ThS. Cao Thị Nhung

Giảng viên Khoa Tin học - Kinh tế, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung

Tóm tắt

Ngày nay, du lịch đã trở thành ngành kinh tế có sự phát triển mạnh nhất thế giới với tiềm năng và đóng góp to lớn trên nhiều phương diện. Du lịch tạo công ăn việc làm, tăng thu ngân sách, góp phần mạnh mẽ cho phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, khu vực, địa phương, là công cụ đắc lực để xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, du lịch cũng có những tác động tiêu cực đến các vấn đề xã hội. Bài viết phân tích phát triển du lịch gắn với các vấn đề xã hội ở tỉnh Phú Yên, qua đó đề xuất giải pháp giúp Tỉnh phát triển du lịch bền vững.

Từ khóa: phát triển bền vững, du lịch, vấn đề xã hội

Summary

Tourism has currently been the fastest growing economic sector in the world with its potential and great contributions in many aspects. It creates jobs, raises the budget, contributes significantly to the economic growth of each nation, area, and locality, and becomes an effective tool for hunger eradication and poverty reduction, even promoting cultural development and society. However, tourism has negative impacts on social issues. This paper analyzes tourism development associated with social issues in Phu Yen province, thereby proposing solutions to help the province develop sustainable tourism.

Keywords: sustainable development, tourism, social issues

GIỚI THIỆU

Du lịch bền vững là một xu thế phát triển tất yếu. Việc phát triển bền vững du lịch có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, đó là bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội. Trong đó, các vấn đề xã hội của phát triển bền vững du lịch cần được chú trọng vào sự phát triển và công bằng xã hội, đáp ứng được các nhu cầu hiện tại và đảm bảo được những lợi ích kinh tế tại địa phương, như: nâng cao thu nhập, tạo việc làm, cải thiện đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn văn hóa, giữ gìn cảnh quan môi trường, cân bằng được kết cấu xã hội của cộng đồng địa phương.

Phú Yên sở hữu điều kiện tự nhiên và tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn về vẻ đẹp sinh thái tự nhiên, nền văn hóa đa dạng và truyền thống lịch sử lâu đời. Tỉnh đặt mục tiêu phát triển du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP của Tỉnh, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện Tỉnh đang xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Yên điểm đến hấp dẫn – thân thiện”; phấn đấu đến năm 2030, du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của Tỉnh; là điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn, thân thiện với du khách.

Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch Phú Yên hiện nay là làm thế nào để phát huy tiềm năng, lợi thế của du lịch tỉnh để phát triển nhanh và bền vững. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chủ yếu tập trung làm rõ vấn đề phát triển bền vững du lịch gắn với các vấn đề xã hội ở tỉnh Phú Yên.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Quan niệm về phát triển bền vững du lịch

Phát triển du lịch bền vững là việc quản lý toàn bộ các thành phần cấu thành ngành du lịch đảm bảo phát triển cân bằng để có thể mang lại những kết quả có lợi về kinh tế, xã hội mang tính lâu dài mà không gây ra những tổn hại cho môi trường tự nhiên và bản sắc văn hóa của du lịch. Quá trình phát triển du lịch phải kết hợp hài hòa nhu cầu của hiện tại và tương lai, nhằm mục đích bảo tồn và tái tạo nguồn tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Luật Du lịch Việt Nam 2017 đã đưa ra khái niệm:“Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”.

Theo Machado (2003), du lịch bền vững khác với du lịch không bền vững ở khái niệm chung, chiến lược phát triển, nguồn lực và khách du lịch. Trong đó, đáng lưu ý là, du lịch bền vững không chú trọng vào thu hút số lượng khách đến, mà căn cứ vào thu hút theo sức chứa của điểm du lịch để đảm bảo phát triển bền vững (Bảng).

Bảng: Du lịch bền vững và du lịch không bền vững

Du lịch không bền vững

Du lịch bền vững

Khái niệm chung

Phát triển nhanh

Phát triển hài hòa

Phát triển không kiểm soát

Phát triển có kiểm soát

Quy mô không phù hợp

Quy mô phù hợp

Mục tiêu ngắn hạn

Mục tiêu dài hạn

Phương pháp tiếp cận theo số lượng

Phương pháp tiếp cận theo chất lượng

Tìm kiếm sự tối đa

Tìm kiếm sự cân bằng

Kiểm soát từ xa

Địa phương kiểm soát

Chiến lược phát triển

Chiến lược phát triển: Không lập kế hoạch, triển khai tùy tiện

Chiến lược phát triển: Quy hoạch trước, triển khai sau

Kế hoạch theo dự án

Kế hoạch theo quan điểm

Phương pháp tiếp cận theo lĩnh vực

Phương pháp tiếp cận chính luận

Tập trung vào các trọng điểm

Quan tâm tới cả vùng

Áp lực và lới ích tập trung

Phân tán áp lực và lợi ích

Thời vụ và mùa cao điểm

Quanh năm và cân bằng

Các nhà thầu bên ngoài

Các nhà thầu địa phương

Nhân công bên ngoài

Nhân công địa phương

Kiến trúc theo thị hiếu của khách du lịch

Kiến trúc bản địa

Xúc tiến marketing tràn lan

Xúc tiến marketing có tập trung theo đối tượng

Nguồn lực

Sử dụng tài nguyên nước, năng lượng lãng phí

Sử dụng vừa phải tài nguyên nước, năng lượng

Không tái sinh

Tăng cường tài sinh

Không chú ý tới lãng phí sản xuất

Giảm thiểu lãng phí

Thực phẩm nhập khẩu

Thực phẩm sản xuất tại địa phương

Tiền bất hợp pháp, không khai báo rõ ràng

Tiền hợp pháp

Nguồn nhân lực chất lượng kém

Nguồn nhân lực có chất lượng

KháchDu lịch

Khách du lịch: Số lượng nhiều

Khách du lịch: Số lượng ít

Không có nhận thức cụ thể

Có thông tin cần thiết bất kỳ lúc nào

Không học tiếng địa phương

Học tiếng địa phương

Bị động và bị thuyết phục, bảo thủ

Chủ động và có nhu cầu

Không ý tứ và kỹ lưỡng

Thông cảm và lịch thiệp

Tìm kiếm du lịch tình dục

Không tham gia vào du lịch tình dục

Lặng lẽ, kỳ quặc

Lặng lẽ, riêng biệt

Không trở lại tham quan

Trở lại tham quan

Nguồn: Machado, 2003

Phát triển bền vững du lịch gắn với các vấn đề xã hội

Phát triển bền vững du lịch về xã hội nhằm thu hút cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch, tạo nhiều việc làm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương, tăng cường tính công bằng xã hội, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách. Cụ thể:

Thứ nhất, phát triển du lịch phải tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và người dân, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Hoạt động du lịch có tác dụng làm biến đổi cán cân thu chi của địa phương, làm cho việc luân chuyển tiền tệ, hàng hóa, điều hòa nguồn vốn, kích thích sự tăng trưởng kinh tế ở các vùng sâu, vùng xa. Phát triển bền vững du lịch thu hút và ưu tiên tạo việc làm cho lao động địa phương trong các dự án kinh doanh du lịch, tăng thu nhập cho các chủ thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch. Không những vậy, nó còn tạo tác động lan tỏa, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực kinh tế khác phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và đòi hỏi chất lượng của nhiều sản phẩm tăng theo. Từ đó, góp phần giảm thiểu sự tan rã của cộng đồng, giảm bớt tình trạng cư dân địa phương đi nơi khác tìm việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch. Đồng thời, các nguồn thu từ du lịch góp phần quan trọng thực hiện các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho mọi thành viên trong cộng đồng địa phương.

Thứ hai, phải giải quyết tốt các vấn đề xã hội, xóa bỏ các tệ nạn xã hội. Sự gia tăng đột biến lượng khách tại một địa phương trong một thời gian nhất định sẽ làm nhiều dịch vụ khác hình thành và phát triển để phục vụ du khách, đó cũng là nguồn tạo việc làm lớn, trong đó có một số công việc có thể dành cho lao động phổ thông, phụ nữ… Tuy nhiên, du khách khi đến một điểm xa địa bàn sinh sống của mình, có thể nảy sinh những hành vi, nhu cầu mà họ không thực hiện ở địa bàn sinh sống do những rào cản về mặt đạo đức. Điều này dẫn đến một số tệ nạn xã hội, như: mại dâm, cờ bạc, đua xe, say rượu… có thể xuất hiện ở nơi phát triển du lịch nhiều hơn những địa bàn khác. Ngoài ra, một số hiện tượng tiêu cực đã làm xấu bộ mặt của điểm đến, để lại những ấn tượng không tốt về văn hóa địa phương, như: tranh dành, lôi kéo khách, “chặt chém” khách hay những hoạt động buôn bán, lừa đảo tại các lễ hội; kinh doanh các loại hình không lành mạnh trong nhà hàng khách sạn… Vì vậy, phát triển bền vững du lịch cần phải giải quyết các vấn đề xã hôi, giảm thiểu các tệ nạn xã hội.

Thứ ba, phát triển du lịch phải hài hòa và đảm bảo lợi ích của cộng đồng địa phương. Việc dung hòa giữa phát triển kinh tế với những mối quan tâm khác của cộng đồng địa phương có những tác động tiềm ẩn tới sự phát triển bền vững du lịch. Cộng đồng địa phương cần được biết các thông tin về chủ trương dự án du lịch để đưa ra quan điểm của mình, hay có sự chuẩn bị cho sinh kế, kế hoạch hoạt động khi có dự án du lịch. Họ cần được tham gia vào quá trình phát triển, ý kiến của họ cần được lắng nghe trước trong và sau dự án du lịch; kết quả của sự phát triển bền vững phải được thể sự hài lòng của cộng đồng địa phương. Bản thân của sự phát triển bền vững là sự cân đối trong khai thác tài nguyên đảm bảo các nhu cầu hiện tại, tương lai và quyền lợi của cộng đồng cần dựa trên sự lựa chọn và hiểu biết về những chi phí phát triển môi trường, xã hội. Thực tế cho thấy, luôn tồn tại những mâu thuẫn xung đột về quyền lợi ở những mức độ khác nhau trong khai thác tài nguyên phục vụ phát triển giữa du lịch với cộng đồng địa phương, giữa du lịch với các ngành kinh tế khác. Do đó, thường xuyên trao đổi ý kiến với cộng đồng địa phương và các đối tượng có liên quan để cùng nhau giải quyết hài hòa các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình phát triển là hết sức cần thiết. Điều này sẽ đảm bảo sự gắn kết và có trách nhiệm của cộng đồng góp phần tích cực cho sự phát triển bền vững.

Thứ tư, phát triển du lịch phải gắn liền với bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương. Việc kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch là rất quan trọng. Phải ưu tiên vốn đầu tư đồng bộ giữa hoạt động trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, gìn giữ các di sản văn hóa với kết cấu hạ tầng, bảo tồn và nâng cấp các khu di tích lịch sử. Tiếp đến phải tổ chức phân công quản lý, đảm bảo vừa bảo tồn di sản văn hóa, vừa phát triển du lịch, những người quản lý bảo tồn di sản văn hóa phải có nghiệp vụ và nhiệm vụ cũng như lợi ích trong hoạt động du lịch. Coi trọng công tác sưu tầm, khảo cổ, phục dựng các giá trị văn hóa vốn có phục vụ công tác tuyên truyền quảng bá, phong phú thêm các sản phẩm phục vụ khách du lịch.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH GẮN VỚI CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI Ở TỈNH PHÚ YÊN

Một số kết quả

Trong thời gian qua, hoạt động du lịch tại Phú Yên đã ngày càng phát triển mạnh mẽ. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, năm 2023, khách du lịch đến Phú Yên đạt 2.770.000 lượt, tương đương 115% so với kế hoạch năm, tăng 52% so với cùng kỳ; tổng lượt khách lưu trú đạt 1.777.999 lượt, tăng 61,8% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 4.154,3 tỷ đồng, đạt 134% so với kế hoạch năm, tăng 82% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu lưu trú đạt 618,92 tỷ đồng, tăng 94,8% so với cùng kỳ. Tổng số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch khoảng 6.620 người, lao động gián tiếp là 13.240 người.

Có thể thấy, hoạt động du lịch tại Phú Yên đã và đang giải quyết sinh kế và góp phần tạo cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho cư dân địa phương. Đối với cư dân địa phương Phú Yên khi phát triển du lịch, nghề nghiệp của họ đã thay đổi đáng kể, nhiều gia đình chuyển sang làm dịch vụ du lịch, như: kinh doanh nhà nghỉ lưu trú, quán hàng ăn, kinh doanh xe điện... Du lịch phát triển tạo thêm động lực để phát triển sản xuất, đặc biệt là khôi phục các làng nghề để trở thành điểm đến phục vụ du khách, như: làng nghề nước mắm Gành Đỏ (thị xã Sông Cầu), làng nghề bánh tráng Hòa Đa, làng rau Ngọc Lãng (TP. Tuy Hòa), làng văn hóa du lịch Lê Diêm (huyện Sông Hinh), Xí Thoại (huyện Đồng Xuân)… Nhiều doanh nghiệp chủ động liên kết với người dân đầu tư xây dựng mới nhiều sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, như: sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại Mộc Miên Rocky Garden; điểm du lịch sinh thái thác Jrai Tang; điểm du lịch văn hóa cộng đồng Buôn Lê Diêm; làng nghề đan lát Vinh Ba, xã Hòa Đồng và một số vườn cây ăn trái đạt tiêu chuẩn OCOP trên địa bàn Tỉnh.

Với sự quản lý chặt chẽ của chính quyền và đặc biệt là việc nâng cao vai trò nhận thức của cộng đồng địa phương trong việc xây dựng hình ảnh du lịch Phú Yên “Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp như: công khai niêm yết giá; cấm bán hàng rong trên bãi biển, cấm chèo kéo du khách; xây dựng số hotline của chính quyền để du khách có thể khiếu nại các hành vi xấu của các đơn vị kinh doanh; thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất; có chế tài tước giấy phép kinh doanh trong văn bản quy quy định… Các biện pháp trên đã thực hiện triệt để và đem lại hình ảnh du lịch tốt cho Phú Yên.

Cũng như các tỉnh khác, những điểm du lịch hấp dẫn ở Phú Yên thường có nhiều khách tới từ các vùng trong nước và quốc tế khác nhau. Trong thời gian thăm quan du lịch, họ sẽ có các nhu cầu khác nhau, trong đó một bộ phận không nhỏ có khuynh hướng tìm các dịch vụ xấu, như: mê tín dị đoan, mại dâm, ma túy, đánh bạc, karaoke, massager trá hình… dẫn đến xuất hiện một lượng cầu dịch vụ này. Việc các cơ sở kinh doanh, cư dân địa phương tham gia vào hoạt động cung ứng cho các nhu cầu trên của khách du lịch sẽ dẫn đến hiện tượng tệ nạn xã hội tăng lên hơn so với khi không có hoạt động du lịch diễn ra. Tuy nhiên, tỉnh Phú Yên đang kiểm soát khá tốt vấn đề này. Sự xuất hiện tệ nạn xã hội khi có hoạt động du lịch diễn ra tại Phú Yên rất thấp, thể hiện tính bền vững về vấn đề xã hội.

Song song với đó, Phú Yên đã nâng cấp và thường xuyên cập nhật tin tức, quảng bá du lịch trên trang thông tin điện tử du lịch Phú Yên (www.phuyentourism.gov.vn); triển khai xây dựng website liên minh kích cầu du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên của 4 tỉnh: Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai để hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; triển khai các hình thức marketing điện tử (E-marketing)... Phú Yên cũng tổ chức tuyên truyền, vận động trực tiếp cho cư dân địa phương; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của thành phố, phường, xã; giao cho các đoàn thể chính trị, xã hội ở các phường, xã triển khai phổ biến và yêu cầu các hộ dân ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, cũng như quy chế trong các hoạt động dịch vụ du lịch. Đặc biệt, các tổ chức chính trị xã hội, như: nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên… chủ động tham gia vào công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư sở tại, khách du lịch trong các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị thiên nhiên, văn hóa. Ngoài ra, còn tuyên truyền qua hệ thống các báo cáo viên và qua các kênh thông tin đại chúng.

Để phát triển nguồn nhân lực du lịch, Phú Yên đã đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch, cụ thể là: ứng dụng chuyển đổi số và kiến thức quản lý nhà nước về du lịch; nghiệp vụ du lịch cho người điều khiển và nhân viên trên phương tiện vận tải khách du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Các cơ sở đào tạo trên địa bàn Tỉnh đã tổ chức các lớp đào tạo chuyên ngành du lịch bậc trung cấp, cao đẳng, đại học; tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng quản lý nhà hàng, khách sạn, nhân viên lễ tân, buồng, bàn, bếp...

Ngoài ra, Phú Yên cũng quan tâm đến công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo, quy hoạch di tích. Những hạng mục đầu tư lớn, trong quy hoạch đều có các giải pháp phát triển bền vững, như: bảo quản, tu bổ, phục vụ Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, Công viên địa chất tỉnh Phú Yên; tập trung huy động các nguồn lực xã hội, tài trợ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư (trong đó có một phần ngân sách nhà nước). Mặt khác, lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, tại một số khu vực trọng điểm tại vịnh Xuân Đài, Bãi Môn - Mũi Điện - Vũng Rô, Cao nguyên Vân Hòa; lập quy hoạch chi tiết và đầu tư hạ tầng thiết yếu để hình thành các khu ẩm thực tại TP.Tuy Hòa, Đầm Ô Loan, Vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông, Vũng Rô… để kêu gọi xã hội hóa, thu hút đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch.

Một số hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển bền vững du lịch gắn với các vấn đề xã hội ở Phú Yên còn nhiều mặt hạn chế:

- Lao động trong ngành du lịch còn thiêu và yếu: Lao động có trình độ đại học trở lên chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu lao động ngành du lịch; chất lượng lao động chưa cao, thiếu lao động có trình độ quản lý kinh doanh du lịch, nhất là về quản lý kinh doanh khách sạn, lữ hành, cũng như đội ngũ các chuyên gia đầu ngành và công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, hướng dẫn viên du lịch giỏi…

- Phần lớn doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Phú Yên hiện nay có quy mô nhỏ, hoạt động theo thời vụ, nên doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng và có điều kiện để phát triển bền vững du lịch.

- Số lượng khách du lịch đến Phú Yên tương đối đông vào mùa du lịch, làm xáo trộn đến cấu trúc xã hội truyền thống và tập tục sinh hoạt của cộng đồng ở các khu, điểm du lịch. Tình hình diễn biến trật tự, tệ nạn xã hội ở các khu, điểm du lịch không có những diễn biến quá bất thường, nhưng vẫn gây tác động đến an ninh trật tự hơn so với thực tế bình thường khi không có hoạt động du lịch.

- Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên và phát triển du lịch; các quy định của pháp luật cũng như quy chế trong hoạt động dịch vụ du lịch; công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư sở tại, khách du lịch trong các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị thiên nhiên, văn hóa chưa thực sự hiệu quả.

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ việc Tỉnh còn thiếu nhiều cơ chế, chính sách phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt các chính sách về phát triển du lịch bền vững. Ngân sách bố trí đầu tư cho ngành du lịch còn hạn hẹp; công tác xúc tiến quảng bá chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Ý thức trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân trong công tác phát triển du lịch, công tác bảo vệ môi trường tại một số khu, điểm du lịch chưa cao.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Qua nghiên cứu thực trạng, tác giả đưa ra một số giải pháp phát triển bền vững du lịch gắn với các vấn đề xã hội ở tỉnh Phú Yên như sau:

Thứ nhất, thực hiện chính sách, định hướng phát triển bền vững du lịch gắn với các vấn đề xã hội. Tỉnh cần ban hành chính sách huy động các nguồn lực để phát triển bền vững du lịch, tạo điều kiện cho địa phương đầu tư, khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hóa phục vụ du khách, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về chiến lược, quy hoạch du lịch, hỗ trợ xây dựng hạ tầng. Đa dạng các hình thức kinh doanh du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Bên cạnh đó, các địa phương cần xác định rõ, phát triển bền vững du lịch đảm bảo sự công bằng cho người dân. Đồng thời, định hướng phát triển bền vững du lịch cần tuân thủ các quy định về bảo tồn và nguyên tắc phát triển bền vững, trong đó kiểm soát áp lực về xã hội là một trong những yêu cầu hàng đầu.

Thứ hai, nâng cao trình độ của lao động du lịch. Giải pháp này vừa cấp bách, vừa lâu dài góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân trong tham gia hoạt động du lịch, cũng như phát triển lực lượng lao động ngành du lịch. Các địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện nâng cao trình độ học vấn cho cộng đồng, khuyến khích các đối tượng đi học, tặng học bổng cho người dân tộc thiểu số, miền núi tham gia các lĩnh vực phục vụ công tác quản lý du lịch và dịch vụ du lịch.

Các cấp, các ngành cần thường xuyên tổ chức tập huấn thường kỳ, hướng dẫn người dân cách làm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, bổ sung các kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ du lịch cần thiết, như: kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, thuyết minh, kỹ năng cung cấp các dịch vụ du lịch... Qua đó, giúp họ nhận thức được tầm quan trọng, cũng như những hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội khi phát triển bền vững du lịch tại địa phương. Ngoài ra, cần phổ biến kiến thức bảo đảm an toàn cho du khách, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt, cần giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường cho người dân.

Thứ ba, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về du lịch cho các cấp lãnh đạo, quản lý, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, phổ biến kiến thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của du lịch, về tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương và vai trò, trách nhiệm đối với việc phát triển bền vững du lịch gắn với các vấn đề xã hội phù hợp cho người dân. Vận động người dân tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng văn hóa du lịch thân thiện.

Thứ tư, xây dựng mô hình phát triển bền vững du lịch dựa vào cộng đồng. Các địa phương cần có kế hoạch xây dựng mô hình phát triển bền vững du lịch, tập trung vào loại hình du lịch cộng đồng để khai thác các giá trị văn hóa bản địa, cũng như bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Trong đó, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phát triển du lịch theo hướng bền vững, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, đáp ứng yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.

Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương; liên kết, hợp tác phát triển bền vững du lịch gắn với các vấn đề xã hội đa dạng cho các hộ dân. Theo đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thông qua các phần mềm quản lý du lịch, cổng thông tin du lịch thông minh, trang thông tin điện tử... và một số trang mạng xã hội, như: Youtube, Facebook, Zalo... chuyên biệt về du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối với các công ty du lịch lữ hành; quảng bá du lịch qua các phương tiện thông tin đại chúng... Tạo điều kiện phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc thù, kết hợp du lịch sinh thái với trải nghiệm văn hóa bản địa... bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách, từ đó tạo thuận lợi cho công tác bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân địa phương./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2017), Nghị quyết số 103/NQ-CP, ngày 06/10/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

2. Machado, A. (2003), Capacitating for tourism development in Vietnam: Training course, Module: Tourism and sustainable development.

3. Quốc hội (2017), Luật Du lịch, số 09/2017/QH14, ngày 19/6/2017.

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên (2023), Báo cáo công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

5. Tỉnh ủy Phú Yên (2020), Văn kiện Đại hi đi biu Đảng b tnh ln thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

6. Tỉnh ủy Phú Yên (2021), Chương trình hành động số 09-CTr/TU về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

7. UBND tỉnh Phú Yên (2023), Quyết định số 52/2023/QĐ-UBND, ngày 25/10/2023 về quy chế phối hợp quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn.

8. UBND tỉnh Phú Yên (2023), Kế hoạch số 212/KH-UBND, ngày 06/10/2023 thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn.

9. UBND tỉnh Phú Yên (2023), Kế hoạch số 75/KH-UBND, ngày 22/3/2023 thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” (Dự án 6) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025.

10. UBND tỉnh Phú Yên (2023), Quyết định số 1322/QĐ-UBND, ngày 02/10/2023 phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

11. UBND tỉnh Phú Yên (2023), Quyết định số 1663/QĐ-UBND, ngày 11/12/2023 phê duyệt Đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2023-2030.

Ngày nhận bài: 05/4/2024; Ngày phản biện: 05/5/2024; Ngày duyệt đăng: 21/5/2024