Phát triển du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười: Thực trạng và giải pháp
NCS. Lê Thanh Sang - Trường Đại học Bình Dương, Email:ltsang.21900003@bdu.edu.vn
TS. Võ Xuân Vinh - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
Trần Đăng Khoa - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh
Tóm tắt
Tiểu vùng Đồng Tháp Mười (gồm 3 tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An) với nguồn tài nguyên đa dạng, độc đáo, có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch tâm linh... Tuy nhiên, phát triển du lịch của tiểu vùng Đồng Tháp Mười còn hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp và tính kết nối trong chuỗi du lịch quốc gia còn tương đối yếu. Trên cơ sở phân tích thực trạng năng lực cạnh tranh du lịch của tiểu vùng Đồng Tháp Mười, nghiên cứu đề xuất giải pháp thực hiện chiến lược liên kết phát triển sản phẩm du lịch và marketing điểm đến, kết nối nâng cao trải nghiệm du khách; đồng thời, tập trung vào ứng dụng nền tảng công nghệ và kỹ năng nhân lực du lịch để nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười.
Từ khóa: năng lực cạnh tranh, cạnh tranh du lịch, sản phẩm du lịch, marketing điểm đến, Đồng Tháp Mười
Summary
Dong Thap Muoi sub-region (including 3 provinces: Tien Giang, Dong Thap, and Long An), with diverse and unique resources, has great potential for eco-tourism, agricultural tourism, spiritual tourism... However, the tourism development of Dong Thap Muoi sub-region is still limited, competitiveness is low, and connectivity in the national tourism chain is still relatively weak. Based on the analysis of the current situation of tourism competitiveness of the Dong Thap Muoi sub-region, the study proposes solutions to implement a strategy of linking tourism product development and destination marketing, connecting to improve tourist experiences; at the same time, focusing on applying technology platforms and tourism human resources skills to strengthen competitiveness, aiming at sustainable tourism development of Dong Thap Muoi sub-region.
Keywords: competitiveness, tourism competitiveness, tourism products, destination marketing, Dong Thap Muoi
ĐẶT VẤN ĐỀ
Phát triển du lịch không chỉ đóng vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại các quốc gia và địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, mỗi điểm đến đều phải đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các địa phương khác trong nước, khu vực và trên thế giới (Rasool và cộng sự, 2021). Do đó, việc khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, biến các giá trị văn hóa, tài nguyên tự nhiên và bản sắc địa phương thành năng lực cạnh tranh bền vững, đã trở thành yêu cầu cấp thiết đối với các điểm đến.
Tiểu vùng Đồng Tháp Mười (gồm 3 tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang) nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long là ví dụ điển hình về một điểm đến sở hữu nhiều tiềm năng, nhưng chưa được khai thác tối ưu. Tiểu vùng Đồng Tháp Mười sở hữu tài nguyên du lịch phong phú, như: hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng, cảnh quan thiên nhiên độc đáo với cánh đồng sen, rừng tràm bạt ngàn và giá trị văn hóa bản địa giàu bản sắc; là những yếu tố để tạo ra các sản phẩm du lịch có sức hút đặc biệt đối với du khách. Tuy nhiên, tiểu vùng Đồng Tháp Mười do việc thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng du lịch, năng lực cạnh tranh kém, công tác quảng bá chưa đủ mạnh và chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các điểm đến khác, nên mức độ phát triển du lịch của Đồng Tháp Mười còn rất khiêm tốn, không tương xứng với tiềm năng. Do đó, đặt trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang tăng tốc phục hồi hậu đại dịch, việc tập trung vào phát triển du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười là một bước đi mang tính chiến lược, góp phần nâng cao vị thế của du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên bản đồ du lịch bền vững toàn cầu.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở TIỂU VÙNG ĐỒNG THÁP MƯỜI
Những kết quả đạt được
Với cảnh quan thiên nhiên cùng hệ sinh thái đa dạng, 3 địa phương Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười đã có định hướng hình thành các điểm du lịch cùng nhiều loại hình du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn; điều này mang lại cho ngành du lịch Đồng Tháp Mười những kết quả khả quan, có thể kể đến như:
Phát triển các sản phẩm du lịch điểm đến độc đáo và hấp dẫn
Hình thành các sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế đặc điểm tự nhiên phong phú. Tiểu vùng Đồng Tháp Mười sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng với hệ sinh thái rừng tràm, đồng sen, đồng cỏ, ao hồ - nơi cư trú của nhiều loài động thực vật quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam, như: Sếu đầu đỏ, chim Cổ rắn, Quắm đen; những khu vực thuộc Tiểu vùng đã được công nhận di sản ở tầm quốc gia và quốc tế, tiêu biểu là Vườn quốc gia Tràm Chim và Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen; hệ thống thủy văn với 2 con sông chính là sông Tiền và sông Hậu và mạng lưới kênh rạch chằng chịt, định hình nên một hệ sinh thái đất ngập nước độc đáo; điều này đã trở thành những chất liệu để ngành du lịch Đồng Tháp Mười thiết kế thành các sản phẩm du lịch đặc sắc và độc đáo. Tận dụng mùa nước nổi, các sản phẩm du lịch đặc thù, như: ngắm đồng sen, chèo thuyền trên kênh rạch và trải nghiệm văn hóa miền sông nước - đã thu hút đông đảo du khách. Theo Quyết định số 1356/QĐ-UBND-HC ngày 28/12/2023 của tỉnh Đồng Tháp, thì du lịch sinh thái được xếp thứ 3 trong 13 loại hình ưu tiên, thể hiện sự quan tâm phát triển và tận dụng tiềm năng mùa lũ của Tỉnh (UBND tỉnh Đồng Tháp, 2023). Để phát huy hiệu quả, 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang đã liên kết phát triển du lịch với chương trình “Hành trình ba địa phương một điểm đến”, tạo trải nghiệm liền mạch, tăng giá trị sản phẩm du lịch và sức cạnh tranh cho Tiểu vùng.
Phát triển các sản phẩm du lịch từ sự phong phú của nhiều lễ hội, hấp dẫn về lịch sử, văn hóa:
Tại Đồng Tháp, lễ hội Gò Tháp là một sự kiện lớn và có ý nghĩa đặc biệt, với 2 kỳ lễ hội quan trọng là lễ Vía Bà Chúa Xứ (rằm tháng 3 âm lịch) và lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (rằm tháng 11 âm lịch). Các Lễ hội này không chỉ thu hút đông đảo du khách, mà còn mang giá trị nhân văn sâu sắc, kết nối di sản văn hóa với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, còn có các lễ hội dựa trên đặc thù sản vật địa phương, như: Lễ hội Sen và hội chợ công thương. Năm 2024, Lễ hội Sen Đồng Tháp đã thu hút hơn 200.000 lượt khách tham dự, đóng góp doanh thu 99 tỷ đồng cho tỉnh Đồng Tháp (Việt Tiến, 2024).
Long An nổi bật với các lễ hội truyền thống là lễ Vía Bà Ngũ Hành và lễ hội Kỳ Yên, cùng các sự kiện hiện đại, như: Lễ hội Ẩm thực đường phố và Cuộc thi Hoa khôi Sông Vàm... đã hình thành những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc. Đặc biệt, tỉnh Long An còn tận dụng mùa nước nổi để phát triển du lịch sinh thái tại các điểm, như: Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Ramsar quốc tế); Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, mang đến trải nghiệm du thuyền trên rừng tràm, đồng sen và các món ăn đặc sản theo mùa cho du khách. Năm 2023, các chương trình du lịch kết hợp giáo dục lịch sử, văn hóa tại Long An đã ghi nhận hơn 21.000 lượt khách tham quan các bảo tàng và di tích, cùng 67.000 học sinh và đoàn viên tham gia các hoạt động giáo dục di sản (Hoàng Mẫn, 2024).
Tại Tiền Giang, các lễ hội lịch sử, như: lễ hội Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút; lễ hội Nam Kỳ Khởi Nghĩa; lễ giỗ Tứ Kiệt đã là chất liệu để hình thành các sản phẩm du lịch lịch sử thu hút du khách. Đồng thời, lễ hội trái cây của Tỉnh cũng là điểm nhấn đặc biệt, thu hút đông đảo du khách với các hoạt động hấp dẫn, như: hội thi trái ngon, nghệ thuật cắt tỉa trái cây và trò chơi dân gian, quảng bá thương hiệu nông sản giàu tiềm năng của địa phương.
Bên cạnh các di sản vật thể, tiểu vùng Đồng Tháp Mười còn sở hữu những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng các hình thức diễn xướng, như: cải lương, hò đối đáp, làm nổi bật nét văn hóa miền Tây Nam Bộ. Nền ẩm thực của Tiểu vùng cũng mang đặc trưng riêng, với các món mắm phong phú và các đặc sản địa phương, như: nem Lai Vung, quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), rượu Gò Đen (Long An), và hủ tiếu Nam Vang (Tiền Giang), tạo nên sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.
Liên kết marketing điểm đến đã mang lại hiệu quả thiết thực
Giai đoạn 2021-2023, ngành du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về lượng khách và doanh thu. Giai đoạn 2021-2023 chứng kiến lượng khách du lịch tăng trưởng vượt bậc, với tổng số 13,2 triệu lượt khách và doanh thu 6.707 tỷ đồng (Bảng). Năm 2024, ngành du lịch của tiểu vùng Đồng Tháp Mười tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng, cụ thể: (i) Du lịch Đồng Tháp ước đón 4,3 triệu lượt khách, đạt 106,59% kế hoạch năm, trong đó ước đón khoảng 39.000 khách quốc tế, tăng 322,35% so với năm 2023; tổng thu du lịch ước đạt 2.170 tỷ đồng, tăng 14,21% so với kế hoạch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, 2024); (ii) Tỉnh Long An ước đón khoảng 2,01 triệu lượt khách, tăng gấp đôi so với năm 2023, tăng 54% so với kế hoạch, trong đó có khoảng 32.000 khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt khoảng 1.050 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ, tăng 50% so với kế hoạch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, 2024); (iii) Tiền Giang ước đón hơn 1,65 triệu lượt du khách, tăng gần 18% so với năm 2023; trong đó khách quốc tế là 550.000 lượt, tăng hơn 17% so với cùng kỳ; Tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 1.072 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2023 (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, 2024).
Bảng: Kết quả doanh thu du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười giai đoạn 2021-2023
Năm |
Số lượt du khách (người) |
Doanh thu (tỷ đồng) |
2021 |
1.554.000 |
855 |
2022 |
5.020.000 |
2.505 |
2023 |
6.643.600 |
3.347 |
Tổng |
13.217.600 |
6.707 |
Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp theo số liệu thống kê
Sự phát triển du lịch của các tỉnh trong Tiểu vùng đã kéo theo những nỗ lực nâng cao sản phẩm và giá trị du lịch, đặc biệt là xây dựng sản phẩm đặc trưng nhằm gia tăng sức cạnh tranh. Dịch vụ bổ sung trong du lịch tại Tiểu vùng Đồng Tháp Mười đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận, góp phần nâng cao trải nghiệm du khách. Các tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang đều đã triển khai các dịch vụ hỗ trợ như bản đồ số, mã QR và các ứng dụng di động để cung cấp thông tin chi tiết về điểm đến, dịch vụ lưu trú, ẩm thực, mua sắm và hoạt động vui chơi. Đồng Tháp với ứng dụng “Dong Thap Tourism” đã kết nối với 14 đơn vị, cung cấp thông tin chính xác và tiện ích tương tác, thu hút hơn 1,8 triệu lượt truy cập trong năm 2022 (Văn Khương, 2023). Long An đã hoàn thiện bản đồ số tuyến điểm, cung cấp hình ảnh, video giới thiệu và các nội dung quảng bá đặc trưng qua cổng thông tin “Long An Tourism”, đạt hơn 92.000 lượt truy cập (Hoàng Mẫn, 2023). Tại Tiền Giang, hệ thống “Tien Giang Touris” tích hợp bản đồ du lịch, khảo sát trực tuyến và cung cấp thông tin chính xác về các địa điểm, góp phần nâng cao sự hài lòng của du khách.
Bên cạnh đó, các tỉnh trong Tiểu vùng bằng việc ứng dụng công nghệ hiện đại từ trí tuệ nhân tạo đã giúp du khách hoạch định lịch trình, đặt phòng nhanh chóng, định vị điểm đến và dẫn đường thông minh qua bản đồ tương tác. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) còn giúp du khách trải nghiệm trước khi tham quan, qua đó nâng cao trải nghiệm du khách và tăng hiệu quả quảng bá. Tại Đồng Tháp, VR được triển khai trên Cổng thông tin Du lịch với các điểm nổi bật, như: Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê và Làng hoa Sa Đéc, đã không chỉ giúp du khách khám phá các điểm du lịch từ xa, mà còn tạo hình ảnh sống động, gia tăng sự hài lòng và thu hút du khách tiềm năng. Long An cũng áp dụng VR tại các di tích văn hóa, lịch sử tiêu biểu, như: Công viên tượng đài Long An và chùa Tôn Thạnh, kết hợp hệ thống QR cung cấp thông tin thuyết minh bằng tiếng Anh, giúp tăng tính tương tác và tạo trải nghiệm khác biệt (Hà Lan, 2024). Trong khi đó, Tiền Giang đặt mục tiêu phát triển công nghệ VR, tham quan 3D và trí tuệ nhân tạo để định vị thương hiệu du lịch và hỗ trợ du khách qua bản đồ tương tác (Quế Lâm, 2023). Những nỗ lực triển khai công nghệ và xây dựng dịch vụ số hóa đã mang lại những kết quả tích cực, tạo nền tảng quan trọng để Đồng Tháp Mười phát huy tiềm năng du lịch thông minh, bền vững và gắn kết hơn trong tương lai.
Đầu tư nguồn lực cho phát triển du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười được trú trọng theo hướng phát triển bền vững
Tiểu vùng Đồng Tháp Mười có vị trí thuận lợi gần TP. Hồ Chí Minh và được bao quanh bởi các tuyến giao thông quan trọng, như: QL1, QL30, QL62, đường N1, N2 và các cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, giúp kết nối Tiểu vùng với các tỉnh Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, các cây cầu lớn như cầu Cao Lãnh đã tạo động lực phát triển kinh tế và du lịch của Tiểu vùng. Nhờ có hệ thống giao thông thuận tiện kết nối các điểm du lịch trong Tiểu vùng với nhau và các địa phương khác, giúp giảm thời gian di chuyển, nâng cao trải nghiệm du lịch; đồng thời, khuyến khích du khách tham quan nhiều nơi trong một chuyến đi. Bên cạnh đó, việc đầu tư các sản phẩm du lịch điểm đến có tính kết nối giữa cảnh quan đẹp và công trình du lịch độc đáo trong nội Tiểu vùng đã tạo điểm nhấn, hình thành các tour tuyến liên kết hấp dẫn. Điều này, thúc đẩy hợp tác liên và chia sẻ khách du lịch, tạo nên hệ sinh thái du lịch bền vững, phát triển điểm đến hiệu quả.
Theo quan sát của nghiên cứu, khoảng 95% các điểm du lịch cộng đồng tại tiểu vùng Đồng Tháp Mười được công nhận là do người dân tự tổ chức, tự quản lý dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các đơn vị hữu quan khác quản lý theo nghiệp vụ. Như vậy, nhân lực làm du lịch chủ yếu là lao động tại chỗ, dôi dư của các ngành nghề khác hoặc làm đồng thời cùng với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2024, số lượng lao động du lịch trực tiếp trong toàn Vùng khoảng 67.811 người (tăng trên 9.000 người so với năm 2023) nhưng người qua đào tạo nghiệp vụ chỉ là 43.876 (đạt 64,70%), tăng 4.676 người so với năm 2023. Theo đó, con số nhân lực du lịch được đào tạo bài bản của tiểu vùng Đồng Tháp Mười chỉ có 448 hướng dẫn viên, trong đó: Tiền Giang có 311 người (68 thẻ quốc tế), Đồng Tháp có 110 người (17 thẻ quốc tế) và Long An chỉ có 27 người (7 thẻ quốc tế) (Cơ sở dữ liệu ngành Du lịch, 2024). Điều này cho thấy, chất lượng lao động của Tiểu vùng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch.
Để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, các tỉnh đã thực hiện nhiều kế hoạch đào tạo và hợp tác. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, bao gồm: phát triển sản phẩm du lịch, nghiệp vụ hướng dẫn viên, quản lý dịch vụ tại điểm đến và nâng cao năng lực quảng bá thông qua chuyển đổi số. Tỉnh Long An đã ký kết hợp tác với 20 trường đại học, cao đẳng, trung cấp về phát triển du lịch (Thanh Phong, 2022). Đồng thời, các tỉnh trong Tiểu vùng cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn về phát triển sản phẩm OCOP, kỹ năng lễ tân và hoàn thiện bản đồ du lịch số. Bên cạnh đó, tiểu vùng Đồng Tháp Mười còn có 3 trường đại học lớn là: Trường Đại học Đồng Tháp, trường Đại học Tiền Giang và trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An với các ngành đào tạo liên quan đến du lịch. Tuy nhiên, sự phối hợp đào tạo giữa các trường và doanh nghiệp vẫn cần được cải thiện để nâng cao chất lượng lao động.
Những tồn tại và hạn chế
Bên cạnh những kết quả đại được, thì ngành du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười cũng còn nhiều tồn tại và hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển, cũng như năng lực cạnh tranh. Cụ thể:
Một là, hạn chế trong liên kết phát triển sản phẩm du lịch
- Tiểu vùng Đồng Tháp Mười gặp phải một số hạn chế do tính tương đồng cao về tài nguyên du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khiến các sản phẩm và hình thức tổ chức các hoạt động du lịch thiếu đi sự độc đáo và dễ bị trùng lặp với những điểm đến khác trong Vùng. Các điểm du lịch khai thác ở dạng tự nhiên, thiếu sự đầu tư để phát triển thành các điểm đến hấp dẫn.
- Dù có sự phong phú về sự kiện và lễ hội, nhưng các sản phẩm du lịch lại không có tính đột phá, công thêm việc khai còn thiếu hiệu. Đa phần các sản phẩm du lịch mới tập trung vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, mà chưa phát triển nhiều hoạt động trải nghiệm độc đáo, dẫn đến sự cạnh tranh thấp hơn so với các điểm đến khác.
- Hệ thống giao thông vẫn chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường xuống cấp hoặc chưa được mở rộng (như: QL30 và N1), gây khó khăn cho phương tiện lớn và làm hạn chế khả năng tiếp cận các khu du lịch sinh thái. Trong khi đó, giao thông đường thủy trên hệ thống sông Tiền, sông Vàm Cỏ Đông và các kênh rạch vốn là lợi thế về năng lực tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, nhưng phương tiện phục vụ du lịch sông nước còn thiếu và chưa được tổ chức hiệu quả đã làm hạn chế khả năng phát triển các tour du lịch khép kín và giảm sự hài lòng của du khách.
Hai là, tồn tại trong liên kết marketing điểm đến
- Các địa phương trong Tiểu vùng vẫn chưa có sự đồng bộ hóa về hệ thống, để đảm bảo tính liên kết thông tin và tạo hình ảnh điểm đến toàn diện. Các sản phẩm du lịch chủ yếu tập trung vào hình ảnh và video, chưa phong phú về chi tiết các dịch vụ bổ sung như ẩm thực hay sản phẩm địa phương - những yếu tố quan trọng để gia tăng sức hút và khả năng cạnh tranh.
- Công tác quảng bá cũng còn hạn chế, chưa có sự đa dạng hóa và tiếp cận hiệu quả với thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá qua phương tiện truyền thông chưa đạt hiệu quả cao, còn thiếu vắng kênh giao tiếp gắn bó du khách với Tiểu vùng thông qua marketing và chăm sóc sau chuyến đi.
- Việc ứng dụng công nghệ số còn chưa đồng bộ giữa các tỉnh trong Tiểu vùng và chỉ mới tập trung vào một số điểm thí điểm, chủ yếu tại các di tích lịch sử, văn hóa. Trong khi các khu du lịch thiên nhiên đặc sắc, như: Láng Sen hay Làng nổi Tân Lập… chưa được khai thác triệt để qua công nghệ VR.
Ba là, hạn chế trong liên kết phát triển điểm đến
- Mặc dù các tỉnh trong Tiểu vùng đang phối hợp để cải thiện hạ tầng và phát triển các tour tuyến du lịch, nhưng sự liên kết giao thông giữa các địa phương vẫn yếu, ảnh hưởng đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao.
- Dù có sự phong phú về cảnh quan và công trình du lịch, nhưng ngành du lịch của tiểu vùng Đồng Tháp Mười vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Sự phụ thuộc vào mùa vụ và điều kiện tự nhiên, cùng cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng khai thác bền vững. Việc phát triển du lịch quanh năm đòi hỏi đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng và quản lý tài nguyên để tối ưu hóa năng lực cạnh tranh của vùng.
- Chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại tiểu vùng Đồng Tháp Mười vẫn thiếu sự đồng đều về nghiệp vụ, kỹ năng quản lý còn hạn chế và trình độ ngoại ngữ chưa được đầu tư đúng mức.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN DU LỊCH TIỂU VÙNG ĐỒNG THÁP MƯỜI
Có thể nói, sản phẩm du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười chứa đựng trong đó một tiềm năng cạnh tranh về sự mới mẻ của du lịch và mang nét đặc trưng so với các nơi khác và ngay cả trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ những các sản phẩm du lịch khác biệt và những giá trị du lịch mang lại cho du khách của tiểu vùng Đồng Tháp Mười Tiểu đã làm nên sự mới mẻ thu hút khác du lịch với những giá trị sản phẩm du lịch riêng có không thể thay thế. Để phát huy tối đa năng lực kinh tế du lịch của tiểu vùng Đồng Tháp Mười, nghiên cứu đề xuất một số chiến lược phát triển như sau:
Đối với liên kết marketing điểm đến
Giải pháp liên kết marketing điểm đến cho tiểu vùng Đồng Tháp Mười cần tập trung vào việc kết hợp tài nguyên du lịch đa dạng với chiến lược quảng bá số hóa hiệu quả và tận dụng năng lực về thiên nhiên, văn hóa và lịch sử độc đáo; theo đó, 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang cần phối hợp thực hiện các nội dung:
Tăng cường tìm kiếm sự mới mẻ trong du lịch. Đầu tư vào các sản phẩm du lịch mới lạ, sáng tạo và phù hợp với xu hướng du lịch sinh thái, lịch sử và văn hóa. Khuyến khích hợp tác với các doanh nghiệp du lịch để phát triển các sản phẩm đa dạng, tạo sự khác biệt và thu hút du khách (ví dụ: du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm văn hóa). Nâng cao công tác quảng bá qua các nền tảng số, ứng dụng truyền thông xã hội và xây dựng chiến lược tiếp cận theo nhu cầu của từng nhóm khách hàng mục tiêu. Trong đó, tiểu vùng Đồng Tháp Mười cần tập trung vào việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra những trải nghiệm khác biệt và cải thiện hạ tầng, dịch vụ du lịch.
Phát triển dịch vụ bổ sung sản phẩm du lịch. Đồng bộ hóa hệ thống thông tin du lịch giữa các địa phương trong Tiểu vùng, tích hợp bản đồ số, ứng dụng di động cung cấp thông tin về điểm đến, dịch vụ lưu trú, ăn uống và vui chơi. Phát triển chi tiết các dịch vụ bổ sung, như: trải nghiệm ẩm thực, sản phẩm thủ công địa phương… nhằm gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch.
Nâng cao trải nghiệm du lịch công nghệ số. Mở rộng ứng dụng công nghệ VR và các giải pháp công nghệ số khác tại các điểm du lịch để nâng cao trải nghiệm và hiệu quả quảng bá, như xây dựng trải nghiệm thực tế ảo cho phép người dùng chèo xuồng trong rừng tràm hoặc khám phá làng nổi qua công nghệ AR. Liên kết các điểm du lịch thông qua công nghệ số nhằm tăng cường khả năng tiếp cận, thu hút du khách và tạo những trải nghiệm tương tác hấp dẫn và hiện đại cho du khách.
Mở rộng tổ chức các sự kiện xúc tiến quảng bá trong nước và quốc tế. Xây dựng hệ thống kết nối dữ liệu du lịch chung, tổ chức các sự kiện quy mô có tính thường niên để mở rộng cơ hội thu hút du khách mới và củng cố hình ảnh du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười trên thị trường.
Đối với liên kết thu hút khách du lịch
Để tăng cường năng lực cạnh du lịch, thì việc khai thác và liên kết tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa và lịch sử tại Đồng Tháp Mười là chìa khóa quan trọng. Theo đó, việc liên kết phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười cần tập trung vào các nội dung:
Phát huy tối ưu hóa đặc điểm tự nhiên, tài nguyên du lịch. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ liên quan đến du lịch sinh thái và cảnh quan tự nhiên đặc sắc. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo nên trải nghiệm khác biệt nhằm thu hút và giữ chân du khách, ví như: thiết lập tour du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng và khám phá nông nghiệp - nơi du khách có thể tham gia vào canh tác nông nghiệp hữu cơ. Đầu tư vào tour độc quyền theo mùa, sản phẩm văn hóa và ẩm thực bản địa để tăng tính độc đáo và cạnh tranh. Song song đó, tổ chức các sự kiện lễ hội chuyên nghiệp và quảng bá các giá trị văn hóa, di sản lịch sử giúp nâng cao sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của tiểu vùng.
Đẩy mạng các hoạt động làm phong phú sự kiện du lịch của Tiểu vùng. Tăng cường tổ chức các sự kiện, lễ hội có tính chất đột phá để nâng cao sức cạnh tranh. Đẩy mạnh hợp tác giữa các tỉnh trong Tiểu vùng nhằm tổ chức các sự kiện có quy mô lớn, thu hút sự quan tâm từ du khách trong và ngoài nước, ví như: tổ chức lễ hội theo mùa “Lễ hội Sen Đồng Tháp Mười” với các cuộc thi chế biến món ăn từ sen; triển lãm nghệ thuật; biểu diễn văn hóa...; Liên kết phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang thông qua chương trình “Hành trình ba địa phương một điểm đến” để mang đến trải nghiệm liền mạch, gia tăng giá trị văn hóa, cảnh quan và ẩm thực, tạo dấu ấn sâu sắc cho du khách.
Phát triển các sản phẩm du lịch từ sự hấp dẫn lịch sử, văn hóa của Tiểu vùng. Khai thác hiệu quả giá trị lịch sử và văn hóa thông qua các hoạt động du lịch học thuật, chương trình tái hiện,và các sự kiện văn hóa có chiều sâu, mang tính quốc tế. Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa kết hợp với phát triển du lịch hiện đại. Xây dựng các tour du lịch tái hiện lịch sử, như: chuyến đi theo dấu chân các danh nhân lịch sử tiểu vùng Đồng Tháp Mười, kết hợp các chương trình diễn giải trực tiếp tại di tích lịch sử.
Đối với liên kết phát triển điểm đến
Giải pháp phát triển liên kết điểm đến trong du lịch cần tập trung vào giải quyết 3 yếu tố chính: hệ thống giao thông thuận tiện, cảnh quan và công trình du lịch đặc sắc, cùng đội ngũ nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp; chỉ khi các yếu tố này kết hợp chặt chẽ, mới tạo nên một hệ sinh thái du lịch bền vững, góp phần phát triển và tăng cường sự kết nối du lịch mang lại hiệu quả tối ưu. Do đó, việc liên kết phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười cần tập trung vào các nội dung:
Đẩy mạng các hoạt động xúc tiến, tiếp cận du lịch. Đầu tư đồng bộ vào hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch, cải thiện cơ sở hạ tầng hiện có để giảm thời gian di chuyển. Tăng cường đầu tư vào các phương tiện du lịch đường thủy và xây dựng các tuyến du lịch khép kín. Ký kết hợp tác giữa các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang với nhau để xây dựng hệ thống giao thông kết nối, chẳng hạn như mở tuyến du lịch liên 3 tỉnh bằng đường bộ, đường sông.
Kết nối các cảnh quan và công trình du lịch. Bảo tồn và phát triển các cảnh quan thiên nhiên, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công trình du lịch để tối ưu hóa tiềm năng thu hút du khách. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm và nâng cấp các điểm đến để phát triển du lịch quanh năm.
Phát triển nhân lực ngành du lịch. Chú trọng đào tạo chuyên môn cho lực lượng lao động trong ngành du lịch, bao gồm kỹ năng nghiệp vụ, quản lý và ngoại ngữ. Đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo và tổ chức các chương trình nâng cao năng lực cho nhân lực trong ngành./.
Tài liệu tham khảo
1. Hà Lan (2024), Ứng dụng công nghệ VR360 vào số hóa di tích lịch sử, truy cập từ https://baolongan.vn/ung-dung-cong-nghe-vr360-vao-so-hoa-di-tich-lich-su-a185302.html.
2. Hoàng Mẫn (2023), Công nghệ thực tế ảo, tạo sức hút mới cho ngành du lịch Long An, truy cập từ https://dangcongsan.vn/kinh-te/cong-nghe-thuc-te-ao-tao-suc-hut-moi-cho-nganh-du-lich-long-an-645265.html.
3. Hoàng Mẫn (2024), Long An phát huy thế mạnh truyền thống lịch sử - Văn hóa để phát triển du lịch, truy cập từ https://dangcongsan.vn/kinh-te/long-an-phat-huy-the-manh-truyen-thong-lich-su-van-hoa-de-phat-trien-du-lich-676530.html.
4. Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (2024), Số liệu thông kê tình hình du lịch Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024.
5. Quế Lân (2023), Ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy phát triển du lịch, truy cập từ https://baolongan.vn/ung-dung-cong-nghe-so-de-thuc-day-phat-trien-du-lich-a168697.html.
6. Rasool, H., Maqbool, S., and Tarique, Md. (2021), The relationship between tourism and economic growth among BRICS countries: a panel cointegration analysis, Future Business Journal, Springer, 7(1), 1-11.
7. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp (2024), Báo cáo công tác văn hóa, thể thao, du lịch năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025.
8. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An (2024), Báo cáo tổng kết công tác du lịch năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025.
9. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang (2024), Báo cáo tổng kết công tác du lịch năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025.
10. Tổng cục Thống kê (2022-2024), Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2022 đến năm 2024.
11. Thanh Phong (2022), Long An ký kết hợp tác đào tạo cho phát triển du lịch, truy cập từ https://vietnamtourism.gov.vn/post/42310.
12. UBND tỉnh Đồng Tháp (2024). Kế hoạch số 203/KH-UBND ngày 12/6/2024 về phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp năm 2024.
13. UBND tỉnh Đồng Tháp (2023), Quyết định 1356/QĐ-UBND-HC, ngày 28/12/2023 về việc ban hành đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
14. Văn Khương (2023), Cổng Thông tin du lịch Đồng Tháp đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch thông minh, truy cập từ https://dongthap.gov.vn/web/dong-thap/chi-tiet-bai-viet/-/asset_publisher/1mOzUrGkrdAE/content/id/14267856.
15. Việt Tiến (2024), Đồng Tháp bế mạc Lễ hội Sen lần thứ II năm 2024, truy cập từ https://dongthap.gov.vn/chi-tiet-bai-viet/-/asset_publisher/1mOzUrGkrdAE/content/id/18935853.
Ngày nhận bài: 20/11/2024; Ngày phản biện: 15/12/2024; Ngày duyệt đăng: 31/12/2024 |
Bình luận