Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Sa Pa

100 năm trước, Lào Cai đã có sân bay Cốc Lếu

Theo lịch sử Đảng bộ thành phố Lào Cai do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành năm 2020 thì cách đây tròn 100 năm, năm 1921, chính quyền thực dân Pháp đã bắt hàng nghìn người dân trong tỉnh đi lao công, xây dựng Sân bay Cốc Lếu. Thực dân Pháp xây dựng Sân bay Cốc Lếu, ngoài phục vụ mục đích quân sự, chính quyền thực dân còn dùng để vận chuyển nguồn tài nguyên khai thác, bóc lột được và chuyển nha phiến từ Lào Cai về xuôi.

Còn theo TS. Trần Hữu Sơn, thì từ năm 1904 đến năm 1908, thực dân Pháp tiến hành quy hoạch Lào Cai lần thứ nhất. Lào Cai phát triển mạnh sang khu vực Cốc Lếu. Bên hữu ngạn mới chỉ xây dựng nhà thờ, trại lính, bệnh viện quân sự..., nhưng sẽ được bố trí mở rộng các đường phố xuống phía Nam, xây dựng các công sở. Đặc biệt năm 1908 người Pháp tập trung xây dựng khu Phố Mới thành khu ga đầu cầu, có xưởng Đề Pô, có một số cơ sở sản xuất.

Năm 1926, người Pháp tiến hành quy hoạch thị xã Lào Cai. Phạm vi thị xã Lào Cai gồm 3 khu vực: khu vực trung tâm ở Lào Cai và Cốc Lếu gồm 4 thôn: Lào Cai, Tân Tèo, Cốc Lếu, Bảo Thắng. Khu vực 2 ở khu Phố Mới và Nam thị xã, khu vực 3 là Núi Đo và các làng lân cận. Trong quy hoạch cũng nhấn mạnh đến việc phải xây dựng cầu bắc qua sông Hồng, xây dựng sân bay, các nhà máy. Sau nhiều năm quy hoạch, xây dựng ngày 12/6/1935 sân bay Cốc Lếu được khánh thành.

Hòa bình lập lại, Sân bay Cốc Lếu không còn được sử dụng và nhắc tới nhiều, cho dù sau đó, theo các tài liệu lịch sử thì sân bay này vẫn có lần được sử dụng vào mục đích dân dụng, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, ít nhất 2 lần lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới thăm và làm việc với tỉnh Lào Cai đã sử dụng Sân bay Cốc Lếu để hạ, cất cánh máy bay chuyên dụng.

100 năm sau, Lào Cai sẽ có sân bay Sa Pa, đưa kinh tế tỉnh “cất cánh”

Tỉnh Lào Cai cũng có vị trí cầu nối, đặc biệt quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) với thế mạnh phát triển thương mại, dịch vụ cửa khẩu, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là tỉnh có các khu, điểm du lịch lớn của Việt Nam và mang tầm quốc tế. Vì thế, việc đầu tư cảng hàng không lưỡng dụng càng trở nên cần thiết và cấp bách nhằm đảm bảo tính cơ động cao trong phòng thủ và công tác cứu hộ, cứu nạn.

Sau gần 100 năm, kể từ hồi có sân bay Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền dự án sân bay Sa Pa. Ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo đó cảng Hàng không Sa Pa đến năm 2030 đạt công suất 3 triệu hành khách/năm.

Khẳng định với báo chí, ông Đặng Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng cho rằng, đối với Lào Cai, việc đầu tư xây dựng cảng hàng không là hết sức cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trên thực tế. Cụ thể là tại Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định mục tiêu xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế của vùng và cả nước về công nghiệp khai thác, chế biến sâu các loại khoáng sản.

Theo phê duyệt quy hoạch, cảng hàng không Sa Pa sẽ là cảng hàng không nội địa với tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

Về mục tiêu quy hoạch, cấp sân bay 4C với công suất 3.000.000 hành khách/năm; loại máy bay khai thác là máy bay code C hoặc tương đương với 9 vị trí đỗ máy bay; cấp cứu nguy, cứu hỏa là cấp 7.

Đối với quy hoạch khu phục vụ mặt đất, quy hoạch nhà ga hành khách 2 cao trình; quy hoạch giao thông gồm đường trục vào cảng (quy hoạch đường trục nối từ đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai vào Cảng tới khu vực sân đỗ ô tô trước ga với quy mô 6 làn xe)...

Về quy hoạch sử dụng đất, tổng nhu cầu sử dụng đất của Cảng hàng không Sa Pa đến năm 2030, có dự trữ phát triển sau năm 2030 là 371 ha. Trong đó, diện tích sử dụng chung là 160,1 ha, diện tích đất khu hàng không dân dụng là 141,15 ha.

Tháng 4/2019, UBND tỉnh Lào Cai đã gửi Thủ tướng văn bản, đề nghị chấp thuận xây sân bay Sa Pa theo hình thức kết hợp giữa đầu tư công thuần túy và đối tác công tư (PPP). Sân bay này sẽ được đặt tại huyện Bảo Yên với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.903 tỷ đồng.

Đối với ngành du lịch hiện nay, thực tế đã chứng minh nơi nào có sân bay nơi đó sẽ phát triển du lịch mạnh mẽ. Điển hình như việc xây dựng sân bay Vân Đồn, sân bay được ví như một “ngòi nổ”, biểu tượng cho sự trỗi dậy của Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Dự kiến, với công suất 9 chuyến/ ngày/ chiều với khoảng 500.000 lượt khách, sân bay Vân Đồn sẽ khơi nguồn một lượng lớn du khách đổ về Quảng Ninh, hứa hẹn mang đến luồng gió mới cho ngành du lịch Quảng Ninh nói riêng và miền Bắc nói chung. Cụ thể, việc mở sân bay Vân Đồn sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu đón 30 triệu lượt khách, với 15 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030 của Quảng Ninh.

Thực tế, Lào Cai đang là điểm trung chuyển, đầu mối của nhiều tour, tuyến du lịch trong nước và quốc tế, phần đông du khách có nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải hàng không từ Lào Cai để giảm tối đa thời gian di chuyển. Việc có sân bay Sa Pa sẽ giúp khách du lịch từ khắp các địa điểm trên mọi miền tổ quốc không phải mất thời gian di chuyển về khu vực sân bay Nội Bài (Hà Nội), sau đó lại phải tiếp tục một chặng đường dài gần 500 km mới có thể đến được điểm du lịch rất được ưa thích trên bản đồ du lịch Việt Nam, thành phố trong sương - Sa Pa (Lào Cai).

Năm 2019, Lào Cai đón 5,1 triệu lượt khách du lịch, năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh nên lượng khách giảm, dự kiến đến năm 2025 con số này tăng lên 10 triệu lượt. Lãnh đạo tỉnh Lào Cai kỳ vọng việc xây dựng sân bay Sa Pa sẽ thúc đẩy nền kinh tế du lịch Lào Cai cất cánh.

Họp Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sân bay Sa Pa do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì

Báo cáo tiền khả thi sân bay Sa Pa cần được hoàn thiện, bổ sung trước khi trình Thủ tướng

Mới đây, tại cuộc họp Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư Tăng Ngọc Tráng cho biết, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sapa, tỉnh Lào Cai được thực hiện tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai trên diện tích đất là 371 ha, với dự kiến tổng mức đầu tư là 6.948,845 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư giai đoạn 1: 4.183,408 tỷ đồng, dự kiến huy động từ các nguồn: vốn do nhà đầu tư huy động là 2.990,063 tỷ đồng; Nhà nước tham gia trong dự án là 1.193,345 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 là 2.765,437 tỷ đồng, dự kiến huy động từ các nguồn: vốn do nhà đầu tư huy động: 1.228,089 tỷ đồng; Nhà nước tham gia trong dự án: 1.537,348 tỷ đồng.

Về quy mô, công suất của dự án, giai đoạn 1 xây dựng Cảng hàng không Sapa đạt tiêu chuẩn là cảng hàng không cấp 4C (theo phân cấp của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp 2 đạt công suất 1,5 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2, hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 3,0 triệu hành khách/năm, đảm bảo phù hợp với quy hoạch.

Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1 là 50 năm (thời gian xây dựng dự kiến là 04 năm, thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn là 46 năm). Giai đoạn 2, thực hiện sau năm 2028.

Tại cuộc họp này, các thành viên của Hội đồng thẩm định đều thống nhất với nội dung báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, nhất trí về sự cần thiết đầu tư Dự án, về cơ bản, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được lập tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật PPP.

Hội đồng cũng đánh giá Cảng hàng không Sapa phù hợp với các mục tiêu tổng thể và mục tiêu cụ thể đã được xác định trong các quy hoạch: Quy hoạch Cảng hàng không Sapa giai đoạn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sapa, tỉnh Lào Cai.

Theo Điều 59, Luật Quy hoạch 2017, Hội đồng yêu cầu, UBND tỉnh Lào Cai cần phải đánh giá sự phù hợp của dự án đối với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc; quy hoạch cảng hàng không, sân bay Sapa; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai.

Đối chiếu với quy định tại khoản 3, Điều 14 Luật PPP, Hội đồng nhận xét, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sắp xếp các nội dung chưa đúng mẫu và còn thiếu một số nội dung chính như: Tác động của việc thực hiện dự án theo phương thức PPP đối với cộng đồng, dân cư trong phạm vi dự án; đánh giá sơ bộ phương án tài chính của dự án.

Về kết quả thẩm định, Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầy đủ mục theo quy định tại khoản 1, Điều 15 Luật PPP. Đối chiếu với quy định tại khoản 3, Điều 14 Luật PPP, Báo cáo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án sắp xếp các nội dung chưa đúng mẫu và còn thiếu một số nội dung chính về: tác động của việc thực hiện dự án theo phương thức PPP đối với cộng đồng, dân cư trong phạm vi dự án; đánh giá sơ bộ phương án tài chính của dự án. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh Lào Cai rà soát, bổ sung, sắp xếp các nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo đúng quy định.

Về nội dung của Hồ sơ, các thành viên Hội đồng cơ bản nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án. Tuy nhiên, bố cục nội dung đánh giá sự cần thiết đầu tư Dự án chưa đúng mẫu số Phụ lục II, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP. Hội đồng đề nghị rà soát, chỉnh sửa bố cục nội dung theo đánh giá này, trong đó lưu ý một số nội dung: phần đánh giá sự cần thiết đầu tư; làm rõ thêm về dự toán lưu lượng hành khách, tính lưỡng dụng của sân bay và kế hoạch sử dụng đất…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhấn mạnh, các thành viên Hội đồng đánh giá chung đều thống nhất, tỉnh Lào Cai đã thể hiện sự thống nhất cao, quyết tâm trong chỉ đạo, hành động và thực hiện. Báo cáo của tỉnh Lào Cai được chuẩn bị nghiêm túc, cầu thị, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, hồ sơ đã đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu.

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Hội đồng tại cuộc họp, ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành, giải trình của UBND tỉnh Lào Cai, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị đơn vị thường trực của Hội đồng thẩm định tiếp thu, hoàn thiện lại Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án gửi các thành viên Hội đồng cho ý kiến. Báo cáo chính thức của Hội đồng sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi lại cho UBND tỉnh Lào Cai để giải trình, đáp ứng các yêu cầu của Hội đồng thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án./.