Chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu trong năm 2025

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng nay (ngày 13/11), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 (trong đó, có một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Cho phép địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, công trình trọng điểm quốc gia

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 với tỷ lệ tán thành cao

Theo đó, Nghị quyết quyết nghị: Về điều hành ngân sách nhà nước năm 2024, bổ sung dự toán thu ngân sách trung ương năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, đồng thời bổ sung tương ứng dự toán chi thường xuyên năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, gồm: Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam (chi sự nghiệp quản lý hành chính); Bộ Giao thông Vận tải (chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề); UBND tỉnh Quảng Bình (chi sự nghiệp kinh tế).

Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành, để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 34/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội.

Cho phép từ ngày 01/7/2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế; cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và tinh giản biên chế. Cho phép các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương theo quy định của cấp có thẩm quyền trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn, cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.

Nghiên cứu, có chế tài xử lý với trường hợp trả lại kế hoạch vốn hằng năm do nguyên nhân chủ quan

Nghị quyết giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác; kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; khẩn trương có giải pháp khắc phục đà suy giảm các chỉ tiêu về tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước trên GDP và tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước.

Cho phép địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, công trình trọng điểm quốc gia
Nghị quyết giao Chính phủ khẩn trương có giải pháp khắc phục đà suy giảm các chỉ tiêu về tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước trên GDP và tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước

Cùng với đó, Chính phủ cần quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; mở rộng cơ sở thu; chống thất thu, chuyển giá trốn thuế; gian lận thương mại, đặc biệt trong các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm xây dựng phương án sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, gắn với việc sửa đổi cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi một cách tổng thể, thận trọng, có đánh giá tác động đầy đủ nhằm bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo Nghị quyết, Chính phủ cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bổ sung vốn đầu tư phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế; phấn đấu tăng cao hơn nữa tỷ lệ chi đầu tư phát triển; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; phân bổ và giao dự toán đúng thời hạn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục hạn chế trong chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng thực hiện và giải ngân nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn. Có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả, chặt chẽ, tránh gây thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần có giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đề xuất, công tác chuẩn bị, phê duyệt dự án ODA, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện. Xem xét trách nhiệm trong xây dựng dự toán không sát thực tế, tổ chức thực hiện thiếu hiệu quả dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp. Nghiên cứu, có chế tài xử lý đối với các trường hợp trả lại kế hoạch vốn hằng năm do nguyên nhân chủ quan./.