PGS, TS. Phan Thị Thu Hoài

Dương Hoài Anh Thư, Trương Phương Linh, Nguyễn Thu Thủy, Bùi Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Thu Trang

Khoa Marketing, Trường Đại học Thương mại

Email tác giả liên hệ: hoaiphan@tmu.edu.vn

Tóm tắt

Thông qua khảo sát 136 sinh viên đang học tập tại các trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã tham gia vào các khóa học trực tuyến trong học tiếng Anh, nghiên cứu nhằm tìm ra và kiểm định các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng học tập trực tuyến. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 3 nhân tố có tác động tích cực tới Chất lượng học tập trực tuyến gồm: Kinh nghiệm học trực tuyến, Nhận thức về sự hứng thú, Nền tảng kỹ thuật của người học.

Từ khóa: học tập trực tuyến, chất lượng học tập trực tuyến, người học, sinh viên

Summary

Through a survey of 136 students studying at universities in Hanoi who participated in online courses in English learning, the study aimed to find and test factors affecting quality. online learning. Research results show that there are 3 factors that have a positive impact on the quality of online learning, including: Online learning experience, Awareness of interest, and Technical background of learners.

Keywords: online learning, online learning quality, learners, student

GIỚI THIỆU

Giáo dục là một lĩnh vực được quan tâm đặc biệt trên toàn cầu. Hiện nay, do tác động của chuyển đối số giáo dục đang có sự thay đổi lớn và có sự chuyển đổi sang thành hình thức học đan xen giữa học trực tuyến và trực tiếp và hình thức học trực tuyến hoàn toàn. Tuy nhiên, do tính chất của giáo dục trực tuyến, việc học trực tuyến sẽ có các vấn đề khác biệt và không như học trực tiếp và nó có thể ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục và chưa thực sự quen thuộc với người học. Vì vậy, khi chuyển đổi số trong dạy và học chất lượng học tập của người học có thể không đạt được mức chất lượng tương tự như học trực tiếp. Vấn đề đặt ra làm thế nào để liên tục nâng cao chất lượng các khóa học trực tuyến. Có các nhân tố nào về phía người học ảnh hưởng tới chất lượng hoặc trực tuyến theo góc độ đánh giá của người học. Vì vậy, nghiên cứu này nhằm tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng này để từ đó thúc đẩy nâng cao chất lượng học trực tuyến và điều này có tác động lớn đối với sự sẵn sàng chấp nhận học trực tuyến của người học. Nghiên cứu này cũng xem xét chất lượng học dựa trên quan điểm của người học, tức là đánh giá thông qua cảm nhận của người học về mức độ học trực tuyến đáp ứng nhu cầu của họ.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Chất lượng là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi và phổ biến từ xa xưa, gắn liền với các hoạt động trong cuộc sống, hoạt động sản xuất và kinh doanh của con người. Trong tiêu chuẩn ISO 8402 (1994) cho rằng, chất lượng là tập hợp các đặc tính của một thực thể (đối tượng) tạo cho thực thể đó có khả năng thỏa mãn nhu cầu đã nêu hay còn tiềm ẩn. Còn theo tiêu chuẩn ISO 9000 (2000): chất lượng là mức độ của một tập hợp các đặc tính vốn có của một sản phẩm, hệ thống hoặc quá trình thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng và các bên có liên quan.

Nghiên cứu về chất lượng trong học tập và học tập trực tuyến có Vũ Xuân Thọ (2013) đã đưa ra quan niệm chất lượng học tập với người học như sau: “Chất lượng học tập của người học là tổng hợp các kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng và thái độ được hình thành và phát triển trong quá trình học tập rèn luyện ở nhà trường, đáp ứng với mục tiêu yêu cầu đào tạo và nhiệm vụ chức trách sau khi ra trường”. Như vậy, khái niệm này chỉ ra rằng: (i) Chất lượng học tập là sự tích hợp, tổng hòa của các nhân tố, các phẩm chất được hình thành và phát triển trong quá trình người học học tập ở nhà trường, các nhân tố này có quan hệ tác động qua lại và thúc đẩy tương tác thành một chỉnh thể thống nhất tạo nên giá trị chung của hoạt động học tập; (ii) Chất lượng học tập phản ánh năng lực nhận thức và các phẩm chất của người học đạt được sau khi học tập so với mục tiêu yêu cầu đào tạo đã đề ra; (iii) Chất lượng học tập của người học còn được biểu hiện ở sản phẩm đầu ra của đào tạo. Chất lượng học tập là vấn đề tổng hợp được tạo nên từ chất lượng của tất cả các nhân tố và điều kiện liên quan đến đối tượng người học.

Tổng hợp các vấn đề trên, có thể định nghĩa, chất lượng học tập trực tuyến của người học là tổng hợp các kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng và thái độ được hình thành và phát triển trong quá trình học tập rèn luyện trực tuyến, đáp ứng với mục tiêu yêu cầu đào tạo và nhiệm vụ chức trách sau khi hoàn thành khóa học. Trong giáo dục và học tập, chất lượng học tập của người học chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhóm nhân tố khác nhau gồm các nhân tố thuộc về người học, các nhân tố thuộc về người giảng dạy và/hoặc trợ giảng, bởi sự hỗ trợ của cơ sở đào tạo, các trang thiết bị và các điều kiện vật chất. Trong bài viết này, nhóm tác giả chỉ nghiên cứu các nhân tố của người học và có liên quan tới người học có tác động tới chất lượng học tập trực tuyến, gồm: Kinh nghiệm; Nhận thức về sự hứng thú; Nền tảng kỹ thuật của người học đối với học trực tuyến.

Các giả thuyết nghiên cứu

Kinh nghiệm học trực tuyến

Nhân tố cá nhân đầu tiên ảnh hưởng tới chất lượng học trực tuyến là trải nghiệm học tập trực tuyến của người học. Trải nghiệm học trực tuyến gồm khả năng tiếp cận và kết nối với internet, sự quen thuộc với công nghệ ứng dụng trong học tập. Khi người học tiếp cận và kết nối internet kém sẽ làm cho chất lượng nghe giảng, tương tác với giảng viên và bạn bè cùng lớp không đảm bảo và ảnh hưởng tới chất lượng học. Dạy và học trực tuyến là học dựa trên nền tảng công nghệ và vì vậy nếu người học không quen hoặc đã có trải nghiệm với công nghệ sẽ có ảnh hưởng lớn chất lượng. Từ đó nếu không có hoặc trải nghiệm quá ít dẫn tới chưa nắm bắt được sẽ có tác động tiêu cực đến học trực tuyến (DeLone và McLean, 2003; Al-Fraihat và cộng sự, 2020). Năng lực và sở thích của bản thân, cũng phản ánh sự tự tin vào khả năng của người học, được xác định là niềm tin của cá nhân vào khả năng của chính họ để thực hiện các nhiệm vụ, nhất là các nhiệm vụ có tính thách thức cao (Eom, 2012; Patricia Aguilera-Hermida, 2020). Từ các lập luận trên, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu sau:

H1: Kinh nghiệm có ảnh hưởng tích cực đến Chất lượng học tập trực tuyến

Nhận thức về sự hứng thú

Sự hứng thú với học trực tuyến của người học là thái độ và cảm nhận thích thú hoặc thú vị với học trực tuyến. Từ hứng thú, người học có thái độ tích cực và chủ động hơn khi tham gia những hoạt động trong quá trình học tập trực tuyến (Chapman và Hassein, 2018). Nhờ sở hữu thái độ tích cực và chủ động trong học tập, nên cũng sẽ tạo ra những tác động tích cực đến chất lượng của việc học tập trực tuyến. Lee (2010) cho rằng, học trực tuyến ngoài tiếp thu kiến thức và kỹ năng còn có nhiều chức năng tương tác xã hội và giải trí và đây sẽ cũng là một trong những nhân tố tạo ra sự hứng thú khi học trực tuyến.

Đặc biệt, những hiểu biết sâu sắc về các nhân tố cụ thể ảnh hưởng đến sự hứng thú trong học tập trực tuyến của người học giúp cho người dạy và người thiết kế chương trình và khoa học nâng cao các phương pháp giảng dạy trực tuyến. Darby và Lang (2019) khẳng định rằng, sự hứng thú của sinh viên khi học trực tuyến là rất quan trọng. Thực tế cho thấy ở các khóa học trực tuyến đang có tỷ lệ bỏ học cao hơn so với truyền thống. Do đó để giải quyết vấn đề này cần tạo cho người học yêu thích các khóa học trực tuyến, nhờ vậy họ có nhiều khả năng tiếp tục tham gia học trực tuyến. Việc hiểu rõ các nhân tố ảnh hưởng đến sự thích thú khi học trực tuyến của người học là nền tảng để thúc đẩy khả năng giữ chân và thành công của người học (Okada và Sheehy, 2020). Từ các lập luận trên, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu sau:

H2: Nhận thức về sự hứng thú có ảnh hưởng tích cực đến Chất lượng học tập trực tuyến

Nền tảng kỹ thuật

Chất lượng học tập trực tuyến còn chịu ảnh hưởng bởi nền tảng kỹ thuật học trực tuyến của người học. Nền tảng kỹ thuật học trực tuyến bao gồm các phần mềm, phương tiện được sử dụng để thực hiện dạy và học trực tuyến. Nền tảng kỹ thuật trong học trực tuyến cần hội tụ những nhân tố, như: có giao diện thân thiện với người dùng, người dùng thao tác dễ dàng trong học tập, tốc độ tải trang nhanh, và cũng cần đáp ứng tốt nhu cầu khác có tính của sinh viên.

Các nhân tố công nghệ là một phần không thể thiếu trong nền tảng học tập trực tuyến. Hệ thống giáo dục đã được thay đổi mạnh mẽ bởi những tiến bộ công nghệ được ứng dụng trong dạy và học. Để khuyến khích sử dụng hệ thống học tập dựa trên công nghệ, các đơn vị đào tạo phải cung cấp quyền truy cập vào tài nguyên học tập mà không gặp bất kỳ thách thức hoặc chậm trễ nào về mặt công nghệ (Almaidah và cộng sự, 2020). Sun và cộng sự (2008) nhận ra rằng, công nghệ kém với các sự cố và vấn đề kỹ thuật xảy ra thường xuyên và thời gian phản hồi của người hỗ trợ kỹ thuật chậm sẽ khiến người học không muốn tham gia các khóa học trực tuyến.

Bên cạnh đó, sự ổn định của đường truyền internet đóng vai trò vô cùng quan trọng vì nó là tạo nên sự kết nối thông suốt giữa người dạy và người học cũng như người học với người hoc (Elumalai và cộng sự, 2020). Trong học trực tuyến, nền tảng kỹ thuật đóng một vai trò quan trọng trong việc học tập. Một hệ thống đào tạo trực tuyến cung cấp nền tảng học tập tốt, đáp ứng đủ nhu cầu người học sẽ góp phần nâng cao chất lượng học tập trực tuyến. Từ các lập luận trên, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu sau:

H3: Nền tảng kỹ thuật có ảnh hưởng tích cực đến Chất lượng học tập trực tuyến

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu gồm 3 biến độc lập: Kinh nghiệm học trực tuyến, Nhận thức về sự hứng thú, Nền tảng kỹ thuật tác động lên 1 biến phụ thuộc là Chất lượng học tập trực tuyến. Mối quan hệ giữa các biến độc lập và phụ thuộc được thể hiện ở Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Tác động của các nhân tố cá nhân người học tới chất lượng học tập trực tuyến
Nguồn: Nhóm tác giả xây dựng

Phương pháp nghiên cứu

Trước khi đi vào nghiên cứu chính thức, một cuộc nghiên cứu thử nghiệm đã được tiến hành trên cơ sở phỏng vấn 5 sinh viên đã học trực tuyến để xem xét độ phù hợp của các chỉ báo đo lường của các biến quan sát trong mô hình. Sau đó, nghiên cứu khảo sát được thực hiện để thu thập dữ liệu nhằm kiểm định các giả thuyết của mô hình nghiên cứu đề xuất. Nghiên cứu chọn tập trung khảo sát là các sinh viên đã tham gia vào các khóa học trực tuyến trong học tiếng Anh để có những thông tin về mức độ ảnh hưởng của các nhân tố cá nhân người học đến chất lượng học trực tuyến đối với ngoại ngữ tiếng Anh. Phiếu khảo sát được lập ở trên Google Form và gửi cho những bạn sinh viên đang học tập tại các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Thời gian khảo sát được tiến hành từ tháng 8-12/2023. Nghiên cứu thu được 158 câu trả lời, sau khi sàng lọc còn lại 136 phiếu hợp lệ (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kiểm định độ tin cậy thang đo

Phân tích độ tin cậy của các biến cấu thành 3 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc cho kết quả đối với tất cả các biến. Các biến phụ thuộc đều có hệ số Cronbach’s Alpha > 0.8 và tương quan biến tổng đáp ứng yêu cầu. Điều này chứng tỏ, tất cả các biến đều được giữ lại cho phần phân tích tiếp theo.

Phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Phân tích EFA được tiến hành với tất cả các biến quan sát. Dựa vào chỉ số KMO = 0.881 > 0.5 và mức ý nghĩa Sig. = 0.000, xác định được mức độ thích hợp của việc phân tích nhân tố. Từ việc phân tích cho thấy, các nhân tố KN1, KN2, KN3, KN4, HT1, HT2, Ht3, HT4, HT5, NT1, NT2, NT3, NT4, NT5 đều > 0.5, vì vậy thỏa mãn.

Tương tự, đối với biến phụ thuộc, hệ số KMO = 0.865 > 0.5 và mức ý nghĩa Sig. bằng 0.000. Hệ số tải của các nhân tố > 0.5, nên có thể đưa ra kết luận là CL1, CL2, CL3, CL4, CL5, CL6, CL7 đều thỏa mãn.

Phân tích tương quan

Phân tích tương quan giữa 3 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc. Với mức ý nghĩa Sig. = 0.000, kết quả cho thấy giữa các biến độc lập (KN, HT, NT) có mối tương quan thuận chiều với biến phụ thuộc (CL) (Bảng 1).

Bảng 1: Phân tích tương quan

Tác động của các nhân tố cá nhân người học tới chất lượng học tập trực tuyến
Nguồn: Phân tích từ dữ liệu nghiên cứu

Phân tích kiểm định giả thuyết qua việc xác định mức độ ảnh hưởng của các 3 biến độc lập đến với biến phụ thuộc.

Bảng 2: Tóm tắt mô hình (Model Summary)

Tác động của các nhân tố cá nhân người học tới chất lượng học tập trực tuyến

Nguồn: Phân tích từ dữ liệu nghiên cứu

Bảng 2 cho thấy, hệ số R2 hiệu chỉnh = 0.602, nghĩa là 62% biến thiên của biến phụ thuộc Chất lượng học tập trực tuyến được giải thích bởi 3 biến độc lập là: Kinh nghiệm học trực tuyến, Nhận thức về sự hứng thú và Nền tảng kỹ thuật.

Phân tích ANOVA cho thấy, sự phù hợp đối với tổng thể mô hình nghiên cứu. Vì chỉ số R2 của tổng thể khác 0, nên mô hình nghiên cứu phù hợp với tổng thể, có nghĩa là các biến độc lập có tác động đến biến phụ thuộc.

Phân tích hồi quy

Phân tích hồi quy tác động của các biến độc lập đến biến phụ thuộc cho kết quả giá trị Tolerance và VIF < 2. Điều này chứng tỏ rằng, vấn đề đa cộng tuyến không có ảnh hưởng đến kết quả phân tích hồi quy. Các nhân tố KN, HT, NT đều có hệ số hồi quy mang dấu dương, nên các biến độc lập đều có ảnh hưởng thuận chiều đối với biến phụ thuộc.

Bảng 3: Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính

Tác động của các nhân tố cá nhân người học tới chất lượng học tập trực tuyến
Nguồn: Phân tích từ dữ liệu nghiên cứu

Ta có phương trình hồi quy tuyến tính như sau:

CL = 0.536 + 0.247*KN + 0.516*HT + 0.103*NT

Dựa vào độ lớn của hệ số hồi quy chuẩn hóa Beta, mức độ tác động của từng nhân tố của biến độc lập tới biến phụ thuộc Chất lượng học tập trực tuyến (CL) được sắp xếp theo thứ tự giảm dần như sau: (1) Nhận thức về sự hứng thú (HT); Kinh nghiệm học trực tuyến (KN); (3) Nền tảng kỹ thuật (NT). Cả ba giả thuyết của mô hình nghiên cứu đều được chấp nhận.

KẾT LUẬN VÀ GIẢI PHÁP

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 3 nhân tố có tác động tích cực tới Chất lượng học tập trực tuyến gồm: Kinh nghiệm học trực tuyến; Nhận thức về sự hứng thú; Nền tảng kỹ thuật của người học.

Một số giải pháp

Vì vậy, để nâng cao chất lượng học trực tuyến, cần phải tác động nâng cao cả 3 nhân tố này của người học.

Nhân tố Nhận thức về sự hứng thú. Nhận thức về sự hứng thú học trực tuyến của là nhân tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến chất lượng học trực tuyến của người học. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của sinh viên về những lợi ích của việc học trực tuyến, như : tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, linh hoạt trong việc học, nâng cao trình độ công nghệ... Để sinh viên có thể tiếp nhận phương pháp học mới, nâng cao sự tò mò, hứng thú đối với cách học mới. Khi có hứng thú học, sinh viên sẽ đầu tư nhiều thời gian, công sức cho việc học, từ đó chất lượng học tập cũng sẽ được nâng cao. Giảng viên cũng cần thay đổi phương pháp giảng dạy để phù hợp với việc học trực tuyến, tạo thu hút và sự hứng thú của sinh viên vào bài giảng. Giảng viên có thể sử dụng các công cụ, nền tảng cùng với những phương pháp giảng dạy thú vị, như: video, postcard, thảo luận... để giúp gia tăng sự chú ý của sinh viên, giúp sinh viên tập trung hơn vào việc học, từ đó nâng cao chất lượng học tập

Nhân tố Kinh nghiệm học trực tuyến. Theo đó, các đơn vị đào tạo cần hình thành kinh nghiệm học trực tuyến cho người học, nhất là người học lần đầu với khóa học trực tuyến của cơ sở. Đối với những người học đã từng trải nghiệm các khóa học trực tuyến cần nắm bắt các vướng mắc hoặc khó khăn trong học. Đây sẽ là cơ sở để các đơn vị đào tạo nghiên cứu để có thể dần khắc phục và cải thiện cho giai đoạn tiếp theo nhằm nâng cao chất lượng học tập trực tuyến. Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo và người dạy có thể đưa ra các cẩm nang hướng dẫn và có những phổ biến và lưu ý phương pháp học tập trực tuyến. Người học buộc phải được huấn luyện về phương pháp học để có được kinh nghiệm về học trực tuyến mới bắt đầu vào học chính thức.

Nhân tố Nền tảng kỹ thuật. Nền tảng kỹ thuật là nhân tố có ảnh hưởng mạnh thứ ba đến chất lượng học trực tuyến. Do đó, đối với người học, cần trang bị cho mình đày đủ các nền tảng kỹ thuật trong học trực tuyến, gồm thiết bị học tập tốt với đường truyền internet mạnh, để hạn chế những vấn đề bất cập trong học và tương tác với giảng viên và những người học khác gây ảnh hưởng tới học tập. Đơn vị đào tạo nên hợp tác với những bên cung cấp nền tảng kỹ thuật đáng tin cậy đề có thể tạo ra phần mềm học trực tuyến và đường truyền đảm bảo được những nhân tố cần thiết cho việc học. Đơn vị đào tạo cũng cần tăng cường nhân viên hỗ trợ kỹ thuật, để có thể giải đáp và đưa ra giải pháp cho những vấn đề kỹ thuật mà sinh viên gặp phải. Đơn vị đào tạo nâng cao nền tảng và hạ tầng kỹ thuật, hạn chế bất cập trong công nghệ và kỹ thuật sẽ giúp người học không bị gián đoạn trong học tập và không ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người học từ đó góp phần nâng cao chất lượng học tập./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Al-Fraihat, D., Joy, M., Masadeh, R., and Sinclair, J. (2020), Evaluating E-learning systems success: an empirical study, Comput. Human Behav, 102, 67-86, doi: 10.1016/j.chb.2019.08.004.

2. Almaiah, M.A., Al-Khasawneh, A., Althunibat, A. (2020), Exploring the critical challenges and factors influencing the E-learning system usage during Covid-19 pandemic, Education and Information Technologies, 25(6), 5261-5280.

3. Darby, F., Lang, J. M. (2019), Small teaching online: applying learning science in online classes, San Francisco: Jossey-Bass.

4. DeLone, W. H., and McLean, E. R. (2003), The DeLone and McLean model of information systems success: a ten-year update, J. Manag. Inf. Syst., 19, 9-30, doi: 10.1080/07421222.2003.11045748.

5. Eom, S. B. (2012), Effects of LMS, self-efficacy, and self-regulated learning on LMS effectiveness in business education, J. Int. Educ. Bus., 5, 129-144, doi: 10.1108/18363261211281744.

6. Elumalai, K. V., Sankar, J. P., R, K., John, J. A., Menon, N., Alqahtani, M. S. N., Abumelha. M. A. (2020), Factors affecting the quality of e-learning during the COVID-19 pandemic from the perspective of higher education students, Journal of Information Technology Education: Research, 19, 731-753.

7. Lee, E. A.-L., Wong, K. W., and Fung, C. C. (2010), How does desktop virtual reality enhance learning outcomes? A structural equation modeling approach, Comput. Educ., 55, 1424–1442.

8. Okada, A., Sheehy, K. (2020), Factors and recommendations to support students’ enjoyment of online learning with fun: a mixed method study during COVID-19, Front. Educ, 5.

9. Patricia Aguilera-Hermida, A. (2020), College students’ use and acceptance of emergency online learning due to COVID-19, Int. J. Educ. Res, Open 1:100011, doi: 10.1016/j.ijedro.2020.100011

10. Sun, P. -C., Tsai, R. J., Finger, G., Chen, Y. -Y., Yeh, D. (2008), What drives a successful e-learning? An empirical investigation of the critical factors influencing learner satisfaction, Computers & Education, 50(4), 1183-1202.

Ngày nhận bài: 31/5/2024; Ngày phản biện: 03/6/2024; Ngày duyệt đăng: 07/6/2024