Nguyễn Trần Hưng

Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và thương mại điện tử

Trường Đại học Thương mại

Email: hung.tmdt@tmu.edu.vn

Tóm tắt

Trong những năm qua, sự phát triển nhanh chóng, đa dạng trên nhiều nền tảng của bán lẻ trực tuyến (BLTT) và sự tham gia đông đảo của các tổ chức, cá nhân cả trong nước và nước ngoài vào thị trường BLTT đã tạo động lực thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số tại Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ đối với các cơ quan nhà nước trong việc quản lý BLTT. Bài viết này khái quát thực trạng tiềm năng và sự phát triển của BLTT tại Việt Nam; đồng thời nêu lên những vấn đề đặt ra đối với BLTT. Từ đó, đề xuất một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước (QLNN) đối với bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: quản lý nhà nước, bán lẻ trực tuyến, thương mại điện tử

Summary

In recent years, the rapid and diverse development on many platforms of online retail (online retail) and the large participation of both domestic and foreign organizations and individuals in the BLTT market have created driving force driving the strong growth of e-commerce and digital economy in Vietnam. However, along with that comes significant challenges for state agencies in managing collective bargaining. This article summarizes the potential status and development of collective bargaining in Vietnam, and identifies the problems facing collective bargaining. From there, propose some solutions to strengthen state management of online retail in Vietnam in the coming time.

Keywords: state management, online retail, e-commerce.

GIỚI THIỆU

Sự phát triển mạnh mẽ của BLTT tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ có tác động lớn đến sự phát triển của TMĐT và cả nền kinh tế số quốc gia, khi đặt ra mục tiêu trở thành thị trường bán lẻ triển vọng nhất trong khu vực thông qua việc xây dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các hoạt động mua bán trực tuyến, củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ cho BLTT nói riêng và hoạt động TMĐT nói chung, đẩy mạnh ứng dụng bán hàng trực tuyến để hỗ trợ các ngành xuất khẩu chủ lực, đồng thời mở rộng tiêu thụ hàng hóa trong nước và thúc đẩy phát triển TMĐT tại các địa phương trong cả nước. Theo dự báo, đến năm 2026, BLTT dự kiến sẽ đóng góp tới 29% doanh số bán lẻ của châu Á và 26% trong khu vực ASEAN. Các nhà bán lẻ và chủ sở hữu tài sản nên tăng cường tích hợp trải nghiệm trực tuyến vào chiến lược của mình, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi đang sẵn sàng tận dụng cơ hội TMĐT. Khả năng đa kênh và bản địa hóa có thể là điểm khác biệt và là động lực chính để thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến (Metrix, 2024). Sự tăng trưởng mạnh mẽ của BLTT cũng kéo theo một loạt hệ lụy vốn tồn tại sẵn trong thị trường BLTT Việt Nam, như: các vấn đề về tránh thất thu thuế; phòng chống hàng giả, hàng nhái; bảo vệ người tiêu dùng; bảo vệ thông tin giao dịch… trở nên trầm trọng hơn. Thực tế này đặt ra những vấn đề cấp thiết khách quan đòi hỏi các cơ quan QLNN về BLTT cần phải tăng cường công tác quản lý của mình để theo kịp với sự biến động nhanh, mạnh và đa dạng của BLTT một cách hiệu quả trong bối cảnh hiện nay và sắp tới.

KHÁI QUÁT TIỀM NĂNG VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BLTT TẠI VIỆT NAM

Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương cho thấy, BLTT tại Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau, từ website, ứng dụng di động, sàn giao dịch đến mạng xã hội đều trở thành kênh bán hàng. Nếu như năm 2018, doanh thu BLTT tại Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020. Doanh thu BLTT năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Ước tính, với doanh thu 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu BLTT chiếm khoảng 7,8%-8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với 74% người dân sử dụng Internet, Việt Nam có khoảng 59-62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm mỗi người ước đạt khoảng 300-320 USD. Con số này năm 2022 là 288 USD.

Theo thống kê, các loại hàng hóa, dịch vụ thường được người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (76%); thiết bị đồ dùng gia đình (67%); đồ công nghệ và điện tử (61%); sách, hoa, quà tặng (53%); xem phim trực tuyến (35%) và thực phẩm (32%). Một điểm đáng chú ý, nếu như hoạt động mua sắm của người dùng trên website thương mại điện tử giảm thì kênh mua sắm trên diễn đàn mạng xã hội và các ứng dụng mua hàng trên di động lại tăng mạnh. Cụ thể, trên diễn đàn mạng xã hội tăng từ 42% lên 65% và các ứng dụng mua hàng trên thiết bị di động tăng từ 47% lên 63%.

Còn theo Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn BLTT năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce), có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây. Trong năm 2023, nhiều hình thức mua sắm mới được phát triển mạnh mẽ, điển hình là xu hướng livestream (bán hàng phát trực tiếp) và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu khổng lồ cho các nhà bán hàng chuyên nghiệp. Điều này có thể nhận thấy trong xu hướng mua sắm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, trong khi các chợ truyền thống đã giảm nhiều số lượng người mua thì dịch vụ giao hàng cho các sàn TMĐT lại phải làm việc hết công suất để phục vụ nhu cầu đặt hàng, mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng (Metrix, 2024).

Với tiềm năng to lớn không thể phủ nhận của thị trường BLTT Việt Nam, cùng với việc Chính phủ Việt Nam cam kết thúc đẩy chuyển đổi số nền kinh tế đã tạo đòn bẩy thu hút một số lượng lớn các tổ chức, cá nhân cả trong nước và nước ngoài tham gia, trong đó đầu tư nhiều nhất là các công ty, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore. Được biết, gần đây Tiki đã huy động thành công 130 triệu USD từ NorthStar Group và các công ty như JD.com cũng đã rót vốn vào đó. Sendo.vn cũng đã hoàn tất thương vụ trị giá 51 triệu USD với SBI Holding của Nhật Bản. Trong khi đó, thegioididong.com trực thuộc Tập đoàn Thế giới di động và là thương hiệu bán lẻ điện tử có vốn địa phương tại Việt Nam, được định giá hiện tại lên tới 2 tỷ USD. Năm 2021, tổng vốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực tài chính và thương mại điện tử của Việt Nam đã vượt 650 triệu USD. MoMo - một công ty thanh toán điện tử của Việt Nam với mức định giá hơn 2 tỷ USD đã hoàn thành gọi vốn điện tử với hơn 200 triệu USD. Aemi Beauty, tập trung vào chuỗi cung ứng các sản phẩm làm đẹp, đã huy động vốn được 2 triệu USD từ Alpha JWC Ventures và 3 nhà đầu tư khác… Trong lĩnh vực logistics phục vụ BLTT cũng chứng kiến sự gia nhập của các công ty logistics Hàn Quốc, như: Samsung SDS, Pantos, CJ GLS vào thị trường Việt Nam và thu được lợi nhuận khá cao. Một số công ty của Việt Nam cũng đã bắt đầu nhận thấy nhu cầu cao của khách hàng về giao hàng nhanh và đang tăng tốc để tham gia vào lĩnh vực logistics phục vụ cho BLTT. Bên cạnh đó, BLTT tại Việt Nam những năm gần đây đã thu hút sự quan tâm, mong muốn hợp tác của một lượng lớn các công ty Trung Quốc để mở rộng và khai thác thị trường BLTT đầy tiềm năng của Việt Nam (Vũ Khuê, 2023).

Theo báo cáo Vietnam: New E-Commerce Hotspot in Southeast Asia by 2026, số lượng đơn đặt hàng trực tuyến được dự đoán sẽ chiếm gần một phần mười tổng số sản phẩm và dịch vụ được bán tại nước này vào năm 2025. Đến năm 2026, Việt Nam sẽ là thị trường phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa BLTT đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị dự đoán vào năm 2021 (Facebook, Bain và Company, 2021). Báo cáo e-conomy SEA 2023 cho thấy, giá trị nền Kinh tế số năm 2023 của Việt Nam ước tính đạt tổng giá trị là 30 tỷ USD - tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó BLTT năm 2023 ước đạt khoảng 16 tỷ USD – tăng 11% so với năm 2022. Nhìn vào năm 2025, nền kinh tế internet tổng thể có thể sẽ đạt 43 tỷ đô la giá trị, tăng trưởng với tốc độ CAGR 20%, riêng BLTT sẽ đạt giá trị thị trường là 24 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng trên 22% so với năm 2023. Đến năm 2030, giá trị thị trường của nền kinh tế số Việt Nam có thể đạt mức 200 tỷ USD, và BLTT – lĩnh vực chủ đạo của Thương mại điện tử Việt Nam sẽ có sự tăng tốc mạnh mẽ (Google, Temasek, Bain & Company, 2023).

Bên cạnh đó, dựa trên tiềm năng thị trường BLTT của Việt Nam, Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 (ban hành theo Quyết định 645/QĐ-TTg, ngày 15/5/20202 của Thủ tướng Chính phủ) đã đặt mục tiêu, đến năm 2025, doanh thu BLTT tại Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD tương đương tốc độ tăng trưởng 25% mỗi năm và chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và cung cấp dịch vụ. Thực tế này đã khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường BLTT có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á, với sự tham gia đông đảo của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và đa dạng của BLTT tại Việt Nam trên các nền tảng khác nhau, cùng với sự tham gia của đông đảo tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài vào thị trường BLTT tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ đặt ra nhiều vấn đề thách thức lớn đối với các cơ quan QLNN.

Thách thức đầu tiên, nổi cộm nhất là chống thất thu thuế bởi người nộp thuế có thể xóa dữ liệu hoặc không cung cấp dữ liệu của máy chủ xử lý giao dịch; khó khai thác được các khoản doanh thu không kê khai hoặc kê khai chưa đầy đủ trong giao dịch mua bán trực tuyến trên hệ thống máy chủ hoặc mạng Internet. Tại Việt Nam thời gian qua, với những trang mua sắm đang thể hiện rõ tính chuyên nghiệp khi đầu tư bài bản, như: Lazada, Thegioididong, Sendo, Shopee, Tiki… việc quản lý khá chặt chẽ và được thực hiện dễ dàng hơn. Ngày 25/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP về TMĐT, có hiệu lực vào ngày 01/01/2022 quy định, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan QLNN về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC, ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của người quản lý trên sàn TMĐT. Theo đó, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh BLTT của cá nhân qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế như: họ tên, số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, mã số thuế, địa chỉ email, số điện thoại liên lạc, hàng hóa, dịch vụ cung cấp, doanh thu kinh doanh, tài khoản ngân hàng của người bán, thông tin khác liên quan. Như vậy, theo Nghị định số 85/2021/NĐ-CP và Thông tư số 40/2021/TT-BTC được ban hành trong năm 2021, cơ quan quản lý thuế sẽ có các thông tin về hoạt động kinh doanh của người bán (thu nhập, doanh số hàng hóa chịu thuế), cũng như các hành vi vi phạm về nghĩa vụ thuế của các đối tượng kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT nói chung và BLTT nói riêng.

Báo cáo tổng kết công tác thuế năm 2023 của Tổng cục Thuế cho thấy, trong năm công tác thanh tra, kiểm tra thuế tiếp tục được Tổng cục Thuế triển khai có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng tập trung vào các ngành, lĩnh vực có rủi ro cao, có khả năng thất thu như bất động sản, giao dịch liên kết, TMĐT. Đồng thời áp dụng nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro và ban hành Quy trình kiểm tra thuế với mục tiêu tăng cường công tác thanh kiểm tra thuế, ngăn chặn tình trạng gian lận, trốn thuế. Kết quả, năm 2023, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 66.241 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 90,8% kế hoạch năm 2023. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý trên 61.583 tỷ đồng bằng 97,2% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả, năm 2023, toàn ngành Thuế đã thu hồi được 41.557 tỷ đồng, trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 37.605 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 3.952 tỷ đồng (Tổng cục Thuế, 2024).

Để ngăn chặn tình trạng gian lận, trốn thuế, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 970/QĐ-TCT ngày 14/7/2023 về quy trình kiểm tra thuế với mục tiêu tăng cường công tác thanh kiểm tra thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế trên cơ sở áp dụng cơ chế quản lý rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra thuế nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm về thuế, chống thất thu thuế; nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật thuế, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực kiểm tra thuế.

Tuy nhiên, bên cạnh những người bán lẻ qua sàn giao dịch TMĐT, số lượng các nhà bán hàng trên các kênh mạng xã hội tại Việt Nam, như: Facebook, Zalo, Tiktok… đang tăng lên nhanh chóng. Phần lớn các nhà bán hàng này có quy mô dù nhỏ lẻ nhưng số lượng lại vô cùng lớn. Do bản chất của bán hàng trên mạng xã hội nên những thông tin trao đổi thông qua tin nhắn trên trang cá nhân được bảo mật theo cơ chế bảo mật thông tin khách hàng mà các website cung cấp dịch vụ, như: Facebook, Zalo… đang phải thực hiện. Vì vậy, những đơn vị cung cấp dịch vụ này chưa hợp tác đầy đủ với cơ quan thuế về cung cấp thông tin, như: lịch sử giao dịch, trao đổi tin nhắn bán hàng của cá nhân hoặc thậm chí doanh nghiệp với cá nhân người tiêu dùng trên mạng xã hội... Ngoài ra, giao dịch BLTT trên mạng xã hội còn sử dụng qua tin nhắn điện thoại nên cơ quan thuế khó kiểm soát được doanh thu. Khi không thể biết được doanh thu, thì không có cơ sở tính thuế chính xác. Nhận thức rất rõ điều này, nhằm tránh thất thu thuế với những đối tượng bán hàng trên mạng xã hội, Cục Thuế Hà Nội, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh và Cục Thuế Đà Nẵng cũng đã bắt đầu triển khai đến hàng chục nghìn tài khoản, đề nghị các chủ tài khoản đến tự kê khai nộp thuế. Tuy nhiên, điều này vẫn chủ yếu phụ thuộc vào mức độ tự giác của các cá nhân, hộ gia đình BLTT là chủ yếu. Thực tế này tạo ra thách thức lớn đối với các cơ quan QLNN về thuế, bất chấp Luật Thuế năm 2019 đã được đưa vào vận hành và có một số thông tư hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, mặc dù mới được ban hành và áp dụng chưa lâu, nhưng Luật thuế 2019 cũng đã bộc lộ một số nhược điểm khi quy định mức doanh thu bán lẻ trực tuyến từ 100 triệu đồng/năm trở lên đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng, trong khi đó chưa tính đến mức chi phí mà những người bán phải bỏ ra để kinh doanh, cũng không có tính đến việc giảm trừ gia cảnh cho những người bán này. Chính vì vậy, càng làm trầm trọng thêm việc trốn tránh kê khai hoặc kê khai không đầy đủ của những người bán lẻ trực tuyến để doanh thu có thể bù đắp được chi phí và có lãi để tồn tại và phát triển.

Thách thức thứ hai, sự phát triển nhanh chóng của BLTT cũng đặt ra một loạt vấn đề về hàng giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo Thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) nay là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, mỗi năm có khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ. Thực trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng đang khiến người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào các nền tảng bán hàng trực tuyến, như: Facebook, Zalo, TikTok… và cả các sàn TMĐT uy tín (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, 2024).

Tại Việt Nam, trong những năm qua, công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đã được các cơ quan QLNN, đặc biệt là Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thực hiện tích cực. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2022, Cục TMĐT và Kinh tế số đã phối hợp với Tổng cục QLTT gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng mức xử phạt cho các hành vi gian lận TMĐT là 222 triệu đồng. Năm 2022, toàn lực lượng QLTT cùng với các cơ quan hữu quan khác trên cả nước đã tiến hành thanh kiểm tra đột xuất 34.094 vụ, xử lý 33.368 vụ (chiếm 98%). Cùng với đó, công tác kiểm tra định kỳ được duy trì thường xuyên, thanh tra chuyên ngành cũng được chú trọng, quan tâm. Mặt hàng, lĩnh vực mà lực lượng QLTT kiểm tra, thanh tra rất đa dạng, phong phú, ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, những mặt hàng trọng tâm có nhu cầu tiêu dùng cao như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc. Điển hình, lực lượng QLTT đã đồng loạt kiểm tra Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Tân Thành tại TP. Hồ Chí Minh, phát hiện, thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm tiêu dùng có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng; 5 kho chứa và xưởng sản xuất, pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu với số lượng lớn ở huyện Bình Chánh... Tính chung cả năm 2022, lực lượng QLTT cả nước đã thanh, kiểm tra 70.902 vụ; phát hiện, xử lý 43.989 vụ vi phạm (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021); chuyển cơ quan điều tra 127 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (giảm 24% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 490 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021). Trị giá hàng tịch thu gần 96 tỷ đồng, trị giá hàng hóa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy hơn 19 tỷ đồng (Tổng cục QLTT, 2023). Trong năm 2023, lực lượng QLTT đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm (tăng 19%); chuyển cơ quan điều tra 174 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 37%). Thu nộp ngân sách nhà nước trên 501 tỷ đồng (tăng 2,2%) (Tổng cục QLTT, 2024).

Mặc dù, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của BLTT trên các kênh mạng xã hội với việc sử dụng nhiều tài khoản bán hàng khác nhau, tình trạng tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc… tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Điển hình như: không khai báo hoặc khai không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, khó xác định vị trí kho hàng, tuyến đường của lô hàng; hàng hoá vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh. Đáng chú ý, trong năm 2023, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà hàng hóa vi phạm sau khi qua biên giới được các đối tượng tập kết tại các kho hàng đặt tại nơi hẻo lánh, ít người qua lại, hoặc tại nhà riêng, sau đó các đối tượng lợi dụng BLTT để kinh doanh vẫn diễn ra khá phổ biến.

Thách thức thứ ba là vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong BLTT. Có thể nói, Việt Nam là một trong các quốc gia sớm thực hiện các hành động để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng cũng được pháp luật quy định cụ thể tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và năm 2023; Nghị định số 99/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng; Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT; Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP; Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 22/1/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm QLNN đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới; Quyết định số 1157/QĐ-TTg, ngày 12/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1956/QĐ-BCT, ngày 13/8/2021 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Đề án tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho người tiêu dùng yếu thế giai đoạn 2021-2025. Cả đề án và Chương trình kể trên đã được Bộ Công Thương triển khai, nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch TMĐT, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; khuyến khích kinh doanh, tiêu dùng bền vững. Ngoài ra, để bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động như tổ chức cho các sàn TMĐT ký cam kết chia sẻ trách nhiệm, minh bạch thông tin doanh nghiệp trong trường hợp người tiêu dùng có khiếu nại; đẩy mạnh phối hợp lực lượng chuyên ngành để tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; cảnh báo, khuyến cáo cho người tiêu dùng về các hành vi, phương thức kinh doanh có khả năng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực BLTT.

Mặc dù vậy, thời gian qua thông qua đường dây nóng 18006838, Bộ Công Thương nhận được hơn 10.000 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại tố cáo các vấn đề liên quan đến tranh chấp kinh doanh, vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Số lượng các khiếu nại tố cáo liên quan đến kinh doanh trên không gian mạng tăng lên rất nhanh và chiếm thứ hai trong tổng số lượng đơn thư (chiếm 15,4%), tập trung các vấn đề như chậm, không trả đơn hàng; chậm trả tiền cho khách hàng, không chịu bồi thường cho hàng hóa, cung cấp sản phẩm không bảo đảm... Thực tế cho thấy, người tiêu dùng luôn ở vị thế “yếu” trong các giao dịch online, có sự bất cân xứng thông tin với người bán (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, 2024)

Thách thức thứ tư là vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin giao dịch trong BLTT. Theo Bộ Công an, từ năm 2019 đến năm 2020, số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán được phát hiện lên tới gần 1.300 GB. Trong đó có dữ liệu cá nhân của khách hàng đã sử dụng dịch vụ điện lực của EVN, phụ huynh, học sinh tại các trường, khách hàng của các ngân hàng và các dự án bất động sản trên toàn quốc. Một số vụ việc có dấu hiệu xâm phạm dữ liệu cá nhân của người dùng có thể kể đến là hơn 163 triệu thông tin tài khoản của khách hàng Công ty VNG bị lộ, hơn 5 triệu email và hàng chục nghìn thông tin thẻ thanh toán của khách hàng của công ty Thế giới di động và Điện máy xanh bị lộ… (H.L, 2024).

Tháng 3/2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (nay là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia) khuyến cáo các tổ chức, cá nhân kinh doanh BLTT một số vấn đề liên quan đến bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trước tình trạng hiện có nhiều vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin, dữ liệu, gây lo lắng cho người tiêu dùng và tạo ra nguy cơ hạn chế sự phát triển của lĩnh vực TMĐT nói chung và BLTT nói riêng. Cơ quan này đề nghị các tổ chức, cá nhân kinh doanh không nên yêu cầu người tiêu dùng cung cấp dữ liệu quá mức, vượt quá yêu cầu của giao dịch. Nhiều tổ chức, cá nhân có xu hướng thu thập số lượng lớn thông tin, dữ liệu của người tiêu dùng với mục đích xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để sử dụng trong tương lai. Đây là một hành động nguy hiểm vì việc lưu trữ dữ liệu như vậy làm tăng khả năng bị mất hoặc bị đánh cắp, từ đó có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.

Đặc biệt, ngày 08/7/2022 một tài khoản có tên “meli0das” đã rao bán thông tin dữ liệu của 30 triệu người dân Việt Nam với giá 3.500 USD trên một diễn đàn tin tặc. Cũng trong tháng 7 này, Công an Hà Nội đã phát cảnh báo về tình trạng lộ lọt thông tin dữ liệu đăng nhập và mật khẩu của 429 tài khoản cá nhân trong một số cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sau đó không lâu, vào đầu tháng 8/2022 trên diễn đàn Br*.to, thành viên có tên “ARES_BF_ACCOUNT” đã rao bán cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân bao gồm: họ tên, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng... của 100.000 tài khoản ngân hàng tại Việt Nam với giá 500 USD. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã có 6.641 cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong đó, có 1.696 sự cố tấn công lừa đảo, 859 sự cố tấn công thay đổi giao diện và 4.086 cuộc tấn công cài cắm mã độc (H.L, 2024).

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 964/QĐ-TTg, ngày 10/8/2022 phê duyệt chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Nội dung nổi bật của chiến lược là cần phải xây dựng hệ thống thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng có khả năng chỉ huy, kết nối, chia sẻ thông tin, tiếp nhận và xử lý sớm các thông tin gây hại tới không gian mạng quốc gia từ các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp viễn thông, Internet, dịch vụ nội dung số.

Mặc dù vậy, sự phát triển nhanh chóng của BLTT tại Việt Nam vẫn tiếp tục làm tình hình tội phạm mạng ngày càng gia tăng về số lượng cũng như cách thức, vấn nạn lừa đảo trực tuyến, lộ lọt thông tin cá nhân… trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh thị trường BLTT chịu áp lực cạnh tranh cao, những người BLTT bao gồm cả doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình phải tận dụng các công nghệ như kho dữ liệu và khai thác dữ liệu để thu thập thông tin khách hàng, phân tích đặc điểm và hành vi của họ, xây dựng mối quan hệ với khách hàng hiện tại và nhận diện những tiềm năng có thể phát triển từ họ càng làm cho vấn đề vi phạm về tính riêng tư của thông tin và bảo mật của giao dịch bị trầm trọng hóa hơn. Thực tế tại Việt Nam cho thấy, người tiêu dùng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất về thông tin khi dữ liệu vấn đề liên quan đến an ninh, sự riêng tư của dữ liệu giao dịch dễ dàng bị thu thập và sử dụng một cách bất hợp theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, đây là thách thức khá lớn đối với các cơ quan QLNN trong thời gian tới khi BLTT phát triển mạnh mẽ hơn với áp lực cạnh tranh cao hơn.

Thách thức thứ năm là giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp trong BLTT. Khi BLTT tăng trưởng mạnh mẽ, đa dạng cũng đồng nghĩa với việc các vấn đề phát sinh, tranh chấp trong BLTT sẽ gia tăng, đòi hỏi phải được giải quyết thấu đáo. Theo đó, nhiều văn bản pháp lý có quy định nội dung về hòa giải thương mại trực tuyến đã được ban hành, bước đầu tạo điều kiện cho việc hình thành giải quyết tranh chấp trực tuyến. Tuy nhiên, các nội dung như: trình tự, thủ tục và giá trị pháp lý của các quyết định giải quyết tranh chấp trong TMĐT nói chung và BLTT nói riêng…, chưa được cụ thể hóa và chưa có hướng dẫn, nên các trường hợp xảy ra tranh chấp đều chưa thể xử lý được. Trước thực tế đó, để tạo hành lang pháp lý vững chắc, giúp các cơ quan QLNN có đủ cơ sở để thực hiện giải quyết các tranh chấp, phát sinh trong BLTT, ngày 22/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15 kế thừa có sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử 2005. Bên cạnh đó, khung chế tài cho việc xử lý vi phạm hành chính liên quan đến ứng dụng TMĐT và công nghệ thông tin cũng dần được hoàn thiện. Với hệ thống văn bản như trên, có thể khẳng định khung pháp lý về TMĐT tại Việt Nam đã hình thành và khá đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc BLTT. Ngoài ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã tiến hành nâng cấp, hoàn thiện và mở rộng kết nối hệ thống Tổng đài Tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838; qua Thư điện tử (tại địa chỉ: khieunai@bvntd.gov.vn); qua Website (Hệ thống tiếp nhận yêu cầu, khiếu nại trực tuyến của người tiêu dùng http://khieunai.bvntd.gov.vn) và qua đường bưu điện, công văn trực tiếp… tới nhiều tỉnh, thành phố, các cơ quan QLNN và tổ chức liên quan trong cả nước, nhờ đó công tác này những năm qua đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.

Báo cáo của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (2022, 2023) cho thấy, phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực TMĐT có số lượng nhiều thứ 2 trong tổng số 22 nhóm hàng hóa, dịch vụ được phân loại bởi hệ thống Tổng đài Tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838. Cụ thể, khiếu nại trong lĩnh vực TMĐT năm 2022 có số lượng phản ánh, khiếu nại chiếm khoảng 14,7%. Đến năm 2023, chiếm khoảng 14,9% số lượng phản ánh, khiếu nại Ủy ban nhận được. Các nội dung phản ánh chủ yếu liên quan đến các hành vi như: chậm giao hàng; giao không đúng số lượng, chất lượng; hàng bị hỏng hóc, vỡ nát do quá trình lưu kho, vận chuyển; sàn TMĐT không hỗ trợ hoặc chậm hoàn tiền đơn hàng đã huỷ; không hỗ trợ đồng kiểm hoặc giải quyết các trường hợp gian hàng trên sàn chặn liên lạc, không chịu trách nhiệm bồi thường đơn hàng cho người tiêu dùng... Mặc dù vậy, số lượng khiếu nại, tố cáo vẫn chỉ là số lượng nhỏ, là “phần nổi của tảng băng chìm”, nguyên nhân chủ yếu là phần lớn người tiêu dùng chưa hiểu rõ các quy định cụ thể về quyền và lợi ích hợp pháp, quyền được khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng. Điều này, dẫn tới họ có nhiều bỡ ngỡ và khi gặp rủi ro thì không biết khiếu nại, tố cáo như thế nào và phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia vào các giao dịch BLTT.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Trong thời gian tới, để công tác QLNN đối với BLTT trở nên hiệu quả hơn, phù hợp hơn, theo kịp với sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của BLTT, cần phải tập trung vào một số giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để bám sát thực tiễn phát triển của BLTT, tránh sự chồng chéo giữa các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, nhằm tạo ra hành lang pháp lý bảo đảm môi trường thuận lợi cho sự phát triển của BLTT, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các đối tượng tham gia giao dịch. Đồng thời, qua thực tiễn quản lý, thực thi công vụ, các cơ quan QLNN có liên quan, như: Tổng cục Thuế, Tổng cục QLTT, Tổng cục Hải Quan, Cục TMĐT và Kinh tế số… và các đơn vị trực thuộc cần chủ động, tích cực tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành mới (hoặc sửa đổi, bổ sung) các quy định, cơ chế chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi. Bên cạnh đó, tạo sân chơi, sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng, phù hợp với công ước, hiệp định, quy định về tự do thương mại mà Việt Nam là thành viên, tham gia ký kết. Song song với đó là tiếp tục cải cách, đổi mới nền hành chính, công vụ hướng tới tạo dựng nền hành chính công liêm chính, lấy công dân làm trung tâm, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước đối với BLTT.

Hai là, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan QLNN có liên quan trong quản lý BLTT như: Tổng cục Thuế, Tổng cục QLTT, Cục TMĐT và Kinh tế số, Cơ quan Công an, Hải quan một cách hiệu quả và thực chất hơn nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp, nhất là việc chia sẻ thông tin, giám sát hàng hóa, giám sát chủ thể kinh doanh giữa các địa bàn, phát hiện và xử lý các vi phạm về thuế, hải quan; phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính ở nhiều nơi, đặc biệt là ở một số địa bàn, thị trường trọng điểm về BLTT.

Ba là, tăng cường cải cách hiện đại hóa hệ thống cung cấp dịch vụ công đối với BLTT, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đổi mới phương pháp quản lý bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung, nâng cao chất lượng dịch vụ công được cung cấp cho công dân bao gồm cả người bán và người mua trong BLTT. Tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức cho công tác QLNN trong các lĩnh vực, như: thuế, QLTT, hải quan, bảo vệ người tiêu dùng để đẩy nhanh tiến độ giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp phát sinh, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và trong BLTT. Bên cạnh đó, các cơ quan QLNN cần tập trung xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin như về hóa đơn điện tử, các phần mềm truy vết, xác định người bán, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn, đáp ứng và phục vụ tốt nhất việc quản lý BLTT phục vụ cho các mục tiêu phát triển của đất nước.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thuế, về chất lượng và xuất xứ hàng hóa, và bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến thông qua việc triển khai và đẩy mạnh trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra qua Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Thuế, Tổng cục QLTT, Tổng cục Hải quan, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Phối hợp với chính quyền, cơ quan Công an và các cơ quan ban ngành triển khai thực hiện quy chế phối hợp để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế, phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong BLTT. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý thuế, quản lý hàng hóa đối với hoạt động BLTT, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam.

Năm là, tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức tại các cơ quan QLNN có liên quan. Xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của các cơ quan QLNN có liên quan trong thời gian tới. Ngoài ra, chính các cơ quan QLNN này cũng nên tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra công vụ đột xuất đối với công chức, từng đơn vị trực thuộc. Thực hiện xử lý nghiêm, kiên quyết, kịp thời theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với công chức vi phạm, đặc biệt là hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong BLTT đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa. trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các đơn vị. Siết chặt kỷ luật công vụ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý của các cơ quan QLNN đối với BLTT.

Sáu là, đổi mới các chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thực hiện QLNN đối với BLTT theo hướng gắn với vị trí việc làm, chức danh công chức đảm nhận trên cơ sở năng lực công chức để bổ sung, hoàn thiện về kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để họ thực hiện tốt công việc được giao. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng là những kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ và kiến thức hội nhập quốc tế, kiến thức về BLTT phù hợp với định hướng chính trị, quy định pháp luật và yêu cầu của công việc theo vị trí việc làm và chức danh đảm nhận. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần được xây dựng đa dạng, phong phú và cập nhật chương trình, kinh nghiệm quản lý đối với BLTT của các nước có nền hành chính tiên tiến. Ưu tiên thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn ngày và tập trung vào các nội dung thiết thực, phù hợp với tính chất công việc của công chức. Chú trọng áp dụng phương pháp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản lý mang tính gợi mở theo tình huống thực tế hoạt động của BLTT.

Bảy là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong BLTT thông qua đa dạng phương thức như: hội thảo, toạ đàm, đăng tin bài; phối hợp cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng chuyên mục; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; hoạt động hưởng ứng, tuyên truyền (giải chạy, mít ting hưởng ứng…); lồng ghép tuyên truyền; phối hợp các tỉnh, thành phố tổ chức Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam 15/3… Bên cạnh đó, cơ quan QLNN là Bộ Công Thương sẽ tổ chức các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng trong tiêu dùng cho người tiêu dùng trong BLTT như: cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng phòng, tránh các trường hợp lừa đảo, gian dối trên thương mại điện tử, trên không gian mạng bằng các hình thức, như: đăng tin bài, xây dựng các tài liệu, phóng sự hướng dẫn… nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tiêu dùng cho toàn xã hội, nhất là đối với các đối tượng yếu thế như người tiêu dùng trực tuyến.

Tám là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông trên tất cả các kênh cả trực tuyến và trực tiếp nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, sự đồng thuận trong hành động và sự chia sẻ, ủng hộ của xã hội đối với các hoạt động của cơ quan QLNN đối với BLTT; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trên các mặt công tác trong toàn lực lượng. Công khai minh bạch thông tin rộng rãi về giá cả, chất lượng hàng hóa và các nguy cơ mất an toàn khi tiêu dùng trực tuyến. Xây dựng đạo đức, kinh doanh và hành vi, văn hóa tiêu dùng, văn hóa phục vụ cho các đối tượng người bán trực tuyến. Khuyến khích người dân phản ánh, khiếu nại các vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới các cơ quan chức năng; góp phần xây dựng hình ảnh cơ quan nhà nước kiến tạo và hoạt động vì người tiêu dùng, đồng thời, bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng tại Việt Nam.

Chín là, bên cạnh chính sách đã được hoàn thiện, sửa đổi, thì muốn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần tập trung thống kê các vi phạm đối với quyền của người tiêu dùng ở doanh nghiệp, gây ảnh hưởng rộng trong xã hội và có mức xử lý mạnh để mang tính răn đe. Xây dựng các chế tài xử phạt vi phạm trong BLTT đủ mạnh để có tính răn đe với toàn xã hội và tác động mạnh tới ý thức của mỗi chủ thể tham gia giao dịch BLTT.

Mười là, công khai việc nhận những tố cáo, khiếu nại của người tiêu dùng với thủ tục đơn giản, thuận tiện, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo một cách thường xuyên liên tục và hiệu quả. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế nhằm bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tạo niềm tin của các nước đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Bảo vệ người tiêu dùng phải được thực hiện sớm ngay từ gốc, tức là phải quản lý chất lượng từ lúc nhập khẩu và quản lý quy trình sản xuất hàng hoá ở trong nước. Vì vậy, trong quá trình triển khai, thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) năm 2023, cần phải chú ý điều tiết sự tác động của thông tin mạng, nhằm đáp ứng với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế để bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người tiêu dùng.

Mười một là, thực hiện kiểm tra, giám sát đối với tổ chức, cá nhân BLTT trong quá trình thực hiện các giao dịch đúng với các quy định pháp luật về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; sử dụng hợp pháp và khai thác hiệu quả dữ liệu thông tin. Việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử cũng cần được áp dụng mức độ bảo vệ tương đương các giao dịch truyền thống. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin về mình; đồng thời họ phải nắm bắt được các quy định pháp luật liên quan đến việc tự bảo vệ quyền lợi của mình trong các giao dịch BLTT.

Mười hai là, tiếp tục tăng cường năng lực tiếp cận thông tin pháp luật của công dân, bao gồm cả người bán và người tiêu dùng trong BLTT, tăng cường năng lực sử dụng quyền và tự bảo vệ quyền của công dân, qua đó nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tiếp cận thông tin pháp luật, sử dụng pháp luật của công dân. Cần chú trọng thực hiện việc quán triệt, thông tin, truyền thông thường xuyên, liên tục bằng các hình thức phù hợp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật BLTT đối với đời sống xã hội; sự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của công dân, đặc biệt là người tiêu dùng trực tuyến; khảo sát nhu cầu, thực trạng sử dụng pháp luật và nội dung, mô hình tiếp cận pháp luật; cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng bằng các hình thức phù hợp giúp người tiêu dùng chủ động tìm hiểu, khai thác, sử dụng pháp luật; củng cố, nâng cao hiệu quả các kênh tiếp nhận, trả lời kiến nghị, phản ánh, giải đáp, tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp trong BLTT; tôn vinh, khen thưởng công dân gương mẫu, người tốt, việc tốt trong xây dựng, bảo vệ, thực hiện pháp luật về BLTT./.

* Nguồn tài trợ: Bài báo được tài trợ kinh phí từ đề tài cấp Bộ “Tăng cường QLNN đối với bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam”, mã số đề tài: B2022- TMA-05.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương (2019), Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 22/1/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm QLNN đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương (2022), Báo cáo bảo vệ người tiêu dùng 2022.

3. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương (2023), Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2023, Nxb Công Thương.

4. Facebook, Bain & Compay (2021), Vietnam: New E-Commerce Hotspot in Southeast Asia by 2026.

5. Google, Temasek, Bain & Compannguoy (2023), e-conomy SEA 2023 report.

6. H.L (2024), Bộ Công an: Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép gần 1.300GB, truy cập từ https://www.anninhthudo.vn/bo-cong-an-so-luong-du-lieu-ca-nhan-bi-thu-thap-mua-ban-trai-phep-gan-1300gb-post568804.antd.

7. Metrix (2024), Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023.

8. Tổng cục QLTT (2020), Quyết định số 368/QĐ-TCQLTT, ngày 28/02/2020 về việc thành lập Tổ công tác về TMĐT.

9. Tổng cục Thuế (2024), Báo cáo tổng kết công tác thuế 2023.

10. Tổng cục Thuế (2023), Quyết định số 970/QĐ-TCT, ngày 14/7/2024 về Quy trình kiểm tra thuế.

1. Tổng cục QLTT (2023), Báo cáo Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

12. Tổng cục QLTT (2024), Báo cáo tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

13. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (2022, 2023), Báo cáo bảo vệ người tiêu dùng các năm 2022, 2023.

14. Vũ Khuê (2023), Thương mại điện tử Việt Nam: “Miếng bánh” hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại, truy cập từ https://vneconomy.vn/thuong-mai-dien-tu-viet-nam-mieng-banh-hap-dan-cac-nha-dau-tu-ngoai.htm.

Ngày nhận bài: 8/5/2024; Ngày phản biện: 13/5/2024; Ngày duyệt đăng: 23/5/2024