Các HTX có sự đổi mới, phát triển cả về số lượng và chất lượng

Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới chỉ rõ, các HTX gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; các tổ chức KTTT phát triển gắn với xu thế kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Do vậy, Phú Yên xác định phát triển KTTT, HTX của Tỉnh cần có sự thay đổi. Tỉnh đã định hướng dịch chuyển từ sản xuất thủ công, nhỏ lẻ sang ứng dụng khoa học - công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm và số hóa các khâu từ quản lý, sản xuất chế biến, đến tiếp cận thị trường và bán sản phẩm.

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể tỉnh Phú Yên, năm 2023, tình hình KTTT, HTX trên địa bàn Tỉnh tiếp tục có sự đổi mới, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Toàn Tỉnh hiện có 2 liên hiệp HTX, 193 HTX, 63 tổ hợp tác đang hoạt động. Phần lớn HTX đang hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Tổng vốn hoạt động của các HTX là 642,3 tỷ đồng, doanh thu bình quân là 3 tỷ đồng/HTX/năm, thu nhập 150 triệu đồng/HTX/năm, thu hút hơn 2.800 lao động làm việc thường xuyên… Nhiều HTX xây dựng được mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành chỗ dựa tin cậy của bà con như: trồng dâu nuôi tằm của HTX Hòa Phong; trồng sen và chế biến hạt sen của HTX Hòa Đồng; sản xuất và tiêu thụ lúa giống của các HTX Hòa Mỹ Tây, Hòa Phú…

Phú Yên đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Thu hoạch dứa ở HTX Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Đồng Din

Tính đến hết tháng 11/2023, toàn Tỉnh có 31 sản phẩm OCOP của 18 HTX được Tỉnh công nhận, trong đó có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, điển hình là HTX Nông nghiệp An Nghiệp với sản phẩm gạo thơm Hoa Vàng; HTX Nông nghiệp Xuân Phước với sản phẩm dầu đậu phộng Xuân Phước; HTX Nông nghiệp Hòa Phong với sản phẩm rượu tằm Hòa Phong; HTX Du lịch cộng đồng An Mỹ (huyện Tuy An) với sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại Mộc Miên Rooky garden, và nước lau sàn sinh học Đồng Din của HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa); bột hạt sen Hòa Đồng của HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng (huyện Tây Hòa). Các HTX đã chủ động xây dựng phương án cụ thể để duy trì và mở rộng các hợp đồng tiêu thụ. Ngoài chất lượng, HTX còn hoàn thiện cả mẫu mã, cũng như tìm cách đưa sản phẩm tiếp cận các nền tảng số, từng bước tạo chỗ đứng trên thị trường thương mại điện tử.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, năm 2023, đơn vị đã hỗ trợ các HTX tiếp cận ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và từng bước đưa các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của HTX lên sàn giao dịch thương mại điện tử, như: ocop.vn, https://htx.cooplink.com.vn/connect, http://sanocop.vn. Đồng thời, Sở phối hợp với Bưu điện Tỉnh và Bưu chính Viettel ký kết hợp tác đưa nông sản của HTX lên các sàn thương mại của hai đơn vị này. Nhiều sản phẩm của HTX đã có mặt trên gian hàng trong các siêu thị, cửa hàng như: bột sen, bánh khóm, nước ép khóm, gạo thơm Hoa Vàng, rượu tằm.

Đến năm 2030, phấn đấu mỗi huyện, thị xã có 15-20 mô hình HTX kiểu mới

Phú Yên đặt mục tiêu đến năm 2030, Tỉnh phấn đấu có 5 liên hiệp HTX, trên 300 HTX, 170 tổ hợp tác. Toàn Tỉnh có trên 45 mô hình chuỗi giá trị liên kết gắn với phát triển sản phẩm OCOP, ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững có sự tham gia của các HTX nông nghiệp (bình quân mỗi huyện, thị xã, thành phố có trên 5 mô hình). Bảo đảm 80% HTX hoạt động khá giỏi, không có HTX yếu. Phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có 15-20 mô hình HTX kiểu mới, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, phát triển bền vững.

Phú Yên đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên hỗ trợ HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) dây chuyền ép dầu đậu phộng

Để đạt được các mục tiêu trên, Tỉnh đã ban hành kế hoạch tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tăng cường nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kiến nghị đổi mới, hoàn thiện và tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với khu vực KTTT; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã Tỉnh đối với phát triển HTX…/.