Nguyễn Đường Giang

Giảng viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Email: ndgiang@ntt.edu.vn

Lưu Ngọc Hân

Học viên Cao học Khoa Du lịch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Tóm tắt

Bài viết khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm du lịch nông thôn tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Kết quả chỉ ra rằng, giáo dục, giải trí, tính chân thực và kết nối văn hóa, cơ sở vật chất hạ tầng và tiện ích du lịch có ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của du khách đối với du lịch nông thôn. Bên cạnh đó mức độ hài lòng có tác động đến lòng trung thành của du khách. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp để phát triển du lịch nông thôn một cách hiệu quả và bền vững.

Từ khóa: Du lịch nông thôn, trải nghiệm của khách hàng, sản phẩm đặc thù, phát triển bền vững

Summary

The paper explores determinants of rural tourism experiences in Ngoc Hien district, Ca Mau province. The results indicate that education, entertainment, authenticity and cultural connectivity, tourism infrastructure and facilities create an impact on tourist satisfaction with rural tourism. In addition, satisfaction has an impact on tourist loyalty. From those findings, the study proposes a number of solutions for developing rural tourism effectively and sustainably.

Keywords: Rural tourism, customer experience, unique products, sustainable development

GIỚI THIỆU

Du lịch nông thôn (DLNT) đóng vai trò then chốt trong phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Hình thức du lịch này không chỉ giúp đa dạng hóa sinh kế, tăng thu nhập cho người dân thông qua việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản và duy trì nghề truyền thống, mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách về trải nghiệm chân thực, hòa mình vào thiên nhiên và văn hóa bản địa. Phát triển du lịch trải nghiệm nông thôn còn tạo động lực để cộng đồng bảo tồn các giá trị văn hóa và tài nguyên thiên nhiên độc đáo.

Huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, với hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau và vị trí địa lý đặc biệt là điểm cực Nam Tổ quốc, sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển DLNT, đặc biệt là du lịch sinh thái và trải nghiệm. Nghiên cứu này tập trung xác định và đánh giá mức độ ảnh hưởng các yếu tố đến trải nghiệm du lịch của du khách, từ đó đề xuất các giải pháp đồng bộ nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, khắc phục hạn chế, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc nhằm phát triển DLNT tại Ngọc Hiển góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

CƠ SỞ PHƯƠNG PHÁP VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Nghiên cứu về DLNT đã được nhiều học giả tiếp cận từ các góc độ đa dạng. Từ góc độ kinh tế, Tiraieyari và Hamzah (2011) coi du lịch nông nghiệp là công cụ thúc đẩy kinh tế nông thôn, đề cao việc kết hợp du lịch với nông nghiệp. Chen và cộng sự (2023) lại tập trung vào trải nghiệm dịch vụ, cho rằng khung cảnh và các yếu tố hành vi (thái độ, chuẩn mực chủ quan, nhận thức kiểm soát) ảnh hưởng đến quyết định tham gia DLNT.

DLNT được nhìn nhận là xu hướng bền vững, góp phần bảo tồn văn hóa, môi trường và tạo sinh kế. Bramwell (1994) và Lane (1994) đều nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển DLNT theo hướng bền vững, vai trò của cộng đồng địa phương và doanh nghiệp, cũng như sự gắn kết chặt chẽ giữa DLNT với khái niệm du lịch bền vững. Về các nhân tố tác động đến sự phát triển DLNT, khi nghiên cứu tại Vĩnh Thạnh, Cần Thơ, Nguyễn Thị Bé Ba và cộng sự (2023) đã xác định 5 nhân tố: sự hấp dẫn của tài nguyên, chính sách phát triển, cơ sở vật chất hạ tầng, an toàn an ninh, và cộng đồng địa phương. Tương tự, Thái Thủy và cộng sự (2021) tại Việt Trì, Phú Thọ, cũng đề cập đến các yếu tố như vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, cơ sở hạ tầng, sự tham gia của cộng đồng và thể chế chính sách. Đáng chú ý, Xiao (2022) xác định bốn yếu tố cốt lõi thúc đẩy DLNT gồm: cầu du lịch, cung du lịch, tiếp thị, và lực lượng hỗ trợ, qua đó khẳng định tầm quan trọng của việc phân tích cả hai khía cạnh cung và cầu để có cái nhìn toàn diện.

Mô hình nghiên cứu

Dựa trên cơ sở lý thuyết, tác giả đề xuất mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động trải nghiệm DLNT tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau gồm 5 yếu tố: giáo dục; cảnh quan thiên nhiên; giải trí; tính chân thực và kết nối văn hóa; cơ sở vật chất, hạ tầng và tiện ích du lịch. Nghiên cứu đồng thời xem xét ảnh hưởng của mức độ hài lòng lên lòng trung thành của du khách. Mô hình nghiên cứu được thể hiện tại Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu

Phát triển hoạt động trải nghiệm du lịch nông thôn tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

Nguồn: Tác giả đề xuất

Các giả thuyết được đề xuất như sau:

H1: Giáo dục có ảnh hưởng tích cực đến mức độ hài lòng của du khách.

H2: Cảnh quan thiên nhiên có ảnh hưởng tích cực đến mức độ hài lòng của du khách.

H3: Giải trí có ảnh hưởng tích cực đến mức độ hài lòng của du khách.

H4: Tính chân thực và kết nối văn hóa ảnh hưởng tích cực đến mức độ hài lòng của du khách.

H5: Cơ sở vật chất, hạ tầng và tiện ích du lịch có ảnh hưởng tích cực đến mức độ hài lòng của du khách.

H6: Mức độ hài lòng có ảnh hưởng tích cực đến lòng trung thành của du khách.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 12/2024 đến tháng 4/2025, sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp để đảm bảo tính chính xác, khách quan, đánh giá toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm DLNT tại địa phương. Nghiên cứu đồng thời sử dụng phương pháp nhân tố khám phá để xác định các yếu tố ảnh ưởng đến trải nghiệm của du khách. Tác giả tiến hành phỏng vấn sâu các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và khảo sát khách du lịch (n=362) tham gia DLNT tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kiểm định độ tin cậy của thang đo

Kết quả kiểm định cho thấy các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng phù hợp, hệ số Cronbach’s Alpha đều lớn hơn 0,7 nên thang đo lường rất tốt. Sử dụng phép trích Principle Axis Factoring và phép quay Varimax cho các biến phụ thuộc và độc lập trong mô hình cho kết quả theo bảng bên dưới.

Bảng 2: Kết quả phân tích nhân tố cho các biến độc lập và phụ thuộc

Biến quan sát

Nhân tố

1

2

3

4

5

6

7

Yếu tố cơ sở vật chất, hạ tầng và tiện ích du lịch

Được đảm bảo và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu

,859

Sạch sẽ và tiện nghi (ví dụ: thuyền, homestay...)

,853

Hạ tầng giao thông thuận lợi, thuận lợi cho việc di chuyển

,848

Hướng dẫn viên và chủ nhà thân thiện và chuyên nghiệp

,802

Việc di chuyển được tổ chức thuận tiện, phù hợp với hành trình, đảm bảo an toàn cho du khách

,710

Yếu tố giải trí

Các trò chơi dân gian địa phương

,805

Các hoạt động chế biến và thưởng thức ẩm thực bản địa

,757

Chương trình biểu diễn văn hóa (đờn ca tài tử, múa lân…)

,746

Các hoạt động trải nghiệm (bắt tôm, câu cá, đi xuồng…)

,694

Các hoạt động tương tác với khách

,610

Không chỉ mang tính giáo dục mà còn rất giải trí

,601

Yếu tố trung thành

Trải nghiệm giúp yêu thích du lịch sinh thái và văn hóa hơn

,699

Cân nhắc đặt thêm các tour khác trong tương lai

,652

Chia sẻ những trải nghiệm tích cực về chuyến đi

,643

Sẵn sàng quay lại Ngọc Hiển để trải nghiệm thêm

,623

Sẵn sàng giới thiệu Ngọc Hiển cho bạn bè và người thân

,564

Yếu tố giáo dục

Giúp kích thích sự tò mò và muốn khám phá hơn

,711

Mang đến những kiến thức mới về văn hóa bản địa

,646

Hệ sinh thái rừng ngặp mặn và kinh tế địa phương

,637

Phát triển kỹ năng hoặc có những góc nhìn mới DLNT

,617

Sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP và phương thức sản xuất truyền thống của địa phương

,600

Yếu tố chân thật và kết nối

Tăng sự kết nối giữa con người với thiên nhiên

,697

Cảm giác như gắn kết thực sự với truyền thống địa phương

,644

Được truyền cảm hứng từ cộng đồng địa phương

,640

Phản ánh đúng cuộc sống của người dân địa phương

,633

Sự hiếu khách của người dân địa phương làm cho trải nghiệm này trở nên đặc biệt hơn

,598

Yếu tố cảnh quan thiên nhiên

Khung cảnh bình yên và thơ mộng

,716

Kiến trúc nhà cửa, làng nghề có nét đẹp truyền thống

,661

Môi trường được bảo tồn tốt và rất dễ chịu khi nhìn ngắm

,610

Cảnh bình minh và hoàng hôn ở đây đặc biệt ấn tượng

,607

Cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn và ấn tượng

,599

Yếu tố hài lòng

Các dịch vụ và hoạt động du lịch được tổ chức tốt

,736

Cảm thấy thoải mái và thư giãn trong suốt chuyến đi

,671

Hài lòng với trải nghiệm DLNT tại Ngọc Hiển

,622

Sự chuyên nghiệp và lòng hiếu khách

,617

Eigenvalues

13,295

3,029

1,604

1,435

1,334

1,050

1,020

Phương sai trích được (%)

37,985

8,656

4,583

4,101

3,811

3,000

2,915

Cronbach’s Alpha

0,941

0,857

0,840

0,814

0,788

0,839

0,847

KMO = 0,933; Sig. = 0,000

Cumulative Eigenvalues: 65,051%

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu

Kiểm định giả thuyết

Các giả thuyết ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của du khách

Kết quả phân tích hồi quy có R2 hiệu chỉnh bằng 0,509, nghĩa là phần biến thiên của biến phụ thuộc mức độ hài lòng của du khách được giải thích bởi các biến độc lập trong mô hình là 50,9%. Kiểm định F với giá trị Sig. = 0,000 nên mô hình nghiên cứu phù hợp với tập dữ liệu khảo sát.

Kết quả ở Bảng 3 cho thấy trong 5 yếu tố khảo sát thì có 4 yếu tố tương quan dương và có ý nghĩa thống kê với mức độ hài lòng của du khách. Do đó, các giả thuyết H1, H3, H4, H5 được ủng hộ trong nghiên cứu này. Chỉ duy nhất giả thuyết H2 không được ủng hộ, yếu tố cảnh quan thiên nhiên không có tác động có ý nghĩa thống kê đến mức độ hài lòng của du khách (Sig. > 0,05). Thực hiện phân tích hồi quy cho yếu tố hài lòng và lòng trung thành, kết quả cho thấy giá trị của R2 hiệu chỉnh là 0,417. Kiểm định F với giá trị Sig. = 0,000, chứng tỏ mô hình nghiên cứu phù hợp với tập dữ liệu khảo sát. Như vậy, giả thuyết H6 được chấp nhận. Mức độ hài lòng ảnh hưởng tích cực lên lòng trung thành của du khách (β = 0,647). Điều này có nghĩa khách sẵn sàng quay trở lại hay giới thiệu tích cực về điểm đến đến với bạn bè xung quanh mình.

Bảng 3: Kết quả phân tích hồi quy – Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của du khách

Hệ số chưa chuẩn hóa

Beta chuẩn hóa

t

Sig.

Thống kê cộng tuyến

Hệ số hồi quy

Sai lệch chuẩn

Hệ số hồi quy

Dung sai

VIF

Hằng số

1,211

,240

5,042

,000

Giáo dục

,191

,059

,164***

3,211

,001

,520

1,924

Cảnh quan thiên nhiên

,080

,055

,080

1,456

,146

,449

2,229

Giải trí

,103

,051

,094**

2,027

,043

,635

1,576

Tính chân thực và kết nối văn hóa

,142

,057

,123**

2,498

,013

,564

1,773

Cơ sở vật chất, hạ tầng và tiện ích du lịch

,232

,025

,439***

9,305

,000

,611

1,637

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, giáo dục, giải trí, tính chân thực và kết nối văn hóa, cơ sở vật chất hạ tầng và tiện ích du lịch có ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của du khách đối với DLNT tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Bên cạnh đó mức độ hài lòng có tác động đến lòng trung thành của du khách.

Để phát triển DLNT trải nghiệm tại Ngọc Hiển một cách bền vững và hiệu quả, dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất tập trung vào các giải pháp sau: (1) Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trải nghiệm đa dạng, gắn với sản xuất và đời sống địa phương; (2) Phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích minh bạch; (3) Ưu tiên nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối; (4) Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch trên các nền tảng số; (5) Hoàn thiện quy hoạch, cơ chế chính sách quản lý du lịch bền vững; (6) Xây dựng quy tắc ứng xử du lịch có trách nhiệm và quản lý sức chứa để đảm bảo tính bền vững.

Tài liệu tham khảo

1. Bramwell, B. (1994). Rural Tourism And Sustainable Rural Tourism, Journal Of Sustainable Tourism, 2(1–2), 1–6.

2. Chen, S., Sotiriadis, M., & Shen, S. (2023). The Influencing Factors On Service Experiences In Rural Tourism: An Integrated Approach, Tourism Management Perspectives, 47.

3. Lane, B. (1994). What Is Rural Tourism?, Journal Of Sustainable Tourism, 2(1–2), 7–21.

4. Nguyễn Thị Bé Ba, Lý Mỷ Tiên, Lê Thị Tố Quyên, Nguyễn Trọng Nhân, Nguyễn Thị Huỳnh Phượng, Trương Trí Thông (2023). Phân tích các nhân tố tác động đến phát triển dLNT tại huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 20(11).

5. Thái Thủy, P., Văn Huệ, L. (2021). Liên kết phát triển DLNT ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Hùng Vương, 22(1), 34-45.

6. Tiraieyari, N., & Hamzah, A. (2011). Agri-Tourism: Potential Opportunities For Farmers And Local Communities In Malaysia, African Journal Of Agricultural Research, 6(31), 4357–4361.

7. Việt Đua, P., Nhân, N. T., Thị, P., Trân, K., Trần, P., & Linh, T. (2022). Đánh giá sự hài lòng của khách du lịch đối với DLNT tỉnh Bạc Liêu, Tạp chí Khoa học Đại học Văn Hiến, 8(4).

8. Xiao, Hongyi (2022). Algorithm of Apriori-Based Rural Tourism Driving Factors and Its System Optimization, Mobile Information Systems. http://dx.doi.org/10.1155/2022/3380609.

Ngày nhận bài: 7/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 31/5/2025; Ngày duyệt đăng: 06/6/2025