Kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển DN đến năm 2020

Tại Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đặt ra 6 mục tiêu chính, đó là: (1) Xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh; (2) Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48%-49% GDP; (3) Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; (4) Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30%-35% GDP; (5) Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm; (6) Hàng năm, có khoảng 30%-35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Thực tiễn hoạt động phát triển DN trong giai đoạn năm 2016-2020 cho thấy, về cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao trong Nghị quyết số 35/NQ-CP đã được hoàn thành, một số mục tiêu hoàn thành vượt kế hoạch. Cụ thể như sau:

Mục tiêu đến năm 2020, TFP đóng góp vào tăng trưởng GDP khoảng 30%-35%

Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, năm 2019, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, năm 2020 đạt 44,43%, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 44,45%, cao hơn rất nhiều so với mức bình quân 33,6% của giai đoạn 2011-2015. Như vậy, mục tiêu này đã đạt kế hoạch và vượt mục tiêu đề ra.

Mục tiêu đến năm 2020, năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, mục tiêu về năng suất lao động đã vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Theo đó, năng suất lao động bình quân theo giá so sánh năm 2019 đạt 6,2%; năm 2020 đạt 5,4%; bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%, cao hơn mức tăng bình quân 4,2% của giai đoạn 2011-2015.

Mục tiêu đến năm 2020, hàng năm có khoảng 30%-35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo

Hiện nay, trong số liệu thống kê điều tra DN hàng năm chưa có thông tin về tỷ lệ DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, theo báo cáo điều tra về Đổi mới sáng tạo trong DN tại Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp thực hiện năm 2017[1], tỷ lệ DN có đổi mới sáng tạo[2] trong giai đoạn 2014-2016 là 32,08% trong tổng số DN trả lời điều tra[3]. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016-2020, Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tiếp tăng thứ hạng và hiện đang đứng thứ nhất trong nhóm 29 quốc gia có thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong ASEAN. Các nhóm chỉ số đầu vào tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo tiếp tục tăng, minh chứng cho việc duy trì đầu tư của Nhà nước, các DN cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi về thể chế, trình độ kinh doanh, tín dụng tiếp tục ở mức cao. Từ việc đầu tư đầu vào, các chỉ số đầu ra của Việt Nam cũng tiếp tục được duy trì và tăng.

Do đó, mục tiêu hằng năm có khoảng 30%-35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo đã đạt được và có thể tăng lên trong giai đoạn tới với những nỗ lực cải cách của Chính phủ.

Bên cạnh các mục tiêu đã đạt và vượt kế hoạch như trên, thực tế triển khai cho thấy vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt kế hoạch 5 năm. Cụ thể:

Mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh

Trên thực tế, ngay từ ban đầu việc xác định mục tiêu đạt 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 đã là một thách thức rất lớn. Bởi lẽ, với con số 442.485 DN đang hoạt động vào năm 2015, muốn đạt được mục tiêu này, thì tốc độ tăng trưởng số DN hoạt động bình quân của các giai đoạn 2016-2020 phải đạt 17,7%/năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2019, cả tốc độ tăng số DN đang hoạt động (14,4%/năm) và tốc độ tăng số DN thành lập mới (10,5%) đều thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cần đạt được. Bên cạnh đó, mặc dù số lũy kế DN thành lập mới tính đến thời điểm hiện nay đã vượt 1 triệu DN, song, số lượng DN đóng cửa, rút lui khỏi thị trường tăng cao, nên không đủ 1 triệu DN đang hoạt động. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 tới nay, không chỉ việc thành lập DN gặp khó khăn, mà cả số DN giải thể, đóng cửa cũng tăng mạnh[4]. Ước tính đến hết năm 2020, có khoảng 810 nghìn DN đang hoạt động.

Ngoài ra, việc triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chưa đạt được hiệu quả, tác động như mong muốn. Đặc biệt, chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN chưa đủ hấp dẫn, do đó, số lượng DN thành lập mới từ hộ kinh doanh còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, đây là khu vực được kỳ vọng sẽ bổ sung một lực lượng lớn cho khu vực DN.

Thực tế cho thấy, mục tiêu đạt 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 là không khả thi, nhưng trung bình giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng về số DN hoạt động đã tăng cao hơn 80% so với giai đoạn 2011-2015.

Mục tiêu đến năm 2020, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đóng góp 48%-49% GDP

Giai đoạn 2016-2020, khu vực kinh tế tư nhân đã có chuyển biến tích cực về tỷ trọng đóng góp GDP. Tuy nhiên, tỷ trọng này mới dao động trong khoảng 43% GDP, không đạt mục tiêu 48%-49% GDP. Nguyên nhân có thể do quy mô và năng lực của khu vực này còn quá nhỏ dẫn đến mức độ đóng góp vào GDP của nền kinh tế còn hạn chế. Tuy nhiên, một điểm sáng cần ghi nhận trong giai đoạn 2016-2020 là tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực kinh tế tư nhân có chiều hướng đi lên. Trong hai năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực này cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cả nước. Nếu duy trì được xu hướng tăng và có sự đột phá, thì mục tiêu đóng góp 48%-49% GDP của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có thể sớm đạt được trong thời gian tới.

Mục tiêu đến năm 2020, khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 49% vốn đầu tư toàn xã hội

Năm 2015, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam mới đóng góp khoảng 39% vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỷ lệ đóng góp này liên tục tăng theo thời gian đạt 43,2% vào năm 2018 và 46% vào năm 2019. Đây là tín hiệu tốt cho thấy, nguồn lực trong dân đang được huy động và ngày càng tăng cho đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, hoạt động đầu tư kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các DN, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tỷ lệ đóng góp giảm xuống còn 44,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội[5]. Do đó, mục tiêu khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp 49% vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào năm 2020 là không đạt được.

Mục tiêu và giải pháp phát triển DN giai đoạn 2021-2025

Đại dịch Covid-19 vẫn bao phủ nỗi lo lên toàn cầu, đặc biệt là ở sự bất định và những chủng virus mới có thể còn phát tác. Tuy nhiên tại Việt Nam, Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã vạch ra định hướng phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, khối kinh tế tư nhân cần tiếp tục vươn lên, phát triển lành mạnh, hiệu quả, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Trên quan điểm Nhà nước đảm bảo sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện; đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả các DN, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực, như: vốn, tài nguyên, đất đai... và đầu tư kinh doanh, số lượng DN tư nhân chắc chắn sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 thúc đẩy tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải nhanh chóng tận dụng và thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư để tăng sức chống chịu rủi ro và hạn chế tình trạng đứt gãy các chuỗi sản xuất, thương mại toàn cầu. Kinh tế số đang là một câu chuyện mới. Bên cạnh sự nỗ lực của Nhà nước trong việc tạo môi trường thuận lợi cho DN khu vực tư nhân phát minh, đổi mới, sáng tạo và áp dụng mô hình kinh doanh mới, bản thân các DN cũng có nhiều cơ hội để đổi mới, sáng tạo, thử nghiệm và theo đuổi các ý tưởng kinh doanh, cung ứng những sản phẩm, dịch vụ có thể chưa từng có tiền lệ.

Trong môi trường kinh doanh mới với những thách thức và cơ hội mới đang mở ra với tất cả, chúng tôi đề xuất một số mục tiêu định lượng về phát triển DN giai đoạn 2021-2025. Theo đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các DN Việt Nam, hướng đến mục tiêu có khoảng 1,3-1,5 triệu DN hoạt động vào năm 2025; trung bình tốc độ gia tăng số DN hoạt động trong nền kinh tế đạt khoảng 12%-14%/năm giai đoạn 2021-2025. Số DN có quy mô vừa và lớn đạt khoảng 60.000-70.000 DN vào năm 2025. Giai đoạn 2021-2025, DN Việt Nam cần thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân số lao động đạt khoảng 6%-8%/năm; tăng trưởng bình quân thu nhập của người lao động đạt khoảng 25%-30%/năm; tăng trưởng bình quân mức đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 23%-25%/năm. Cùng với đó, cần có 15-20 DN khu vực tư nhân có vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD vào năm 2025[6].

Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, cần phải hình thành hệ thống các giải pháp tương ứng trong giai đoạn 5 năm tới. Một số giải pháp chính được đề xuất như sau:

Một là, hỗ trợ DN sau tác động bởi dịch bệnh Covid-19

Theo đó, cần nghiên cứu xu hướng chuyển dịch chuỗi giá trị, các ngành tiềm năng mới sau đại dịch Covid-19 để hỗ trợ DN phát triển; Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nghị định hướng dẫn. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN phục hồi, đổi mới mô hình kinh doanh, sản phẩm, phương thức kinh doanh để phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số trong DN.

Hai là, phát triển các DN có quy mô vừa và lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành, tạo cực tăng trưởng mới cho phát triển kinh tế

Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu ban hành chính sách phát triển DN, nhằm hình thành lực lượng DN có quy mô vừa và lớn, đóng vai trò dẫn dắt trong các ngành kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng thời, sản phẩm của những DN này cần được coi là sản phẩm quốc gia, thành công của những sản phẩm chủ lực này cũng chính là sự thành công của quốc gia; tạo thành xu hướng chuyển dịch từ “Made in Vietnam” tiến tới “Made by Vietnam”.

Ba là, thúc đẩy nghiên cứu - phát triển, đổi mới sáng tạo trong DN

Tập trung nguồn lực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp và DN khởi nghiệp sáng tạo. Vận hành hiệu quả hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; hình thành hệ thống/mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế khuyến khích cho DN đầu tư vào nghiên cứu phát triển, đầu tư vào các DN khởi nghiệp (start-up), đổi mới sáng tạo.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng

Cần nghiên cứu đổi mới cơ chế khuyến khích phát triển các hình thức liên kết đào tạo giữa nhà trường với các DN; giáo dục ở bậc đại học cần gắn chặt với nhu cầu xã hội thông qua các đơn đặt hàng của các cơ sở thực tế, đảm bảo cân đối giữa các ngành, nghề. Cùng với đó, xây dựng và triển khai chương trình thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các hoạt động, chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học và công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Năm là, tăng cường liên kết DN, tham gia chuỗi giá trị giữa DN nhỏ và DN lớn, giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Cần xác định các nhóm ngành hàng, nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu và DN trong nước có khả năng sản xuất thay thế để định hướng cho DN dịch chuyển cơ cấu sản xuất, chủ động được nguyên vật liệu sản xuất trong chuỗi giá trị; Nghiên cứu ban hành quy định cụ thể danh mục các sản phẩm, chi tiết linh kiện, phụ kiện chỉ có các DN có quy mô nhỏ và vừa được sản xuất.

Hỗ trợ hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết do DN Việt Nam dẫn dắt; có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các dự án FDI có mức độ tham gia lớn của các DN Việt Nam trong chuỗi giá trị.

Sáu là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với công tác phát triển DN

Cần nghiên cứu xây dựng các tiện ích ứng dụng công nghệ trong việc tiếp nhận kiến nghị, chia sẻ cung cấp thông tin và phản hồi ý kiến của cộng đồng DN; Phát triển hệ thống các tổ chức hoặc các nền tảng công nghệ trợ giúp DN. Ngoài ra, hạn chế tối đa việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp tại DN; Hoàn thiện hệ thống cơ quan, đơn vị đầu mối thực hiện công tác hỗ trợ DN, tăng tính liên kết giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương trong hỗ trợ DN./.


[1] Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Thế giới (2019), Đổi mới sáng tạo trong DN Việt Nam - Phân tích từ một cuộc điều tra thống kê, Dự án First, Tiểu dự án FIRST-NASATI, Tài liệu tham khảo, Hà Nội.

[2]Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, DN đổi mới sáng tạo là DN thực hiện một trong các hoạt động: (1) Đổi mới sản phẩm (hàng hóa hay dịch vụ; (2) Đổi mới quy trình, công nghệ, thiết bị; (3) Đổi mới tổ chức và quản lý; và (4) Đổi mới tiếp thị.

[3] 8.000 DN chế biến, chế tạo được lựa chọn, trong đó số phiếu có thể sử dụng được là 7.641, trong đó 66,1% là DN ngoài nhà nước, 31% là DN có vốn đầu tư nhà nước và chỉ có 2,9% DN nhà nước. Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ và WB (2019)

[4] Trong 10 tháng năm 2020, cả nước có gần 111.200 DN đăng ký thành lập mới nhưng cũng có tới gần 85.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể

[5] Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội quý IV và năm 2020, Tổng cục Thống kê.

[6]Theo báo cáo tổng kết 20 năm thành lập Thị trường chứng khoán Việt Nam: đến năm 2020 có 30 mã chứng khoán vốn hoá trên 1 tỷ USD, trong đó có 13 mã chứng khoán là DN khu vực tư nhân ở Việt Nam