Tăng cường hợp tác Việt Nam – Lào trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và thương mại
Tại buổi tiếp kiến Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone ngày 8/4, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong chuyến công tác tại Lào lần này, Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có các cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, nhằm cụ thể hóa chương trình hành động, thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, khoáng sản; hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào và nhân dịp này, thay mặt Chính phủ hai nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương hai nước đã ký kết mới Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp kiến Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone |
Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, hai bên thống nhất trong thời gian qua, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản là điểm sáng, đạt được một số thành tựu quan trọng, tuy nhiên vẫn còn hàng loạt những khó khăn, thách thức đặt ra. Tại hội đàm, hai bên đã thảo luận, kiến nghị và đề xuất các giải pháp lên lãnh đạo cấp cao hai nước xem xét tháo gỡ, tạo thuận lợi cho quan hệ hợp tác về năng lượng. Trong lĩnh vực điện, Việt Nam đang rất cần phát triển về nguồn điện, cũng như hệ thống truyền tải, dự báo đến năm 2030, quy mô nền kinh tế của Việt Nam tăng, do đó, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký kết 19 thỏa thuận mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện đầu tư tại Lào bán điện về Việt Nam, với tổng công suất 2.689 MW, đạt 89,6% công suất mua bán điện theo cam kết đến năm 2025 (3000 MW).
Liên quan đến tiến độ ban hành khung giá Việt Nam mua điện từ Lào, thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã cơ bản hoàn thành khung mức giá, đang chờ trình Chính phủ thông qua. Hiện nay, EVN cũng đã hoàn thành nghiên cứu, dự thảo khung giá và đang gửi xin ý kiến Hội đồng thành viên EVN thông qua trước khi báo cáo Bộ Công Thương. Sau khi có báo cáo chính thức của EVN, Bộ Công Thương sẽ thẩm định và báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Dự kiến đầu quý II năm nay, khung giá mua điện từ Lào sau năm 2025 sẽ chính thức được ban hành.
Liên quan đến hệ thống truyền tải, trong tháng 3 vừa qua Bộ Công Thương đã cùng với Bộ Tài Nguyên Môi trường trình và được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng các vị trí cột móng, néo phục vụ hệ thống truyền tải, đường dây 500kv mạch 3 của Việt Nam sẽ phấn đấu hoàn thành trước tháng 12/2024; đường dây 220kv sẽ cố gắng hoàn thành trong quý II/2024.
Từ tình hình như trên, hai Bộ kiến nghị với hai Chính phủ, hai Thủ tướng cho phép nâng công suất nhập khẩu điện về Việt Nam, lên 5.000MW vào năm 2025; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển nguồn, phát triển hệ thống truyền tải; tạo thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, cơ chế... để hoàn thành đúng tiến độ các chỉ tiêu, kế hoạch đã đặt ra; phê duyệt các dự án đầu tư sau năm 2025 kịp thời, đúng tiến độ.
Trong lĩnh vực khoáng sản, hai bên thống nhất nhu cầu nhập khẩu nguyên, nhiên liệu của Việt Nam là rất lớn. Trong giai đoạn 2025 - 2030, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu than rất lớn (khoảng 60 - 100 triệu tấn/năm). Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn cho thương mại than giữa hai nước hiện nay chính là vấn đề giá thành than của Lào vẫn còn cao, do vậy, cần tìm các giải pháp để hạ giá thành bán than từ Lào về Việt Nam, giá than Lào ít nhất phải bằng giá thế giới thì mới có thể cạnh tranh được.
Song song với đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng báo cáo với Thủ tướng Sonexay Siphandone các giải pháp giải quyết một số vấn đề liên quan đến các nhà máy thủy điện Xê-ca-mản 1 và 3; các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ Lào về Việt Nam, đặc biệt là qua các cửa khẩu, tới các cảng tại Việt Nam...
Về thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hợp tác thương mại trong lĩnh vực Công Thương là trụ cột trong quan hệ hai nước. Từ năm 2012 đến nay, hai bên liên tục hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại từ 10-15%/năm (trừ giai đoạn dịch Covid-19). Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương hai nước. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào mới đạt quy mô 1,65 tỷ USD, chỉ bằng 10% tổng kim ngạch ngoại thương của Lào và 0,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam, chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Để khai thác tiềm năng hợp tác thương mại, hai Bộ trưởng Công thương hai nước đã nhất trí các giải pháp cụ thể triển khai cam kết, thỏa thuận đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất tại bản Thoả thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào; triển khai có hiệu quả Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào (ký vào tháng 1/2024); rà soát, trao đổi để sửa đổi, bổ sung Thỏa thuận Hà Nội năm 2007 và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào cho phù hợp với tình hình và bối cảnh mới. Cùng đó, hai Bộ nhất trí kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hai nước tạo thuận lợi để hai Bộ Công Thương tổ chức nhiều hơn những hội chợ, triển lãm, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Liên quan đến công tác phối hợp chặt chẽ để đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu của Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Vừa qua, Bộ Công Thương đã và đang khuyến khích các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu của Việt Nam chủ động kết nối với doanh nghiệp của Lào, tăng cường và tạo sự ổn định trong việc cung ứng xăng dầu sang thị trường Lào.
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đề nghị 3 Bộ tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm; tập trung tìm các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hai nước, nhất là trao đổi, tìm kiếm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu than, điện... từ đó nâng cao hiệu quả hợp tác về thương mại, năng lượng và khoáng sản phù hợp với nhu cầu và tiềm năng của mỗi nước. Liên quan đến vấn đề mua bán điện, Thủ tướng Lào nhấn mạnh, phía Lào sẽ đôn đốc, giám sát các dự án để đảm bảo tiến độ, cũng như công suất đã ký giữa hai nước trước đó. Thủ tướng đề nghị phía Việt Nam sớm ban hành khung giá mua điện từ Lào sau năm 2025 và mức giá sẽ không thấp hơn thời điểm trước năm 2025 là 6,95 cent.
Đẩy mạnh các dự án hợp tác năng lượng và khoáng sản
Trước đó, tại buổi Hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone ngày 7/4, Bộ trưởng Phosay Sayasone mong muốn hai bên tăng cường hợp tác hơn nữa về năng lượng và khoáng sản, cùng nhau lập kế hoạch, chương trình hợp tác cụ thể hơn, có thêm nhiều dự án, công trình hợp tác kiểu mẫu, hiệu quả. Bộ trưởng Phosay Sayasone đề xuất một số vấn đề hai bên cần tập trung giải quyết hiện nay như: Thành lập đoàn công tác để thúc đẩy tiến độ ban hành khung giá Việt Nam mua điện từ Lào sau năm 2025; thành lập đoàn làm việc để thúc đẩy đấu nối đường dây điện 500 kV từ Lào về Việt Nam theo quy hoạch điện VIII của Việt Nam; giải quyết một số vấn đề liên quan đến các nhà máy thủy điện Xê-ca-mản 1 và 3; hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm về thành lập cơ quan điều tiết điện lực; thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ Lào tới các cửa khẩu/cảng tại Quảng Trị và Huế; hỗ trợ hợp tác về công tác thanh tra; công tác quy hoạch và xây dựng bản đồ khoáng sản…
Thông tin với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào về tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, đầu tư của Việt Nam thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay Việt Nam rất cần điện và năng lượng để phục vụ phát triển sản xuất. Việt Nam đang nổi lên như một công xưởng của thế giới, là 1 trong 20 nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu và là 1 trong 15 quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) nhiều nhất trong năm 2023, với tổng số vốn FDI lên tới 15 tỷ USD. Những năm qua, Việt Nam đã thu hút gần 500 tỷ USD vốn đầu tư FDI.
Đáng chú ý, những năm gần đây, quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh qua từng năm. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 732,5 tỷ USD. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD, giảm hơn 6,9% so với năm 2022, lọt top 20 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Trong quý I/2024, tăng trưởng GDP gần 6%, sản xuất công nghiệp tăng 6%, ngành chế biến chế tạo tăng 6,8%; xuất siêu hơn 8 tỷ USD... Theo dự báo, xuất nhập khẩu năm 2024 có thể đạt 790 tỷ USD trong kịch bản tăng trưởng cao với những diễn biến kinh tế thuận lợi.
Với tốc độ và quy mô phát triển như vậy, Việt Nam rất cần năng lượng để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2030, quy mô nền kinh tế của Việt Nam tăng, do đó, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay, đồng thời phải chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững. Để bảo đảm an ninh năng lượng, Việt Nam đã và đang phải đối mặt không ít thách thức.
Toàn cảnh hội đàm giữa hai Bộ trưởng |
Trong quan hệ Việt Nam - Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng khoáng sản là trụ cột quan trọng và việc hợp tác năng lượng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của hai nước. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhất trí với các đề xuất của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, đồng thời nêu thêm nhiều nội dung, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản giữa hai nước. Nhất trí sẽ thành lập các nhóm công tác của hai Bộ, hai nước để tháo gỡ những khó khăn trong hợp tác về năng lượng, khoáng sản. Các nhóm công tác này hằng tháng, hằng quý phải trình lên lãnh đạo hai Bộ những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ và thường xuyên giải quyết, thảo luận các vấn đề thông qua trực tuyến hằng tháng, hằng quý kết hợp gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo hai Bộ trong khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm. Hai bên cũng cần có văn bản ký kết, ghi nhớ và cụ thể hóa các nội dung hợp tác…
Cụ thể hóa các giải pháp thực thi triển khai hợp tác
Về một số vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc thúc đẩy tiến độ ban hành khung giá Việt Nam mua điện từ Lào sau năm 2025 là rất cần thiết. Theo đề nghị của đồng chí Bộ trưởng và căn cứ Thỏa thuận hợp tác năm 2024 giữa hai Chính phủ, Bộ Công Thương Việt Nam đã tích cực chỉ đạo EVN nghiên cứu, đề xuất khung giá mua điện sau năm 2025 để báo cáo Bộ Công Thương, sau đó báo cáo Chính phủ thông qua. Hiện nay EVN cũng đã hoàn thành nghiên cứu, dự thảo khung giá và đang gửi xin ý kiến Hội đồng thành viên EVN thông qua trước khi báo cáo Bộ Công Thương. Sau khi có báo cáo chính thức của EVN, Bộ Công Thương sẽ thẩm định và báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Dự kiến đầu quý II năm nay, khung giá mua điện từ Lào sau năm 2025 sẽ chính thức được ban hành.
Hai Bộ trưởng ký kết Bản ghi nhớ giữa hai bên về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khai thác khoáng sản |
Về việc phía Lào đề nghị Việt Nam hỗ trợ chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm về thành lập cơ quan điều tiết điện lực (giống như Cục Điều tiết Điện lực của Bộ Công Thương), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao và trực tiếp giao Cục Điều tiết Điện lực là đầu mối, phối hợp với phía Lào, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ chuyên môn, đón tiếp các đoàn học tập, trao đổi kinh nghiệm của phía bạn.
Về việc phía Lào đề nghị Việt Nam thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ Lào tới các cửa khẩu/cảng tại Quảng Trị và Huế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam chắc chắn luôn tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ Lào về Việt Nam, đặc biệt là qua các cửa khẩu, tới các cảng tại Việt Nam.
Tại Quảng trị có cửa khẩu quốc tế La Lay - cửa khẩu quan trọng cho việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là than, phục vụ trực tiếp cho việc mua bán than giữa Lào và Việt Nam. Than từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu La Lay sẽ tới các cảng Chân Mây, Thuận An của Thừa Thiên Huế hoặc cảng Cửa Việt. “Mua bán than là vấn đề rất được quan tâm của Chính phủ hai nước và hai Bộ. Việc Việt Nam mua than từ Lào bên cạnh lợi ích mang lại cho Lào, cũng sẽ góp phần đảm bảo cung ứng điện trong nước của Việt Nam. Do vậy, việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, vận chuyển than từ Lào qua các cửa khẩu về Việt Nam và ra các cảng cũng là mục tiêu của phía Việt Nam” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Về lĩnh lực thanh tra, hai bên cần tiếp tục hợp tác, hỗ trợ nhau, phát huy kết quả làm việc từ tháng 6/2023 vừa qua. Đối với việc quy hoạch và lập bản đồ địa chất, trên cơ sở Việt Nam vừa lập quy hoạch khoáng sản sẽ tích cực hỗ trợ phía bạn. Tuy nhiên, việc lập bản đồ là lĩnh vực do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam quản lý…
Triển khai các giải pháp hợp tác mua bán than
Cũng tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh một số giải pháp về hợp tác mua bán than giữa Việt Nam và Lào. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam đang rất cao, đặc biệt đến từ các tập đoàn lớn và đẩy mạnh xuất khẩu than cũng là mong muốn của nước bạn Lào nhưng quan trọng nhất phải tập trung giải quyết vấn đề giá than sao cho hợp lý. Trong giai đoạn 2025 - 2030, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu than rất lớn (khoảng 60 - 100 triệu tấn/năm). Để đáp ứng nhu cầu này, Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng kết nối thông tin giữa các tập đoàn/doanh nghiệp 2 nước Việt Nam - Lào để thúc đẩy hợp tác mua bán than.
Tuy nhiên, theo ông Diên, khó khăn cho thương mại than giữa hai nước hiện nay chính là vấn đề giá thành than của Lào vẫn còn cao, do vậy, cần tìm các giải pháp để hạ giá thành bán than từ Lào về Việt Nam, giá than Lào ít nhất phải bằng giá thế giới thì mới có thể cạnh tranh được.
Để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu than từ Lào về Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các chủ mỏ than của Lào cơ cấu lại quy trình sản xuất tinh gọn, hiệu quả, đầu tư hệ thống băng tải vận chuyển than qua biên giới để giảm giá thành khai thác, sản xuất, vận chuyển than; đề nghị Bộ Năng lượng và Mỏ Lào xem xét báo cáo Chính phủ Lào bãi bỏ thuế xuất khẩu than (10%). Thuế này được ban hành để tạo nguồn thu cho Chính phủ nhưng thực tế sẽ làm cho giá bán than Lào tăng, dẫn đến than không bán được và từ đó Chính phủ và doanh nghiệp đều thiệt hại.
Song song đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cũng đề nghị Bộ Năng lượng và Mỏ Lào báo cáo Chính phủ Lào đầu tư nâng cấp và mở rộng các tuyến đường hiện có từ Cạ-lưm đi La Lay và từ Cạ-lưm đi Lao Bảo để cải thiện năng lực vận chuyển so với hiện nay. Ở trong nước, Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, bao gồm việc khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên ký kết hợp đồng/cam kết mua bán than của Lào để phục vụ sản xuất điện trong nước.
Bộ trưởng Phosay Sayasone nhất trí với các phương án, giải pháp do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đưa ra, đồng thời khẳng định, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào sẵn sàng phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam triển khai, xây dựng các kế hoạch để thúc đẩy hợp tác năng lượng giữa hai nước Việt Nam - Lào. Cùng đó, sẽ giao các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các vụ/cục chuyên ngành của phía Việt Nam để cùng tháo gỡ khó khăn cho các dự án vướng mắc, cũng như khai thác hơn nữa tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực mua bán điện, quản lý mỏ và khai thác khoáng sản.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone đã ký kết Bản ghi nhớ giữa hai bên về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khai thác khoáng sản. Đây tiếp tục là một trong những sự kiện quan trọng, là bước tiến mới trong quan hệ hợp tác năng lượng giữa hai nước Việt Nam - Lào./.
Bình luận