Phát triển nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ theo mô hình kinh tế tuần hoàn
TS. Bùi Kim Thanh
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt
Đông Nam Bộ bao gồm 6 tỉnh/thành: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh – đầu tàu kinh tế năng động của cả nước, đang định hình chiến lược phát triển toàn diện, tạo bệ phóng vững chắc để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới; trong đó, vùng đang đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, thông minh, tuần hoàn, sinh thái, bền vững… Trong nghiên cứu, tác giả tập trung phân tích, nhận định về chủ trương, thực trạng các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vùng Đông Nam bộ, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Vùng.
Từ khóa: kinh tế tuần hoàn, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, Đông Nam Bộ.
Summary
The Southeast region includes 6 provinces/cities: Ho Chi Minh City, Ba Ria-Vung Tau, Binh Duong, Binh Phuoc, Dong Nai, and Tay Ninh - the dynamic economic locomotive of the whole country is shaping a comprehensive development strategy, creating a solid launching pad to be ready to enter the new era; in which, the region is promoting restructuring and developing agriculture towards a highly efficient, smart, circular, ecological, sustainable agricultural economy... In the research, the article will focus on analyzing and assessing the policies and current situation of circular economic development models in agriculture in the Southeast region, thereby proposing several solutions to overcome limitations and promote the development of a circular economy in agriculture commensurate with the potential and advantages of the region.
Keywords: circular economy, circular economy in agriculture, Southeast
ĐẶT VẤN ĐỀ
Kinh tế tuần hoàn (circular economy) là mô hình kinh tế mới, trong đó các nguồn lực vận động tuần hoàn khép kín, với đầy đủ 5 khâu gồm: thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải và chuyển chất thải thành tài nguyên. Đây là cách tiếp cận phát triển kinh tế hướng tới việc kết nối điểm cuối của quá trình trở lại với điểm đầu, thậm chí khôi phục và tái tạo, giữ cho vật chất được sử dụng lâu nhất có thể. Tại Việt Nam, theo khoản 1, điều 142, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kinh tế tuần hoàn (KTTH) được hiểu là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ đều hướng tới khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Trên cơ sở những luận giải về KTTH, đã có nhiều kiến giải về khái niệm KTTH trong nông nghiệp. Theo Nguyễn Thị Miền (2021), KTTH trong nông nghiệp là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Van Bodegom và cộng sự (2019) cho rằng, nông nghiệp tuần hoàn (Circular Agriculture) được phát triển dựa trên ý tưởng từ khái niệm KTTH, sử dụng lý thuyết và nguyên tắc của sinh thái công nghiệp. Theo nghiên cứu của Triệu Thanh Quang (2022), KTTH trong nông nghiệp là mô hình trong đó quá trình sản xuất nông nghiệp diễn ra theo chu trình khép kín, trong đó chất thải, phế phẩm, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng nguyên lý sinh thái, kỹ thuật và công nghệ sinh học qua đó tối ưu hiệu quả việc sử dụng tài nguyên, giảm phát thải ra môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và nâng cao sức khỏe con người[1],v.v.. Tuy có những quan niệm khác nhau, song về cơ bản, các khái niệm này đều cho thấy, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là mô hình không chỉ đáp ứng nhu cầu về sản xuất bền vững mà còn giúp cải thiện hiệu quả kinh tế, bảo vệ nguồn tài nguyên nhiên nhiên và tăng cường an ninh lương thực.
Thực tiễn cũng đã cho thấy, trên thế giới và ở Việt Nam đã có khá nhiều mô hình khác nhau về phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được thực hiện thành công. Các mô hình này có sự tính toán chặt chẽ từ lựa chọn giống cây trồng, lựa chọn nguyên liệu đầu vào, thiết kế sản xuất, tiêu dùng, sử dụng lại, tái chế, gắn với việc ứng dụng công nghệ cao, trang bị trí tuệ nhân tạo... Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Từ mục tiêu này, vùng Đông Nam Bộ cần tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao sinh thái và hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung… để tăng cường hiệu quả sản xuất, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG NÔNG NGHIỆP Ở VÙNG ĐÔNG NAM BỘ
Tại Việt Nam, giai đoạn 2021-2030, Đảng và Nhà nước đã xác định phát triển KTTH là một trong những định hướng quan trọng của đất nước. Nhiều yếu tố của KTTH đã được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 ban hành Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”...
Trong quá trình này, tư duy chính sách đã dần hoàn thiện theo hướng mở hơn đối với các mô hình kinh tế mới, trong đó có mô hình KTTH... Tại Đại hội XIII của Đảng, phát triển nền KTTH chính thức được đưa vào Văn kiện.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ đã có những quy định liên quan đến mô hình KTTH, như quy định về tư duy quản lý tài nguyên theo nguyên tắc hệ thống và sinh thái, kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung; Đề án “Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy KTTH trong nông nghiệp đến năm 2030” (Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024) với mục tiêu: Phát triển KTTH trong nông nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản, tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, tái chế, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp...
Cùng với định hướng chung của quốc gia, ngày 07/10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: “…Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển”. Mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực nông nghiệp là đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, bền vững, áp dụng quy trình sản xuất an toàn; sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường; sản xuất theo chuỗi từ khâu nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Chủ trương này tiếp tục được nhấn mạnh trong Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Căn cứ định hướng, chủ trương chung, phát triển KTTH trong nông nghiệp đã được lồng ghép trong quy hoạch 06 tỉnh vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; nhiều chương trình, kế hoạch phát triển KTTH trong nông nghiệp được ban hành, đơn cử như: tỉnh Bình Phước ban hành Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 (Quyết định số 348/KH-UBND ngày 22/11/2023) với mục tiêu “Phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người sản xuất… đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn gắn với nhu cầu của thị trường”. Tây Ninh triển khai “Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025” (Quyết định số 1789/QĐ-UBND ngày 4/8/2021) và thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh (Kế hoạch số 2384/KH-UBND ngày 29/7/2022), Quyết định số 2747/QĐ-UBND ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2030. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành kế hoạch chuyên đề (Kế hoạch số 2837/KH-UBND) thực hiện Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030... Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; Đồng Nai triển khai “Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” nhằm phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu…
MỘT SỐ MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG NÔNG NGHIỆP VÙNG ĐÔNG NAM BỘ
Mặc dù KTTH trong nông nghiệp là một khái niệm tương đối mới, nhưng, tại Việt Nam nói chung và vùng Đông Nam bộ nói riêng, tính chất tuần hoàn đã được áp dụng trong các phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống từ rất sớm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc áp dụng các mô hình KTTH trong nông nghiệp ở Việt Nam thường gắn liền với đặc điểm cộng sinh, quản lý chất thải, sử dụng hợp lý, tối ưu phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất. Các mô hình này tập trung phổ biến ở nông thôn, gắn với quy mô nhỏ, điển hình như mô hình Vườn – Ao – Chuồng (VAC), mô hình “lúa – tôm” ở đồng bằng sông Cửu Long, “lúa – cá”, “cá – rau” ở đồng bằng sông Hồng, các mô hình trồng lúa – trồng nấm – sản xuất phân hữu cơ – trồng cây ăn quả, mô hình tận dụng phụ phẩm chăn nuôi để nuôi trùn quế...
Đông Nam Bộ là vùng có địa hình đơn giản, độ bằng phẳng cao, phần lớn là đồng bằng, bán bình nguyên. Diện tích đất phù hợp trồng một số cây công nghiệp quan trọng, như: cao su, điều (chiếm khoảng 60% về diện tích so với cả nước). Khí hậu cận xích đạo với nhiệt độ cao, lượng mưa dồi dào, tương đối điều hòa, ít có thiên tai, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ổn định các hoạt động sản xuất nông nghiệp – Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ quy mô lớn, gắn công nghiệp chế biến nông sản, theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững.
Nhận thức rõ mô hình KTTH đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bền vững, các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ đã thực hiện chủ trương tái cơ cấu, triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt và thuỷ sản theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học; đồng thời tổ chức lại phương thức sản xuất, đổi mới phương thức quản trị, tăng cường liên kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp; xây dựng mã số vùng nuôi trồng sản phẩm; gắn phát triển nông nghiệp với du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học.
Về cơ bản, các khía cạnh KTTH đã được lồng ghép vào các ngành sản xuất nông nghiệp để giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng. Nhờ đó, ngành nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tăng trưởng duy trì ở mức cao. Nhiều chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực được hình thành và phát triển mạnh mẽ, nhiều sản phẩm nông sản đã có mặt trên các thị trường quốc tế, kể cả thị trường khó tính, như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Đơn cử như tỉnh Đồng Nai với 275 chuỗi liên kết được xác lập với sự tham gia của 127 doanh nghiệp, 70 hợp tác xã, 39 tổ hợp tác và hơn 15.300 hộ nông dân tham gia… Các chuỗi liên kết đã góp phần hình thành nhiều khu sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu lớn, là cơ sở quan trọng để ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nâng cao chất lượng, sản lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Để phát huy lợi thế mô hình KTTH trong xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), nông nghiệp sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển toàn diện và bền vững, Bình Dương đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp NNCNC, vùng NNCNC; đẩy mạnh hợp tác 3 nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp, phối hợp xây dựng bản đồ vùng trồng, gắn với các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Đồng thời định hướng lựa chọn các mô hình khởi nghiệp trong nông nghiệp theo hướng bền vững dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn (VietGAP), đơn cử như: trong lĩnh vực chăn nuôi, Bình Dương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu từ quy mô nông hộ sang quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường (hiện tại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bình Dương chiếm khoảng 60-70%). Hiện Bình Dương có 4 khu NNCNC, gồm: Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên), khu NNCNC tại xã Tân Hiệp và xã Phước Sang (huyện Phú Giáo), khu NNCNC tại phường Vĩnh Tân (Thành phố Tân Uyên) và An Thái (huyện Phú Giáo)[2].
Tương tự, Đồng Nai cũng chú trọng chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh đã quy hoạch được 8 vùng sản xuất hữu cơ tập trung với tổng diện tích gần 19 ngàn hécta, tiêu biểu như Hợp tác xã Sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Tâm Minh Quang (huyện Vĩnh Cửu). Đến nay, Đồng Nai có 25,3 hécta cây trồng được cấp chứng nhận hữu cơ với nhiều sản phẩm, như: tiêu, sầu riêng, rau… Ở lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh có 125 trang trại, 7 tổ hợp tác được chứng nhận VietGAP với tổng sản lượng trên 124,6 ngàn tấn. Về thủy sản, có 14 vùng nuôi được chứng nhận VietGAP, tương ứng với sản lượng gần 15,3 ngàn tấn[3].
Khác với đặc thù tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước là tỉnh có nhiều thế mạnh để phát triển nông nghiệp và được tỉnh xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn. Theo quy hoạch, Bình Phước có khoảng 10.800 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tỷ lệ trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng an toàn khoảng 90%; xây dựng một đến hai vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 1.000 ha-2.000 ha; phát triển 100 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Một trong những điểm sáng về phát triển KTTH trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước là mô hình chăn nuôi dê ở các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp; mô hình trang trại resort Lộc Phát (Lộc Ninh, Bình Phước). Điểm nổi bật trong các mô hình này là vấn đề quản lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi, giảm thiểu tác động đến môi trường: trang trại đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải khí sinh học (Biogas), nhờ đó, toàn bộ chất thải chăn nuôi được thu gom vào hệ thống biogas để tạo ra gas cung cấp cho máy phát điện phục vụ lại cho trại, thay thế 30% nguồn điện tiêu thụ… Điểm sáng thứ hai là mô hình KTTH trong kinh doanh và chế biến dầu điều của Công ty TNHH chế biến nông sản Phước Thành (phường Phước Bình, thị xã Phước Long). Với phương châm phát triển KTTH trong chuỗi sản phẩm, Công ty đã tận dụng tối ưu những “phế phẩm” của cây điều vào trong sản xuất như: trái điều, vỏ điều, vỏ lụa hạt điều, dầu điều, cám điều… nhằm mang lại hiệu quả lớn và thiết thực trong việc phát triển lợi ích cho doanh nghiệp. Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 4 vùng chuyên canh điều tập trung ở các huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập và Đồng Phú.
Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, các hộ nông dân, chủ nông trại, hợp tác xã nông nghiệp đang hướng đến phát triển nông nghiệp xanh; thực hiện theo chiến lược "Tăng trưởng xanh - phát triển bền vững" của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, tạo chuỗi liên kết sản xuất nông trường cao su - nhà máy chế biến mủ cao su - nhà máy sản xuất các sản phẩm từ mủ cao su… Việc tạo chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sẽ giúp các công ty bổ trợ nguyên liệu, giảm thiểu tác động đến môi trường.
Tương tự Bình Phước, để đẩy mạnh phát triển kinh tuần tuần hoàn nói chung và kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nói riêng, tỉnh Tây Ninh đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án lồng ghép với các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp chung của tỉnh và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hàng năm của các đơn vị; triển khai Đề án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh và huyện Tân Châu; Đề án phát triển vùng nuôi trồng chuyên canh thuỷ sản gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng;... Nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã và đang hình thành và phát triển trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tiêu biểu như: Mô hình chăn nuôi bò sữa tuần hoàn của trang trại bò sữa Vinamilk; Trang trại bò sữa Tây Ninh ở Long Khánh, Bến Cầu, Tây Ninh với mô hình tận dụng chất thải từ bò để xử lý biogas phục vụ sản xuất và sinh hoạt đồng thời làm nước tưới cho đồng cỏ là thức ăn chăn nuôi. Mô hình tuần hoàn bò thịt – trùn quế - trồng trọt - gia cầm của trang trại Tâm Lan; mô hình trồng sâm Bố Chính tại tỉnh Tây Ninh do Công ty cổ phần Bà Đen Farm tiến hành...
NHẬN ĐỊNH VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Qua phân tích thực trạng các mô hình phát triển KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ thời gian qua cho thấy đã có những mô hình sản xuất kinh doanh đáp ứng các khía cạnh khác nhau của KTTH và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội nhất định.
Nhìn chung, các mô hình phát triển KTTH trong nông nghiệp tại vùng Đông Nam Bộ khá phong phú, đa dạng và có xu hướng tăng nhanh; một số mô hình đã triển khai rộng khắp, đem lại nhiều kết quả tích cực như mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chăn nuôi ở Bình Dương. Từ mô hình nông nghiệp truyền thống, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao sinh thái và hữu cơ ngày một tăng, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ở khu vực Tây Bắc và phía Bắc vùng, bao gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và ở một số sản phẩm cây công nghiệp có lợi thế như cao su, điều, hồ tiêu và các loại cây ăn quả, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái. Phát triển vùng chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh với các sản phẩm chủ lực là chăn nuôi lợn, gia cầm, bò sữa.
Trong quá trình đó, các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế ứng dụng nguyên lý tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp đang dẫn dắt quá trình hình thành và phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở vùng Đông Nam Bộ. Sự dẫn dắt này thể hiện liên kết vùng để cùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Trong đó, hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer: Trang trại - Thành phẩm - Thức ăn chăn nuôi - Phân bón hữu cơ) được nghiên cứu và phát triển bởi Tập đoàn Quế Lâm (TP. Hồ Chí Minh), hay chiến lược "Tăng trưởng xanh - phát triển bền vững" của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là những mô hình phát triển KTTH trong nông nghiệp đang thu hút cả nông dân và các doanh nghiệp quan tâm. Bên cạnh một số doanh nghiệp lớn dẫn dắt, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn tập trung chủ yếu ở nông thôn, mô hình sản xuất nhỏ quy mô hộ gia đình, tổ hợp tác và hợp tác xã với xuất phát là những mô hình sản xuất nông nghiệp theo phương pháp truyền thống, gắn liền với việc tận dụng các phụ phẩm, phế phẩm và chất thải trong nông nghiệp. Điển hình cho đặc trưng này là các mô hình VAC và các biến thể của nó. Đây cũng là mô hình sản xuất gắn với đa dạng sinh kế ở vùng nông thôn, do đó, lưc lượng lao động, nông dân tham gia vào nông nghiệp tuần hoàn là rất lớn.
Tuy nhiên, dễ nhận thấy, các mô hình nông nghiệp mới mang tính tuần hoàn ở một vài khâu, một vài công đoạn, vòng tuần hoàn khá đơn giản, liên kết nội tại yếu như mô hình sử dụng phân chuồng để trồng trọt, ủ rơm, rạ làm phân hữu cơ, tận dụng chất thải để làm biogas hoặc nuôi trùng quế; việc liên kết giữa các mô hình, các địa phương trong phát triển KKTH trong nông nghiệp còn yếu, thậm chí là vắng bóng… Nguyên nhân chủ yếu là do việc tổ chức sản xuất yếu, đặc biệt là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, nhiều hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả, dẫn đến những khó khăn trong đầu tư, áp dụng công nghệ, quy trình tiên tiến vào sản xuất, chế biến nông sản; việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, thuốc tăng trưởng chưa được quản lý hiệu quả, dẫn đến dư thừa và hình thành những rủi ro đối với môi trường,…
Phát triển KTTH trong nông nghiệp phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến, tuy nhiên, việc đầu tư nghiên cứu, áp dụng công nghệ phù hợp với điều kiện vùng Đông Nam bộ còn hạn chế, chưa có giải pháp phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm sản phẩm, quy mô trang trại và doanh nghiệp; năng lực ứng dụng khoa học - công nghệ trong các mô hình KTTH còn yếu, việc ứng dụng các công nghệ số mới chỉ dừng lại ở một số mô hình điển hình và các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính… Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, phế, phụ phẩm trong nông nghiệp cũng còn rất hạn chế… Khung chính sách về phát triển KTTH chưa được hoàn thiện; các quy định liên quan đến KTTH nói chung, KTTH trong nông nghiệp nói riêng còn nằm rải rác ở các luật, nghị định khác nhau, thiếu hướng dẫn và chưa có tiêu chuẩn hóa về kinh tế tuần hoàn,..
Từ thực tiễn phát triển KTTH trong nông nghiệp ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ thời gian qua có thể thấy, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển vùng Đông Nam bộ, cần rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với phát triển KTTH trong sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu, lồng ghép chính sách phát triển KTTH trong nông nghiệp vào chính sách, dự án liên kết vùng, các hoạt động thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cụ thể hóa và ban hành các chính sách khuyến khích phát triển mô hình KTTH đối với từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể; xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn gắn kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến, tạo nên một vòng tròn khép kín tổng thể, tích hợp đa giá trị.
Tiếp tục tăng cường đầu tư vào nghiên cứu, phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất tiên tiến trong phát triển mô hình KTTH đối với sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu, chuyển giao, nhân rộng các mô hình KTTH hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp bền vững với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như giới thiệu, chuyển giao các sản phẩm khoa học - công nghệ, xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất nông, lâm, thủy sản trong đó có sự tham gia của từng thành tố trong chuỗi, tiến tới chuyên môn hóa, hệ thống hóa, gắn chặt với ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin, công nghệ số để chuyển đổi sang chu trình sản xuất khép kín, đặc biệt ưu tiên quy mô nông hộ và trang trại; Thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xây dựng, nhân rộng, chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ về phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Thúc đẩy liên kết giữa các bên liên quan, đẩy mạnh sự kết nối giữa các nhà sản xuất trong các chuỗi cung ứng và người tiêu dùng thông qua các nền tảng số, ứng dụng công nghệ mới nhằm đóng các vòng lặp trong sản xuất và tiêu dùng. Khuyến khích xây dựng chuỗi cung ứng bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ, v.v…
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực thực hiện mô hình KTTH trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền. Xây dựng các chương trình đào tạo, giải pháp kỹ thuật cho nông dân phục vụ nhu cầu chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hình thành chuỗi sản xuất khép kín, tái chế sử dụng phụ phẩm, tạo sản phẩm đa giá trị; Liên kết giữa các cơ sở đào tạo nhân lực về nông nghiệp như các trường đại học, cao đẳng, trung cấp… để đào tạo, chuyển giao kiến thức về nông nghiệp tuần hoàn thường xuyên cho người nông dân. Liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu và đào tạo với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp tuần hoàn để gắn đào tạo với thực tế, thực nghiệm./.
Tài liệu tham khảo:
1. Kirchherr, J., Reike, D., and Hekkert, M. (2017), Conceptualizing the circular economy: An analysis of 114 definitions, Resources, conservation and recycling, 127, 221-232.
2. Ellen MacArthur Foundation (2015), Delivering the circular economy - A toolkit for policymakers, Isle of Wight.
3. TS. Dương Đăng Khoa (2024), Kinh tế tuần hoàn trong phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam, truy cập từ https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/04/23/kinh-te-tuan-hoan-trong-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-o-viet-nam/.
4. Khánh Nguyên (2023), Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thời gian tới, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/842302/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-trong-nong-nghiep-thoi-gian-toi.aspx.
5. Anh Linh (2024), Tỉnh Bình Dương đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/binh-duong/-/2018/1000602/tinh-binh-duong-day-manh-ung-dung-tien-bo-khoa-hoc-vao-san-xuat-nong-nghiep.aspx.
[1] Triệu Thanh Quang, Mô hình kinh tế tuần hoàn trong phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam, Hà Nội, 2022
[2] https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/binh-duong/-/2018/1000602/tinh-binh-duong-day-manh-ung-dung-tien-bo-khoa-hoc-vao-san-xuat-nong-nghiep.aspx
[3] https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202311/dong-nai-co-hon-25ha-dat-trong-trot-duoc-cap-chung-nhan-huu-co-a572a36/
Ngày nhận bài: 28/02/2025; Ngày phản biện: 03/03/2025; Ngày duyệt đăng: 10/03/2025 |
Bình luận