Từ khóa: dịch vụ xã hội cơ bản, nghèo đa chiều, tỉnh Thanh Hóa

Summary

Ensuring basic social services for people is an important criterion to measure poverty according to the current multidimensional poverty standard, contributing to good implementation of social security policies and improving people's lives, promoting the country's sustainable development. Based on a general assessment of the current situation, the article proposes solutions to develop social services to reduce multidimensional poverty in Thanh Hoa province in the coming time.

Keywords: basic social services, multidimensional poverty, Thanh Hoa province

GIỚI THIỆU

Thanh Hóa là một tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, đời sống của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, trung du, miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, những hộ nghèo và cận nghèo thường không có điều kiện tiếp cận các DVXHCB như: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin… và điều đó khiến cho họ ít có cơ hội thoát nghèo. Do vậy, mở rộng phát triển đồng bộ hệ thống các DVXHCB để “bảo đảm cung cấp và nâng cao khả năng tiếp cận các DVXHCB, nhất là những người nghèo, người yếu thế trong xã hội” [1] là yêu cầu cấp thiết để thực hiện giảm nghèo đa chiều ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay.

PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ, ĐO LƯỜNG NGHÈO ĐA CHIỀU Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Phương pháp tiếp cận, đánh giá, đo lường về đói nghèo trước đây chủ yếu chỉ dựa vào tiêu chí thu nhập, chuẩn nghèo được xác định dựa trên mức chi tiêu đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của người dân và được quy thành tiền. Nếu người có thu nhập thấp dưới mức chuẩn nghèo, thì được đánh giá thuộc diện hộ nghèo. Từ đó dẫn đến hiện trạng nhiều hộ gia đình ở Việt Nam đã thoát nghèo, nhưng thu nhập của các thành viên trong gia đình vẫn nằm ở ngưỡng cận nghèo, kéo theo tỷ lệ hộ gia đình tái nghèo trên thực tế vẫn rất cao, nếu không có các giải pháp cải thiện thu nhập của gia đình. Cách đánh giá chuẩn nghèo theo hướng đơn chiều đã nảy sinh vấn đề, đó là đói nghèo sẽ đồng nghĩa với việc bị khước từ các quyền cơ bản của con người (tiếp cận các DVXHCB như: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin…) bị đẩy sang lề xã hội chứ không chỉ là thu nhập thấp.

Vì vậy, trên cơ sở vận động của thực tiễn, tiếp cận với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đã từng bước chuyển đổi phương pháp tiếp cận và đưa ra chuẩn nghèo đa chiều dựa trên các tiêu chí tối thiểu của người dân khi được đảm bảo các DVXHCB. Ngày 27/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Nghị định này nhằm cụ thể hóa các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều; chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống thu nhập trung bình, hướng tới hiện thực hóa chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong thực tiễn lãnh đạo, quản lý và phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ mới. Theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 được cụ thể hóa thành hai mốc thời gian: (1) Từ ngày 01/01/2021 vẫn tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ; (2) Giai đoạn 2022-2025, chuẩn nghèo đa chiều dựa trên 2 tiêu chí đo lường cơ bản: Thứ nhất, tiêu chí thu nhập ở khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng/người/tháng và khu vực thành thị là 2.000.000 đồng/người/tháng. Thứ hai, tiêu chí mức độ thiếu hụt DVXHCB. 06 DVXHCB gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Đồng thời, chỉ ra 12 chỉ số dùng để đo lường mức độ thiếu hụt DVXHCB.

Như vậy, giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các DVXHCB của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; là cái đích hướng tới để hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở nước ta hiện nay.

THỰC TRẠNG NGHÈO ĐA CHIỀU Ở TỈNH THANH HÓA

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ nghèo đa chiều là 11,88% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo: 4,99%; tỷ lệ hộ cận nghèo: 6,89%). Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với mức trung bình chung của cả nước là 7,52% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo: 4,03%; tỷ lệ hộ cận nghèo: 3,49%). Đặt trong mối tương quan với các tỉnh Bắc Trung Bộ, tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh Thanh Hóa chỉ khả quan hơn một chút so với Nghệ An và Quảng Trị, còn lại đều cao hơn so với các địa phương khác trong khu vực (Bảng 1).

Bảng 1: Tỷ lệ nghèo đa chiều của các tỉnh Bắc Trung Bộ năm 2022

Địa phương

Thanh Hóa

Nghệ An

Hà Tĩnh

Quảng Bình

Quảng Trị

Tỷ lệ nghèo đa chiều (%)

11,88

12,62

7,83

9,76

14,93

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ [1]

Bên cạnh đó, tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo của Thanh Hóa có quy mô khá lớn, với 118.839 hộ, chiếm tới 38,36% trong tổng số toàn bộ số hộ nghèo của khu vực Bắc Trung Bộ (Bảng 2).

Bảng 2: Tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo của các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ năm 2022

Địa phương

Bắc Trung Bộ

Thanh Hóa

Nghệ An

Hà Tĩnh

Quảng Bình

Quảng Trị

Tổng số hộ

309.835

118.839

108.919

30.013

25.103

26.961

Tỷ lệ (%)

100

38,36

35,15

9,69

8,10

8,70

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ [1]

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa còn 6 huyện nghèo trong tổng số 74 huyện nghèo của cả nước, chiếm 8,10%. Ngoài huyện Bá Thước có tỷ lệ nghèo đa chiều thấp hơn mức trung bình trung của các huyện nghèo trong cả nước (54,03% so với 55,45%), còn lại các huyện khác có tỷ lệ nghèo đa chiều đều cao hơn, thậm chí cao hơn rất nhiều (Bảng 3).

Bảng 3: Tỷ lệ nghèo đa chiều của các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022

Địa phương

Thường Xuân

Lang Chánh

Bá Thước

Quan Hóa

Quan Sơn

Mường Lát

Tỷ lệ nghèo đa chiều (%)

57,67

59,98

54,03

63,84

67,08

65,34

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ [1]

Phân tích trên phản ánh thực tế là, tỷ lệ nghèo đa chiều và tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo của Tỉnh còn chiếm tỷ trọng cao, gây ra những khó khăn nhất định trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững cũng như việc triển khai chính sách an sinh xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài tiêu chí dựa vào thu nhập của người dân ở cả khu vực thành thị và nông thôn, chuẩn nghèo đa chiều theo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng dựa trên Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ và được tính toán thông qua 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các DVXHCB của các hộ gia đình (Bảng 4).

Bảng 4: Tỷ lệ chỉ số thiếu hụt DVXHCB của hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Thanh Hoá năm 2022 (%)

STT

Chỉ số đo lường

Hộ nghèo

Hộ cận nghèo

Cả nước

Thanh Hóa

Cả nước

Thanh Hóa

1.

Việc làm

36,09

48,97

28,02

32,77

2.

Người phụ thuộc trong gia đình

34,10

36,97

21,60

19,35

3.

Dinh dưỡng

11,17

7,75

3,83

2,80

4.

Bảo hiểm y tế

55,65

53,95

57,49

52,62

5.

Trình độ giáo dục của người lớn

24,51

15,59

9,7

5,66

6.

Tình trạng đi học của trẻ em

4,77

1,61

2,62

0,58

7.

Chất lượng nhà ở

30,04

31,32

11,10

9,18

8.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người

27,44

29,92

10,59

10,42

9.

Nguồn nước sinh hoạt

17,34

22,71

6,73

9,01

10.

Nhà tiêu hợp vệ sinh

51,83

51,08

20,19

15,16

11.

Sử dụng dịch vụ viễn thông

37,67

31,63

15,60

9,79

12.

Phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin

18,55

11,11

4,96

1,63

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ [1]

Phân tích từ Bảng 4 cho thấy, đa phần các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt DVXHCB của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều ngang bằng và ở mức thiếu hụt thấp hơn so với mức trung bình chung của cả nước, nhất là các chỉ số về: dinh dưỡng; tình trạng đi học của trẻ em; sử dụng dịch vụ viễn thông và phương tiện để phục vụ người dân tiếp cận thông tin. Điều này cho thấy sự nỗ lực, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong phát triển các hợp phần DVXHCB, thúc đẩy thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, cũng còn một vài chỉ số thiếu hụt cao hơn hẳn mức trung bình của cả nước, như: việc làm, nguồn nước sinh hoạt của cả hộ nghèo và hộ cận nghèo; chất lượng nhà, diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ nghèo… Hiện trạng đó đòi hỏi địa phương phải đưa ra được hệ thống giải pháp tác động trong các chương trình, dự án, chính sách đặc thù và thường xuyên nhằm nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận DVXHCB của người dân, nhất là các huyện có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, để thúc đẩy tỷ lệ nghèo đa chiều của địa phương giảm xuống tiệm cận mức trung bình của cả nước.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để đạt được mục tiêu mà tỉnh Thanh Hóa đã đặt ra là: “Phấn đấu giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo; cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo, đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các DVXHCB (Y tế, giáo dục, nhà ở an toàn, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, việc làm, bảo hiểm xã hội…)” [5], theo nhóm tác giả, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển DVXHCB

Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong Tỉnh cần triển khai rà soát, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, kịp thời các cơ chế, chính sách theo phân cấp quản lý để thực hiện các giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững; giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực thành thị, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu hội nhập; tạo việc làm bền vững, đảm bảo thu nhập tối thiểu. Hướng tới bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế toàn dân; nâng cao năng lực y tế, chất lượng khám chữa bệnh đồng đều ở các tuyến, đa dạng hóa các dịch vụ khám chữa bệnh...

Bên cạnh đó, cần thể chế hóa các quy định để chuyển dịch việc cung cấp các DVXHCB từ Nhà nước sang tư nhân, đẩy mạnh xã hội hóa trong cung cấp các DVXHCB. Chính quyền các địa phương, nhất là các huyện nghèo (Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát) cần chủ động nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp cho phép các cá nhân, tổ chức tham gia phát triển, cung ứng các DVXHCB. Thực hiện điều này, các địa phương trong Tỉnh cần ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi khi đầu tư cung cấp các dịch vụ này ở vùng nông thôn, vùng miền núi, khu vực dân cư thưa thớt… để tạo sự bình đẳng trong tiếp cận các DVXHCB. Đồng thời, quy định ràng buộc trách nhiệm về chất lượng dịch vụ và kiểm soát chi phí, giá dịch vụ để đảm bảo người dân có thể tiếp cận.

Thứ hai, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển DVXHCB

Việc thực hiện các chính sách phát triển hệ thống DVXHCB, nhất là khu vực nông thôn, miền núi ở tỉnh Thanh Hóa còn nhiều khó khăn, chưa đem lại hiệu quả thiết thực là do nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể về quyền lợi và nghĩa vụ trong tiếp cận và thụ hưởng các DVXHCB của người dân còn hạn chế. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, phát huy sức mạnh tổng hợp của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và người dân là rất cần thiết. Theo đó, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa cần đẩy mạnh công các tuyên truyền, vận động để họ nhận thức rõ về vai trò và sự cần thiết phải phát triển hệ thống DVXHCB cho người dân, nhất là trong bối cảnh chịu tác động nhiều mặt sau đại dịch Covid-19 thời gian vừa qua. Đồng thời, nắm và triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch... liên quan đến chính sách xã hội, bảo đảm các DVXHCB cho người dân trên địa bàn Tỉnh.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dân, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội trong huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực; tuyên truyền về tự “an sinh” của đối tượng được hưởng thụ, xóa bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại cho Nhà nước và chính quyền địa phương của một bộ phận người dân; tuyên truyền về quá trình phát triển hệ thống DVXHCB cho người dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi thuộc các huyện nghèo trong Tỉnh phải đa dạng, phong phú, linh hoạt phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và các lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, thường xuyên quan tâm chăm lo nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ gia định có thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh, tạo nguồn lực vật chất, tinh thần cho bảo đảm DVXHCB

Đây là vấn có ý nghĩa quan trọng, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài trong bảo đảm DVXHCB trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thời gian tới, để tạo ra nguồn lực vật chất, tinh thần cho người dân hướng tới mục tiêu “bảo đảm cung cấp và nâng cao khả năng tiếp cận các DVXHCB, nhất là những người nghèo, người yếu thế trong xã hội” [3], tỉnh Thanh Hóa cần phải phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Tỉnh, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng, các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn…; bảo đảm hài hòa và cân đối giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị và nông thôn. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững, giữa phát triển hợp lý theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo; đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Thứ tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính cho phát triển các DVXHCB trên địa bàn Tỉnh

Các cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa cần tổng hợp kế hoạch, nhu cầu nguồn vốn hàng năm của các huyện, thị xã, thành phố để tham mưu cho UBND Tỉnh cân đối, bố trí, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho công tác giảm nghèo, phát triển các loại hình DVXHCB; lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh với nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để tập trung phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kém hiệu quả.

UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhất là ở 6 huyện nghèo trong tỉnh Thanh Hóa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển các loại hình DVXHCB của Trung ương, của Tỉnh trên địa bàn; phân bố, sử dụng các nguồn lực hiệu quả, đúng quy định. Đồng thời, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án, các cơ chế, chính phát triển DVXHCB trên địa bàn. Lồng ghép các nguồn lực và ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, bố trí một phần ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện, hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo theo quy định/.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2023), Quyết định số 71/QĐ-LĐTBXH, ngày 19/01/2023 về công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

2. Chính phủ (2021), Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/01/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.

3 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật.

4. HĐND tỉnh Thanh Hóa (2022), Nghị quyết số 268/NQ-HĐND, ngày 13/7/2022 về việc thông qua quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

5. UBND tỉnh Thanh Hóa (2021), Kế hoạch số 213/KH/ TU, ngày 29/9/2021 về triển khai thực hiện Kế hoạch số 30-KH/TU ngày 16/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương đảng (khóa XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

ThS. Lê Sỹ Cương, ThS. Đậu Trọng Chương

Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

TS. Phạm Duyên Minh

Trường Sĩ quan Chính trị - Bộ Quốc phòng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)