Mối quan hệ giữa CNHT và FDI

Đối với các nước đang phát triển, CNHT và DN FDI có mối quan hệ mật thiết và tương hỗ lẫn nhau, thể hiện trên nhiều khía cạnh.

Một mặt, FDI là tiền đề để thúc đẩy ngành CNHT trong nước hình thành và phát triển. Thậm chí có thể nói, không có vốn FDI đầu tư vào các ngành công nghiệp chế tác - chủ yếu là hoạt động gia công, lắp ráp - thì không có ngành CNHT ở các nước đang phát triển. Các nghiên cứu quốc tế đã nói nhiều đến “tác động lan tỏa” của các DN FDI đối với nền công nghiệp nói chung và ngành CNHT nói riêng của nước sở tại.

Thu hút vốn đầu tư và công nghệ của doanh nghiệp FDI phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.  Hải Phòng
Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ làm tăng sức hấp dẫn trong thu hút FDI

Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của CNHT trong nước sẽ làm tăng sức hấp dẫn trong thu hút FDI. Theo số liệu điều tra do tổ chức JETRO tiến hành tại các cơ sở lắp ráp cơ khí của các nhà đầu tư Nhật Bản ở Đông Nam Á, chi phí linh kiện, phụ tùng chiếm đến 70-90% giá thành sản phẩm, trong khi chi phí nhân công chỉ chiếm khoảng 10% (Kenichi Ohno, 2007). Vì thế, mặc dù hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài trong công nghiệp chế tác đều tiến hành các hoạt động thâm dụng lao động, nhưng để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình, họ vẫn rất cần có ngành CNHT phát triển ở nước sở tại. Ngược lại, một nước dù có ưu thế về lao động nhưng không có CNHT phát triển, thì môi trường đầu tư ở đó vẫn kém hấp dẫn, kém cạnh tranh.

Mối quan hệ giữa FDI và CNHT được minh họa qua 3 giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: “Thời kỳ khởi đầu”. Khi chưa có FDI đi vào, trong nước thường đã có ít nhiều cơ sở CNHT cung cấp linh kiện cho các đơn vị sản xuất, lắp ráp thành phẩm. Đến khi có FDI, một số cơ sở CNHT sẽ phát triển mạnh hơn nếu tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các DN FDI.

Giai đoạn 2: “Thời kỳ bắt đầu phát triển”. Khi FDI tăng mạnh khiến nhu cầu về linh phụ kiện gia tăng, làm tăng nhanh số lượng các cơ sở CNHT trong nước phục vụ các DN FDI. Những cơ sở nào sớm hình thành mối liên kết với các DN FDI sẽ được hỗ trợ về nhiều mặt, như: đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp thiết bị kỹ thuật, chuyển giao công nghệ… và sẽ có bước tiến vượt bậc.

Giai đoạn 3: “Thời kỳ phát triển cao trào”. Sau một thời gian hoạt động, quy mô sản xuất của các DN FDI được mở rộng, tạo ra thị trường ngày càng lớn cho CNHT, theo đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể tìm đến đầu tư vào lĩnh vực này.

TÌNH HÌNH THU HÚT FDI VÀO NGÀNH CÔNG NGHIỆP VÀ CNHT TP. HẢI PHÒNG THỜI GIAN QUA

Kết quả đạt được

Trong những năm qua, kinh tế Thành phố đã phát triển mạnh mẽ, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, GRDP bình quân 5 năm 2016-2020 tăng 13,94%/năm, gấp 1,97 lần giai đoạn 2011-2015 (7,08%/năm) và gấp 2,06 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước (6,78%/năm). Quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, năm 2020 đạt 276.665 tỷ đồng (tương đương khoảng 12 tỷ USD), gấp 2,1 lần so với năm 2015 (131.314 tỷ đồng), đứng thứ 2 vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 5.863 USD, gấp gần 2 lần so với năm 2015 (3.042 USD), gấp gần 2 lần của cả nước (3.000 USD).

Đóng góp vào sự phát triển chung của Thành phố là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp, ngành giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế Thành phố, từng bước đưa Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, một trong những trung tâm công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao của cả nước. Công nghiệp Thành phố phát triển cả về quy mô, chất lượng và tốc độ. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2020 ước đạt 86.482 tỷ đồng, gấp 2,57 lần so với năm 2015 (33.626 tỷ đồng), tăng trưởng bình quân 20,8%/năm, gấp 1,78 lần giai đoạn 2011-2015 (11,69%/năm). Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng từ 25,12%, năm 2015 lên 39,15% năm 2020. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo tăng nhanh từ 16,4% năm 2015 lên 45,5% năm 2020.

Thời gian qua, FDI đã khẳng định được vị trí của mình trong quá trình phát triển ngành công nghiệp nói chung, CNHT nói riêng của Hải Phòng. Giai đoạn 2016-2020, thống kê cho thấy, có 89,7% vốn FDI đầu tư vào các ngành công nghiệp Thành phố, trong đó có 89,5% vốn FDI đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, với nhiều dự án trên dưới 1 tỷ USD của nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó đóng góp chủ lực của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đầu tư trên 6 tỷ USD vào Tổ hợp nhà máy sản xuất linh kiện điện tử hiện đại, có giá trị thương mại cao.

Theo báo cáo của Cục Thống kê TP. Hải Phòng, năm 2020, TP. Hải Phòng có 759 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 19.173,9 triệu USD. TP. Hải Phòng vẫn giữ vững tốc độ thu hút vốn đầu tư FDI với 75 dự án cấp mới năm 2020 (tổng vốn đầu tư đạt 1.060,8 triệu USD) đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 70,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài các dự án cấp mới còn có 26 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với số vốn tăng là 376,07 triệu USD. Đáng chú ý, các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Hải Phòng đã thu hút được các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng, thân thiện với môi trường với số vốn trên 1 tỷ USD đến từ các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, như: LG; Bridgestone; Nipro Pharma; Kyocera Mita; Fuji Xerox; GE; Regina Miracle… Hay dự án nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam, chuyên sản xuất và lắp ráp các bảng mạch điện tử, thiết bị đeo được với vốn đầu tư 200 triệu USD cho giai đoạn I trong khu công nghiệp (KCN) DEEP C Hải Phòng.

Đến hết năm 2020, TP. Hải Phòng đã thành lập và cho đi vào hoạt động 12 KCN. Năm 2020, các KCN, khu kinh tế của Hải Phòng thu hút 39 dự án FDI cấp mới với số vốn hơn 1.100 triệu USD, có 25 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm hơn 428 triệu USD, tổng vốn thu hút đạt gần 1.530 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến ngày 31/12/2020, các KCN, khu kinh tế đã thu hút 400 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 16.250 triệu USD. Hầu hết các dự án đều sử dụng thiết bị, công nghệ hiện đại, kéo theo thu hút các dự án vệ tinh khác, bước đầu hình thành các cụm sản xuất, chuỗi sản xuất công nghiệp đa dạng, có quy mô ngày càng lớn hơn.

Những hạn chế

Mặc dù thu hút vốn đầu tư và công nghệ từ DN FDI cho phát triển kinh tế nói riêng, ngành CNHT Hải Phòng nói riêng đã đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn còn một số hạn chế nhất định, như:

Một là, số DN CNHT của Hải Phòng còn ít, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị của các DN FDI, nên việc chuyển giao vốn và công nghệ còn hạn chế. Khảo sát của nhóm tác giả tại các KCN tại Hải Phòng trong năm 2020 cho thấy, những ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu lớn vẫn chủ yếu dựa trên nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu là chính. DN sản xuất các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao, như: giày dép, dệt may, dây điện và cáp điện, sản phẩm plastics vẫn phải nhập khẩu từ trên 80% đến trên 90% nguyên phụ liệu.

Nghiên cứu tại KCN Nomura Hải Phòng, trong 42 DN, thì hiện đang có 14 DN CNHT đang hoạt động, trong đó có đến 13 DN của Nhật Bản và 1 DN chuyên sản xuất bao bì của Đài Loan. Tương tự đối với KCN Tràng Duệ, trong 13 DN đang hoạt động, thì chỉ có 2 DN của Việt Nam cung cấp sản phẩm sơn và bao bì, còn lại đều là các DN FDI chủ yếu là của Hàn Quốc. Qua đó có thể thấy, các DN CNHT của Hải Phòng đang đóng vai trò mờ nhạt trong mối liên kết trong sản xuất với các DN FDI.

Hai là, chưa có sự gắn kết giữa DN nội địa với các DN FDI, vì vậy chưa tạo động lực cho sự phát triển của các DN CNHT của Hải Phòng. Hoạt động đầu tư của các DN nước ngoài vào các KCN mang tính tổng thể từ việc nhập nguyên vật liệu, sản xuất sản phẩm của CNHT, sản xuất thành phẩm là một chu trình khép kín. Vì thế, DN CNHT Hải Phòng khó có thể tham gia liên kết sản xuất cung cấp sản phẩm phụ trợ cho các DN FDI.

Ba là, các DN trong cùng chuỗi liên kết ngành chưa có sự kết nối chặt chẽ. Điển hình trong mối liên kết ngành dệt may, tỷ trọng nguyên phụ liệu cung ứng từ nước ngoài chiếm 65,6%, trong khi tỷ trọng cung ứng cho các DN trong cùng cụm chỉ chiếm 3,3%. Ngành có tỷ trọng cung ứng linh phụ kiện trong cụm cao nhất là ngành ô tô, xe máy cũng chỉ chiếm gần 14%, trong khi tỷ trọng linh phụ kiện từ các tỉnh, Thành phố khác chiếm 52,8% (Bảng). Điều này chứng tỏ các DN trong cùng chuỗi liên kết ngành chưa có sự kết nối chặt chẽ, chưa phát huy hiệu quả phạm vi địa lý, một trong những yếu tố giúp DN giảm chi phí giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển kinh tế. Qua đó có thể thấy, mối quan hệ giữa CNHT Hải Phòng và FDI mới ở Giai đoạn 2: “Thời kỳ bắt đầu phát triển”.

Bảng: Các quan hệ liên kết cung ứng giữa các DN

Đơn vị tính: %

Dệt may

Giày da

Ô tô, xe máy

Điện tử

Điện

Cơ khí

Khác

Liên kết trong cùng KCN

3,3

4,6

13,9

8,1

8,7

12

1,9

Liên kết ngoài KCN

3,2

2,3

5,6

2,7

0,0

4

5,6

Liên kết với tỉnh, thành khác

27,9

18,2

52,8

43,2

73,9

64,0

61,1

Với nước ngoài

65,6

75,0

27,8

46

17,4

20,0

31,5

Tổng số

100

100

100

100

100

100

100

Nguồn: Sở Công Thương TP. Hải Phòng

Bốn là, mặt bằng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện nay, Hải Phòng đang gấp rút chuẩn bị mặt bằng sản xuất. Hải Phòng đã hoàn thiện các công trình giao thông (đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cảng hàng không Cát Bi; Cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện giai đoạn 1, đường Tân Vũ - Cát Hải, cầu Đình Vũ - Cát Hải…), song vẫn còn một số nút thắt làm tắc nghẽn giao thông, như: đường vành đai ven biển…, nguồn cung cấp điện, nước sạch; chưa khuyến khích phát triển các cơ sở dạy nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản, Hàn Quốc; dạy tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc và phát bản tin tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc trên đài phát thanh, truyền hình địa phương…

NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN

Theo kế hoạch tăng tốc giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng tập trung vào 3 trụ cột phát triển gồm: công nghiệp công nghệ cao; kinh tế biển, cảng biển logistics và du lịch, thương mại. Với chiến lược đầy tham vọng đó, Hải Phòng đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ đầu tư thêm 15 KCN mới, bổ sung 6.500 ha quỹ đất để đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhà đầu tư trong giai đoạn mới, bên cạnh 1 khu kinh tế, 12 KCN đang vận hành ổn định. Với việc đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng KCN như vậy, tới năm 2025, thành phố dự kiến thu hút đầu tư 15-20 tỷ USD. Đây là nguồn lực rất lớn thúc đẩy kinh tế nói chung, ngành công nghiệp và CNHT Hải Phòng riêng phát triển, góp phần đưa Hải Phòng sớm trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững.

Để hoàn thành các mục tiêu này, trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường thu hút các DN FDI chủ lực

DN FDI chủ lực là tiền đề đầu tiên, quan trọng nhất để phát triển CNHT. Theo đó, việc thu hút những tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia trong Top 500 của thế giới phải trở thành quyết sách mang tính chiến lược. Đây là giải pháp có tính quan trọng ưu tiên trong bối cảnh Hải Phòng đang lúng túng trong việc hình thành và phát triển CNHT. Thu hút được được các DN FDI chủ lực từ nước ngoài sẽ không chỉ giúp cho DN CNHT Hải Phòng tham gia được vào chuỗi cung ứng quốc tế, mà còn tạo ra cơ hội cho các DN CNHT trong việc được chuyển nhượng lại hệ thống sản xuất tiên tiến, hiện đại, kỹ thuật cao, kéo theo đó là hình thành và phát triển được các dịch vụ logistics, đáp ứng cho nhu cầu của ngành CNHT nói riêng và yêu cầu của thị trường nói chung trong điều kiện của hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là với một thành phố cảng biển như Hải Phòng.

Đây có thể coi là một hướng đi tích cực và thiết thực nhằm phát triển ngành CNHT Hải Phòng trong những năm tới. Chính sách thúc đẩy CNHT không đơn thuần là “marketing quốc gia”, mà phải có định hướng hỗ trợ DN CNHT tham gia vào hệ thống cung cấp cho một số những nhà đầu tư mục tiêu. Đây còn là giải pháp nhằm tạo môi trường hấp dẫn để có thể thu hút được FDI nhiều hơn trong tương lai.

Thứ hai, thu hút DN CNHT nước ngoài và lôi kéo các DN CNHT trong nước đầu tư vào Hải Phòng

Thời gian đầu, việc thu hút các DN CNHT nước ngoài là cách làm thực tế, thực dụng và khả thi. Thực tế phát triển CNHT cho thấy, một nhà sản xuất lắp ráp có thể có nhiều đối tượng cung ứng các sản phẩm CNHT, thường được chia theo các lớp cung ứng, trong đó các DN cung ứng lớp 1, 2 thường là các DN lớn hoặc là các tập đoàn đa quốc gia; các DN lớp giữa thường là các DN nhỏ và vừa và các DN lớp cuối là các DN nội địa. Vì thế, trong thời gian tới, Thành phố cần thu hút các nhóm đối tượng FDI sau:

(i) Đối tượng thu hút đầu tư là các DN cung ứng lớp 1, lớp 2. Đây là các DN lớn, tập đoàn đa quốc gia có đặc điểm là sản xuất quy mô lớn, yêu cầu ưu đãi đặc biệt, có thể vào theo các nhà lắp ráp lớn hoặc xuất khẩu, thì địa bàn thu hút đầu tư sẽ là từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ.

(ii) Đối tượng thu hút đầu tư là DN cung ứng các lớp giữa. Đây là các DN có đặc điểm là sản xuất với quy mô nhỏ hơn, thời gian thuê ngắn, gần nhà lắp ráp, giao thông thuận tiện, cần thị trường đủ lớn và các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, thì địa bàn thu hút đầu tư sẽ là từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN, DN nội địa.

(iii) Đối tượng thu hút đầu tư là các DN cung ứng lớp cuối. Đây là các DN thường là từ các chương trình hỗ trợ đặc biệt: khởi sự DN, hỗ trợ sản xuất, kêu gọi đầu tư tư nhân.

Những giải pháp khác

Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh thu hút FDI ngày càng khốc liệt hiện nay, để thu hút thêm ngày càng nhiều những tập đoàn đa quốc gia, sử dụng công nghệ cao vào đầu tư, TP. Hải Phòng cần tập trung phát triển mặt bằng sạch, đầu tư mạnh cho phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của DN. Trước mắt là hoàn thiện các thủ tục trình phê duyệt thành lập các KCN (KCN): KCN An Hòa, KCN Giang Biên II, KCN, đô thị và dịch vụ Vinh Quang huyện Vĩnh Bảo; KCN An Hưng - Đại Bản huyện An Dương, KCN Tiên Thanh huyện Tiên Lãng, KCN Kiến Thụy huyện Kiến Thụy và một số KCN khác; tiếp tục thí điểm chuyển đổi 2 KCN đang hoạt động thành KCN sinh thái; triển khai mô hình các KCN liên kết theo chuỗi, tăng kết nối và sức lan tỏa của các DN trong KCN với các DN bên ngoài…

Đồng thời, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn, nhất là các dự án lớn, như: LGE, LGD, LG Innotek, Flat, Pegatron… giúp các DN thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, đưa dự án vào hoạt động đúng tiến độ cam kết và hoàn thành vượt mức kế hoạch, chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh về doanh thu, kim ngạch xuất nhập khẩu, tạo điều kiện tăng thu ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Chính phủ và Thành phố cần xây dựng được chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến khích chuyển giao công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ tìm kiếm, điều tiết thị trường, tạo điều kiện về vay vốn, thuê mặt bằng, nhà xưởng, ưu đãi về thuế đối với các công ty, tập đoàn nước ngoài, cũng như các DN nội địa hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Giảm hoặc bãi bỏ các loại thuế đánh vào linh kiện nhập khẩu để giảm giá thành sản phẩm lắp ráp, để các sản phẩm này xuất khẩu được. Mở rộng thị trường ra các nước khác để tăng quy mô sản xuất thành phẩm cuối cùng mới kích thích các công ty nhỏ và vừa nước ngoài đến đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT. Bên cạnh đó, Thành phố nên có những chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng để khuyến khích, nâng số lượng, cũng như chất lượng của các DN CNHT Thành phố trong mối liên kết với các DN FDI./.

Tài liệu tham khảo

1. HĐND TP. Hải Phòng (2017). Quyết định số 2569/QĐ-UBND, ngày 03/10/2017 phê duyệt đề cương Đề án Nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp và thương mại TP Hải Phòng giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030

2. HĐND TP. Hải Phòng (2017). Nghị quyết số 26/NQ-HĐND, ngày 08/12/2017 về Nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp và thương mại thành phố Hải Phòng giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030

3. UBND TP. Hải Phòng (2014). Thông báo số 73/TB-UBND, ngày 14/3/2014 kết luận về Đề án KCN chuyên sâu về cơ khí chế tạo, Công nghiệp điện tử, thu hút các DN Nhật Bản và phát triển CNHT tại Hải Phòng

4. UBND TP. Hải Phòng (2017). Quyết định số 12/QĐ-UBND, ngày 04/11/2017 phê duyệt Chiến lược thu hút vốn FDI của TP. Hải Phòng giai đoạn 2016-2020

5. UBND TP. Hải Phòng (2020). Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh TP. Hải Phòng 5 năm 2021-2025, ngày 18/12/2020

6. Sở Công Thương TP. Hải Phòng (2018). Báo cáo tình hình phát triển CNHT TP. Hải Phòng

7. Cục Thống kê TP. Hải Phòng (2016-2020). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP. Hải Phòng các năm, từ năm 2016 đến 2020

8. Đoàn Văn Tạo (2018). Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng logistics của thành phố Hải Phòng theo hướng hiện đại, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

9. Kenichi Ohno (2007). Building Supporting Industries in Vietnam, 1, Vietnam Development Forum

ThS. Trần Xuân Văn

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên

TS. Nguyễn Quốc Tuấn

Trường Đại học Hòa Bình

TS. Hoàng Minh Đức

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên

(Bài được đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, tháng 5/2021)