Quản lý nhà nước về đầu tư công cho phát triển tại tỉnh Thanh Hóa: Thực trạng và giải pháp
Từ khóa: quản lý nhà nước, đầu tư công, tỉnh Thanh Hóa
Summary
In recent years, public investment for development in Thanh Hoa province has achieved many positive results, with many investment projects completed, contributing to the development of the local infrastructure system... However, there are still many problems in these activities, such as the inappropriate structure of public investment, the slow disbursement of public investment, the loss and waste in using public investment capital,… Based on analysing the state management of public investment for development in Thanh Hoa province in the period of 2018-2022, the article proposes some solutions to improve these activities in the coming time.
Keywords: state management, public investment, Thanh Hoa province
ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo Luật Đầu tư công năm 2014: “Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội”. Do đó, hoạt động đầu tư công có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Nó tác động đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực mới của đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội; đồng thời có tác dụng lan tỏa, dẫn dắt, thu hút hoạt động đầu tư của các thành phần kinh tế khác, như: các cá nhân, tổ chức thuộc khu vực kinh tế tư nhân hoặc các nguồn đầu tư từ nước ngoài.
Trong giai đoạn 2018-2022, cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, thiên tai, dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế và đời sống nhân dân toàn tỉnh Thanh Hóa. Trong điều kiện nguồn lực tại chỗ còn hạn chế, nhu cầu đầu tư công cho phát triển ngày càng cao, thì việc huy động, thu hút vốn đầu tư và quản lý hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công cho phát triển là mối quan tâm hàng đầu của Tỉnh. Vì vậy, việc đánh giá đúng thực trạng công tác quản lý nhà nước về đầu tư công cho phát triển là hết sức cần thiết, để có thể đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, thách thức, hướng đến phát triển bền vững trong thời gian tới.
THỰC TRẠNG ĐẦU TƯ CÔNG GIAI ĐOẠN 2018-2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
Theo Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa, quy mô vốn đầu tư công của Tỉnh giai đoạn 2018-2022 tăng liên tục, từ 29,62 nghìn tỷ đồng năm 2018 lên 35,75 nghìn tỷ đồng năm 2022, tương đương tăng 20,7% (Hình).
Hình: Vốn đầu tư khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2022
Đơn vị: Nghìn tỷ đồng
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa |
Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn này lại có xu hướng giảm, từ 29,1% năm 2018 xuống còn 25,73% năm 2022 (Bảng). Điều đó thể hiện cơ cấu đầu tư toàn xã hội chuyển biến tích cực, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nước tiếp tục được nâng lên.
Bảng: Cơ cấu các loại nguồn vốn trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2022
Đơn vị: %
2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | |
TỔNG SỐ | 100,00 | 100,00 | 100,00 | 100,00 | 100,00 |
Vốn khu vực nhà nước | 29,05 | 26,38 | 26,34 | 25,73 | 25,73 |
Vốn khu vực ngoài nhà nước | 54,94 | 56,71 | 58,48 | 61,83 | 57,08 |
Vốn khu vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài | 16,01 | 16,91 | 15,19 | 12,43 | 17,18 |
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa
Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa có nhiều tín hiệu tích cực. Các dự án đầu tư tiếp tục được triển khai và hoàn thành, góp phần phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng của địa phương, cụ thể như:
(i) Trong lĩnh vực giao thông vận tải, hệ thống giao thông của Tỉnh đã có bước phát triển đột phá, nhiều công trình giao thông hiện đại đã được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác trong giai đoạn 2018-2022, như: nâng cấp mở rộng QL1A, QL217, đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, Đại lộ Nam sông Mã, đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa, cầu Nguyệt Viên… Tỉnh đã đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các trục giao thông lớn để kết nối hạ tầng với sân bay Thọ Xuân, Cảng Nghi Sơn, khu kinh tế, khu - cụm công nghiệp; kết nối phát triển các khu kinh tế động lực của Tỉnh (Khu Kinh tế Nghi Sơn, TP . Thanh Hóa - TP. Sầm Sơn, Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, Khu công nghiệp Bỉm Sơn - Thạch Thành); kết nối các khu du lịch ven biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa...
(ii) Trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, Tỉnh đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng nhiều công trình thủy lợi mới, như: hệ thống tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã của hồ Cửa Đạt, hệ thống thủy lợi sông Lèn, hệ thống tiêu úng Đông Sơn, hệ thống tiêu kênh Than, tiêu úng vùng III Nông Cống…, góp phần tích cực trong phục vụ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và tiêu úng, bảo vệ sản xuất vụ mùa.
(iii) Trong lĩnh vực y tế, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ ngành y tế được đầu tư mạnh mẽ với nhiều công trình đã hoàn thành. Theo Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa, tính đến năm 2022, trên địa bàn Tỉnh hiện có 13 bệnh viện tuyến tỉnh với 5.540 giường. Đối với tuyến huyện, thị xã, thành phố, có 25 bệnh viện đa khoa tuyến huyện; 10 phòng khám đa khoa khu vực; 27 trung tâm y tế 2 chức năng…
(iv) Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai và hoàn thành nhiều dự án, đề án đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng mới các cơ sở đào tạo. Cụ thể: cơ sở vật chất các trường học được từng bước đầu tư theo hướng kiên cố hóa, đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ phòng học kiên cố tăng từ 84% năm 2018 lên 87,7% năm 2022; trong đó mầm non là 82,27%; tiểu học là 83,10%; THCS đạt 94,24%; THPT đạt 96,52%. Toàn Tỉnh hiện có 5 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có 4 cơ sở thực hiện đào tạo trình độ đại học. Mạng lưới đào tạo, dạy nghề được mở rộng, tổng số cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn Tỉnh là 88 cơ sở (gồm: 12 trường cao đẳng, 17 trường trung cấp nghề, 31 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 28 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp).
(v) Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đã được triển khai. Năm 2022, toàn Tỉnh có 10 thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh; 21/27 huyện, thị xã, thành phố có thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện (xây dựng thiết chế trung tâm văn hóa - thông tin, trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao), đạt tỷ lệ 77,77%; 8/27 huyện, thị xã, thành phố có các công trình, thiết chế tối thiểu theo quy định đối với cấp huyện, phục vụ hoạt động thể dục, thể thao của nhân dân; 524/559 trung tâm văn hóa, thể thao xã, phường, thị trấn; 4.150/4.393 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố; 9 thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp, nhà máy, công ty trên địa bàn...
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẦU TƯ CÔNG GIAI ĐOẠN 2018-2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
Về công tác huy động vốn đầu tư công
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư công cho phát triển, giai đoạn 2018-2022, UBND Tỉnh đã ban hành và chỉ đạo triển khai quyết liệt các kế hoạch cải cách hành chính. Tỉnh đã quyết định thành lập và đưa vào hoạt động các trung tâm hành chính công của Tỉnh và các huyện, thành phố. Nhờ đó, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa đạt 85,37%, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xếp thứ nhất khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ, tăng 19 bậc so với năm 2021. Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa đạt 87,11 điểm, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xếp thứ nhất khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ, tăng 4 bậc so với năm 2021.
Song song với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cũng được coi trọng; hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp của các cơ quan, ban, ngành đã được thực hiện trên môi trường mạng. Hạ tầng công nghệ thông tin được đồng bộ xuyên suốt từ Tỉnh đến huyện, hình thành hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin toàn Tỉnh. Hoàn thành việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thanh Hóa với Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng lộ trình. Cập nhật tài khoản nộp phí, lệ phí của cơ quan đã đăng ký lên Cổng dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh, quốc gia để phục vụ thanh toán trực tuyến trong quá trình giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Hoàn thành việc triển khai kết nối liên thông Cổng dịch vụ công trực tuyến với Hệ thống tiếp nhận và trả kết quả bưu chính công ích của Bưu điện Tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã rút ngắn thời gian, thủ tục gọn nhẹ, thuận tiện cho triển khai và quản lý đầu tư công.
Về quy trình quản lý nhà nước
Sau khi hội đồng nhân dân (HĐND) Tỉnh thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công cho phát triển, dự toán ngân sách hàng năm, UBND Tỉnh phê duyệt kế hoạch vốn và thông báo cho các đơn vị có liên quan ngay khi kết thúc kỳ họp năm trước để thực hiện. Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm, coi đây nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, ban hành đồng bộ các giải pháp thúc đẩy gắn với nâng cao quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngay từ đầu năm. Xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án đầu tư. Công tác phân bổ vốn, giao kế hoạch vốn được triển khai sớm, ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản.
UBND Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ để nắm bắt tiến độ thực hiện các dự án, tình hình giải ngân vốn đầu tư công cho phát triển của Ban Quản lý dự án tỉnh Thanh Hóa, qua đó nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để xử lý; đồng thời kịp thời đẩy nhanh tiến độ, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công từ các dự án giải ngân chậm để bổ sung cho các dự án có khả năng giải ngân tốt. Hầu hết các dự án được bố trí vốn đã nỗ lực tổ chức thực hiện, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư và kế hoạch được giao.
Về quản lý tài chính
Các dự án đầu tư phát triển được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Công tác quản lý, điều hành tài chính ngân sách chủ động, luôn bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và chủ trương, chính sách của Tỉnh; phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối của ngân sách địa phương. Tỉnh đã thực hiện phân cấp triệt để nhiệm vụ, tạo sự chủ động trong quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách.
Về công tác quản lý vốn đầu tư phát triển, tình hình vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản
Công tác này luôn được quan tâm chỉ đạo tăng cường và đã đạt được một số kết quả, như: công tác quy hoạch làm cơ sở cho việc lập dự án đầu tư được đẩy mạnh, phân bổ vốn đầu tư tập trung hơn, việc phân cấp quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho địa phương được chú trọng. Bộ máy quản lý đầu tư công được cơ cấu lại, thành lập các trung tâm thẩm định để thực hiện tự chủ về tài chính nhằm nâng cao chất lượng thẩm, định đồng thời đảm bảo tăng thu nhập cho người lao động. Qua cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư công và quản lý vốn phát triển đã rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi hơn cho các đơn vị liên quan trong hoàn thành các thủ tục đầu tư công. Công tác quản lý đấu thầu được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ theo định mức trang thiết bị, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và số lượng theo kế hoạch.
Về công tác kiểm tra việc chấp hành dự toán ngân sách các cấp
Hoạt động này được tổ chức thường xuyên và chưa phát hiện vụ việc nghiêm trọng. Các vấn đề đưa ra đã được xử lý kịp thời, như: giảm dư nợ cho vay xây dựng cơ bản, thu hồi tiền ở một số đơn vị. Đặc biệt, Tỉnh đã thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý xây dựng cơ bản.
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác quản lý nhà nước về đầu tư công cho phát triển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2022 còn một số hạn chế do nguyên nhân chủ quan và khách quan như: (1) Thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công cho phát triển; (2) Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm và kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn; (3) Nguồn vốn đầu tư công cho phát triển chưa cân đối đủ để đầu tư thêm cho các công trình trọng điểm, quan trọng của Tỉnh, các nguồn vốn này chủ yếu vẫn huy động từ nguồn thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết; (4) Hệ thống thủ tục, văn bản hành chính về đầu tư công còn chưa đồng bộ, một số thủ tục còn rườm rà, chưa phù hợp.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư công cho phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, các văn bản quản lý đầu tư công cần cụ thể hóa cho phù hợp với đặc điểm của Tỉnh. Cần có các hướng dẫn cụ thể hơn đối với các sở, ban, ngành về đầu tư công. Trong đó, cần có sự phân công, phân cấp quản lý đến cấp thấp nhất (phường, xã), nhất là phân cấp, chịu trách nhiệm quản lý đầu tư công cho phát triển.
Bên cạnh đó, quy định tiêu chí, thứ tự ưu tiên làm cơ sở phân bổ, sử dụng vốn đầu tư công cho phát triển. Tỉnh cần xác định rõ đối tượng, tiêu chí, thứ tự ưu tiên để làm cơ sở phê duyệt, bố trí vốn hoặc từ chối, cắt giảm dự án và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan nhà nước, đoàn thể và nhân dân biết, nhằm khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát của cộng đồng đối với dự án đầu tư công.
Thứ hai, xử lý kịp thời, dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng để các dự án đầu tư sớm triển khai đúng tiến độ, hiệu quả.
Thứ ba, về huy động vốn, bên cạnh ưu tiên nguồn vốn ngân sách của Tỉnh, cần đồng thời tích cực kết nối với các bộ, ngành để tranh thủ tối đa các nguồn vốn Trung ương, vốn tín dụng ưu đãi đầu tư, vốn nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành ngay từ khâu xây dựng quy hoạch và kế hoạch, đảm bảo các công trình, dự án trọng điểm của Tỉnh, nhất là các dự án lớn về giao thông, thủy lợi, quốc phòng an ninh... được thể hiện đầy đủ trong quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển của bộ, ngành chủ quản nhằm đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Thứ tư, nâng cao năng lực của các cơ quan, cán bộ quản lý và thực hiện đầu tư công thông qua việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với lãnh đạo đơn vị được giao làm chủ đầu tư, các bộ phận giúp việc của chủ đầu tư và các cá nhân làm công tác quản lý dự án đầu tư công. Nội dung đào tạo tập trung vào bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng liên quan đến quản lý dự án công, như: Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai…, các nghị định hướng dẫn thi hành luật và các thông tư hướng dẫn nghị định liên quan. Đồng thời, đào tạo các kỹ năng về: lập dự toán và quản lý chất lượng công trình; phương pháp hoạch định tiến độ thực hiện dự án và kiểm soát rủi ro; kỹ năng đàm phán và thực hiện các hợp đồng tư vấn, xây dựng./.
Quách Lê Hiếu - Học viện Chính sách và Phát triển
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 19, tháng 7/2023)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (2023), Kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 (PAR INDEX 2022) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa (2019-2023), Niên giám thống kê các năm từ 2018 đến 2022, Nxb Thống kê.
3. IMF (2015), Making public investment more efficient, Washington, DC.
4. Miller Mark, Mustapha Shakira (2016), Public investment management: A public financial management introductory guide, Overseas Development Institute.
5. Su, D. T., Neil, H., Nguyen, P. C. (2020), Public spending, public governance and economic growth at the Vietnamese provincial level: A disaggregate analysis, Economic Systems, 44(4).
6. World Bank (2018), Public Investment Management in Vietnam: Assessment and Reform Priorities for Overcoming the Bottlenecks.
Bình luận