Thực trạng chính sách phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay
Đinh Thị Nguyên
Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông - Đại học Thái Nguyên
Email: dtnguyen@ictu.edu.vn
TÓM TẮT
Thái Nguyên đang vững bước trên con đường phát triển với khát vọng sớm trở thành trung tâm kinh tế, công nghiệp theo hướng hiện đại, văn minh của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là một thành phần quan trọng và đóng góp một phần lớn GDP trong nền kinh tế. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp này còn gặp nhiều khó khăn, vê môi trường, thủ tục đầu tư, các nguồn lực đầu vào sản xuất, thị trường tiêu thụ... Để giúp các DNNVV vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, cần tiếp tục rà soát, đổi mới cơ chế chính sách tạo môi trường thuận lợi để tăng khả năng tiếp cận vốn, khuyến khích đầu tư… Bài viết tìm hiểu các chính sách đã và đang thực hiện có tác động đến phát triển DNNVV tại tỉnh Thái Nguyên, từ đó đề xuất một số hàm ý thúc đẩy loại hình doanh nghiệp này trong thời gian sắp tới.
Từ khóa: chính sách, phát triển kinh tế, hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thái Nguyên
Summary
Thai Nguyen is steadily on the path of development with the aspiration to soon become a modern and civilized economic and industrial center of the Northern Midlands and Mountains. Small and medium-sized enterprises are crucial and contribute significantly to the economy's GDP. However, this group of enterprises still faces many difficulties related to the environment, investment procedures, production input resources, consumption markets, etc. To help small and medium-sized enterprises overcome difficulties and promote production and business, it is necessary to continue reviewing and innovating policy mechanisms to create a favorable environment to increase access to capital, encourage investment, etc. The article explores the policies that have been and are being implemented that impact the development of small and medium-sized enterprises in Thai Nguyen Province, thereby proposing some implications for promoting this type of enterprise shortly.
Keywords: policy, economic development, support, small and medium-sized enterprises, Thai Nguyen
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, DNNVV là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế. Theo đó, loại hình doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và xóa đói giảm nghèo. Nhưng trong những năm gần đây do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế khu vực và trên thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam và ảnh hưởng mạnh đến những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong chiến lược phát triển doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước cũng chỉ rõ “Chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa là hoạt động trọng yếu của chiến lược kinh tế quốc gia”. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội nhấn mạnh “Phát triển rộng khắp các cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa với ngành nghề đa dạng”.
Tuy nhiên, DNNVV Thái Nguyên luôn gặp phải thách thức hơn các doanh nghiệp quy mô lớn về việc trả lời bài toán làm thế nào để có thể đáp ứng nhu cầu nguồn vốn. Trong quá trình phát triển các DNNVV cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết và yếu kém như: Vốn cho sản xuất kinh doanh còn thiếu, tiềm lực kinh tế còn nhỏ bé, sức đầu tư hạn chế, quy mô đầu tư còn nhỏ lẻ hoạt động manh mún, khối lượng sản phẩm sản xuất và năng suất còn thấp dẫn đến khả năng cạnh tranh kém. Cùng với đó là những biến động về giá cả, lãi suất cho vay cùng những chính sách chi tiêu, chính sách tiền tệ thắt chặt của chính phủ, khủng hoảng tài chính tiền tệ trong những năm gần đây đã làm cho việc huy động vốn cho đầu tư phát triển của các DNNVNV ngày càng có nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các DNNVNV chịu nhiều thách thức trong việc mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh; dễ bị “tổn thương” do tác động của các yếu tố ngoại cảnh bất lợi. Chính vì vậy, việc nâng cao sức đề kháng cho DNNVV trước những rủi ro thương mại, sức ép của thị trường là đặc biệt quan trọng.
KHÁI QUÁT SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DNNVV TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, cộng đồng DNNVV Tỉnh đang đóng góp trên 16% vào tổng thu ngân sách của Ttỉnh; hằng năm tạo việc làm bình quân cho gần 22 nghìn lao động. Chỉ tính riêng 9 tháng của năm 2024, toàn Tỉnh đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 799 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 6,6 nghìn tỷ đồng... Ngoài ra, trong quá trình vận hành, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo ra một đội ngũ doanh nhân và công nhân với kiến thức và tay nghề ngày càng được nâng cao và hoàn thiện.
Thực trạng chính sách phát triển DNNVV trên địa bàn TP. Thái Nguyên
Xuất phát từ nội dung chính sách phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam và quan điểm chỉ đạo chung về chiến lược chính sách phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Thái Nguyên, các chính sách phát triển các DNNVV đã và đang có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa vận hành và phát triển. Để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, năm 2021, UBND tỉnh đã trình HĐND Tỉnh ban hành Nghị quyết số 09/NQ-HĐND, ngày 23/3/2021 về việc thông qua Đề án hỗ trợ DNNVV, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ sở để tỉnh triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ, phát triển DN, nhất là các DNNVV. Thực hiện Đề án “Hỗ trợ DNNVV, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”, các sở, ban, ngành đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số, gia nhập thị trường, phát triển nguồn nhân lực... Theo đó, một số kết quả đạt được thể hiện trên các mặt sau:
Chính sách cải thiện môi trường đầu tư
Hằng năm, các sở, ban, ngành của Tỉnh đã xây dựng kế hoạch rà soát TTHC để đánh giá, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị cắt giảm. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 năm (2021-2023), Chủ tịch UBND Tỉnh đã ban hành quyết định thông qua phương án kiến nghị đơn giản hóa 139 TTHC trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có nhiều TTHC liên quan đến đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp. Đơn cử như: Thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư rút ngắn chỉ còn 8 ngày (giảm 7 ngày so với quy định tại Luật Đầu tư); Thời gian điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn 6 ngày (giảm 4 ngày so với quy định)…
Cùng với cắt giảm thời gian giải quyết nhiều TTHC, Ban còn duy trì thực hiện tốt cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”; niêm yết công khai danh mục TTHC giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tra cứu, nắm thông tin khi đến giao dịch.
Ngoài cải thiện môi trường đầu tư thông qua cải cách TTHC, các DNNVV còn được hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực, như: thuế, tài chính; tiếp cận thị trường; khuyến công... Ở lĩnh vực thuế, ngành thuế, Tỉnh đã hỗ trợ chính sách, công nghệ thông tin và kê khai thuế cho các DNNVV, qua đó giúp doanh nghiệp thực hiện quyết toán thuế kịp thời, đúng quy định.
Các DNNVV mới thành lập được hỗ trợ tư vấn miễn phí thủ tục về thuế khi thay đổi, tạm ngừng, chấm dứt hoạt động kinh doanh; DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài theo quy định; được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về TTHC thuế khi mới thành lập và trong quá trình hoạt động nếu có yêu cầu...
Trong nội dung tiếp cận thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các DNNVV của tỉnh đã được quan tâm hỗ trợ xúc tiến thương mại (đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, kết nối cung - cầu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ triễn lãm, chương trình xúc tiến thương mại tại các tỉnh/thành phố trong cả nước); “tiếp sức” từ các nguồn vốn khuyến công để đầu tư các dây chuyền, thiết bị sản xuất hiện đại, mô hình trình diễn kỹ thuật...
Chính sách hỗ trợ các yếu tố đầu vào
Hỗ trợ về vốn: Tỉnh mở rộng các hoạt động bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để DNNVV tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ thuế, kế toán như: DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp; doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các TTHC thuế và chế độ kế toán đơn giản (Kim Oanh, 2023). Hàng loạt ngân hàng trên địa bàn đã có chính sách giảm lãi suất cho vay từ 0,5 đến 2%/năm cho khách hàng hiện hữu và vay mới trong khoảng thời gian từ tháng 9/2024 đến hết năm; xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với món vay bị ảnh hưởng, thiết lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro cho khách hàng bị ảnh hưởng theo đúng quy định (Song Hoàng, 2024).
Hỗ trợ về công nghệ, quản lý: Nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, tỉnh tăng cường hỗ trợ DNNVV tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về khoa học công nghệ. Trong đó, hỗ trợ các DNNVV đẩy mạnh chuyển đổi số là 1 trong những nội dung nổi bật của Đề án. 2 năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp tổ chức 4 hội thảo về giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tổ chức 47 lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng sử dụng, khai thác các nền tảng số thông qua các hội nghị trực tuyến và trực tiếp cho 1.728 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã. Sở cũng hỗ trợ cho 546 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trải nghiệm, sử dụng các nền tảng số như: nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất; các phần mềm kế toán DNNVV, hóa đơn điện tử, dịch vụ chữ ký số, quản lý nhà hàng, quản lý cửa hàng cửa hiệu, với hơn 4.100 lượt cài đặt/bản quyền phần mềm. Các khóa đào tạo, chương trình tập huấn đều thực hiện miễn phí cho các doanh nghiệp... (Thúy Hằng, 2024).
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, để giúp các doanh nghiệp bắt kịp xu thế thời đại, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng sử dụng, khai thác các nền tảng số với 1.181 lượt người tham dự; hỗ trợ 244 lượt doanh nghiệp tham gia trải nghiệm thực tế các nền tảng số quản trị doanh nghiệp, hóa đơn điện tử, dịch vụ chữ ký số, kế toán doanh nghiệp... Hiện, tỉnh đang thực hiện hỗ trợ trang thông tin điện tử cho 8 DNNVV, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Ngoài ra, thông qua các sàn thương mại điện tử, đã hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm rộng rãi trên thị trường. Trong 7 tháng đầu năm 2023, có 71 sản phẩm của DNNVV được đưa lên 2 sàn thương mại điện tử postmart, vỏ sò, với tổng số 1.530 giao dịch, giá trị trên 250 triệu đồng. Các hoạt động này đã góp phần giúp DNNVV mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.
Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực: Đối với dự án thuộc danh mục khuyến khích đầu tư của Tỉnh, nếu nhà đầu tư có nhu cầu đào tạo nghề và sử dụng lao động đã đào tạo là người lao động có hộ khẩu thường trú tại Tỉnh Thái Nguyên, thì được xem xét, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề. Cụ thể Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 2722/KH-SKHĐT về việc Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sử dụng nguồn ngân sách Trung ương năm 2023, nhằm triển khai các nội dung của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các Nghị định của Chính phủ nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, Tỉnh hỗ trợ đào tạo trực tiếp về khởi sự kinh doanh (9 khóa); Hỗ trợ đào tạo trực tiếp về quản trị doanh nghiệp cơ bản (5 khóa); Hỗ trợ đào tạo trực tiếp về quản trị doanh nghiệp chuyên sâu (1 khóa). Các khóa đào tạo được tổ chức trong quý III, IV/2023 tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Chính sách hỗ trợ đầu ra. Với chủ trương luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là trước những khó khăn, thách thức ở thời điểm hiện nay, để hỗ trợ DNNVV kết nối tiêu thụ sản phẩm, các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Hàng năm, Trung tâm Xúc tiến Thương mại đã tham mưu cho Sở Công Thương và UBND Tỉnh tổ chức đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại như: Hội chợ Xuân Thái Nguyên; Tuần hàng Việt - Thái Nguyên; Hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm”; Chương trình đưa hàng Việt về miền núi; Hội chợ triển lãm Công Thương - OCOP Thái Nguyên; Chương trình “Kích cầu tiêu dùng nội địa gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... ; phối hợp với các tỉnh/thành phố tổ chức và tham gia các chương trình, hội nghị kết nối cung cầu, giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tổ chức đoàn công tác kết nối giao thương sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên... Tính đến tháng 7/2023, đã thực hiện hỗ trợ, kết nối cho khoảng trên 300 lượt đơn vị, doanh nghiệp, HTX tham gia trực tiếp hoặc gửi hàng hóa tham gia tại 15 chương trình xúc tiến thương mại; kết nối cung cầu hàng hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các tỉnh/thành phố trong cả nước; thu hút hàng chục nghìn lượt khách, người tiêu dùng, đối tác tới tham quan, mua sắm, kết nối cung cầu.
Cùng với hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, tỉnh còn cung cấp thông tin, mời các doanh nghiệp tham gia sự kiện xúc tiến thương mại ở nước ngoài như: Hội chợ Triển lãm xúc tiến thương mại Việt Nam - EU "ECO-Green VIETNAM EXPO" tại Bulgaria và Hy Lạp; Hội chợ quốc tế Alger lần thứ 53; Đoàn giao dịch thương mại tại các nước (Thụy Điển, Na Uy, I-ta-li-a, Đức, Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh)... Từ các hoạt động này, nhiều sản phẩm của DNNVV trên địa bàn tỉnh đã được giới thiệu, quảng bá rộng rãi ở thị trường nước ngoài, thúc đẩy sản xuất, giao thương cho các doanh nghiệp.
Các hoạt động hỗ trợ khác. Thực hiện Luật đầu tư và các văn bản quy phạm khác của Nhà nước, để thực hiện việc phát triển các thành phần kinh tế trong tỉnh đặc biệt là khu vực kinh tế dân doanh. Thái Nguyên đã xây dựng và ban hành những chủ trương, giải pháp theo điều kiện cụ thể của Tỉnh nhằm: Cung cấp đầy đủ thông tin về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt và những thuận lợi, khó khăn ở các khu vực, nhà đầu tư quan tâm, có ý tưởng đầu tư sản xuất kinh doanh; Thủ tục về xét duyệt dự án, quy hoạch, mặt bằng, giao mặt bằng cho các nhà đầu tư trong thời ngắn nhất, thuận lợi nhất. Hỗ trợ giá thuê đất theo địa bàn trong Tỉnh; Hỗ trợ việc đào tạo, sử dụng lao động đối với ngành nghề, loại hình đào tạo…; Khuyến khích đối với việc sản xuất một số sản phẩm, xuất khẩu lần đầu, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, xuất khẩu sản phẩm mới, đạt tiêu chuẩn ISO, đăng ký bản quyền, nhãn mác hàng hóa. Hỗ trợ các dự án đầu tư sản xuất sử dụng công nghệ cao; Hỗ trợ cho các chương trình phát triển kinh tế của Tỉnh: Nuôi trồng thuỷ sản, cải tạo đàn bò, chăn nuôi bò sữa, xây dựng cơ sở chăn nuôi tập trung, chế biến thị gia súc gia cầm khuyến khích đầu tư trong phát triển kinh tế dân doanh; Tạo môi trường an ninh, trật tự xã hội ổn định để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh; Công bố các thông tin về chính sách ưu đãi đầu tư của Tỉnh đối với từng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động và trên từng địa bàn cụ thể, sản xuất ra sản phẩm mới.
Một số hạn chế
Cùng với sự nỗ lực ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các DNNVV, thì vẫn còn những hạn chế nhất định, nhú: Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn phục vụ kinh doanh chưa đồng bộ, khả năng truyền thông chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn chưa phủ khắp cộng đồng DNNVV trên địa bàn; Các chính sách của Tỉnh mới chỉ tập trung hỗ trợ cho các DNNVV chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dệt may và mới đây mới triển khai hỗ trợ cho DNNVV trong lĩnh vực công nghệ cao. Vì vậy, việc đầu tư, các chính sách chung cho DNNVV trong các lĩnh vực khác còn nhiều hạn chế, yếu kém; Các chính sách nhằm hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại còn chưa hiệu quả. Do vậy, các hoạt động xúc tiến thương mại mới dừng ở các hình thức căn bản như: giới thiệu sản phẩm, tham gia các hội chợ triển lãm. Các ngành hàng khác vẫn chưa được quan tâm trong công tác tìm kiếm đối tác xuất khẩu.
KIẾN NGHỊ
Đối với, các với các cơ quan nhà nước, các hiệp hội và bản thân các DNNVV. các sở, ngành và cơ quan chuyên môn của tỉnh Thái Nguyên thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nhằm đề xuất, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến để giảm thời gian, chi phí đi lại của doanh nghiệp. Có nhiều hơn cơ chế, chính sách tạo điều kiện để DNNVV tích cực tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp này tiếp cận, khai thác các cơ hội trong hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường, đẩy mạnh đầu tư và thương mại quốc tế; xóa bỏ các rào cản bất hợp lý đối với loại hình doanh nghiệp này khi tham gia thương mại, đầu tư quốc tế. Tạo điều kiện để DNNVV phát triển, nâng cao năng lực từng bước tham gia sâu, vững chắc vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần thay đổi, chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ó kế hoạch hành động cụ thể, theo dõi và cập nhật kịp thời tình hình kinh tế - xã hội, tình hình thị trường để có ứng phó nhanh nhạy, giải pháp xử lý phù hợp. Tích cực tìm kiếm thị trường mới, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm theo hướng đổi mới sáng tạo. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chú trọng đến việc tái cơ cấu và quản trị doanh nghiệp hiệu quả; thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực để vươn lên từ sức mạnh nội tại của doanh nghiệp./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục thống kê Tỉnh Thái Nguyên (2024), Niên giám Tthống kê tỉnh Thái Nguyên năm 2024, Nxb Thống kê.
2. Kim Oanh (2023), Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững, truy cập từ https://thainguyen.gov.vn/bai-viet-thai-nguyen/-/asset_publisher/L0n17VJXU23O/content/ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-phat-trien-ben-vung?inheritRedirect=true.
4. Song Hoàng (2024), Thái Nguyên đặt mục tiêu có 11.600 doanh nghiệp, truy cập từ https://vneconomy.vn/thai-nguyen-dat-muc-tieu-co-11-600-doanh-nghiep.htm.
5. Thúy Hằng (2024), Đồng hành với doanh nghiệp nhỏ và vừa, truy cập từ https://baothainguyen.vn/kinh-te/202407/dong-hanh-voidoanh-nghiep-nho-va-vua-6e729a3/.
Ngày nhận bài: 04/02/2025; Ngày phản biện: 12/02/2025; Ngày duyệt đăng: 22/02/2025 |
Bình luận