QUY ĐỊNH VỀ PVTM TRONG RCEP

Quy định về biện pháp tự vệ

Các quy định về biện pháp tự vệ trong RCEP gồm những nội dung sau:

(1) Biện pháp tự vệ chuyển tiếp

  • Điều kiện áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp: (i) Một hàng hóa có xuất xứ của một bên hoặc các bên khác đang được nhập khẩu vào lãnh thổ của một bên với lượng gia tăng, về tuyệt đối hoặc tương đối so với sản xuất trong nước; (ii) Sự gia tăng này gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp.

  • Phạm vi áp dụng: Chỉ áp dụng đối với những hàng hóa có xuất xứ từ nội khối RCEP, do đó, hàng hóa có xuất xứ từ các nước không phải thành viên của RCEP sẽ không phải là đối tượng áp dụng của biện pháp này.

  • Thời hạn điều tra: Cuộc điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp được tiến hành trong thời gian 1 năm và không có quy định về gia hạn.

  • Thời gian áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp: Các thành viên RCEP được áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp trong khoảng thời gian tối đa là 3 năm, có thể được gia hạn, nhưng không quá 1 năm. Trong trường hợp, nếu quốc gia áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp là nước kém phát triển nhất, thì có thể gia hạn áp dụng biện pháp này thêm 1 năm so với các thành viên khác, có nghĩa là, tổng thời gian áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp của các nước kém phát triển có thể là 5 năm, bao gồm cả thời gian gia hạn.

  • Các quy định về bồi thường: Trong 3 biện pháp PVTM, tự vệ không phải là biện pháp nhằm chống lại hành vi cạnh tranh không công bằng, không lành mạnh. Do đó, khi một quốc gia áp dụng biện pháp tự vệ, quốc gia đó phải cam kết áp dụng các biện pháp nhượng bộ/bồi thường đối với quốc gia xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi biện pháp tự vệ chuyển tiếp.

  • Quy định về phòng vệ thương mại trong RCEP và lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam
    Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022

Quốc gia áp dụng sẽ phải tiến hành tham vấn với quốc gia xuất khẩu bị ảnh hưởng phương án bồi thường thương mại phù hợp, thống nhất các hình thức nhượng bộ.

Nếu không đạt được thỏa thuận về nhượng bộ trong vòng 30 ngày, các bên bị ảnh hưởng bởi biện pháp tự vệ chuyển tiếp có thể đình chỉ việc áp dụng các nhượng bộ tương đương đáng kể đối với thương mại hàng hóa của bên áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp. Trong trường hợp này, trước khi ngừng các nhượng bộ trong vòng 30 ngày, bên bị áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp phải gửi thông báo bằng văn bản cho bên áp dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra gia tăng tương đối, quốc gia bị ảnh hưởng bởi biện pháp tự vệ chuyển tiếp sẽ không được phép tự đình chỉ áp dụng nhượng bộ.

Trong trường hợp biện pháp tự vệ chuyển tiếp chấm dứt, các nhượng bộ cũng phải được chấm dứt theo. Bên cạnh đó, các quốc gia kém phát triển nhất áp dụng hoặc gia hạn biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp sẽ không phải thực hiện bồi thường.

(2) Biện pháp tự vệ tạm thời

Nếu trong trường hợp khẩn cấp, hiện tượng gia tăng nhập khẩu từ một thành viên của RCEP có thể gây ra thiệt hại khó khắc phục, thành viên bị ảnh hưởng có thể áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời và phải tiến hành tham vấn ngay sau khi biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng.

Biện pháp tự vệ tạm thời không được áp dụng vượt quá 200 ngày. Trong trường hợp, cuộc điều tra kết luận rằng không đủ điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp, các khoản tiền đã thu trong biện pháp tự vệ thạm thời phải được hoàn trả.

(3) Biện pháp tự vệ toàn cầu

Các thành viên của RCEP vẫn phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ về tự vệ trong WTO. Các thành viên của RCEP phải thực hiện nghĩa vụ thông báo về việc khởi xướng điều tra tự vệ, kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng của cuộc điều tra. Một lưu ý quan trọng, biện pháp tự vệ toàn cầu không được áp dụng đồng thời với biện pháp tự vệ chuyển tiếp và các biện pháp tự vệ theo tiến hành theo quy định về tự vệ của WTO.

(4) Quy định đối với các nước kém phát triển nhất

Các nước kém phát triển nhất được hưởng những đối xử đặc biệt sau từ RCEP:

  • Được gia hạn thời gian áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp thêm 1 năm, trong trường hợp các nước kém phát triển nhất là nước bị ảnh hưởng từ hiện tượng gia tăng nhập khẩu;

  • Trong trường hợp nước kém phát triển áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp, sẽ không phải thực hiện các nghĩa vụ nhượng bộ và bồi thường cho quốc gia bị ảnh hưởng;

  • Không bị áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp và biện pháp tự vệ tạm thời;

Danh sách các nước này theo công bố của Liên hợp quốc vào năm 2021 gồm có: Lào, Campuchia, Myanmar.

(5) Ngôn ngữ thông báo

Các quốc gia khi tiến hành các nghĩa vụ thông báo, Tham vấn, Bồi thường, Các biện pháp tự vệ RCEP Tạm thời phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh.

Quy định về biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp

So với WTO, RCEP bổ sung thêm một số yêu cầu trong thủ tục điều tra và áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, các nội dung bổ sung gồm có:

  • Phải cho phép các bên liên quan được tiếp cận hồ sơ vụ việc, bao gồm tất cả các tài liệu của hồ sơ điều tra hoặc rà soát và bản tóm tắt các thông tin mật. Các bên có thể tiếp cận các thông tin này dưới dạng bản giấy (các bên liên quan có thể đến đọc và sao chép trong giờ hành chính) hoặc hoặc bản điện tử.

  • Không được sử dụng phương pháp “quy về 0” khi tính toán biên độ phá giá: “Quy về 0 – zeroing” được hiểu là cơ quan điều tra thường tính toán biên độ phá giá bằng cách lấy mức trung bình của sự chênh lệch giữa giá xuất khẩu và giá thị trường trong nước của sản phẩm được đề cập. Khi cơ quan đó bỏ qua hoặc đặt một giá trị bằng 0 thay thế các giá trị chênh lệch âm được gọi là zeroing. Đến nay, việc sử dụng “quy về 0” vẫn còn là cách thức phổ biến trong việc tính toán biên độ phá giá của Cơ quan điều tra Hoa Kỳ (Dictionary of International Trade, 2021). Chính vì vậy, việc đưa nguyên tắc cấm sử dụng phương pháp “Quy về 0” là một trong những quy định nổi bật của RCEP.

  • Phải công bố bằng văn bản các dữ kiện trọng yếu được sử dụng để ra quyết định cuối cùng về kết quả điều tra trước ít nhất 10 ngày và cho phép các bên liên quan có đủ thời gian để đưa ra bình luận của họ.

  • Bên cạnh các quy định trong Mục A và Mục B của Chương 7, Chương này còn bổ sung các quy định thuộc phụ lục 7A về các Thực tiễn tốt trong điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Phụ lục này đưa ra cách giải quyết một số vấn đề bất cập hay mắc phải trong quá trình điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, ví dụ các lỗi/thiếu sót trong bản trả lời Bảng câu hỏi điều tra, về nội dung nên có trong các bản thông báo công khai về vụ việc của cơ quan điều tra, về việc áp dụng cam kết giá. Các nước thành viên RCEP được khuyến nghị thực hiện theo các thực tiễn tốt này.

Biện pháp cam kết được thực hiện khi cơ quan điều tra của nước nhập khẩu đã có kết luận sơ bộ về việc có hiện tượng bán phá giá hoặc trợ cấp gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất công nghiệp nội địa, các nhà xuất khẩu có thể tiến hành đưa ra các cam kết về giá, và khi đó, cuộc điều tra sẽ chấm dứt mà không cần phải áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp.

Đáng chú ý là các tranh chấp trong quá trình thực thi các cam kết về chống bán phá giá, chống trợ cấp nói trên sẽ không được giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp chung của RCEP (tại Chương 19).

XU HƯỚNG ÁP DỤNG BIỆN PHÁP PVTM TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Theo Bộ Công Thương (2021b), trong năm 2020, các nước đã khởi xướng điều tra mới 151 vụ việc chống bán phá giá, 39 vụ việc chống trợ cấp và 32 vụ việc tự vệ. Trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu về số vụ việc khởi xướng với 57 vụ việc, tiếp theo là Ấn Độ khởi xướng 56 vụ việc, Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng 20 vụ việc và Australia khởi xướng 15 vụ việc. Có thể thấy, Australia là một trong các bên của RCEP được đánh giá là một trong những quốc gia tích cực nhất trên thế giới trong việc sử dụng các biện pháp PVTM. Vì vậy, khi RCEP có hiệu lực, cũng có nghĩa là, DN Việt Nam tăng khả năng tiếp cận thị trường Australia và điều này sẽ khiến cho các DN Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ cao bị kiện PVTM tại thị trường này. Cho đến nay, hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM nhiều nhất vẫn là sắt, thép các loại (chiếm 40,2% số vụ việc PVTM); nhựa và sản phẩm nhựa (chiếm 11,2%); xe cộ và phụ tùng (chiếm 10,2%); các thành phẩm từ sắt, thép (chiếm 9,0%) và máy móc, thiết bị điện, điện tử (chiếm 6,0%).

Các biện pháp PVTM đã đem lại hiệu quả tích cực cho các ngành sản xuất trong nước, giúp ngành khắc phục thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu gây ra. Các biện pháp PVTM đã và đang áp dụng, góp phần bảo vệ công ăn việc làm của khoảng 120.000 người lao động trong các lĩnh vực nói trên, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Theo tính toán, những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp PVTM ước tính đóng góp khoảng 6,3% GDP của cả nước. Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp PVTM được áp dụng cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng (Ngô Thị Mỹ Hạnh, 2021).

Theo Bộ Công Thương (2021a), năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm, hoặc đi vào trạng thái suy thoái, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91%, thuộc nhóm cao nhất khu vực và trên thế giới, là một trong số ít nước tăng trưởng dương ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Hoạt động xuất - nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương; xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu năm thứ 2 liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.

Cùng với việc gia tăng kim ngạch xuất - nhập khẩu, năm 2020, Việt Nam ghi nhận số vụ PVTM tăng ở mức kỷ lục với tổng số 39 vụ, cao gần gấp đôi so với vụ việc của năm 2019 và bằng gần 20% tổng số vụ việc tính từ năm 1995 đến nay. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn do các thị trường nước ngoài tăng cường áp dụng các biện pháp PVTM (Bộ Công Thương, 2021b).

Mặc dù Việt Nam đã và đang rất tích cực, chủ động xử lý có hiệu quả các vấn đề trong tranh chấp thương mại, xử lý các biện pháp PVTM, vượt qua các rào cản thương mại của các thị trường nhập khẩu, nhưng thương mại thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng tăng, nhiều nước chuyển sang áp dụng nhiều hình thức mới trong phòng vệ thương mại, như: chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ thay vì áp dụng các biện pháp PVTM truyền thống, điều này sẽ gây không ít khó khăn cho các DN Việt Nam. Theo Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương (2021), tính đến nay, hàng hóa Việt Nam đã là đối tượng của 19 cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế tại thị trường nước ngoài.

Tính đến nay, hệ thống pháp luật về PVTM của Việt Nam dần được hoàn thiện với cơ sở pháp lý về PVTM gồm có: Luật Quản lý ngoại thương (năm 2017); Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM; Thông tư số 06/2018/TT-BCT, ngày 20/4/2018 của Bộ Công Thương ban hành quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp PVTM.

Với cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ về PVTM, Việt Nam đã tiến hành khởi xướng điều tra tất cả các biện pháp PVTM khác nhau (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn tránh biện pháp PVTM). Theo Bộ Công Thương (2021b), trong năm 2020, đặc điểm nổi bật trong lĩnh vực PVTM do Việt Nam điều tra, áp dụng thể hiện như sau:

- Số lượng vụ việc điều tra mới tăng lên: Nếu như giai đoạn trước đây (2009-2015), trung bình mỗi năm Việt Nam chỉ khởi xướng từ 1-2 vụ việc thì trong giai đoạn 2016-2020, mỗi năm trung bình khởi xướng 4-5 vụ. Năm 2020, Việt Nam khởi xướng điều tra 6 vụ việc mới (trong đó có 5 vụ chống bán phá giá, 01 vụ chống trợ cấp), là mức cao nhất kể từ khi các quy định về PVTM được ban hành (năm 2002) cho tới nay, đồng thời tiến hành rà soát 4 biện pháp PVTM đã được áp dụng.

- Lần đầu tiên Việt Nam điều tra chống trợ cấp: Trong 3 biện pháp PVTM, chống trợ cấp được coi là biện pháp khó sử dụng nhất do yêu cầu nguyên đơn và cơ quan điều tra phải tìm hiểu về chính sách và thực tiễn hoạt động trợ cấp của các cơ quan chính phủ nước ngoài. Chính vì vậy, từ trước đến nay, biện pháp này chủ yếu do các nước phát triển sử dụng. Trong ASEAN, Việt Nam là nước đầu tiên tiến hành điều tra một vụ việc chống trợ cấp. Điều này phần nào thể hiện năng lực điều tra của cơ quan điều tra Việt Nam.

- Giảm dần việc áp dụng biện pháp tự vệ: Nếu trong gần 10 năm đầu tiên điều tra PVTM, các vụ việc tự vệ chiếm khoảng 50% số vụ việc điều tra thì trong 3 năm gần đây (2018-2020), Việt Nam không điều tra thêm vụ việc tự vệ nào nữa.

- Sản phẩm bị điều tra đa dạng hơn: Trước đây, các mặt hàng bị điều tra PVTM chủ yếu là sắt thép các loại. Tuy nhiên, năm nay các sản phẩm bị điều tra đã đa dạng hơn, gồm cả các sản phẩm công nghiệp nhẹ, như: sợi, đường, hóa chất sorbitol… Như vậy, công cụ PVTM không chỉ giới hạn trong các doanh nghiệp sản xuất sắt thép, mà đã được các ngành sản xuất khác biết và sử dụng nhiều hơn.

- Doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn vào các vụ việc PVTM: Nếu như trước đây, nhiều vụ việc PVTM do các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò chính thì gần đây, các DN, hiệp hội trong nước đã chủ động, tích cực tham gia, đóng vai trò dẫn dắt nhiều hơn.

MỘT SỐ LƯU Ý CHO DN VIỆT NAM NHẰM SỬ DỤNG HIỆU QUẢ CÔNG CỤ PVTM

Một là, tận dụng một cách hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước liên quan đến các chính sách về PVTM. Theo đó, các DN có thể tận dụng sự hỗ trợ của Cục PVTM (Bộ Công Thương) để từ đó bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định về PVTM trong WTO nói chung, cũng như trong các FTA mà Việt Nam là thành viên nói riêng.

Ngoài ra, Cục PVTM cũng thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn về các vấn đề PVTM, do đó, các DN nên chủ động tham gia tích cực vào các khóa đào tạo, tập huấn này.

Hai là, làm quen và có chiến lược ứng phó phù hợp, đặc biệt là ngành hàng có xu hướng bị kiện PVTM tại thị trường nước ngoài nhiều. Chủ động nâng cao nhận thức về PVTM, quy định PVTM trong các FTA mà Việt Nam và đối tác cùng tham gia để nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình; hoàn thiện hệ thống sổ sách, quản lý theo chuẩn quốc tế; lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ, rõ ràng; trích lập nguồn quỹ dự phòng cho các vụ kiện về PVTM, chủ động kết nối với các cơ quan nhà nước khi có vấn đề phát sinh, hình thành nhiệm vụ PVTM trong nội dung quản trị trong DN, phù hợp với tình hình hội nhập kinh tế quốc tế thời kỳ mới.

Ba là, đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ PVTM và đã từng kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, DN cần chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu. Trước hiện tượng điều tra lẩn tránh PVTM gia tăng trong thời gian gần đây, các DN Việt Nam cần cẩn trọng DN không tham gia tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, để tránh trường hợp trở thành đối tượng bị điều tra chống lẩn tránh PVTM tại thị trường nước ngoài.

Bốn là, ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, hàng hóa trong nước chưa sản xuất được; từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, năng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, thay vì phải cạnh tranh bằng giá như cách thức truyền thống trước kia.

Năm là, trong trường hợp DN trở thành bên bị đơn trong các vụ kiện về PVTM tại thị trường nước ngoài, DN cần tích cực, chủ động theo đuổi các vụ kiện, tận dụng một cách hiệu quả sự hỗ trợ từ Cục PVTM, sẵn sàng, thiện chí để theo đuổi vụ kiện, tránh trường hợp, nếu DN không hợp tác cùng cơ quan điều tra. Điều này sẽ mang đến những kết quả bất lợi cho các DN khi cơ quan điều tra đưa ra kết luận cuối cùng.

Sáu là, trong trường hợp DN phải chịu thiệt hại do tác động tiêu cực của hiện tượng hàng nhập khẩu bán phá giá, trợ cấp hoặc gia tăng một cách đột biến được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, DN nên chủ động nghiên cứu tình huống, nếu có đủ căn cứ, có thể tiến hành yêu cầu khởi kiện điều tra về PVTM để từ đó, khắc phục, hạn chế được những thiệt hại xảy ra đối với ngành sản xuất trong nước do tác động của hành vi cạnh tranh không lành mạnh mang lại./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Công Thương (2020). Toàn văn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP)

2. Bộ Công Thương (2021a). Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2020, Nxb Công Thương

3. Bộ Công Thương (2021b). Báo cáo phòng vệ thương mại năm 2020

4. Ngô Thị Mỹ Hạnh (2021). PVTM - Công cụ tháo gỡ khó khăn và bảo vệ sản xuất trong nước, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/phong-ve-thuong-mai-cong-cu-thao-go-kho-khan-va-bao-ve-san-xuat-trong-nuoc-335613.html

5. Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương (2021). Tổng hợp các vụ việc, truy cập từ http://www.trav.gov.vn/

6. Dictionary of International Trade (2021). Zeroing, retrieved from https://www.globalnegotiator.com/international-trade/dictionary/zeroing/

ThS. Trần Thị Liên Hương

Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1 năm 2022)