Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND thị xã Bỉm Sơn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về quy hoạch và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới |
Năm 2012, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, Thị xã đã thành lập Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đồng thời, chỉ đạo 2 xã Quang Trung, Hà Lan thành lập Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban.
Ngay từ thời điểm đầu thực hiện, thị xã Bỉm Sơn đã phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, phát huy nội lực, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, xây dựng điểm các thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, do vậy Thị xã đã tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ để hai xã thực hiện lập quy hoạch. Ngày 20/7/2012, UBND Thị xã đã phê duyệt quy hoạch nông thôn mới đến năm 2020 đối với 2 xã Quang Trung, Hà Lan và chất lượng đồ án quy hoạch đạt yêu cầu. Năm 2019, xã Hà Lan sáp nhập với phường Đông Sơn theo Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14, ngày 16/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hiện nay thực hiện theo quy hoạch chung của phường Đông Sơn.
Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được thị xã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, rộng khắp, bằng nhiều hình thức khác nhau. Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức về xây dựng nông thôn mới của cán bộ, đảng viên, nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực và từng bước khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của cấp trên, qua đó phát huy tinh thần tự giác tham gia xây dựng nông thôn mới của nhân dân. Đi đôi với đó, Thị xã nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiệu quả kinh tế cao, phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp quy mô hộ gia đình, tổ hợp tác, làng nghề nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo việc làm tại chỗ cho người lao động khu vực nông thôn. Thị xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Đổi mới và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.
Những năm gần đây, Thị xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư trên địa bàn. Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch tích cực, các ngành công nghiệp chủ lực của Thị xã, như: công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, lắp ráp ô tô... tiếp tục phát triển. Đến nay, Thị xã đã có gần 200 doanh nghiệp thương mại - dịch vụ, hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích; cửa hàng bán lẻ ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, đáp ứng nhu cầu giao thương giữa Thị xã với các địa phương lân cận và nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.
Kết quả huy động vốn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2022 đạt hơn 332 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 6,9 tỷ đồng, chiếm 2,08%; ngân sách tỉnh 17,977 tỷ đồng, chiếm 5,41%; ngân sách Thị xã 30,957 tỷ đồng, chiếm 9,32%; ngân sách xã 30,477 tỷ đồng, chiếm 9,17%; nguồn hỗ trợ từ doanh nghiệp 18,364 tỷ đồng, chiếm 5,53%; nguồn đầu tư từ nhân dân (tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất, chỉnh trang nhà ở, vườn tạp...) 227,572 tỷ đồng, chiếm 68,49%.
Bằng sự nỗ lực, cố gắng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh, đến nay, thị xã Bỉm Sơn đã có bước phát triển mạnh mẽ, tổng giá trị sản xuất năm 2022 đạt trên 33 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 10,71%. Từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầngTthị xã được đầu tư đồng bộ, diện mạo đô thị và vùng nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Hiện nay, tỷ trọng ngành Công nghiệp - Xây dựng chiếm 77,23%; các ngành Dịch vụ - Thương mại chiếm 22,02% và ngành Nông nghiệp chiếm 0,75%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của Thị xã đạt 64,6 triệu đồng/người/năm (gấp 1,6 lần so với năm 2012); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,2% (giảm 2,99% so với năm 2012).
Toàn thị xã có 6/6 phường đạt chuẩn các tiêu chí đô thị văn minh theo quy định; xã Hà Lan đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, nay đã sáp nhập vào phường Đông Sơn. Xã Quang Trung đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Văn hóa truyền thống được duy trì và phát triển. Quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được duy trì ổn định./.
Bình luận