Một số giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển ở Phú Yên hiện nay
Từ khóa: phát triển bền vững kinh tế biển Phú Yên, kinh tế biển, Phú Yên
Summary
In recent years, the development of marine economy in Phu Yen province has saw new progresses and achieved many positive results. Despite being a locality with many potentials and advantages, the province's marine economic development still has limitations. By analyzing and assessing the current situation of marine economic development in Phu Yen, the article proposes many synchronous and effective solutions for Phu Yen to soon becomes a province with thriving marine economy in the South Central Coast region.
Keywords: sustainable development of marine economy in Phu Yen, marine economy, Phu Yen
GIỚI THIỆU
Kinh tế biển là toàn bộ các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và các hoạt động kinh tế trực tiếp liên quan đến khai thác biển (tuy không phải diễn ra trên biển, nhưng hoạt động kinh tế này là nhờ vào yếu tố biển hoặc trực tiếp phục vụ các hoạt động kinh tế biển ở dải đất liền ven biển). Kinh tế biển bao gồm các lĩnh vực: Kinh tế hàng hải; Nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản; Công nghiệp dầu khí; Du lịch biển; Xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với các khu đô thị ven biển; Phát triển, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ về khai thác và quản lý kinh tế biển (Lê Quốc Bang, 2017).
Theo Quyết định số 665/QĐ-TTg, ngày 31/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, vùng biển và ven biển Phú Yên có diện tích rộng lớn (khoảng 35 nghìn km2), nằm trong vùng biển đa dạng về hải sản với khoảng 500 loài cá, 38 loài tôm, 15 loài mực và nhiều loài hải sản đặc sản khác, như: sò, điệp... Dọc bờ biển có nhiều đầm, vịnh, cửa sông lớn với diện tích mặt nước hơn 15.000 ha, cùng với hơn 2.000 ha đất ngập mặn ven biển. Đây là ngư trường rộng lớn, là môi trường thuận lợi cho phát triển ngành nghề khai thác và nuôi trồng thuỷ sản. Đồng thời với khả năng khai thác và nuôi trồng thủy sản lớn, đây cũng là nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chế biến thủy sản. Qua các thời kỳ phát triển, các cấp chính quyền Tỉnh đều nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của biển đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiện kinh tế biển của Tỉnh chưa khai thác được hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có. Do đó, bài viết phân tích thực trạng phát triển kinh tế biển ở Phú Yên, trên cơ sở đó đưa ra một số giải pháp và kiến nghị cần tập trung triển khai, để phát triển bền vững kinh tế biển trong giai đoạn tới.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIẾN TỈNH PHÚ YÊN
Những kết quả đạt được
Về công tác quy hoạch xây dựng vùng biển và ven biển
Về quy hoạch xây dựng, hiện nay, các đô thị ven biển trên địa bàn Tỉnh đều đã có đồ án quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt. Ngoài ra, khu vực ven biển còn có các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, như: Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nam Phú Yên; Quy hoạch Khu Du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài. Bên cạnh hệ thống đô thị hành chính, khu vực xung quanh đầm Ô Loan, huyện Tuy An đang được tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng để hình thành đô thị chuyên ngành lớn. Về quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đến nay, tất cả các xã thuộc khu vực ven biển trên địa bàn Tỉnh đã có đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới được phê duyệt. Điều này đã giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, thu hút các dự án đầu tư vào các khu vực ven biển ở địa phương trong thời gian qua.
Về đầu tư kết cấu hạ tầng
Hạ tầng giao thông kết nối các vùng được hoàn thiện và có sự phát triển vượt bậc, với hệ thống giao thông kết nối đầy đủ cả đường bộ, đường không, đường sắt và đường thủy. Trong đó, mạng lưới giao thông đường bộ được trải đều khắp các địa bàn với 2 trục chính là quốc lộ 1A chạy theo trục Bắc Nam, gắn kết Phú Yên với trục phát triển kinh tế Nam Trung Bộ qua Bình Định, Khánh Hòa. Việc thông hầm Đèo Cả và hầm đèo Cù Mông đã khắc phục hạn chế về sự giao thương của Tỉnh đối với trục kinh tế này trong thời gian qua. Các tuyến quốc lộ 25, 29 và 19C đã mở ra hành lang kinh tế Đông - Tây, gắn kết Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên; kết hợp với sự phát triển của các cảng biển, như: Vũng Rô hay sau này là Bãi Gốc, đã mở ra cơ hội để Tỉnh trở thành cửa ngõ phía Đông để đi ra thế giới. Bên cạnh đó, hàng không ngày càng phát triển, số lượng khách và chuyến bay đến và đi ở Cảng Hàng không Tuy Hòa ngày càng tăng.
Tỉnh đã tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình, dự án quan trọng, bước đầu đã hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của khu kinh tế, khu công nghiệp để tạo điều kiện cho thu hút, xúc tiến đầu tư, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Tỉnh.
Về phát triển các ngành kinh tế biển
Theo UBND tỉnh Phú Yên, giá trị sản xuất ngành khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng hàng năm, riêng giai đoạn 2016-2022, tăng bình quân trên 5,2%/năm. Sản lượng thủy sản tăng trưởng khá qua các năm, bình quân đạt khoảng 75 nghìn tấn/năm. Đã hình thành một số vùng nuôi và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn GlobalGap. Tỉnh đã xây dựng một số chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương. Hệ thống cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá được quan tâm đầu tư; cơ sở chế biến thủy, hải sản đang được đầu tư, phát triển mở rộng.
Du lịch biển có bước phát triển khởi sắc với nhiều loại hình du lịch ngày càng đa dạng. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch được chú trọng. Chất lượng phục vụ được cải tiến, sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Môi trường du lịch có sự thay đổi tốt, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Đến nay, toàn Tỉnh có 420 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với hơn 7.240 buồng, trong đó có gần 800 buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao; có 8 khu di tích, danh thắng được công nhận là điểm du lịch. Lượng khách du lịch và doanh thu du lịch tăng khá qua các năm, đóng góp của du lịch vùng ven biển đối với ngành du lịch của Tỉnh đạt trên 90% giá trị gia tăng hàng năm (UBND tỉnh Phú Yên, 2022).
Kinh tế hàng hải bước đầu hình thành. Cảng biển Vũng Rô được đầu tư nâng cấp, có khả năng tiếp nhận tàu 3.000 DWT, năng lực khai thác hàng hóa đến nay đạt hơn 700.000 tấn/năm (Tỉnh ủy Phú Yên, 2021). Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên còn có quy hoạch Cảng biển nước sâu Bãi Gốc tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 50.000 tấn Tỉnh cũng đã phê duyệt Phương án phát triển kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa tạm thời, làm cơ sở để phát triển mạng lưới giao thông đường thủy nội địa, kêu gọi đầu tư, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải trên địa bàn Phú Yên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Công nghiệp ven biển: đã hình thành 5 khu công nghiệp tập trung ven biển với tổng diện tích hơn 460 ha, tỷ lệ đăng ký đầu tư lấp đầy khoảng 77%. Khu Kinh tế Nam Phú Yên có diện tích hơn 20.700 ha - là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước. Trong năm 2022, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nam Phú Yên đã cấp chủ trương đầu tư cho 2 dự án. Lũy kế đến nay, tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên và các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh đã thu hút được 118 dự án đầu tư (trong đó có 17 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với diện tích đất đăng ký là 454 ha, vốn đầu tư đăng ký 10.199,92 tỷ đồng và 35,78 triệu USD. Năm 2023, Tỉnh tiếp tục rà soát các dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhưng chưa triển khai, chậm tiến độ, dừng hoạt động, hoạt động không hiệu quả để có giải pháp xử lý, hỗ trợ giải quyết. Tập trung đôn đốc các dự án đang đầu tư xây dựng đẩy nhanh tiến độ thi công, để hoàn thành theo đúng tiến độ đã cam kết... (Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên, 2022).
Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh các kết quả đạt được, phát triển kinh tế biển của tỉnh Phú Yên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
(i) Hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển còn thiếu. Kết cấu hạ tầng giao thông, bến cảng, hệ thống trang thiết bị, phương tiện nghiên cứu khoa học biển, quan trắc, dự báo, cảnh báo, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... chưa được đầu tư đồng bộ.
(ii) Thu hút đầu tư còn hạn chế, nhất là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tiến độ triển khai nhiều dự án chậm trễ, kéo dài hoặc không có khả năng thực hiện. Thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Nam Phú Yên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn làm đầu tàu dẫn dắt để thu hút các doanh nghiệp khác đầu tư.
(iii) Quy mô phát triển các ngành kinh tế biển còn nhỏ so với các địa phương lân cận, nên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Trong đó, du lịch biển chưa có những sản phẩm đặc trưng; công nghiệp chế biến thủy sản còn nhỏ; kinh tế hàng hải chậm phát triển; khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển.
(iv) Ô nhiễm môi trường biển ở một vài khu vực còn diễn ra, đa dạng sinh học biển có dấu hiệu suy giảm; tài nguyên biển ven bờ bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển xâm thực còn nhiều bất cập. Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa biển chưa được quan tâm đúng mức. Một bộ phận dân cư vùng biển còn khó khăn, nhất là vùng bãi ngang…
Nguyên nhân của hạn chế
Ngoài các nguyên nhân khách quan về điều kiện thời tiết, khí hậu..., những tồn tại, hạn chế về phát triển kinh tế biển ở Phú Yên chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan gồm:
(1) Nhận thức về phát triển bền vững kinh tế biển chưa sâu sắc, còn nặng tư duy khai thác tiềm năng và các nguồn lợi sẵn có từ biển, chưa coi trọng việc khai thác gắn với bảo tồn và phát triển. Tổ chức, quản lý về biển chưa theo kịp các yêu cầu phát triển; công tác bảo vệ môi trường biển chưa thực sự được quan tâm đúng tầm.
(2) Chưa quan tâm đúng mức công tác lập quy hoạch và quản lý thống nhất về quy hoạch sử dụng đất, mặt nước, quy hoạch rừng.
(3) Nguồn lực của Tỉnh còn nhiều khó khăn, nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng vùng biển nói chung, Khu Kinh tế Nam Phú Yên còn hạn chế. Các địa điểm du lịch là danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông kết nối, cơ sở dịch vụ du lịch…, nên chưa được khai thác hiệu quả. Công tác đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho dân cư vùng ven biển chưa phù hợp với tái cơ cấu, phát triển các ngành kinh tế biển.
(4) Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tiến độ thực hiện dự án kéo dài; đất đai ven biển đa số là những khu dân cư có mật độ rất cao, nên việc giải phóng mặt bằng, tái định cư rất khó khăn, từ đó không tạo ra nhiều quỹ đất để thu hút đầu tư.
KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP
Để sớm đưa Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển, Tỉnh cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp sau:
Thứ nhất, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển đối với phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường biển cho người dân, về khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là nguồn lợi ven biển.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý và thực hiện thống nhất các quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch Tỉnh; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nam Phú Yên; quy hoạch chi tiết tại một số khu vực quan trọng, như: vịnh Xuân Đài, Bãi Môn – Mũi Điện – Vũng Rô, gành Đá Đĩa; hình thành các khu ẩm thực tại TP. Tuy Hòa, Đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông, Vũng Rô và vùng nuôi trồng thủy sản hạ lưu sông Bàn Thạch. Xây dựng giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, từng bước đầu tư phát triển thành khu công nghiệp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường của Tỉnh.
Thứ ba, thực hiện hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tích cực phối hợp nghiên cứu xây dựng Đề án liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa nhằm thúc đẩy Khu Kinh tế Nam Phú Yên phát triển, xứng tầm là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của quốc gia.
Thứ tư, huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng vùng biển và ven biển, Khu Kinh tế Nam Phú Yên. Trong đó, tập trung đầu tư hoàn thiện tuyến giao thông ven biển; cảng Bãi Gốc, các tuyến giao thông kết nối từ đường QL1 (hoặc các đường tỉnh) đến các điểm du lịch; kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến đường quanh các đầm, vịnh. Lập Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Tuy Hòa phù hợp theo định hướng phát triển tương lai của Tỉnh với công suất 5 triệu lượt khách/năm, phối hợp đầu tư nâng cấp để đáp ứng các điều kiện đón các chuyến bay quốc tế, tiến đến phục vụ mở đường bay quốc tế.
Thứ năm, tập trung phát triển sâu các ngành kinh tế biển mà Tỉnh đang có lợi thế, như: phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, lấy du lịch biển đảo làm mũi nhọn; tổ chức sắp xếp lại sản xuất thủy sản theo hướng giảm tỷ trọng khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng. Hiện đại và tăng hiệu quả khai thác thủy sản vùng khơi; phát triển một số tuyến hàng hải ven bờ phục vụ du lịch đường thủy; phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường...
Thứ sáu, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển, thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Nam Phú Yên. Thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hòa Tâm, cảng Bãi Gốc, khu công nghiệp đa ngành... Tiếp tục rà soát tình hình triển khai thực hiện các dự án ngoài ngân sách trên địa bàn Tỉnh đã có quyết định chủ trương đầu tư, nhưng chưa thực hiện đầu tư để sớm triển khai, đưa vào hoạt động.
Thứ bảy, bảo tồn, củng cố và phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hóa của nhân dân vùng biển (các lễ hội cầu ngư truyền thống...), đồng thời chú trọng công tác bảo vệ môi trường biển để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần xây dựng Phú Yên xanh, sạch, đẹp.
Thứ tám, tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển. Tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo chủ quyền biển đảo; xây dựng vùng biển và ven biển trở thành khu vực phòng thủ vững chắc phía Đông của Tỉnh./.
TS. Trần Văn Trí - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Phú Yên,
ThS. Lê Công Hướng - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 19, tháng 7/2023)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2018), Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên (2022), Báo cáo số 1039/KKT-KHĐT 116/BC-KKT, ngày 24/11/2022 về báo cáo công tác quản lý, chỉ đạo điều hành năm 2022.
3. Lê Quốc Bang (2017), Quan niệm về kinh tế biển, Tạp chí Lý luận chính trị, 12, 113-116.
4. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 665/QĐ-TTg, ngày 31/5/2018 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
5. Tỉnh ủy Phú Yên (2020), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
6. Tỉnh ủy Phú Yên (2021), Chương trình hành động số 10-CTr/TU, ngày 18/8/2021 về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu Kinh tế Nam Phú Yên.
7. UBND tỉnh Phú Yên (2022), Báo cáo số 239/BC-UBND, ngày 02/12/2022 về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và nhiệm vụ kế hoạch năm 2023.
Bình luận