Quy hoạch Long An với tầm nhìn trở thành một trung tâm kinh tế sôi động của vùng Đồng bằng sông Cửu Long
"Long An sẽ là cửa ngõ kết nối thông suốt, thuận tiện giữa vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm môi sinh, cải thiện an sinh, giữ vững trật tự an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh", Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được chia sẻ tại hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh này ngày 19/9/2022. Hội nghị được chủ trì bởi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch hội đồng thẩm định.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định chủ trì phiên họp. Ảnh: Đức Trung |
Công tác quy hoạch tốt là thực sự dẫn dắt được cuộc chơi trong nền kinh tế thị trường
Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, công tác lập quy hoạch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng. Công tác quy hoạch phải phát huy, khai thác được các tiềm năng, lợi thế của địa phương, sẵn sàng ứng phó với các thách thức mới, thì chúng ta mới xây dựng được con đường phát triển trong tương lai.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự tích cực nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Hồ sơ quy hoạch để báo cáo Hội đồng thẩm định của tỉnh Long An. |
“Công tác quy hoạch tốt là khi thực sự dẫn dắt được cuộc chơi trong nền kinh tế thị trường có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nếu thất bại là chưa thực hiện được đầy đủ vai trò dẫn dắt, kiến tạo của Nhà nước.”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng lưu ý rằng, việc lập quy hoạch thời kỳ 2021–2030 cần nhận diện các yếu tố mới trong điều kiện hoàn cảnh mới để chủ động ứng phó với các thách thức. Từ bối cảnh mới, chúng ta nhận ra đâu là cơ hội mới, thách thức mới, để có được tư duy mới, tầm nhìn mới, tạo dựng không gian phát triển mới, động lực phát triển mới cho tỉnh và đất nước.
3 kịch bản phát triển
Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tạo sự đột phá mới trong phát triển, hướng tới một khát vọng thịnh vượng, trong thời gian qua, tỉnh Long An đã nỗ lực, tập trung xây dựng bản quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021-2030, để trình Hội đồng thẩm định xem xét trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Long An là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí địa lý đặc biệt - là cửa ngõ giữa 2 vùng: vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ, giáp ranh với Vương quốc Campuchia và TP. Hồ Chí Minh - hưởng được sự lan tỏa về phát triển công nghiệp, đô thị của TP. Hồ Chí Minh.
Tận dụng được lợi thế trên, trong thời gian qua, tỉnh Long An đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2011-2022 đạt 9,1%; quy mô kinh tế năm 2020 đạt hơn 130.000 tỷ đồng, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm hơn 13% trên tổng quy mô của Vùng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp. Thu ngân sách năm 2020 tăng gần 4 lần so với năm 2011. Môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư nâng cấp. Diện mạo của Tỉnh từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Long An vẫn còn hạn chế, khó khăn là điểm nghẽn cản trở Tỉnh phát triển. Ảnh: Đức Trung |
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Long An vẫn còn hạn chế, khó khăn là điểm nghẽn cản trở Tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể, kinh tế tăng trưởng nhanh, nhưng chưa thực sự bền vững; phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thương hiệu mạnh, giá trị gia tăng cao còn hạn chế; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao; số dự án đã tiếp nhận chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ trung bình là phổ biến; các khu đô thị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; hoạt động du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; kết cấu hạ tầng còn hạn chế; lực lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển...
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An cho biết, mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch Tỉnh là: “Long An trở thành một trung tâm phát triển kinh tế sôi động, bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; là cửa ngõ kết nối thông suốt, thuận tiện giữa vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm môi sinh, cải thiện an sinh, giữ vững trật tự an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.”. |
Nhận thức được những tồn tại, hạn chế trên, tỉnh Long An xác định nhiều giải pháp khắc phục, trong đó giải pháp đầu tiên là khẩn trương lập Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thật chất lượng, làm định hướng phát triển của Tỉnh trong 10 năm, tầm nhìn 30 năm tới.
“Tỉnh ủy - HĐND - UBND Tỉnh xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong thời gian qua.”, ông Được nhấn mạnh.
Bản dự thảo Quy hoạch đưa ra 3 kịch bản như sau:
Kịch bản cơ sở: Duy trì chiến lược hiện tại của Long An, không có sự thay đổi lớn ngoài các dự án lớn đã được phê duyệt.
Kịch bản Tăng trưởng bền vững: Thực hiện 19/25 ý tưởng đột phá cho tầm nhìn và chiến lược năm 2050, trọng tâm là các ngành chế biến chế tạo, nông nghiệp, năng lượng.
Kịch bản Tăng trưởng quyết liệt: Thực hiện một cách quyết liệt toàn bộ 25 ý tưởng đột phá và đi tiên phong trong sản xuất hydro, xây dựng cảng Long An là trung tâm xuất khẩu nông nghiệp nòng cốt.
Kịch bản lựa chọn dựa trên kịch bản cơ sở giai đoạn 2021-2025 và tăng trưởng bền vững giai đoạn 2026-2050: Theo giá so sánh, GRDP đạt 8 tỷ USD năm 2030 (tăng trưởng hơn 9%/năm) và 42 tỷ USD năm 2050 (tăng trưởng hơn 8,5%/năm).
“Để mục tiêu trên trở thành hiện thực, trước tiên tỉnh Long An mong muốn có một bản quy hoạch thật chất lượng.”, Bí thư Tỉnh ủy Long An nhấn mạnh.
Hội đồng Thẩm định đã thông qua Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Cấu trúc không gian tỉnh Long An trong tương lai: 2 hành lang – 1 trung tâm – 1 vùng – 6 trục động lực
Quy hoạch nêu rõ, cấu trúc không gian tỉnh Long An được dựa trên các hành lang kinh tế chính liên kết với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và điều kiện phát triển của địa phương, được xác định bao gồm: 2 hành lang – 1 trung tâm – 1 vùng – 6 trục động lực, phát huy tiềm năng và lợi thế địa kinh tế - văn hóa - chính trị, tạo dựng các trung tâm, hình thành các vùng chức năng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An.
(1) Hai hành lang kinh tế chính liên kết với TP. Hồ Chí Minh gồm:
- Hành lang đường Vành đai 3-4: Bám dọc theo các trục đường vành đai 3 và vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh.
- Hành lang phát triển phía Nam: TP. Hồ Chí Minh – Long An – Tiền Giang: Bám dọc theo trục động lực liên tỉnh bắt đầu từ TP. Hồ Chí Minh đi qua Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang (Quốc lộ 50B).
(2) Một trung tâm:
Thành phố Tân An trở thành trung tâm hành chính và công nghệ cao, kết nối các hành lang và trục động lực dọc Quốc lộ 62, nối liền vùng Đồng Tháp Mười và quốc gia Campuchia.
(3) Một vùng trọng điểm:
Về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, sinh thái và kinh tế cửa khẩu phía Tây (Vùng Đồng Tháp Mười) liên kết giao thông tốt với 2 hành lang và trung tâm Tân An.
(4) Sáu trục động lực:
- Trục động lực vành đai 3 – vành đai 4: Kết nối Long An với quốc tế qua sân bay Long Thành và Cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, Cảng Long An.
- Trục động lực quốc lộ 50B: Kết nối TP. Hồ Chí Minh – Long An – Tiền Giang.
- Trục động lực Quốc lộ 62 song hành: Kết nối vùng Đồng Tháp Mười với vùng kinh tế Campuchia.
- Trục động lực Mỹ Quý Tây – Lương Hòa: Kết nối đô thị công nghiệp, dịch vụ khu vực Đức Hòa với cửa khẩu Mỹ Quý Tây.
- Trục động lực Quốc lộ N1: Kết nối Long An với vùng TP. Hồ Chí Minh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên.
- Trục động lực Đức Hòa: Kết nối hệ thống các khu công nghiệp, đô thị vùng công nghiệp phía Bắc.
100% thành viên hội đồng thẩm định thông qua dự thảo Quy hoạch tỉnh Long An
Góp ý thêm cho dự thảo Quy hoạch, các thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng, tỉnh Long An cần phân tích làm rõ lợi thế phát triển đặc thù, thế mạnh nổi bật để cạnh tranh nguồn lực với các tỉnh xung quanh để làm căn cứ cho các đề xuất phương án lựa chọn.
Về lựa chọn kịch bản phát triển bền vững là mục tiêu phát triển của tỉnh Long An, Hội đồng đề nghị bổ sung Bảng tổng hợp kết quả các chỉ tiêu theo các phương án phát triển của tỉnh Long An trong kỳ quy hoạch; đề nghị luận giải rõ cơ sở và phương pháp tính toán các mục tiêu phát triển đặt ra, phải có phụ lục về toàn bộ các số liệu, dữ liệu đầu vào và chỉ rõ phương pháp tính toán, dự báo; bổ sung phân tích lý do lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá. Việc xác định các khâu đột phá cần phải đạt mục tiêu, khắc phục được những điểm nghẽn làm hạn chế khai thác các nguồn lực cho phát triển và phải lựa chọn để không chỉ khai thác tốt thế mạnh, mà còn có tính lan toả, phát triển cao.
Về kết quả đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của quy hoạch, Hội đồng đề nghị chỉ rõ cơ sở của việc lựa chọn các phương pháp áp dụng trong quá trình thực hiện ĐMC. Đồng thời, rà soát, chỉnh lý tên một số phương pháp cho phù hợp, lập bảng mô tả các bước ĐMC và mối liên kết với quá trình lập quy hoạch Tỉnh và thời gian thực hiện cho từng nội dung. Đặc biệt, yêu cầu rà soát, chỉnh lý để khớp giữa phương án phát triển trong Quy hoạch với nội dung tại Báo cáo ĐMC.
Tại phiên họp của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, 100% thành viên đồng ý thông qua Quy hoạch tỉnh Long An và Báo cáo ĐMCcủa Quy hoạch.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu, trên cơ sở ý kiến tham gia thẩm định bằng văn bản và ý kiến tham gia tại phiên họp thẩm định hôm nay, UBND tỉnh Long An sẽ chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An khẩn trương phối hợp với các đơn vị tư vấn và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia trong phạm vi của Quy hoạch, để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Tỉnh đạt chất lượng cao nhất, trên cơ sở đó gửi lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ thông qua./.
Bình luận