Tác động của Luật Đất đai 2024 đến thị trường bất động sản Việt Nam
ThS. Nguyễn Minh Hiền
Khoa Tài chính - Ngân hàng, trường Đại học Thương mại
Tóm tắt
Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua vào ngày 18/01/2024 và có hiệu lực từ ngày 01/08/2024, đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong công tác quản lý và sử dụng đất đai tại Việt Nam. Với 16 chương và 260 điều, Luật này không chỉ thay thế Luật Đất đai 2013 mà còn mở ra những quy định mới về giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng, từ đó tác động sâu rộng đến thị trường bất động sản (BĐS). Nghiên cứu này sẽ phân tích các tác động tích cực và tiêu cực của Luật Đất đai 2024 đối với thị trường BĐS Việt Nam. Từ đó, đề xuất các giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội và khắc phục những hạn chế, góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường BĐS Việt Nam trong tương lai.
Từ khóa: Luật Đất đai năm 2024, thị trường bất động sản, giá đất
Summary
The Land Law 2024 was passed by the National Assembly on January 18, 2024, and took effect from August 1, 2024, marking a crucial turning point in land management and use in Vietnam. With 16 chapters and 260 articles, this Law not only replaces the Land Law 2013 but also opens up new regulations on land prices, land use rights auctions, and site clearance, thereby having a profound impact on the real estate market. This study will analyze the positive and negative impacts of the Land Law 2024 on the Vietnamese real estate market. From there, propose solutions to maximize opportunities and overcome limitations, contributing to the sustainable development of the Vietnamese real estate market in the future.
Keywords: Land Law 2024, real estate market, land prices
ĐẶT VẤN ĐỀ
Thị trường BĐS là một phần không thể thiếu trong nền kinh tế của mỗi quốc gia, đặc biệt tại Việt Nam, nơi thị trường này đang có sự phát triển mạnh mẽ trong vài thập kỷ qua. BĐS tại Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển hạ tầng đô thị, tạo ra cơ hội việc làm, mà còn là một kênh đầu tư quan trọng. Các loại hình BĐS phổ biến tại Việt Nam bao gồm: nhà ở, đất đai, khu công nghiệp và khu đô thị.
Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong suốt những năm qua, thị trường BĐS tại Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng đi kèm với những thách thức lớn về quản lý đất đai và sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực. Điều này dẫn đến sự khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch và triển khai các dự án BĐS. Mặc dù vậy, các chính sách và biện pháp quản lý của Nhà nước trong thời gian qua đã phần nào giúp ổn định thị trường BĐS; đặc biệt là thông qua các sửa đổi, bổ sung trong Luật Đất đai và các quy định liên quan. Trong bối cảnh này, Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện môi trường pháp lý cho thị trường BĐS, tạo ra sự minh bạch, ổn định và bền vững.
Mục tiêu của bài viết là phân tích những vấn đề tồn đọng của thị trường BĐS Việt Nam hiện nay và tìm hiểu tác động của Luật Đất đai 2024 đến thị trường BĐS. Từ đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm cải thiện và phát triển bền vững thị trường BĐS trong tương lai.
TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG BĐS VIỆT NAM HIỆN NAY
Trong những năm gần đây, thị trường BĐS đã có sự phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là kể từ năm 2014, sau khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu ổn định trở lại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Về phân khúc nhà ở, đây là phân khúc luôn chiếm ưu thế trong thị trường BĐS Việt Nam. Trên thực tế, nhu cầu nhà ở tại các thành phố lớn luôn rất lớn, đặc biệt là tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nơi dân số tăng nhanh và mức độ đô thị hóa mạnh mẽ. Các phân khúc nhà ở cao cấp, trung cấp và nhà ở xã hội đều có sự phát triển, nhưng phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Các chủ đầu tư chủ yếu tập trung vào việc xây dựng các khu căn hộ cao cấp và chung cư cao tầng; trong khi đó, các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và thủ tục pháp lý. Nguồn cung nhà ở xã hội chỉ đáp ứng được khoảng 12% nhu cầu của người dân có thu nhập thấp tại các thành phố lớn, như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, 2024). Dù Chính phủ đã đưa ra các chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhưng thực tế, các dự án nhà ở này vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho những người lao động có thu nhập thấp, mà còn kéo dài tình trạng thiếu hụt nhà ở tại các khu đô thị lớn.
Đối với thị trường đất nền tại Việt Nam, đây là phân khúc hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Trong những năm qua, đất nền đã trở thành một kênh đầu tư phổ biến nhờ vào tỷ suất sinh lời cao. Tuy nhiên, tình trạng đầu cơ và thổi giá đất đai đã dẫn đến sự mất ổn định trong thị trường này, đặc biệt ở các khu vực ngoài đô thị lớn. Trong giai đoạn 2020-2022, thị trường BĐS Việt Nam đã có tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt tại các thành phố lớn, như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (Vietinbank Securities, 2020). Giá BĐS tại một số khu vực đã tăng trung bình từ 15%-20% so với năm 2020; đặc biệt là đất nền và căn hộ cao cấp (Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS, 2022). Các nhà đầu tư không chỉ mua đất để sử dụng, mà còn nhằm mục đích kiếm lời thông qua việc mua đi bán lại, làm tăng giá đất lên mức không hợp lý . Ví dụ, tại TP. Hồ Chí Minh, giá đất ở các khu vực ven đô đã tăng gấp đôi trong vòng 2 năm, khiến nhiều người dân không thể tiếp cận được nhà ở phù hợp với khả năng tài chính. Các chuyên gia cho rằng, việc thiếu các biện pháp kiểm soát và giám sát thị trường đất nền có thể dẫn đến những biến động giá đất không hợp lý và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường
Thị trường BĐS Việt Nam hiện nay cũng đang phải đối mặt với vấn đề thiếu minh bạch trong các giao dịch. Việc thiếu công khai và minh bạch trong thông tin về các dự án, giá đất đai và quy hoạch đô thị đã dẫn đến tình trạng gian lận, làm cho các nhà đầu tư và người mua gặp nhiều rủi ro. Hơn 30% các giao dịch BĐS trong năm 2021 không có hợp đồng rõ ràng, hoặc các thông tin về dự án và quyền sở hữu đất đai không được công khai đầy đủ. Điều này đã làm giảm lòng tin của nhà đầu tư và người dân đối với thị trường; đồng thời gây khó khăn trong việc phát triển bền vững của thị trường BĐS.
Ngoài ra, nhiều dự án BĐS vẫn gặp phải tình trạng khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường đất đai. Việc đền bù không thỏa đáng và thiếu sự công bằng trong phân bổ tài sản khi thu hồi đất khiến cho các chủ đầu tư và chính quyền gặp khó khăn trong việc triển khai dự án. Do đó, Luật Đất đai 2024 được ban hành với kỳ vọng có thể giải quyết được những vướng mắc còn tồn đọng trên thị trường BĐS.
Các điểm mới trong Luật Đất đai 2024
Luật Đất đai 2024 được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 11/2023 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, được kỳ vọng sẽ đem lại những cải cách mạnh mẽ trong việc quản lý và sử dụng đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong bối cảnh đất đai là tài nguyên quan trọng đối với sự phát triển quốc gia. Luật này thay thế cho Luật Đất đai 2013, với mục tiêu làm cho thị trường BĐS Việt Nam trở nên minh bạch hơn, công bằng hơn và phù hợp hơn với các yêu cầu phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện đại. Luật Đất đai 2024 bao gồm 16 chương và 260 điều, với nhiều điểm mới đáng chú ý. Những điểm mới này không chỉ thay đổi cách thức quản lý đất đai, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến các giao dịch và hoạt động của thị trường BĐS. Một số điểm nổi bật của Luật Đất đai 2024 có thể kể đến bao gồm:
Thứ nhất, một trong những điểm nổi bật của Luật Đất đai 2024 là việc bỏ quy định về khung giá đất và thay thế bằng Bảng giá đất được điều chỉnh hàng năm, nhằm đảm bảo tính thị trường. Điều này có nghĩa là, giá đất không còn bị giới hạn trong một khung giá cố định, mà sẽ phản ánh đúng giá trị thực tế của thị trường. Theo quy định mới, các bảng giá đất sẽ được lập, căn cứ vào nhu cầu, cung cầu và giá đất trên thị trường địa phương từng năm, giúp thị trường BĐS phản ứng nhanh với biến động kinh tế và xã hội. Quy định này được kỳ vọng sẽ giúp giảm tình trạng đầu cơ đất đai, khi giá đất sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo nhu cầu thực tế và các yếu tố thị trường. Việc điều chỉnh giá đất theo thị trường sẽ giúp các chủ đầu tư có thể tính toán chi phí và lợi nhuận hợp lý hơn, đồng thời hạn chế tình trạng đất đai bị “găm giữ” mà không được sử dụng đúng mục đích. Mặc dù quyết định này có thể khiến một số khu vực có giá đất cao, song sẽ giúp thị trường BĐS trở nên minh bạch và công bằng hơn, đồng thời tạo ra cơ hội cho những người có nhu cầu thực tế, đặc biệt là người mua đất ở khu vực nông thôn và vùng ven đô.
Thứ hai, một điểm mới quan trọng khác của Luật Đất đai 2024 là quy định về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với "đất sạch", hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với "đất chưa giải phóng mặt bằng". Điều này thay thế cho phương thức giao đất thông qua thỏa thuận hoặc quyết định hành chính của các cơ quan nhà nước, tạo ra một cơ chế công khai, minh bạch và đảm bảo tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Việc áp dụng phương thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án phát triển sẽ làm giảm tình trạng lợi dụng quyền lực để phân bổ đất đai không minh bạch. Điều này giúp tạo ra một môi trường đầu tư công bằng hơn, đồng thời thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp có năng lực thực sự. Đặc biệt, các chủ đầu tư sẽ có cơ hội mua đất với giá hợp lý và phù hợp với thực tế thị trường, từ đó có thể triển khai dự án nhanh chóng và đạt hiệu quả cao hơn.
Thứ ba, Luật Đất đai 2024 cũng có một quy định đặc biệt nhằm hỗ trợ các dự án xây dựng nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp. Theo đó, Nhà nước sẽ miễn hoặc giảm tiền thuê đất cho các dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho các nhà đầu tư và thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân. Việc miễn, giảm tiền thuê đất cho nhà lưu trú công nhân là một trong những biện pháp thiết thực giúp giảm bớt khó khăn trong việc xây dựng các khu nhà ở cho công nhân, đặc biệt trong các khu công nghiệp lớn, như: Bình Dương, Đồng Nai hay Bắc Ninh. Chính sách này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhận, mà còn giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở cho lực lượng lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp.
Thứ tư, Luật Đất đai 2024 cũng đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất. Trong quá trình thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển, người dân sẽ nhận được bồi thường đầy đủ theo giá trị thị trường. Hơn nữa, các cơ quan chức năng sẽ cung cấp các lựa chọn tái định cư hợp lý hơn cho người dân, từ đó giảm bớt sự khiếu nại và tranh chấp liên quan đến việc thu hồi đất. Việc nâng cao mức bồi thường và hỗ trợ tái định cư sẽ giúp cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, đồng thời làm giảm các tranh chấp trong quá trình giải phóng mặt bằng. Chính sách này không chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, mà còn đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong các dự án phát triển.
TÁC ĐỘNG CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI 2024 ĐẾN THỊ TRƯỜNG BĐS VIỆT NAM
Các điểm mới trong Luật không chỉ mang lại những lợi ích lớn cho thị trường BĐS, mà còn tạo ra một số thách thức trong quá trình thực thi. Việc phân tích tác động tích cực và tiêu cực của Luật Đất đai 2024 đối với thị trường BĐS giúp hiểu rõ hơn về những cơ hội và khó khăn mà thị trường sẽ phải đối mặt trong tương lai.
Các tác động tích cực
Thứ nhất, việc áp dụng Bảng giá đất hàng năm thay vì khung giá đất cố định giúp thị trường BĐS trở nên minh bạch và dễ dàng phản ánh giá trị thực tế của đất đai. Việc sử dụng Bảng giá đất hàng năm giúp các giao dịch đất đai diễn ra công khai hơn, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp và cá nhân tham gia thị trường. Sự cạnh tranh giữa các chủ đầu tư cũng vì vậy mà tăng lên, góp phần giảm thiểu tình trạng đầu cơ đất đai, đồng thời nâng cao tính hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên đất đai.
Thứ hai, quy định miễn, giảm tiền thuê đất cho các dự án xây dựng nhà lưu trú công nhận. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội và lưu trú cho công nhân sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Chỉ tính riêng trong năm 2023, khu vực các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bắc Ninh đã có sự gia tăng mạnh mẽ trong nhu cầu nhà ở cho công nhận; do đó, việc miễn, giảm tiền thuê đất sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho các chủ đầu tư, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các dự án nhà ở xã hội, nâng cao chất lượng sống cho lực lượng lao động.
Thứ ba, việc áp dụng quy định về đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các khu đất chưa giải phóng mặt bằng sẽ giúp tạo ra một môi trường công khai, minh bạch trong việc phân bổ đất đai. Các doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền sử dụng đất sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn đất đai chất lượng hơn, đồng thời giảm thiểu tình trạng “thổi giá” hoặc phân bổ đất đai thiếu minh bạch. Điều này không chỉ giúp các dự án BĐS triển khai nhanh chóng và hiệu quả, mà còn giảm thiểu các rủi ro phát sinh từ việc thiếu công khai trong quản lý đất đai.
Thứ tư, với quy định rõ ràng về bồi thường đất đai theo giá trị thị trường, Luật Đất đai 2024 giúp người dân bị thu hồi đất nhận được mức bồi thường hợp lý. Đồng thời, việc bảo vệ quyền lợi của người dân sẽ giúp giảm tình trạng khiếu nại và tranh chấp trong quá trình thu hồi đất.
Các tác động tiêu cực
Mặc dù các quy định mới mang lại tính minh bạch và công bằng, nhưng việc áp dụng đấu giá và đấu thầu quyền sử dụng đất có thể làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp BĐS, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Các doanh nghiệp này sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để tham gia đấu giá và nếu không thành công, họ có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn đất đai phù hợp. Điều này có thể làm tăng giá thành các dự án và làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp này, đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp lớn có lợi thế hơn khi tham gia đấu giá.
Việc bỏ khung giá đất và chuyển sang áp dụng bảng giá đất hàng năm dẫn đến sự biến động lớn về giá đất, đặc biệt là ở các khu vực có nhu cầu cao. Việc thiếu các cơ chế kiểm soát và giám sát hiệu quả trong việc điều chỉnh giá đất có thể tạo ra những hiện tượng đầu cơ và đẩy giá đất vượt khỏi tầm kiểm soát của thị trường, gây khó khăn cho các nhà đầu tư thực sự và người dân trong việc tiếp cận thị trường. Điều này đặc biệt rõ ràng ở các khu vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, nơi mà đất đai có thể bị đẩy giá lên cao một cách không hợp lý.Việc tăng giá đất đột ngột có thể gây khó khăn cho các gia đình có nhu cầu mua đất ở và các doanh nghiệp có kế hoạch phát triển dự án nhà ở giá rẻ.
Việc chuyển đổi sang các quy định mới của Luật Đất đai 2024 sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định. Thời gian chuyển đổi và triển khai các quy định mới sẽ cần một thời gian dài và có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp chưa chuẩn bị sẵn sàng. Các thủ tục hành chính có thể vẫn còn cồng kềnh và thiếu đồng bộ ở các cơ quan nhà nước, dẫn đến việc chậm trễ trong việc triển khai các dự án BĐS và tăng chi phí hành chính cho các chủ đầu tư.
Mặc dù việc bồi thường đất đai theo giá trị thị trường giúp người dân nhận được khoản bồi thường hợp lý, nhưng đối với các chủ đầu tư, việc này có thể làm tăng chi phí triển khai dự án, đặc biệt là tại các khu vực có giá trị đất đai cao. Tại một số khu vực như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chi phí bồi thường có thể vượt quá ngân sách dự kiến của các dự án, khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án đúng tiến độ.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP ĐỂ THỊ TRƯỜNG BĐS PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ HIỆU QUẢ HƠN
Luật Đất đai 2024 được thông qua với nhiều điểm mới quan trọng, nhằm tạo ra một môi trường pháp lý ổn định và minh bạch hơn cho thị trường BĐS (BĐS) tại Việt Nam. Tuy nhiên, để thị trường BĐS phát triển bền vững và hiệu quả hơn, nên có thêm các biện pháp bổ sung và cải tiến. Các khuyến nghị dưới đây sẽ giúp cải thiện thị trường BĐS sau khi Luật Đất đai 2024 được áp dụng, hướng tới sự phát triển lành mạnh và bền vững của Thị trường.
Thứ nhất, tăng cường hỗ trợ DNNVV. Các DNNVV thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu vốn đầu tư và kỹ thuật khi áp dụng các quy định mới trong Luật Đất đai 2024. Để giúp các doanh nghiệp này thích nghi, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ tài chính, như: cung cấp tín dụng ưu đãi hoặc bảo lãnh vay vốn cho DNNVV. Các DNNVV trong ngành BĐS đã tiếp cận tín dụng một cách hạn chế, với tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ được vay vốn chỉ chiếm khoảng 30% tổng số doanh nghiệp trong ngành. Do đó, việc cải thiện tiếp cận tín dụng là cần thiết để các doanh nghiệp có thể tham gia đấu giá đất đai và đầu tư vào các dự án BĐS, đặc biệt là những dự án nhà ở xã hội và lưu trú công nhân. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần hỗ trợ các DNNVV về đào tạo kỹ năng quản lý dự án, giúp họ hiểu rõ hơn về quy trình đấu giá quyền sử dụng đất, các thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng và việc thực hiện các dự án BĐS đúng theo các quy định của Luật Đất đai 2024.
Thứ hai, tăng cường minh bạch và công bằng trong quá trình đấu giá đất đai. Một trong những điều quan trọng trong việc triển khai Luật Đất đai 2024 là đảm bảo quá trình đấu giá và đấu thầu quyền sử dụng đất được thực hiện một cách minh bạch và công bằng. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất đai và lãng phí tài nguyên đất đai. Tình trạng thiếu minh bạch trong quá trình phân bổ đất đai là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển không bền vững của thị trường BĐS. Do đó, việc áp dụng các quy trình đấu giá công khai và minh bạch sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro và tạo ra một thị trường BĐS phát triển lành mạnh. Các cơ quan chức năng cần đảm bảo rằng, việc đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện công khai, thông qua các nền tảng trực tuyến để tất cả các bên tham gia đều có thể theo dõi quá trình này. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng lạm dụng quyền lực, mà còn đảm bảo tính công bằng trong phân bổ tài nguyên đất đai.
Thứ ba, đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp. Việc triển khai các quy định mới của Luật Đất đai 2024 đòi hỏi cán bộ quản lý và các doanh nghiệp phải có đủ năng lực để thực thi đúng đắn các quy định này. Chính vì vậy, cần tổ chức các khóa đào tạo về các quy định mới của Luật để nâng cao năng lực cho cán bộ nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS. Các chương trình đào tạo cần tập trung vào các lĩnh vực như: quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất và các thủ tục hành chính liên quan đến dự án BĐS.
Thứ tư, cải thiện công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường. Một trong những yếu tố quan trọng giúp các dự án BĐS triển khai nhanh chóng là công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường hợp lý cho người dân. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, chủ đầu tư và người dân trong việc thu hồi đất. Các cơ quan chức năng cần xây dựng một quy trình giải phóng mặt bằng rõ ràng, công bằng và minh bạch; đồng thời đảm bảo các khoản bồi thường hợp lý cho người dân. Tỷ lệ khiếu nại về bồi thường đất đai chiếm tới hơn 60% tổng số vụ việc liên quan đến đất đai trong các năm gần đây(Thanh tra tỉnh Bình Dương, 2022). Việc cải thiện công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng sẽ giúp các chủ đầu tư tránh được các tranh chấp pháp lý, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án BĐS.
Thứ năm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Để giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn và cải thiện tính minh bạch trong các giao dịch đất đai, các cơ quan nhà nước cần đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể, các cơ quan quản lý cần cải tiến quy trình cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các thủ tục liên quan đến dự án BĐS. Thời gian trung bình để hoàn thành các thủ tục hành chính về đất đai tại Việt Nam lên tới 60 ngày, trong khi các quốc gia trong khu vực chỉ mất khoảng 30 ngày (Nghị định 102/2024/NĐ-CP, 2024). Việc cải thiện và đơn giản hóa thủ tục sẽ giúp các chủ đầu tư tiết kiệm thời gian và giảm chi phí, từ đó thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của thị trường BĐS./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Xây dựng (2023), Báo cáo tình hình nhà ở và thị trường bất động sản.
2. Bùi Hữu Toàn (2025), Tác động của Luật Đất đai năm 2024 đối với hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, tháng 2/2025.
3. Chính phủ (2024), Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai
4. Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) (2022), Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam.
5. Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) (2024), Khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
6. Phạm Quốc Duẩn (2024), Vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế và giải pháp ổn định thị trường tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 10.
7. Quốc hội (2024), Luật Đất đai năm 2024.
8. Trang thông tin điện tử Thanh tra tỉnh Bình Dương (2022), Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai dự báo sẽ “tiếp tục là điểm nóng”, truy cập tại https://thanhtra.binhduong.gov.vn/Chi-tiet-tin-tuc/3/5265.
9. Vietinbank Securities (2020), Báo cáo ngành Bất động sản 2020.
Ngày nhận bài: 13/01/2025; Ngày phản biện: 03/02/2025; Ngày duyệt đăng: 18/02/2025 |
Bình luận