Quý II/2021, xuất khẩu cá tra kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng
Xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu tăng 1,7% so với cùng kỳ
Từ cuối năm 2020, tình hình dịch Covid-19 đã có chuyển biến tích cực do việc kiểm soát dịch chặt chẽ trong nước và bắt đầu tiêm vắc xin phòng dịch được triển khai tại các quốc gia trên thế giới.
Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản đang dần được phục hồi và trên đà phát triển, xuất khẩu cá tra sau khi sụt giảm liên tục trong năm 2020, thì từ đầu năm 2021 bắt đầu có nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường.
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng ngành cá tra bắt đầu giảm từ tháng 3/2019 đến gần cuối năm 2020 sau 2 năm liên tục tăng trưởng cao. Các dòng sản phẩm cá tra có đặc thù là food-service (thực phẩm dùng trong kinh doanh, chế biến thực phẩm cho các trường học, bệnh viện, công ty… và phục vụ cho các nhà phân phối/thị trường kinh doanh dịch vụ thực phẩm) nên khi thế giới áp dụng biện pháp cách ly xã hội phòng dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu cá tra nước ta giảm mạnh.
Bên cạnh đó, tình hình xâm nhập mặn kéo dài từ đầu năm đến hết tháng 5/2020 đã làm giảm hiệu quả sản xuất do tỉ lệ hao hụt từ công đoạn giống lên thương phẩm cao. Sản lượng cá tra năm 2020 ước đạt hơn 1,5 triệu tấn (giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước).
Khi tình hình dịch bệnh được khống chế từ cuối năm 2020, sự phục hồi của các thị trường nhập khẩu cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp, bà con nông dân nuôi cá góp phần nâng cao sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra: sản lượng cá tra thu hoạch quý I năm 2021 ước đạt 321,8 nghìn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 47% sản lượng cá nuôi trồng và chiếm 34,2% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng.
Xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm 2021 đạt 214 triệu USD
Trong quý I/2021, các tỉnh có sản lượng cá tra lớn của nước ta như: An Giang đạt 105,0 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; Cần Thơ đạt 33,2 nghìn tấn, tăng 0,3%. Diện tích nuôi cá tra thâm canh, bán thâm canh quý I ước đạt 3,18 nghìn ha, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Về giá cá tra nguyên liệu loại 850 gram đến 1,1 kg/con ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long ổn định từ đầu năm đến trung tuần tháng hai, dao động ở mức 19.000-20.000 đông/kg. Tuần cuối tháng hai đến nay, giá cá tra có xu hướng tăng, hiện dao động ở mức 21.000-22.000 đồng/kg.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm đạt 214 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong tháng 1/2021, xuất khẩu cá tra phile đông lạnh tăng 54%, cá tra nguyên con tăng 162%. Xuất khẩu cá tra Việt Nam có chiều hướng hồi phục mạnh tại các thị trường: Hoa Kỳ tăng 51%, Mexico tăng 73%, Australia tăng 45%, Canada tăng 42%; các thị trường khác như Brazil, Colombia, Anh, Nga đều tăng từ 37-129%.
Nhu cầu cá tra nguyên liệu tăng cao và “đòn bẩy” là các hiệp định thương mại tự do, ngành cá tra kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong quý II năm 2021.
Mỹ sẽ vẫn là thị trường có ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cá tra
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, nhu cầu cá tra nguyên liệu tăng cao và “đòn bẩy” là các hiệp định thương mại tự do, ngành cá tra kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong quý II năm 2021.
Cụ thể: tình hình tại thị trường Trung Quốc có xu hướng cải thiện hơn từ giữa tháng 3, trước đó thị trường này siết chặt kiểm tra, kiểm soát virut corona đối với hàng thủy sản nhập khẩu đã khiến cho xuất khẩu cá tra thêm khó khăn. Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tháng 4 và những tháng tới sẽ hồi phục mạnh hơn, khi nước này dần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thương tại các cảng biển và nới lỏng các thủ tục kiểm soát Covid-19 đối với thủy sản nhập khẩu, nhất là thủy sản đông lạnh.
Thị trường Mỹ sẽ vẫn là thị trường có ảnh hưởng lớn đến kết quả xuất khẩu cá tra, duy trì tăng trưởng dương trong năm. Xuất khẩu cá tra bắt đầu mở rộng sang thị trường EU từ việc ký kết hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, trong đó EU sẽ xoá bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngach xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam trong 3 năm; 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm.
Việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU là một cơ hội kèm theo thách thức, bởi các tiêu chuẩn về sản phẩm xuất khẩu của thị trường EU rất cao, bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải đầu tư chuẩn hóa quy trình từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản và vận chuyển sao cho sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất tới tận tay người tiêu dùng. Mục tiêu chính là giữ vững thị trường xuất khẩu dài hạn, không chỉ dừng lại sau khi đã tìm kiếm được thị trường xuất khẩu.
Ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030, phát triển ngành thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và đến năm 2045 đưa ngành thủy sản trở thành nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới. Kèm theo đó là các chính sách, đường lối, chủ trương rõ ràng, cụ thể từng bước dẫn dắt ngành thủy sản nói chung, cá tra nói riêng tạo đà phát triển mạnh mẽ trong thời gian sắp tới./.
Bình luận