Đào Thị Thương

Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương

Email: thuongdt@ftu.edu.vn

Tóm tắt

Trong thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng, tuy nhiên cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Trên cơ sở phân tích thực trạng thị trường TPDN trong giai đoạn 2018-2023, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường TPDN phát triển lành mạnh, góp phần củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.

Từ khóa: trái phiếu doanh nghiệp, huy động vốn, nhà đầu tư cá nhân

Summary

Recenlty, Vietnam's corporate bond market has developed rapidly but encountered many potential risks. By analyzing the reality of corporate bond market in the period 2018-2023, the article proposes a number of solutions to promote the healthy development of the corporate bond market, contributing to strengthening investor confidence.

Keywords: corporate bond, capital mobilization, individual investors

GIỚI THIỆU

Thị trường tài chính Việt Nam ngày một phát triển, mở ra một kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp bằng việc phát hành trái phiếu. Đây cũng là cách thức huy động vốn có nhiều ưu điểm cho các công ty và là kênh đầu tư có mức sinh lời tốt cho các nhà đầu tư. Theo thông tin trên báo cáo thường niên của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA),lượng vốn huy động bằng phát hành trái phiếu với dư nợ trên GDP giai đoạn 2019-2023 trung bình là 13,52%. Giai đoạn đại dịch Covid-19, số vốn huy động lên đến 466.826 tỷ đồng và 637.073 tỷ đồng lần lượt cho năm 2020 và năm 2021; năm2022, con số này giảm xuống mức 269.486 tỷ đồng. Năm 2023, tổng giá trị TPDN phát hành tăng trở lại, đạt 333.988 tỷ đồng, tăng 37,8% so với năm 2022. Mức lãi suất cho nhà đầu tưcao 9%-15%, hấp dẫn hơn so với gửi ngân hàng. Tuy nhiên, sự phát triển này chưa thực sự bền vững khi mà phần lớn trái phiếu được phát hành chủ yếu là phát hành riêng lẻ, phần lớn không có tài sản đảm bảo, nhiều doanh nghiệp (đặc biệt các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng) không có khả năng thanh toán lãi và gốc đúng hạn năm 2023, nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường còn hạn chế về số lượng và sự hiểu biết. Để TPDN trở thành kênh hữu ích cho các bên liên quan, cần có những quy định rõ ràng về tính minh bạch thông tin, phát triển tổ chức xếp hạng tín nhiệm tín dụng của các doanh nghiệp, có những quy định về trần lãi suất hay những kênh mạng xã hội riêng để cung cấp kiến thức đầu tư, những cảnh báo và lưu ý cho nhà đầu tư trái phiếu.

TỔNG QUAN VỀ TPDN VÀ PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU

Khái niệm TPDN

Trái phiếu là thuật ngữ phổ biến trong tài chính, là chứng khoán được chính phủ và các tập đoàn bán ra để huy động tiền từ các nhà đầu tư hôm nay, đổi lại họ sẽ nhận được những khoản tiền hứa hẹn trong tương lai là khoản lãi và nhận lại gốc khi đáo hạn. Ở Việt Nam, khái niệm TPDN được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 4 Chương 1, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Theo đó, TPDN là loại chứng khoán có kỳ hạn từ1 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.

Các loại trái phiếu phổ biến

Nhìn chung, các trái phiếu đều là các hợp đồng vay nợ. Tuy nhiên, cách vay và cách trả lãi, trả gốc cũng rất khác nhau, do đó, hình thành nên các loại trái phiếu khác nhau.

- Trái phiếu có lãi suất bằng 0: Như tên gọi của nó, doanh nghiệp sẽ không thanh toán lãi mà sẽ bán với mức giá chiết khấu thấp và hoàn trả số tiền mệnh giá vào ngày đáo hạn. Chênh lệch giữa giá bán và mệnh giá được xem như khoản lãi cho nhà đầu tư.

- Trái phiếu có lãi suất khác 0: Theo điều khoản ghi trên trái phiếu, định kỳ có thể là 3 tháng, 6 tháng, hay 1 năm, nhà đầu tư sẽ nhận được khoản lãi và nếu nắm giữ đến khi đáo hạn sẽ nhận lại số tiền gốc là mệnh giá trái phiếu.

- Trái phiếu có tài sản đảm bảo: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu là huy động nợ vay, do đó, nếu khoản vay này có tài sản (thường là tài sản cố định) dùng để đảm bảo việc thanh toán nợ, thì trái phiếu đó là trái phiếu có tài sản đảm bảo và ít rủi ro cho nhà đầu tư; đồng thời, lãi suất vay của doanh nghiệp cũng sẽ thấp hơn so với vay không có tài sản đảm bảo.

- Trái phiếu không có tài sản đảm bảo:Trong trường hợp này, người mua trái phiếu gặp nhiều rủi ro, do khi công ty mất khả năng thanh toán và phá sản, thì toàn bộ tài sản sẽ được bán đi trả hết nợ trước cho các chủ nợ có tài sản đảm bảo, rồi mới đến trái chủ không có tài sản đảm bảo. Vì rủi ro cao như vậy, nhưng khi thiếu vốn và cũng không còn tài sản đảm bảo, doanh nghiệp sẽ phát hành loại trái phiếu này và thông thường với mức lãi suất cao hơn lãi suất của trái phiếu có tài sản đảm bảo để thu hút nhà đầu tư.

- Trái phiếu có điều khoản mua lại: Trái phiếu có thể thu hồi cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu với mức giá định trước. Tính năng mua lại cũng cho phép doanh nghiệp phát hành có quyền (nhưng không có nghĩa vụ) mua lại tất cả các trái phiếu đang lưu hành vào (hoặc sau) một ngày cụ thể được gọi là ngày thu hồi, đối với giá thu hồi được xác định khi phát hành trái phiếu. Giá mua được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm của mệnh giá trái phiếu và thường được đặt bằng hoặc cao hơn mệnh giá. Chênh lệch giữa giá quyền chọn mua và mệnh giá là phí quyền chọn mua.

- Trái phiếu chuyển đổi: Là TPDN có điều khoản rằng, trái chủ có quyền lựa chọn chuyển đổi mỗi trái phiếu sở hữu thành một số lượng cổ phiếu phổ thông theo một tỷ lệ được gọi là tỷ lệ chuyển đổi. Điều khoản này thường mang lại cho người sở hữu trái phiếu quyền chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu vào bất kỳ thời điểm nào trước ngày đáo hạn của trái phiếu (Berk và cộng sự, 2020).

Đặc điểm cơ bản của phát hành TPDN

Giống với vay ngân hàng, phát hành trái phiếu là hình thức huy động vốn vay. Do vậy, nó có những đặt điểm cơ bản, bao gồm:

(i) Lãi vayphải trả giúp doanh nghiệp tiết kiệm thuế thu nhập doanh nghiệp.

(ii) Trái chủ không có quyền kiểm soát công ty như các cổ đông.

(iii) Giúp công ty có vốn kinh doanh mà chi phí lại thấp hơn so với phát hành cổ phiếu do trái chủ ít rủi ro hơn so với cổ đông.

(iv) Vì là đi vay, nên làm gia tăng hệ số nợ nếu vốn chủ sở hữu không đổi.

(v) Mất khả năng thanh toán lãi hay gốc đều dẫn đến khả năng phá sản.

Sự khác biệt giữa phát hành TPDN với vay ngân hàng

Mặc dù đều là nợ vay, nhưng huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu cũng có những khác biệt so với vay ngân hàng, cụ thể:

(i) Vốn vay chia nhỏ theo mệnh giá, nếu là trái phiếu niêm yết, thì mệnh giá theo quy định của Ủy ban Chứng khoán nhà nước là 100.000 đồng và công chúng đầu tư có thể mua số lượng trái phiếu theo khả năng và chiến lược đầu tư của họ.

(ii) Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có sự chủ động trong việc lựa chọn và đưa ra các điều khoản về lãi suất, tài sản đảm bảo… trong đợt phát hành. Ngược lại, với việc đi vay ngân hàng, doanh nghiệp thường phải tuân theo những quy định của ngân hàng và chịu giám sát gắt gao hơn trong việc giải ngân và kiểm soát doanh nghiệp trong quá trình sử dụng vốn.

(iii) Tiền huy động từ trái phiếu là một khoản lớn nhận được ngay lúc phát hành, tính bằng tổng giá trị khối lượng trái phiếu phát hành nhân mệnh giá phát hành. Nhưng với việc vay ngân hàng, việc giải ngân sẽ được tiến hành theo giai đoạn, theo tiến độ phụ thuộc vào mục đích của món vay. Do vậy, sau khi huy động được tiền, nếu chưa cần dùng hết cho dự án, doanh nghiệp có thể gửi ngân hàng, điều này giúp giảm chi phí vốn vay thực tế. Ngoài ra, so với việc vay vốn ngân hàng, thông thường doanh nghiệp có thể sử dụng khoản vay đến khi đáo hạn, còn vay ngân hàng thông thường sẽ phải trả gốc đều theo thời gian.

(iv) Trái chủ có thể dễ dàng chuyển nhượngtrái phiếu cho người khác hay đem cầm cố khi cần, bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu sẽ cao hơn so với gửi ngân hàng từ 3%-7%,nênthu hút được các nhà đầu tư, doanh nghiệp dễ thành công hơn trong việc huy động vốn bằng phát hành trái phiếu.

THỊ TRƯỜNG TPDN VIỆT NAM

Về lượng phát hành

Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, huy động vốn bằng phát hành trái phiếu tại Việt Nam cũng nở rộ trong những năm gần đây. Hình 1 thể hiện sự phát triển rõ nét của thị trường TPDNViệt Nam.

Hình 1: Dư nợ TPDN và dư nợ tín dụng

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp qua những con số thống kê

Nguồn: VBMA, 2023

Hình 1 cho thấy, từ năm 2018-2020, mức dư nợ TPDN tăng gấp đôi hàng năm, đà tăng/giảm vào năm 2021 và 2022 do ảnh hưởng suy giảm của nền kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19, tuy nhiên, xu hướng của cả giai đoạn là gia tăng dư nợ hàng năm. Năm 2018, tổng dư nợ TPDN chỉ chiếm 8% trong tổng dư nợ tín dụng, sau đó tăng lên và duy trì ở mức quanh 12%, ngoại trừ năm 2021, 2022 với sự tăng giảm bất thường và tính đến năm 2023, con số này đã tăng gần gấp đôi so với năm 2017 (mức 6,6%) và đạt ở mức 12% trong tổng dư nợ tín dụng. Điều này cho thấy, TPDN đang trở thành một kênh huy động quan trọng giúp doanh nghiệp có vốn trung và dài hạn. Theo thông tin của VMBA, kỳ hạn trái phiếu ở mức trung bình là 3,76% năm, với phần lớn trái phiếu có kỳ hạn là 2-3 năm, tiếp theo là các trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm.

Nhìn vào lượng vốn huy động từ TPDN trong những năm gần đây (Hình 2), có thể thấy, mức tăng trưởng khối lượng vốn huy động từ phát hành TPDN tăng ngoạn mục từ 2017-2021, đặc biệt, mức tăng gia tăng kỷ lục từ 2019-2022, với mức tăng hàng năm lần lượt là: 115%, 40% và 36%. Đỉnh điểm lượng vốn huy động được vào năm 2021 là 637.073 tỷ đồng, gấp 5,6 lần so với lượng vốn huy động được trong năm 2017. Tuy nhiên, sau những bê bối từ trái phiếu của một loạt doanh nghiệp lớn, như: Tân Hoàng Minh, Ngân hàng SCB, Công ty Cổ phần VKC Holding…, do sự siết chặt của cơ quan quản lý và sự ra đời của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP có nội dung tăng cường quản lý hoạt động phát hành trái phiếu, nhằm nâng cao chất lượng TPDN,lượng vốn huy động từ TPDN giảm 60% vào năm 2022, với lượng vốn huy động được chỉ còn là 255.163 tỷ đồng.

Hình 2: Khối lượng vốn huy động từ TPDN và tỷ trọng phát hành ra công chúng

Đơn vị: Tỷ đồng

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp qua những con số thống kê

Nguồn: VBMA, 2022-2023

Về loại TPDN phát hành

Hình 2 cho thấy, tỷ lệ trái phiếu được phát hành ra công chúng ở mức thấp, con số này vào năm 2017 chỉ là 1,82% và cao nhất là 9,01% vào năm 2018, sau đó giảm xuống; những năm 2021 và 2022, TPDN niêm yết chỉ chiếm khoảng hơn 4% trong tổng lượng TPDN và tăng lên ở mức 11% năm 2023. Hơn nữa, nhà đầu tư sơ cấp TPDN vẫn chủ yếu là các tổ chức tài chính, như: ngân hàng thương mại (mua khoảng 35%-40% tổng khối lượng trái phiếu phát hành), công ty chứng khoán (mua khoảng 30%-35% tổng khối lượng trái phiếu phát hành), còn lại là doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư, các tổ chức khác và nhà đầu tư cá nhân. Như vậy, có thể thấy, lượng trái phiếu phát hành ra công chúng còn thấp, chưa nói đến những trái phiếu đủ tiêu chuẩn niêm yết vào giao dịch ở các sở giao dịch.

Bên cạnh đó, cũng theo số liệu trong báo cáo thường niên qua các năm của VBMA, phần lớn các trái phiếu phát hành đều là các loại trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Theo ghi nhận năm 2022, đối với TPDN phát hành riêng lẻ, 66,05% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo và không chuyển đổi; đối với TPDN phát hành ra công chúng, 97,64% giá trị phát hành là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm. Năm 2023, tỷ trọng trái phiếu không có tài sản đảm bảo và không chuyển đổi lần lượt là 62,5% đối với TPDN phát hành riêng lẻ và 85% đối với TPDN phát hành ra công chúng.

Về lãi suất phát hành

Sự tăng trưởng thần kỳ về lượng vốn trái phiếu huy động những năm qua một phần là do mức lãi suất hấp dẫn mà các doanh nghiệp đưa ra thường cao hơn lãi suất ngân hàng ít nhất từ 3%-5%. Mức lãi suất trung bình năm 2022 và 2023 lần lượt là8% và10,1% (VBMA, 2023). Đặc biệt, lãi suất phát hành bình quân của các công ty bất động sản luôn cao hơnso với các ngành khác; năm 2023, mức lãi suất cao nhất được huy động là trên 12%. Điển hình là tập đoàn Vingroup đã phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhất lên tới 14,5% và 15%/năm áp dụng cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên (kỳ trả lãi 6 tháng/lần). Ở các kỳ tính lãi tiếp theo sẽ bằng 4% cộng bình quân lãi suất tiền gửi áp dụng cho khách hàng cá nhân, kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng thương mại Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank (hiện vào khoảng 6%-6,3%/năm) [6].

Về tổ chức phát hành

Cũng theo thống kê từ báo cáo thường niên của VBMA qua các năm, có thể thấy, chủ thể huy động vốn theo cách thức phát hành TPDN là các tổ chức tín dụng và công ty bất động sản (lên đến con số 80,5% vào năm 2023), lượng vốn huy động còn lại là từ các doanh nghiệp ngành sản xuất, năng lượng, hàng hóa tiêu dùng. Tuy nhiên,tổ chức tín dụng, các công ty bất động sản và xây dựng cũng là những doanh nghiệp có tỷ lệ thu mua lại trái phiếu trước hạn nhiều nhất.

Đáng chú ý, hệ số thanh toán nhanh của ngành bất động sản và xây dựng liên tục giảm từ cuối năm 2021 đến nay, hệ số khả năng trả lãi giảm, hệ số dòng tiền/tổng nợ ở mức rất thấp (< 0,1) khi dư nợ còn lớn và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thấp, cũng khiến một loạt doanh nghiệp phải xin kéo dài thời gian trả nợ từ 1-2 năm để tránh trường hợp chậm trả lãi gốc. Dường như lợi thế chiếm dụng vốn lâu vì không phải trả gốc hàng tháng như vay ngân hàng của trái phiếu lại trở thành bất lợi khi mà dòng tiền từ kinh doanh yếu, trong khi các lô trái phiếu, hàng trăm, hàng nghìn tỷ đến thời gian đáo hạn khiến doanh nghiệp phát hành không xoay sở kịp để trả nợ.

KẾT LUẬN VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Có thể thấy, phát triển thị trường TPDN là một việc làm cần thiết, bởi đây là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp khi mà họ có được sự chủ động về các điều khoản vay, hơn nữa, nhà đầu tư cũng có lợi do được hưởng mức lãi suất cao hơn so với gửi ngân hàng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, đã chứng kiến hàng loạt công ty có sai phạm trong phát hành TPDN. Điển hình như Tập đoàn Tân Hoàng Minhđã bị hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu, bởi 3 công ty thành viên của Tân Hoàng Minh Group đã cố tình che dấu và cung cấp thông tin sai sự thật. Hay các công ty, như: Novaland, Công ty Cổ phần VKC Holdings (mã chứng khoán VKC - HNX) cũng đã phải khất nợ các trái chủ do không thể thanh toán lãi và gốc trái phiếu khi đến hạn.

Bên cạnh đó, đa phần trái phiếu là không có tài sản đảm bảo, không chuyển đổi và không kèm chứng quyền. Trái phiếu có tài sản đảm bảo, thì chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường; theo đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Chưa kể đến, những tài sản này còn có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của doanh nghiệp.

Như vậy, có thể thấy, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp lớn phát hành, mà không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo có giá trị biến động mạnh sẽ gây ra rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư khi doanh nghiệp bị phá sản. Mức lãi suất coupon trái phiếu của ngành bất động sản xây dựng cao, nhưng đó cũng là những ngành có tỷ lệ phải xin gia hạn thời hạn trái phiếu, các hệ số thanh toán thấp, hệ số dòng tiền/dư nợ gần như ở mức 0. Do vậy, rủi ro mất tiền từ những khoản đầu tư vào trái phiếu này là rất cao.

Một điểm đáng lưu ý khác, trên thị trường vẫn có trường hợp doanh nghiệp phát hành TPDN với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh lỗ qua các năm [5]. Những bê bối của các doanh nghiệp lớn, như: Tân Hoàng Minh, ngân hàng SCB, Vạn Thịnh Phát…, đã gây mất niềm tin cho nhà đầu tư. Kết quả là, năm 2022 đánh dấu sự sụt giảm hơn 60% khối lượng vốn phát hành từ TPDN so với năm 2021. Tiếp đến, trong năm 2023, lại thêm một loạt doanh nghiệp xin khất nợ lãi và gốc trái phiếu đến hạn.

Theo đó, để lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư cũng như thúc đẩy các nhà phát hành TPDN tuân thủ pháp luật để thị trường TPDN trở nên lành mạnh, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, phải xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm trong cung cấp dịch vụ về TPDN, phân phối trái phiếu; chào mời khách hàng gửi tiền tiết kiệm chuyển sang mua TPDN riêng lẻ thông qua mua trực tiếp hoặc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty chứng khoán. Thực tế có những trường hợp, khách hàng đi gửi tiền, nhưng được tư vấn để tiền vào tài khoản tiết kiệm đầu tư trái phiếu và sau đó tài khoản đó thua lỗ, dẫn đến người gửi mất tiền.

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn cung trái phiếu. Hiện nay, tại Điều 12, Nghị định số 153/2020/ NĐCP có quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu, trong đó, “Kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và loại trái phiếu phát hành” là không bắt buộc. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và gia tăng chất lượng nguồn cung trái phiếu, điều khoản trên nên quy định là bắt buộc. Tuy nhiên, muốn chứng nhận xếp hạng tín nhiệm này có giá trị, cũng cần phải phát triển được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tốt. Điều này sẽ giúp loại bỏ bớt những nhà phát hành không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đảm bảo được thông tin minh bạch, đầy đủ, chính xác và giữ được lòng tin của nhà đầu tư.

Ba là, cần đặt ra mức lãi suất trần đối với trái phiếu, bởi những doanh nghiệp yếu kém thường sẽ đưa ra mức hấp dẫn để có thể thu hút nhà đầu tư. Thông thường, doanh nghiệp suy kiệt vốn nội bộ và không thể có đủ điều kiện tìm kiếm những nguồn vốn giá rẻ chính thống qua các kênh như ngân hàng, thì mới phải vay vốn với chi phí đắt đỏ. Mức lãi suất trần nên hạn chế ở bình quân lãi suất tiền gửi cộng với 3%-5%.

Bốn là, cần thiết bắt buộc doanh nghiệp phân phối trái phiếu có những lưu ý rõ ràng về những rủi ro nhà đầu tư gặp phải khi mua trái phiếu khi thực hiện công bố thông tin về đợt phát hành, như: trái phiếu có được bảo lãnh thanh toán bởi ngân hàng không hay ngân hàng chỉ là bên tư vấn bảo lãnh phát hành và phân phối.

Năm là, về phía nhà đầu tư cá nhân, cần có những chương trình truyền hình hoặc trang mạng xã hội riêng biệt dành cho đầu tư trái phiếu, để những kiến thức đầu tư và những thông tin cảnh báo, hay lời nhắc nhở dễ tiếp cận được đến công chúng đầu tư. Khi mà nhà đầu tư được bảo vệ, thì mới có thị trường phát triển lành mạnh. Bên cạnh đó, qua những sự vụ mất tiền do thiếu hiểu biết nhưng tham lãi cao vừa qua, hi vọng các nhà đầu tư cần phải xem xét rất kỹ và hiểu rõ điều kiện, điều khoản trái phiếu và các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành trước khi quyết định mua và giao dịch trái phiếu./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Berk, J. B., DeMarzo, P. M., and Harford, J. V. T. (2020), Fundamentals of Corporate Finance, Pearson Education.

2. Chính phủ (2020), Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.

3. Chính phủ (2023), Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, ngày 05/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.

4. Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Báo cáo thường niên các năm 2019-2023.

5. Hoài Anh (2021), Gần một nửa TPDN không có tài sản đảm bảo, truy cập từ

https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM216961.

6. Thái Phương (2023), TPDN được chào bán lãi suất 15% có hấp dẫn?, truy cập từ https://nld.com.vn/dong-tien-thong-minh/trai-phieu-doanh-nghiep-duoc-chao-ban-lai-suat-15-co-hap-dan-20230809091824185.htm.

7. https://www.finhay.com.vn/trai-phieu-doanh-nghiep.

8. https://tapchinganhang.gov.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-thuc-tien-nam-2022-va-trien-vong-nam-2023.htm.

Ngày nhận bài: 15/5/2024 Ngày phản biện: 29/5/2024; Ngày duyệt đăng: 14/6/2024