Sách giáo khoa anh học xong không thể đưa lại cho em, lãng phí vô cùng…
Thay sách giáo khoa gây lãng phí
“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn hóa lại vấn đề sách giáo khoa, nhiều đầu sách quá, không phải năm nào cũng cần thay đổi. Anh học xong không thể đưa lại cho em, tôi cho rằng lãng phí vô cùng…”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đề nghị, khi Đoàn Giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo Văn phòng Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn hóa lại vấn đề sách giáo khoa (ảnh: Quốc hội) |
Cùng trăn trở tương tự, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân, cho rằng, bất cập hiện nay là tính kế thừa và ổn định của sách giáo khoa, mỗi năm in sách một lần, thậm chí in cả bài tập vào sách giáo khoa. Khổ lớn, giấy tốt hơn thì chất lượng giáo dục có tốt hơn không, có đè nặng lên các gia đình nghèo?
Giải trình nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, mỗi năm sẽ thay sách giáo khoa của một lớp học, như vậy với 12 lớp học ở bậc phổ thông sẽ tiến hành thay sách trong 12 năm. Đây cũng là lý do năm nào ngành giáo dục cũng phải tổ chức tập huấn cho giáo viên và được thực hiện theo dự án, có lộ trình triển khai cụ thể từ cấp trung ương tới địa phương…
Lãng phí liên quan đến thực hiện quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang, bồi dưỡng chứng chỉ đối với đội ngũ giáo viên đang được quy định tản mạn ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ về tiêu chuẩn đối với hiệu trưởng, qua phản ánh các địa phương, việc thực hiện quy định này không thống nhất. Quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ hạng giáo viên cũng không thống nhất tại các địa phương. Đây cũng là sự lãng phí.
“Qua giám sát tại các địa phương cho thấy, việc tinh giảm biên chế cơ học đã dẫn tới tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Cả nước đang tuyển 27.000 giáo viên mầm non và tiểu học, trong khi đó đang thừa cục bộ hơn 10.000 giáo viên. Tính chủ động của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ trong việc tham mưu quyết định về biên chế ở các địa phương chưa hiệu quả…”, ông Giang thẳng thắn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ phối hợp, còn ngành nội vụ chịu trách nhiệm tuyển dụng đội ngũ giáo viên (ảnh: Quốc hội) |
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình, căn cứ vào yêu cầu thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất nhu cầu với từng môn học chuyển sang ngành nội vụ. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ phối hợp, còn ngành nội vụ chịu trách nhiệm tuyển dụng đội ngũ giáo viên. Đối với tình trạng thừa 10.000 giáo viên như đại biểu nêu, trung bình 3 trường thừa 1 giáo viên, so với tỷ lệ hơn 1,6 triệu giáo viên trên cả nước là không nhiều. Tuy nhiên, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, tránh tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên trong các cơ sở giáo dục.
“Chưa rõ trách nhiệm thuộc về ai…”
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn, đối với những tồn tại nêu trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thấy trách nhiệm của các cơ quan để xảy ra tình trạng chậm tiến độ, không hiệu quả như các phương tiện truyền thông đại chúng đã nêu. Đối với các kết luận của kiểm toán, thanh tra cũng chưa làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, mà chủ yếu nêu nguyên nhân khách quan…
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn, những tồn tại nêu trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thấy trách nhiệm của các cơ quan để xảy ra tình trạng chậm tiến độ (ảnh: Quốc hội) |
"Nhiều nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, như: sách giáo khoa, các đề án đổi mới giáo dục, ngân hàng đề thi, đào tạo chứng chỉ… chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu trong báo cáo… Trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn nguyên nhân không có địa chỉ và số liệu cụ thể, mặc dù nhận định rất đúng với thực tế. Với những nhận định nêu trong báo cáo cần được minh chứng cụ thể bằng các con số để làm rõ vấn đề…", ông Sơn đề nghị
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu theo đề xuất của Tổ công tác và ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát. Bộ cần đánh giá rõ hơn về ưu điểm, khuyết điểm, bài học kinh nghiệm tại từng nội dung.
“Báo cáo cần lượng hóa tối đa kết quả thực hiện, bổ sung đầy đủ các phụ lục, số liệu đầy đủ, rõ ràng, chính xác. Trong quá trình đánh giá, nhận định tránh trùng lặp, mâu thuẫn giữa ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân chủ quan, khách quan; không rõ trách nhiệm từng cấp…”, ông Phương lưu ý./.
Bình luận