Tác động của phát triển tài chính đến phát triển bền vững tại các quốc gia châu Á
Trần Thị Lệ Hiền (Tác giả liên hệ)
Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
Phạm Thị Tường Vân
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Email: hienttl@huit,edu.vn
Tóm tắt
Nghiên cứu này phân tích tác động của phát triển tài chính đến phát triển bền vững tại 44 quốc gia châu Á trong giai đoạn 2007-2023, bằng mô hình hồi quy GMM hệ thống. Kết quả cho thấy, phát triển tài chính có ảnh hưởng tích cực và mạnh mẽ đến phát triển bền vững, đồng thời các yếu tố kiểm soát như độ mở thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, tốc độ đô thị hóa và lạm phát cũng có tác động đáng kể. Hệ thống tài chính phát triển không chỉ giúp phân bổ vốn hiệu quả vào các dự án xanh, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn, mà còn tạo điều kiện cho đổi mới công nghệ và đầu tư bền vững. Tuy nhiên, tác động của các yếu tố như FDI và đô thị hóa phụ thuộc vào chính sách kiểm soát và định hướng phát triển từng quốc gia.
Từ khóa: Phát triển tài chính, phát triển bền vững, châu Á, tài chính xanh, tài chính bền vững
Summary
The study employs a system GMM regression model to analyze the impact of financial development on sustainable development across 44 Asian countries during the 2007-2023 period. The results indicate that financial development has a positive and significant effect on sustainable development. Additionally, control variables such as trade openness, foreign direct investment (FDI), urbanization rate, and inflation demonstrate notable influences. A well-developed financial system not only facilitates efficient capital allocation to green projects and supports long-term growth but also fosters technological innovation and sustainable investment. However, the effects of factors such as FDI and urbanization depend on the regulatory policies and development orientations of each country.
Keywords: Financial development, sustainable development, Asia, green finance, sustainable finance
GIỚI THIỆU
Phát triển tài chính được hiểu là quá trình cải thiện các thể chế, công cụ và thị trường tài chính nhằm nâng cao hiệu quả phân bổ vốn, giảm chi phí giao dịch và rủi ro tài chính. Hệ thống tài chính phát triển không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững bằng cách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực xã hội và môi trường.
Trên phương diện lý thuyết, phát triển tài chính có thể tác động đến phát triển bền vững thông qua ba kênh chính: Phát triển tài chính có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo điều kiện để đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế xã hội và môi trường, góp phần vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; Phát triển tài chính có thể giúp giảm bất bình đẳng thu nhập bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các nhóm yếu thế, tạo điều kiện cho họ tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội; Phát triển tài chính có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và các hoạt động bảo vệ môi trường thông qua việc cung cấp các công cụ tài chính thúc đẩy đầu tư vào công nghệ sạch; và khuyến khích đầu tư vào các dự án bền vững góp phần nâng cao hiệu quả năng lượng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Do đó, cả quy mô lẫn hiệu quả và cấu trúc của hệ thống tài chính đều có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia châu Á.
Mặc dù có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa phát triển tài chính và phát triển bền vững, tác động cụ thể của phát triển tài chính lên phát triển bền vững vẫn chưa được làm sáng tỏ, do có sự khác biệt giữa các quốc gia về mức độ phát triển tài chính, chính sách điều tiết và mức độ hội nhập kinh tế. Ngoài ra, các nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng phát triển tài chính có thể có cả tác động tích cực và tiêu cực đến phát triển bền vững.
Như vậy, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức lớn về tài chính, môi trường và xã hội, nghiên cứu về tác động của phát triển tài chính đến phát triển bền vững là cần thiết để cung cấp các bằng chứng thực nghiệm giúp định hướng chính sách phát triển bền vững. Theo đó, kết quả nghiên cứu không chỉ đóng góp vào cơ sở lý thuyết mà còn mang lại các hàm ý chính sách quan trọng cho các quốc gia trong việc thiết kế các chiến lược tài chính nhằm thúc đẩy phát triển bền vững một cách hiệu quả tại châu Á.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Thuyết trung gian tài chính và thị trường tài chính
Lý thuyết trung gian tài chính là nền tảng của phát triển tài chính, nhấn mạnh vai trò của các định chế tài chính trong việc giảm bất cân xứng thông tin và chi phí giao dịch. Bất cân xứng thông tin có thể gây thất bại thị trường, dẫn đến lựa chọn bất lợi và làm mất ổn định các thị trường, từ đó đặt ra yêu cầu về các cơ chế điều tiết nhằm minh bạch hóa thông tin. Người vay thường có lợi thế thông tin hơn người cho vay, làm gia tăng rủi ro thị trường. Trung gian tài chính không chỉ giúp giảm rủi ro thanh khoản, chi phí giám sát mà còn nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro tổng thể.
Bên cạnh đó, chi phí giao dịch cao, đặc biệt với các khoản vay nhỏ, được coi là rào cản lớn đối với phát triển tài chính. Sự phát triển nhanh của hệ thống tài chính phụ thuộc nhiều vào khả năng tách biệt chức năng tiết kiệm và đầu tư. Các hình thức đổi mới như huy động vốn cộng đồng đã mở rộng khả năng tiếp cận tài chính toàn diện, dù tác động này rõ nét hơn ở các quốc gia thu nhập cao. Tuy nhiên, trung gian tài chính vẫn đối mặt với rủi ro đạo đức và khó khăn trong việc cung cấp tín dụng cho nhóm thu nhập thấp do thiếu tài sản đảm bảo. Khung pháp lý phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro này, đồng thời mở rộng hoạt động ngân hàng vi mô, đặc biệt tại các khu vực kém phát triển. Điều chỉnh lãi suất hợp lý đã giúp cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng ở nhiều khu vực, đồng thời củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính và thúc đẩy tài chính toàn diện.
Song song với trung gian tài chính, thị trường tài chính cũng góp phần thúc đẩy phát triển bền vững thông qua việc phân bổ vốn hiệu quả vào các dự án xanh như năng lượng tái tạo. Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán từ thập niên 1980, với sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế, đã đóng góp lớn vào việc huy động và phân bổ vốn trong nền kinh tế. Gần đây, sự nổi lên của công nghệ tài chính (FinTech), công ty công nghệ lớn (BigTech) và các sản phẩm tài chính phi tập trung (DeFi) đặt ra yêu cầu cần điều chỉnh chính sách nhằm cân bằng giữa việc thúc đẩy đổi mới và bảo vệ sự ổn định của hệ thống trung gian truyền thống. Các đổi mới tài chính giúp giảm chi phí giao dịch và mở rộng tiếp cận tài chính, nhưng cũng làm tăng các rủi ro liên quan đến xác minh danh tính (KYC), chống rửa tiền (AML) và an toàn bảo mật. Việc xây dựng khung pháp lý hiệu quả là cần thiết để đảm bảo đổi mới tài chính diễn ra trong một môi trường an toàn và ổn định. Đồng thời, sự trỗi dậy của tiền mã hóa cũng đang làm thay đổi cách thức phân bổ vốn và định giá tài sản trên toàn cầu.
Cuối cùng, trung gian tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm bất bình đẳng, nhưng cần đảm bảo sự cân đối giữa tài chính và kinh tế thực nhằm tránh nguy cơ khủng hoảng. Sự ổn định tài chính là điều kiện thiết yếu để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Lý thuyết hòa nhập tài chính
Lý thuyết hòa nhập tài chính phát triển từ khái niệm loại trừ tài chính, đề cập đến những rào cản khiến một bộ phận dân cư không thể tiếp cận dịch vụ tài chính, từ đó gây ra bất lợi về kinh tế - xã hội. Hòa nhập tài chính không chỉ đơn thuần là việc mở tài khoản ngân hàng, mà còn bao gồm tài chính số như ví điện tử, thanh toán điện tử và tiền di động, giúp giảm chi phí giao dịch và mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho các nhóm yếu thế. Bốn yếu tố cốt lõi trong lý thuyết này gồm: (i) tài khoản tài chính giúp quản lý rủi ro và đầu tư; (ii) thanh toán số thúc đẩy tham gia tài chính chính thức; (iii) tài chính số tăng quyền kinh tế cho phụ nữ; và (iv) tiếp cận tài chính góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Hòa nhập tài chính được xem là đối trọng với loại trừ tài chính, nhằm phổ cập dịch vụ tài chính cho người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương.
Hòa nhập tài chính giúp thu hẹp bất bình đẳng thu nhập thông qua việc tạo cơ hội kinh tế, nâng cao năng lực tài chính và cải thiện chất lượng sống. Tác động của hòa nhập tài chính đối với phát triển bền vững thể hiện trên ba phương diện: gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho các hoạt động đầu tư bền vững; có tác động khác biệt, tích cực đối với năng lượng tái tạo nhưng tiêu cực đối với năng lượng hóa thạch; và đòi hỏi việc điều chỉnh chính sách tài chính toàn diện gắn với hệ thống kinh tế - xã hội hiện có
Mô hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu
Mô hình nghiên cứu
Mô hình được xây dựng dựa trên nền tảng lý thuyết kinh tế và các nghiên cứu thực nghiệm liên quan đến mối quan hệ giữa tài chính và phát triển bền vững, tạo cơ sở tin cậy cho việc lựa chọn áp dụng trong nghiên cứu này.
SDGsi,t = α0 + α1xSDGsi,t-1 + α2xFDi,t + α3xTOPi,t + α4xFDIi,t + α5xUBAi,t + α6xINFi,t + εi,t (1)
Để kiểm chứng các giả thuyết nghiên cứu đã nêu, nghiên cứu thu thập dữ liệu về các chỉ số phát triển tài chính và phát triển bền vững của 44 quốc gia châu Á trong giai đoạn 2007-2023. Các biến số cụ thể được trình bày chi tiết trong Bảng 1.
Bảng 1: Bảng tổng hợp các biến nghiên cứu đưa vào mô hình chính
Loại biến |
Ký hiệu |
Tên biến |
Đơn vị tính |
Nguồn dữ liệu |
Công thức tính |
Biến phụ thuộc |
SDG |
Phát triển bền vững |
0-100 |
UNECE (2009), Sachs và cộng sự (2024) |
PCA, 125 chỉ số của 17 nội dung phát triển bền vững |
Biến độc lập |
FD |
Phát triển tài chính |
0-1 |
IMF |
PCA, ba khía cạnh: quy mô tài chính, khả năng tiếp cận và hiệu quả |
Biến kiểm soát |
TOP |
Độ mở thương mại |
% |
WB |
(Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa + Tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa) / GDP * 100% |
FDI |
Đầu tư trực tiếp nước ngoài |
% |
(Tổng vốn FDI ròng / GDP) * 100% |
||
UBA |
Tốc độ đô thị hóa |
% |
(Dân số đô thị t - Dân số đô thị t-1 ) * 100%/ Dân số đô thị t-1 |
||
INF |
Lạm phát |
% |
(Chỉ số giá tiêu dùng t- Chỉ số giá tiêu dùng t-1)* 00%/ Chỉ số giá tiêu dùng t-1 |
Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu khai thác dữ liệu bảng từ 44 quốc gia trong giai đoạn 2007-2023 và xây dựng mô hình hồi quy động phù hợp với mục tiêu đề ra. Dữ liệu nghiên cứu bao gồm chỉ số phát triển tài chính tổng hợp, chỉ số phát triển bền vững cùng các biến kiểm soát như độ mở thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, tốc độ đô thị hóa và lạm phát, được thu thập từ World Bank và UNECE.
Quy trình phân tích dữ liệu được thực hiện chặt chẽ qua nhiều bước. Đầu tiên, phân tích thống kê mô tả và kiểm định đa cộng tuyến (VIF) được thực hiện để đánh giá đặc điểm dữ liệu và kiểm tra mối quan hệ giữa các biến. Tiếp theo, nghiên cứu tiến hành kiểm định phụ thuộc chéo (CD test) và kiểm định đơn vị gốc (LLC, IPS, CIPS) nhằm đảm bảo tính ổn định của chuỗi thời gian bảng. Sau đó, phương pháp hồi quy GMM hệ thống được áp dụng để xử lý các vấn đề nội sinh, tự tương quan và phương sai thay đổi. Các kiểm định Hansen, AR(1) và AR(2) được sử dụng để đánh giá tính phù hợp và độ tin cậy của mô hình.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Kết quả kiểm định thống kê mô tả
Bảng 2: Bảng tóm tắt kết quả thống kê
Biến |
Số quan sát |
Giá trị trung bình |
Độ lệch chuẩn |
Giá trị nhỏ nhất |
Giá trị lớn nhất |
SDG |
748 |
65.01 |
6.782 |
36.6 |
79.869 |
FD |
748 |
0.371 |
0.2 |
0.07 |
0.93 |
TOP |
748 |
88.685 |
56.86 |
1.043 |
437.327 |
FDI |
748 |
5.582 |
20.939 |
-101.833 |
279.361 |
UBA |
748 |
59.285 |
24.676 |
15.781 |
100 |
INF |
748 |
7.001 |
13.367 |
-28.76 |
150.001 |
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả
Bảng 2 mô tả đặc điểm của các biến trong mô hình nghiên cứu giai đoạn 2007 - 2023. Biến phụ thuộc SDG có giá trị trung bình 65.01, độ lệch chuẩn 6.782, phân phối hơi lệch trái và nhọn, phản ánh mức độ phát triển bền vững khác nhau giữa các quốc gia. Biến độc lập FD có trung bình 0.371, độ lệch chuẩn 0.2, phân phối hơi lệch phải, cho thấy sự chênh lệch mức độ phát triển tài chính giữa các nước. Các biến kiểm soát như TOP và FDI có độ lệch chuẩn và độ lệch phân phối cao, đặc biệt FDI có sự phân tán rất lớn và nhiều ngoại lệ. UBA phân phối gần đối xứng, trong khi INF lệch phải mạnh với nhiều ngoại lệ.
Ma trận hệ số tương quan và đa cộng tuyến
Bảng 3 cho thấy, FD có tương quan dương 0.367 với SDG ở mức ý nghĩa 0.000, phản ánh tác động tích cực nhưng không quá mạnh. Các biến kiểm soát như TOP (0.171) và UBA (0.254) cũng có tương quan dương với SDG, trong khi FDI có tương quan yếu (0.099) và INF có tương quan âm nhẹ (-0.041, không ý nghĩa). Kết quả cũng cho thấy, phát triển tài chính, thương mại và đô thị hóa góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, nhưng mức độ tác động còn phụ thuộc vào các yếu tố chất lượng và bối cảnh từng quốc gia.
Bảng 3: Kết quả kiểm định tương quan
Biến |
(1) |
(2) |
(3) |
(4) |
(5) |
(6) |
(1) SDG |
1.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(2) FD |
0.367 |
1.000 |
|
|
|
|
|
(0.000) |
|
|
|
|
|
(3) TOP |
0.171 |
0.263 |
1.000 |
|
|
|
|
(0.000) |
(0.000) |
|
|
|
|
(4) FDI |
0.099 |
0.091 |
0.198 |
1.000 |
|
|
|
(0.007) |
(0.013) |
(0.000) |
|
|
|
(5) UBA |
0.254 |
0.664 |
0.313 |
0.059 |
1.000 |
|
|
(0.000) |
(0.000) |
(0.000) |
(0.109) |
|
|
(6) INF |
-0.041 |
-0.139 |
-0.083 |
-0.040 |
-0.056 |
1.000 |
|
(0.264) |
(0.000) |
(0.023) |
(0.276) |
(0.126) |
|
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả
Số liệu Bảng 4 cho thấy, tất cả các biến trong mô hình có VIF nhỏ hơn 10, với giá trị trung bình 1.394, khẳng định không có hiện tượng đa cộng tuyến nghiêm trọng. phát triển tài chính có VIF cao hơn các biến kiểm soát, phù hợp vì đây là biến chính trong nghiên cứu.
Bảng 4: Kết quả kiểm tra VIF
Giá trị VIF của các biến gốc |
||
Biến |
VIF |
1/VIF |
FD |
1.84 |
0.543852 |
UBA |
1.87 |
0.535527 |
TOP |
1.16 |
0.863202 |
FDI |
1.04 |
0.957288 |
INF |
1.03 |
0.974456 |
VIF trung bình |
1.39 |
|
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả
Bảng 5 trình bày kết quả kiểm định tính dừng của dữ liệu bằng kiểm định CIPS. Dựa vào giá trị tới hạn ở mức ý nghĩa 1%, 5% và 10% (-2.03, -2.11, -2.25), ta có thể kết luận về tính dừng của từng biến. Cụ thể, các biến FD, FDI và INF dừng tại mức gốc (I(0)); SDG và TOP dừng sau khi lấy sai phân bậc 1 (I(1)); biến UBA chỉ dừng sau khi lấy sai phân bậc 2 (I(2)).
Bảng 5: Bảng kết quả kiểm định CIPS
Biến |
Mức gốc |
Sai phân bậc 1 |
Sai phân bậc 2 |
Diễn giải |
SDG |
-1.911 |
-3.432 |
|
l(1) |
FD |
-2.268 |
|
|
l(0) |
TOP |
-1.668 |
-3.588 |
|
l(1) |
FDI |
-2.756 |
|
|
l(0) |
UBA |
-0.046 |
0.047 |
-2.938 |
l(2) |
INF |
-2.606 |
-3.432 |
|
l(0) |
Các giá trị tới hạn (1% 5% 10%) = -2.03; -2.11; -2.25 |
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả
Kết quả hồi quy
Kết quả kiểm định Breusch-Pagan cho thấy, mô hình OLS tồn tại phương sai không đồng nhất (p = 0.00), trong khi REM kiểm soát tốt hơn vấn đề này. Kiểm định Wooldridge cho thấy, không có tự tương quan trong mô hình, đảm bảo sự ổn định sơ bộ của các ước lượng. Kiểm định Hausman cho thấy, RE phù hợp hơn FE, và GLS phù hợp hơn PCSE trong điều kiện phương sai thay đổi nhẹ. Tuy nhiên, kiểm định Durbin-Wu-Hausman chỉ ra rằng các biến FDI và ddUBA có khả năng nội sinh (p < 0.05), cho thấy tồn tại mối quan hệ hai chiều hoặc yếu tố ẩn ảnh hưởng đến các biến này. Điều này khiến các phương pháp ước lượng thông thường như OLS, FE, RE không còn đảm bảo tính hiệu quả và không chệch.
Bảng 6: Tác động của phát triển tài chính đến phát triển bền vững
Biến |
Hệ số |
Giá trị t |
Giá trị p |
Sig |
|
FD |
2.705 |
43.85 |
0.000 |
*** |
|
dTOP |
-0.007 |
-8.13 |
0.000 |
*** |
|
FDI |
0.002 |
35.99 |
0.000 |
*** |
|
ddUBA |
0.101 |
1.98 |
0.054 |
* |
|
INF |
-0.014 |
-13.69 |
0.000 |
*** |
|
*** p<.01, ** p<.05, * p<.1 |
|||||
Giá trị trung bình của biến phụ thuộc |
0.440 |
||||
Số quan sát |
660 |
||||
Số quốc gia |
44 |
||||
Số công cụ |
42 |
||||
Giá trị p (AR (1)) |
0.000 |
||||
Giá trị p (AR (2)) |
0. 207 |
||||
Giá trị p (Hansen J) |
0.249 |
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả
Số liệu (Bảng 6) cho thấy, phát triển tài chính có tác động tích cực rất mạnh đến phát triển bền vững (hệ số 2.705, p = 0.000). FDI cũng ảnh hưởng tích cực (hệ số 0.002, p = 0.000), trong khi độ mở thương mại (dTOP) và lạm phát (INF) tác động tiêu cực đến phát triển bền vững. Đô thị hóa (ddUBA) có ảnh hưởng tích cực nhẹ (hệ số 0.101, p = 0.054). Kiểm định Hansen J (p = 0.249) và AR(2) (p = 0.207) xác nhận mô hình GMM hệ thống phù hợp, đảm bảo tính vững trước các vấn đề nội sinh và tự tương quan.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu khẳng định rằng, phát triển tài chính có ảnh hưởng tích cực đến phát triển bền vững. Một hệ thống tài chính phát triển giúp phân bổ vốn hiệu quả hơn, thúc đẩy đầu tư vào các dự án xanh và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn. Các cơ chế tài chính hiệu quả còn tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào ngành công nghiệp xanh và hạ tầng bền vững, cải thiện khả năng tiếp cận vốn, khuyến khích đổi mới công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch, tối ưu hóa quy trình sản xuất nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, các yếu tố như độ mở thương mại, FDI, đô thị hóa và lạm phát cũng định hình quá trình phát triển bền vững theo những cách khác nhau. Hội nhập thương mại có thể giúp nâng cao tiêu chuẩn môi trường nếu đi kèm chính sách đúng hướng. FDI mang lại nguồn lực và công nghệ nhưng cần cơ chế kiểm soát để tránh khai thác tài nguyên quá mức. Đô thị hóa hỗ trợ tăng trưởng khi gắn với quy hoạch xanh; ngược lại, nếu không kiểm soát tốt sẽ gây áp lực lên hạ tầng và môi trường. Lạm phát cao, nếu kéo dài, có thể làm xói mòn động lực đầu tư dài hạn vào các dự án bền vững.
Từ kết quả nghiên cứu có thể đưa ra một số hàm ý chính sách nhằm thúc đẩy phát triển tài chính gắn với phát triển bền vững tại khu vực các quốc gia Châu Á như sau.
Thứ nhất, cần xây dựng hệ thống tài chính định hướng bền vững, kết hợp cải thiện khuôn khổ pháp lý, phát triển ngân hàng xanh, cơ chế bảo lãnh tín dụng xanh, và mở rộng tài chính bao trùm. Thị trường vốn cần thúc đẩy trái phiếu xanh, cổ phiếu ESG, chuẩn hóa báo cáo bền vững và kiểm soát hành vi “greenwashing”. Ứng dụng fintech và công nghệ số vào tài chính xanh cũng là xu hướng tất yếu.
Thứ hai, cần tăng cường giáo dục tài chính và mở rộng tài chính số để nâng cao nhận thức cộng đồng về đầu tư bền vững, đặc biệt cho nhóm thu nhập thấp, vùng sâu vùng xa.
Thứ ba, chính sách tài chính phải gắn chặt với kiểm soát dòng vốn FDI bền vững, thúc đẩy thương mại xanh thông qua các hiệp định có điều khoản môi trường, và phát triển công cụ tài chính địa phương như trái phiếu xanh đô thị để quản lý áp lực từ đô thị hóa.
Thứ tư, chính sách tiền tệ và tài khóa cần tích hợp yếu tố ổn định giá cả vào chiến lược tài chính xanh, như triển khai các “cửa sổ tín dụng xanh chống chu kỳ” nhằm duy trì dòng vốn bền vững ngay cả trong giai đoạn kinh tế biến động./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hunjra, A. I., Azam, M., Bruna, M. G., and Taskin, D. (2022). Role of financial development for sustainable economic development in low middle income countries, Finance Research Letters, 47, 102793. https://doi.org/10.1016/j.frl.2022.102793.
2. Kong, Y., Ntarmah, A. H., Cobbinah, J., and Menyah, M. V. (2020). The Impacts of Banking System Stability on Sustainable Development: Conditional Mean-Based and Parameter Heterogeneity Approaches, International Journal of Management, 7(9), 482–505.
3. Levine, R. (2005). Chapter 12 Finance and Growth: Theory and Evidence, In Deleted Journal (865–934). https://doi.org/10.1016/s1574-0684(05)01012-9.
4. Li, C., Zhao, G., Koh, K. P., Xu, Z., Yue, M., Wang, W., Tan, Y., and Wu, L. (2024). Impact of China’s financial development on the sustainable development goals of the Belt and Road Initiative participating countries, Humanities and Social Sciences Communications, 11(1). https://doi.org/10.1057/s41599-024-02791-2.
5. Petrović, P., and Lobanov, M. M. (2021). Impact of financial development on CO2 emissions: improved empirical results, Environment, Development and Sustainability, 24(5), 6655–6675. https://doi.org/10.1007/s10668-021-01721-5.
6. Sachs, J. D., Lafortune, G., & Fuller, G. (2024). Sustainable development report 2024. https://dashboards.sdgindex.org/
7. Zioło, M., Bąk, I., Spoz, A., Oesterreich, M., Niedzielski, P., and Raczkowski, K. (2023). Relationship between sustainable development and financial development from the perspective of the European green economy, Fuzzy approach. Frontiers in Environmental Science, 11. https://doi.org/10.3389/fenvs.2023.1244119
Bình luận