Tái cơ cấu làm giảm vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng
Giảm vốn điều lệ do mua ngân hàng 0 đồng
Tuy nhiên nếu so với cuối năm 2014, vốn điều lệ của toàn hệ thống vẫn tăng 9.646 tỷ đồng, tương đương tăng 2,21%.
Nguyên nhân vốn điều lệ giảm so với tháng 6 chủ yếu do vốn điều lệ của khối ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước giảm 4.477 tỷ đồng, từ mức 149.453 tỷ đồng xuống còn 144.976 tỷ đồng. Lý do là vì điều chỉnh giảm vốn điều lệ của một ngân hàng trong nhóm tái cơ cấu.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng: Ngân hàng Xây Dựng (VNCB), Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPbank). Trong đó vốn điều lệ của VNCB giảm còn 3.000 tỷ đồng thay vì mức 7.500 tỷ đồng như trước đó. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sự điều chỉnh trên. Khối NHTM nhà nước có thêm những thành viên mới, đồng nghĩa với khối NHTM cổ phần giảm đi, cũng là thay đổi quy mô vốn giữa hai khối.
Vì vậy, nên dù vốn điều lệ của khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài tăng 1.104 tỷ đồng lên 90.559 tỷ đồng; khối tổ chức tín dụng hợp tác tăng 22 tỷ đồng lên 5.505 tỷ đồng, thì tính chung vốn điều lệ của toàn hệ thống vẫn giảm.
Ngoài những nguyên nhân trên, hiện NHNN chưa giải thích rõ quy mô tổng vốn điều lệ hệ thống, cũng như ở các nhóm, đã loại trừ hết “yếu tố ảo” từ các thành viên bị âm vốn hay chưa. Bởi thực tế trước đây có những tổ chức tín dụng lỗ đã âm vào vốn nhưng vẫn báo cáo và giữ nguyên mức vốn điều lệ đăng ký để tính các tỷ lệ an toàn.
Theo quy định tại Thông tư 36, giá trị thực của vốn điều lệ phải được xác định rõ để làm cơ sở đánh giá năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu của tổ chức tín dụng, cũng như để xác định đúng các tỷ lệ bảo đảm an toàn, phục vụ quá trình quản lý, giám sát, tái cơ cấu.
Tổng tài sản toàn hệ thống tăng
Cũng theo số liệu thống kê của NHNN, đến cuối tháng 7/2015, tổng tài sản của toàn hệ thống đạt 6.665.870 tỷ đồng, tăng 51.963 tỷ đồng (tương đương tăng gần 0,79%) so với thời điểm cuối tháng 6.
Còn so với thời điểm cuối năm 2014, tổng tài sản của toàn hệ thống đã tăng thêm 150.970 tỷ đồng, tương đương tăng 2.32%.
Trong tháng 7, tổng tài sản của khối NHTM Nhà nước tiếp tục tăng thêm 22.316 tỷ đồng lên 3.065.159 tỷ đồng. Đáng chú ý, sau khi giảm 40.401 tỷ đồng trong tháng 6, đến tháng 7, tổng tài sản của khối NHTMCP đã tăng trở lại 37.719 tỷ đồng, lên 2.713.228 tỷ đồng.
Tài sản của khối Công ty tài chính, cho thuê cũng tiếp tục tăng nhẹ 215 tỷ đông lên 76.442 tỷ đồng; khối tổ chức tín dụng hợp tác cũng tăng 460 tỷ đồng lên 95.791 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tổng tài sản của khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài lại giảm 8.767 tỷ đồng xuống còn 715.250 tỷ đồng.
Không chỉ tổng tài sản, vốn tự có của toàn hệ thống cũng tăng khá mạnh trong tháng 7. Theo đó, vốn tự có của toàn hệ thống đạt 546.949 tỷ đồng, tăng 6.458 tỷ đồng so với cuối tháng 6 và tăng 50.376 tỷ đồng (tương đương tăng 10,28%) so với cuối năm 2014.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu khác vẫn cho thấy hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng rất an toàn, thanh khoản được đảm bảo. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống đạt 13,51%, tăng nhẹ so với thời điểm cuối tháng 6 và cao hơn nhiều tỷ lệ cho phép của NHNN là 9%. Mặc dù tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tăng nhẹ so với thời điểm cuối tháng 6 lên mức 28,39%, song vẫn thấp hơn nhiều mức cho phép của NHNN./.
Bình luận