Pháp luật về quản lý sàn thương mại điện tử xuyên biên giới: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
TS. Trần Thị Hồng Nhung
Đại học Kinh tế Quốc dân
Nguyễn Gia Minh, Tô Hoài Mỹ, Nguyễn Hương Giang, Trần Thị Minh Huyên
Sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân
Tóm tắt
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT), sàn thương mại điện tử xuyên biên giới (TMĐT XBG) xuất hiện đã trở thành phần quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự phát triển của sàn TMĐT XBG cũng đặt ra nhiều thách thức pháp lý khi hệ thống pháp luật hiện hành còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ với thông lệ quốc tế, gây khó khăn trong hoạt động quản lý nhà nước. Bài viết tập trung nghiên cứu pháp luật quản lý sàn TMĐT XBG từ việc cơ chế thiết lập sàn đến quản lý hoạt động của sàn dựa trên kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới. Mục tiêu của bài viết là đề xuất các giải pháp hoàn thiện khung pháp lý tại Việt Nam nhằm nâng cao trách nhiệm pháp lý của sàn TMĐT XBG và hiệu quả quản lý nhà nước như thuế, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền lợi người tiêu dùng.
Từ khoá: hoàn thiện hệ thống pháp luật, sàn TMĐT XBG, quản lý sàn TMĐT XBG
Summary
Along with the strong development of e-commerce, the emergence of cross-border e-commerce platforms has become a crucial part of the global economy. However, the development of cross-border e-commerce platforms also poses many legal challenges when the current legal system has many limitations and is not synchronized with international practices, causing difficulties in state management activities. The article focuses on studying the law on managing cross-border e-commerce platforms, from establishing platforms to managing the platform's activities based on the experience of countries worldwide. The article proposes solutions to improve the legal framework in Vietnam to enhance the legal responsibility of cross-border e-commerce platforms and the effectiveness of state management, such as taxes, personal data protection, and consumer rights.
Keywords: improving the legal system, cross-border e-commerce platforms, managing cross-border e-commerce platforms
GIỚI THIỆU
Sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT XBG đã mang lại những cơ hội kinh tế to lớn, đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia trong việc quản lý và điều chỉnh pháp luật. Tại Việt Nam, sàn TMĐT XBG ngày càng trở nên phổ biến, với sự gia nhập của các nền tảng quốc tế, như: Shopee, TikTokShop và gần đây là Temu. Nhận thấy xu thế phát triển của sàn TMĐT XBG, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg, ngày 15/5/2020 phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đối với hoạt động TMĐT được đặt lên hàng đầu.
Trước sự phát triển nhanh chóng của TMĐT XBG, nhiều quốc gia đã ban hành các chính sách quản lý nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ thống pháp luật vẫn tồn tại nhiều khoảng trống, đặc biệt là trong các lĩnh vực, như: thuế, kiểm soát hàng hóa, trách nhiệm của sàn TMĐT XBG và quyền lợi của người tiêu dùng. Vì vậy, việc phân tích các kinh nghiệm của các quốc gia khác nhau trong việc quản lý sàn TMĐT XBG, vừa góp phần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động này phát triển, và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cho Việt Nam.
KINH NGHIỆM QUỐC TẾ
Pháp luật Hoa Kỳ
Hoa Kỳ áp dụng nhiều đạo luật để quản lý TMĐT XBG, đảm bảo bảo vệ người tiêu dùng, công bằng thương mại và lợi ích quốc gia. Về bảo vệ người tiêu dùng, Đạo luật Ủy ban Thương mại Liên bang (Federal Trade Commission Act) cấm các hành vi gian lận trong TMĐT, đồng thời trao quyền cho FTC giám sát và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, Đạo luật Công bằng trong Đánh giá của Người tiêu dùng (Consumer Review Fairness Act) ngăn chặn doanh nghiệp cấm hoặc thao túng phản hồi từ khách hàng.
Về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Đạo luật Quyền riêng tư của Người tiêu dùng California (CCPA) quy định quyền của người tiêu dùng trong giao dịch TMĐT, bao gồm quyền truy cập, xóa dữ liệu cá nhân và từ chối bán dữ liệu. Các doanh nghiệp vi phạm có thể bị phạt từ 2.500 USD đối với lỗi vô ý đến 7.500 USD đối với lỗi cố ý cho mỗi trường hợp. Ngoài ra, Đạo luật Bảo vệ Quyền riêng tư Trực tuyến của Trẻ em (COPPA) yêu cầu các nền tảng phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em dưới 13 tuổi.
Hoa Kỳ cũng đặc biệt chú trọng đến chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT XBG. Đạo luật Lanham (Lanham Act) nghiêm cấm hàng hóa giả mạo về chất lượng, công dụng; vi phạm có thể bị cấm nhập khẩu. Đạo luật Tạo thuận lợi và Thực thi Thương mại (Trade Facilitation and Trade Enforcement Act of 2015) tăng quyền hạn cho Hải quan Hoa Kỳ (CBP) trong việc kiểm tra, tịch thu và tiêu hủy hàng giả.
Về thuế trong TMĐT XBG, Đạo luật Thuế quan 1930 (Tariff Act of 1930) quy định hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 800 USD được miễn thuế và không cần khai báo hải quan. Đạo luật này cũng áp dụng thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá để bảo vệ thị trường nội địa. Đối với thuế bán hàng, mặc dù Hoa Kỳ không có hệ thống thuế liên bang thống nhất, nhưng theo phán quyết South Dakota v. Wayfair (2018), các bang có quyền thu thuế bán hàng từ doanh nghiệp TMĐT XBG dù không có hiện diện vật lý tại Hoa Kỳ. Điều này yêu cầu các nền tảng TMĐT nước ngoài phải tuân thủ quy định thuế khi giao dịch với khách hàng Hoa Kỳ.
Pháp luật EU
Liên minh Châu Âu (EU) có hệ thống pháp lý toàn diện để quản lý TMĐT XBG, đảm bảo bảo vệ người tiêu dùng, kiểm soát dữ liệu cá nhân và quản lý thuế. Chỉ thị về Quyền của Người tiêu dùng (Directive 2011/83/EU) quy định quyền được tiếp nhận thông tin đầy đủ, quyền rút khỏi hợp đồng trong vòng 14 ngày mà không cần lý do và quyền được hoàn tiền khi trả hàng. Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (Digital Services Act) yêu cầu các nền tảng TMĐT đảm bảo thông tin minh bạch về người bán, thông báo nếu sản phẩm vi phạm pháp luật, đồng thời có trách nhiệm thực hiện biện pháp khắc phục khi có khiếu nại.
Về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Quy định về Bảo vệ Dữ liệu Chung (GDPR - Regulation 2016/679/EU) có hiệu lực từ năm 2018, yêu cầu doanh nghiệp thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân một cách hợp pháp, minh bạch. GDPR cũng cho phép người tiêu dùng yêu cầu truy cập, chỉnh sửa hoặc xóa dữ liệu cá nhân của mình. Doanh nghiệp vi phạm có thể bị phạt lên đến 20 triệu Euro hoặc 4% doanh thu toàn cầu (EU, 2022)
Trong vấn đề chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Quy định 608/2013/EU cho phép Hải quan EU tạm giữ và tiêu hủy hàng hóa có căn cứ đầy đủ về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các nền tảng TMĐT XBG phải đảm bảo không kinh doanh hàng giả hoặc vi phạm thương hiệu.
EU cũng có hệ thống thuế chặt chẽ để tránh thất thu từ TMĐT XBG. Chỉ thị 2017/2455/EU và Chỉ thị 2019/1995/EU đã xóa bỏ miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 22 Euro, giúp kiểm soát thuế tốt hơn. Quy định 1186/2009/EU miễn thuế nhập khẩu với hàng hóa có giá trị dưới 150 Euro, nhưng vẫn phải chịu thuế VAT. Quy định 2016/1036/EU và 2016/1037/EU áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, bảo vệ thị trường nội địa trước cạnh tranh không lành mạnh[1].
Pháp luật Trung Quốc
Trung Quốc, với thị trường TMĐT lớn nhất thế giới, có khung pháp lý chặt chẽ để quản lý TMĐT XBG. Luật Thương mại Điện tử (E-Commerce Law of the People's Republic of China) yêu cầu nền tảng TMĐT xác minh danh tính người bán, đảm bảo chất lượng hàng hóa và chịu trách nhiệm pháp lý khi xảy ra thiệt hại cho người tiêu dùng. Các nền tảng cũng phải cung cấp hệ thống đánh giá sản phẩm và dịch vụ minh bạch.
Về bảo vệ dữ liệu cá nhân, cả hai đạo luật là Luật Thương mại điện tử và Luật Bảo vệ thông tin cá nhân (Personal Information Protection Law of the People’s Republic of China) quy định các nền tảng phải công khai cách thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu, đồng thời đảm bảo quyền chỉnh sửa hoặc xóa thông tin cá nhân theo yêu cầu người tiêu dùng. Các vi phạm có thể bị phạt nặng và hạn chế hoạt động.
Trung Quốc cũng kiểm soát chặt chẽ hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Luật Thương mại Điện tử quy định các nền tảng phải chủ động gỡ bỏ hàng giả, ngăn chặn vi phạm thương hiệu. Nếu không tuân thủ, nền tảng có thể bị phạt lên đến 2 triệu Nhân dân tệ.
Về quản lý thuế, Trung Quốc áp dụng cơ chế ưu đãi cho TMĐT XBG. Theo Danh mục Hàng hóa Nhập khẩu qua TMĐT XBG, hàng nhập khẩu có giá trị dưới 5.000 Nhân dân tệ mỗi lần và không quá 26.000 Nhân dân tệ mỗi năm/người sẽ được miễn thuế nhập khẩu và chỉ chịu 70% thuế tiêu dùng. Điều này giúp khuyến khích giao dịch trực tuyến quốc tế nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu thuế cho chính phủ.
Pháp luật Indonesia
Là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, Indonesia có nhiều quy định nhằm quản lý TMĐT XBG. Luật Bảo vệ Người tiêu dùng (Law on Consumer Protection) yêu cầu các nền tảng cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng về sản phẩm, bao gồm giá cả, xuất xứ, điều kiện bảo hành và chính sách đổi trả.
Về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân (Law on Personal Data Protection) yêu cầu doanh nghiệp minh bạch trong thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu, đồng thời cấm chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài nếu quốc gia đó không có luật bảo vệ dữ liệu tương đương.
Indonesia cũng kiểm soát chặt chẽ thuế trong TMĐT XBG. Chính phủ Indonesia đã hạ ngưỡng miễn thuế nhập khẩu từ 100 USD xuống 75 USD, và nay chỉ còn 3 USD, nhằm bảo vệ sản xuất nội địa. Hàng nhập khẩu có giá trị trên 3 USD sẽ chịu thuế nhập khẩu 7,5% (Báo Quân đội nhân dân, 2024).
Để hỗ trợ giải quyết tranh chấp TMĐT, Indonesia yêu cầu các nền tảng có cơ chế xử lý khiếu nại trực tuyến, đồng thời thành lập Cơ quan Giải quyết Tranh chấp Người tiêu dùng (BPSK) để giảm chi phí và thời gian xét xử theo Quy định số 80 về Hệ thống Thương mại điện tử (Government of Indonesia, 2019).
THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ XUYÊN BIÊN GIỚI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18%-25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ trọng thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc TOP 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp (Phan Trang, 2025).
Theo Bộ Công Thương, có được kết quả khả quan trên là do các quy định pháp luật đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho hoạt động thương mại điện tử. Cụ thể, hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử đang được điều chỉnh tập trung, chủ yếu tại 2 văn bản: Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử; Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử, do hai văn bản trên ở cấp Nghị định nên chưa đủ để điều chỉnh các vấn đề quan trọng trong thương mại điện tử. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, đa dạng về mặt chủ thể, phức tạp về mặt bản chất và từ thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, dẫn đến các chính sách, quy định về thương mại điện tử đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Theo đó, việc kiểm soát người bán trên các nền tảng thương mại điện tử vẫn đang là thách thức với cơ quan quản lý nhà nước. Văn bản pháp lý về thương mại điện tử hiện đang giao trách nhiệm cho chủ nền tảng thương mại điện tử trong việc xác định danh tính của người bán trong nước và nước ngoài trên sàn. Điều này dẫn đến các vấn đề: Khó khăn trong xác định danh tính người bán. Bởi hiện tại, nhiều nền tảng thương mại điện tử chưa định danh và xác thực điện tử đối với người bán, dẫn đến việc khó kiểm soát chính xác thông tin về người bán, đặc biệt là với người bán ở nước ngoài hoặc người bán không tuân thủ quy định pháp luật. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cũng không nắm được một người bán hoạt động trên bao nhiêu nền tảng thương mại điện tử.
Cùng đó là khó khăn trong việc truy vết và xử lý vi phạm. Việc chưa có quy định chặt chẽ về việc xác minh và lưu trữ thông tin người bán làm cho công tác điều tra và xử lý vi phạm trong giao dịch thươngmại điện tử trở nên phức tạp. Các cơ quan chức năng khó truy vết kho hàng hoặc đối tượng bán hàng khi có vi phạm. Vì không có cơ chế định danh điện tử cũng như kiểm tra, giám sát toàn diện, các nền tảng thương mại điện tử có thể bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động gian lận hoặc trốn thuế. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng khó có thể xác minh độ tin cậy của người bán trên các sàn thương mại điện tử nếu thông tin về người bán không được rõ ràng và minh bạch. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng và làm giảm độ tin cậy của nền tảng thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng tiếp tục là mối quan ngại chung của cả thị trường thương mại truyền thống lẫn thương mại điện tử. Mặc dù các văn bản pháp lý về thương mại điện tử đã quy định việc rà soát, kiểm soát và xử lý các thông tin cũng như hoạt động vi phạm, nhưng những hành vi vi phạm trong không gian mạng ngày càng trở nên tinh vi. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng và áp dụng các công cụ quản lý hiệu quả hơn để giải quyết triệt để vấn đề.
Thực tế, hiện tại, các quy định pháp lý đối với TMĐT xuyên biên giới “nhẹ nhàng” hơn so với quy định áp dụng cho các chủ thể có hoạt động đầu tư chính thức tại thị trường trong nước, gây ra sự thiếu công bằng trong môi trường cạnh tranh.
Ngoài ra, chưa có quy định phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan như hải quan, thuế, quản lý thị trường trong quá trình thực thi; chưa có quy định phối hợp trong quản lý và giám sát chất lượng hàng hóa, quản lý thanh toán số hay các hệ sinh thái hỗ trợ TMĐT xuyên biên giới.
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế về pháp luật về quản lý sàn thương mại điện tử xuyên biên giới và thực trạng tại Việt Nam, theo chúng tôi, cần lưu ý một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, tăng cường các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng. Việt Nam đã có nhiều quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 và Nghị định số 13/2023/NĐ-CP, ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Việt Nam có thể học theo EU, áp dụng mức phạt lên tới 20 triệu Euro hoặc 4% doanh thu toàn cầu để tăng tính nghiêm khắc. Ngoài ra, cần bổ sung quy định cấm chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài nếu quốc gia tiếp nhận không có tiêu chuẩn bảo vệ tương đương, tương tự quy định của Indonesia.
Thứ hai, bổ sung các biện pháp ngăn chặn tình trạng hàng giả góp phần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Việt Nam có thể tham khảo mô hình của Trung Quốc, yêu cầu các nền tảng TMĐT XBG loại bỏ, ngăn chặn giao dịch vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi có khiếu nại. Đồng thời, cần bổ sung chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn, bao gồm phạt tiền, hạn chế hoạt động hoặc đình chỉ dịch vụ đối với các sàn vi phạm. Ngoài ra, có thể áp dụng biện pháp tạm giữ và tiêu hủy hàng giả theo mô hình quản lý hải quan của EU, giúp kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng hàng hóa vi phạm nhập khẩu vào Việt Nam.
Thứ ba, nhanh chóng thiết lập hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR). Hiện tại, pháp luật Việt Nam đã có những quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử nói chung ở các văn bản, như: Luật Thương mại năm 2005, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Nghị định số 52/2013. Tuy nhiên, các quy định này nhìn chung vẫn còn mang tính cục bộ trong sàn và chưa thật sự thống nhất, đồng thời, còn nhiều hạn chế khi áp dụng cho hoạt động TMĐT XBG với những đặc điểm khác biệt so với các hoạt động thương mại khác. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam có thể học hỏi từ quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) của EU đã được đề cập ở phần trên. Cơ chế giải quyết tranh chấp này có những ưu điểm như chi phí rẻ, thủ tục nhanh chóng và thuận tiện và đặc biệt là xóa bỏ khoảng cách địa lý giữa các bên - một yếu tố vô cùng phù hợp với hoạt động TMĐT XBG. Để phát triển cơ chế này, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng các quy định về các cơ chế giải quyết tranh chấp (ODR) và các chế định liên quan, đồng thời đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin từ đó tạo điều kiện cho cơ chế giải quyết này phát triển./.
Tài liệu tham khảo
1. Báo Quân đội Nhân dân (2024), Các nước bịt “lỗ hổng” thuế quan thương mại điện tử như thế nào?, truy cập từ https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cac-nuoc-bit-lo-hong-thue-quan-thuong-mai-dien-tu-nhu-the-nao-801463.
2. Chính phủ (2020), Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
3. Chính phủ (2013), Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử.
4. Hồng, T. T. (2006), Chương 9: Sàn giao dịch thương mại điện tử (E-MARKETPLACE), In Giáo trình Thương mại điện tử (pp. 225-241), Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
5. Government of Indonesia (2019), Government Regulation No. 80 of 2019 on Trading Through Electronic Systems, retrieved from https://peraturan.bpk.go.id/Details/126143
6. Lovelock, C. (1991). Services Marketing, Prentice-Hall, Englewood Cliffs. NJ.
7. Regulation (EU) (2022), 2022/2065 (DSA), 2022 O.J. (L 277) 1, retrieved from https://eur-lex.europa.eu/eli/reg/2022/2065/oj/eng.
8. Simakov, V. (2020), History of formation of e-commerce enterprises as subjects of innovative entrepreneurship, Three Seas Economic Journal, 1.
9. The President of the People's Republic of China (2021), Personal Information Protection Law of the People's Republic of China, retrieved from http://en.npc.gov.cn.cdurl.cn/2021-12/29/c_694559.htm
10. Quốc hội (2006), Luật Công nghệ thông tin, số 67/2006/QH11, ngày 29/6/2006.
11. Quốc hội (2023), Luật Giao dịch điện tử, số 20/2023/QH15, ngày 22/6/ 2023.
12. Phan Trang (2025), Siết chặt quản lý thương mại điện tử qua biên giới để bảo vệ người tiêu dùng, truy cập từ https://baochinhphu.vn/siet-chat-quan-ly-thuong-mai-dien-tu-qua-bien-gioi-de-bao-ve-nguoi-tieu-dung-10225011600033177.htm.
13. Tâm, G. L. (2023). Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb Tư pháp.
14.Trần Văn Hoè (2006), Giáo trình Thương mại điện tử, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Nxb Thống kê.
15. Wang, C. (2023). The influence of consumer perception on purchase intention: Evidence from cross-border E-commerce platforms. CarelPress.
16. WTO (2018), E-commerce and the multilateral trading system: A developing country perspective, World Trade Organization.
17. Wang, L., Chai, Y., Liu, Y., Xu, Y. (2015), Qualitative Analysis of Cross-Border E-Commerce Based on Transaction Costs Theory, In Proceedings of the 2015 IEEE 12th International Conference on e-Business Engineering (ICEBE) (pp. 166-172).
Ngày nhận bài: 05/01/2025; Ngày phản biện: 15/2/2025; Ngày duyệt đăng: 28/2/2025 |
[1] https://eur-lex.europa.eu/eli/reg/2022/2065/oj/eng.
Bình luận