệ, DN cần phải có nguồn vốn, điểm thiết yếu cần có để tạo nên môi trường kích thích cho ĐMST là nguồn lực tài chính thích hợp. Bên cạnh các DN lớn có khả năng đầu tư R&D, DNNVV cần tận dụng tối đa cơ hội tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm và các công ty công nghệ tài chính để đảm bảo nguồn lực về tài chính ổn định, sẵn sàng cho hoạt động ĐMST.

DN cũng cần liên kết chặt chẽ với các trường đại học, các viện nghiên cứu và các DN khác. Sự liên kết chặt chẽ với các DN xuất phát từ chính nhu cầu của các DN sẽ là chất xúc tác phát triển quá trình ĐMST một cách thiết thực và hiệu quả.

Ba là, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng và mạng lưới kết nối ĐMST. Việt Nam cần đầu tư đáng kể về kết cấu hạ tầng tương ứng để đảm bảo tính bền vững của hạ tầng khoa học, công nghệ và ĐMST. Phát triển hạ tầng phù hợp cho sáng tạo mở cần có ba đặc điểm là: được thiết kế dành cho dữ liệu lớn; sử dụng bằng phần mềm và được thiết kế dành cho điện toán đám mây; có tính mở và cộng tác.

Phát triển và đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức trung gian hỗ trợ R&D và ĐMST, các khu công nghệ cao, các vườn ươm công nghệ, trung tâm hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST, các sàn giao dịch công nghệ của quốc gia, vùng và địa phương, có chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp lớn của nước ngoài chuyển giao công nghệ và xây dựng các trung tâm R&D của họ ở Việt Nam; tạo điều kiện cho các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và doanh nghiệp trong nước cùng liên kết để phát triển nhanh các lĩnh vực công nghệ then chốt của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao năng lực công nghệ trong nước.

Đồng thời, tạo điều kiện cho DN tham gia mạng lưới sản xuất và tri thức quốc tế. Để tham gia vào cuộc chơi của chuỗi giá trị toàn cầu, cần hai điều kiện: Thứ nhất, mở cửa tối đa trong thương mại, FDI, chuyển nhượng bằng sáng chế... mà Việt Nam là một trong những nền kinh tế thu hút FDI với độ mở cao. Thứ hai, năng lực hấp thụ, tức là các doanh nghiệp nội địa phải có năng lực học hỏi từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Bốn là, tài chính cho R&D và ĐMST. Thực hiện các chính sách khuyến khích và nỗ lực đầu tư để thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Cùng với việc ban hành các Chương trình quốc gia với trọng tâm thúc đẩy nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp thông qua các hoạt động đổi mới quy trình và đổi mới sản phẩm công nghệ. Đồng thời, cần nỗ lực đưa các kênh hỗ trợ tài chính theo hình thức quỹ đi vào thực chất và hiệu quả, như quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và địa phương, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp... Đối với các doanh nghiệp coi trọng đầu tư đổi mới công nghệ, nên được hưởng các ưu đãi lớn hơn về thuế, phí, lệ phí; có thể miễn hoặc giảm thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thể hiện sự quan tâm, ưu đãi đối với các doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ.

Đồng thời, thực hiện các chương trình tài trợ linh hoạt cho DN mới thành lập và các start-up với cơ chế phù hợp để khuyến khích việc học hỏi từ thành công và cả thất bại.

Năm là, phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và ĐMST. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐMST, cần sự chung tay, góp sức của cả ngành giáo dục lẫn DN. Giáo dục cần chú trọng khơi dậy tinh thần kinh doanh và đào tạo kỹ năng, như: kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo, lãnh đạo, giao tiếp và làm việc nhóm. Đồng thời, cần sớm tạo lập một môi trường giáo dục cởi mở, khuyến khích tiếp cận các môn học có tính ứng dụng cao, như: "học qua dự án" (project-based learning) hay "học qua vấn đề” (problem-based learning).

Không chỉ có giáo dục đào tạo trong các trường đại học, mà cần chú trọng đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong các DN, viện nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần tạo ra môi trường học tập, nghiên cứu hiện đại, chú trọng học tập, cập nhật các thành tựu khoa học và công nghệ và ĐMST các nước trên thế giới, đặc biệt cũng cần có chính sách sử dụng hợp lý thể hiện ở chế độ lương, chính sách đãi ngộ... Đồng thời, cần có chính sách thu hút nhân tài khoa học, công nghệ và ĐMST, chế độ tuyển dụng, đãi ngộ, đề bạt phải chuyển từ tiêu chuẩn “thâm niên” sang “vị trí công việc”, “kết quả”.

Sáu là, hình thành văn hoá ĐMST trong mỗi cá nhân và tổ chức. Đối với văn hoá ĐMST cho từng cá nhân, cần hình thành và nuôi dưỡng văn hóa đổi mới sáng tạo từ trong nhà trường, gia đình và xã hội. Theo đó, cần đưa chương trình đào tạo về ĐMST, khởi nghiệp ĐMST vào trong hệ thống giáo dục quốc dân, thậm chí giáo dục văn hóa ĐMST từ cấp bậc tiểu học và triển khai các khóa đào tạo về khởi nghiệp ĐMST cho sinh viên năm cuối các trường đại học. Gia đình và xã hội cổ vũ động viên khuyến khích cho người trẻ dám bước ra khỏi vùng an toàn và theo đuổi các giấc mơ nghề nghiệp “không tưởng”, “khác người” ở thời hiện tại để có thể thành công, trở thành hiện thực đẹp trong tương lai; và quan trọng hơn, cần có văn hóa biết chấp nhận và bao dung với sự thất bại, không kỳ thị người thất bại để họ đủ tự tin vượt qua thất bại để đến đích thành công./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

2. Bộ Khoa học và Công nghệ (2019). Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2019, Nxb Khoa học và Kỹ thuật

3. KISDI (2020). The 2020 ICT Industry Outlook for Korea, the Korea Information Society Development Institute

4. Mekong Business Initiative (2016). Manual of the Korean Business Incubator Model, Kwang Hwi Park Jay Kim

5. Lee Min-Hwa, Cha Doo-Won (2014). Creative Economy @ Korea

6. UNCTAD (2019). Creative Economy Outlook: Trends in international trade in creative industries

7. UNCTAD (2008). Creative Economy Report: The challenge of assessing the Creative economy towards informed policy – making

8. World Bank (2020). Vietnam: Doing business 2020, Challenges and Solutions

TS. Nguyễn Hải Đăng

Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 10 tháng 4/2021)