Thực trạng thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển: Trường hợp TP. Hải Phòng
TS. Đào Thị Thu Trang
TS. Nguyễn Thạch Đăng
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
Tóm tắt
Là một trong 28 địa phương ven biển của Việt Nam, nằm ở vị trí trọng yếu trong vùng Duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng có hơn 125 km chiều dài bờ biển, nằm trên diện tích thềm lục địa 100.000 km2, nơi có 7 con sông lớn đổ ra từ đất liền, tạo một vùng gắn liền với các khu rừng ngập mặn. Trong những năm qua, kinh tế biển đã góp phần không nhỏ đối với tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá thực trạng thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển tại TP. Hải Phòng, từ đó đề xuất một số giải pháp hữu hiệu để có thể phát triển hiệu quả hơn khu vực kinh tế này trong thời kỳ mới.
Keyword: vai trò nhà nước cấp tỉnh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biển, Hải Phòng
Summary
As one of 28 coastal localities of Vietnam, located in a crucial position in the Northern Coastal region, Hai Phong has more than 125 km of coastline, located on a continental shelf area of 100,000 km2, where seven large rivers flow from the mainland, creating an area associated with mangrove forests. In recent years, the marine economy has contributed significantly to the City's economic growth. The article focuses on analyzing and evaluating the current situation of attracting investment to develop the marine economy in Hai Phong City, thereby proposing some effective solutions to promote this economic sector more effectively in the new period.
Keyword: the role of the state at the provincial level, attracting investment, developing the marine economy, Hai Phong
ĐẶT VẤN ĐỀ
Hải Phòng là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất phía Bắc Việt Nam, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của vùng Duyên hải Bắc Bộ. Đây là thành phố lớn thứ 3 cả nước, lớn thứ 2 miền Bắc sau Hà Nội. Hải Phòng cũng là địa phương có vùng bờ, biển và đảo rộng lớn nằm trong chiến lược biển của cả nước (Thủ tướng Chính phủ, 2023). Trong 10 năm qua, kinh tế biển - ven biển đã đóng góp khoảng 30% cho tổng GDP của Thành phố. GDP của vùng biển Hải Phòng cũng chiếm khoảng hơn 30% GDP kinh tế biển - ven biển cả nước và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ chung vùng ven biển cả nước (Cục Thống kê TP. Hải Phòng, 2023). Cảng Hải Phòng được xếp vào nhóm các cảng quan trọng nhất trong 536 cảng biển của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác tài nguyên và lợi thế từ biển ở Hải Phòng mới chỉ dừng lại ở khai thác tiềm năng, chứ chưa đạt được hiệu quả ở việc phát triển kinh tế biển bền vững (Vuong và Nguyen, 2024). Hạn chế này không chỉ xuất phát từ chính sách phát triển kinh tế biển mà còn từ việc thu hút vốn đầu tư yếu. Lượng vốn đầu tư thu hút được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế biển của Thành phố. Điều này cho thấy, các điều kiện thu hút đầu tư cấp tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, như: môi trường đầu tư, các hoạt động xúc tiến đầu tư, các nguồn lực khác ngoài biển hay cơ sở hạ tầng chưa đủ sức cạnh tranh. Để hiểu được sâu sắc các hạn chế của các hoạt động thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển và tìm ra nguyên nhân tại TP. Hải Phòng, cần thiết phải có những đánh giá kỹ càng ở nhiều khía cạnh với các tiêu chí khác nhau. Từ đó, chính quyền Thành phố mới có cơ sở để tìm kiếm các giải pháp khắc phục phù hợp nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế biển đã đặt ra.
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRONG THU HÚT ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN Ở TP. HẢI PHÒNG
Tổng mức vốn đầu tư vào lĩnh vực kinh tế biển ở TP. Hải Phòng
Trong suốt giai đoạn 2018-2022, số dự án đầu tư vào TP. Hải Phòng có sự tăng lên rõ rệt, bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Năm 2018 có 14.088 dự án, thì đến năm 2022 đã lên tới 17.500 dự án. Trong đó, tỷ lệ lớn nhất là các dự án đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân (chiếm khoảng 96% tổng số dự án đầu tư). Số lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng chỉ chiếm hơn 3% tổng số (Bảng 1). Điều này cho thấy, chính quyền TP. Hải Phòng đã làm tốt vai trò thu hút vốn đầu tư, nhưng các hoạt động vẫn chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Bảng 1: Số lượng các dự án đầu tư vào TP. Hải Phòng chia theo khu vực kinh tế giai đoạn 2018-2022
Khu vực kinh tế | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | ||||||
Dự án | % | Dự án | % | Dự án | % | Dự án | % | Dự án | % | ||
Khu vực nhà nước | 105 | 0,75 | 86 | 0,55 | 85 | 0,53 | 84 | 0,53 | 81 | 0,46 | |
Khu vực ngoài nhà nước | 13.533 | 96,06 | 15.011 | 96,59 | 15.417 | 96,28 | 15.085 | 95,88 | 16.812 | 96,07 | |
Khu vực FDI | 450 | 3,19 | 444 | 2,86 | 510 | 3,19 | 564 | 3,58 | 607 | 3,47 | |
Tổng dự án đầu tư | 14.088 | 100 | 15.541 | 100 | 16.012 | 100 | 15.733 | 100 | 17.500 | 100 |
Nguồn: Cục Thống kê TP. Hải Phòng (2019-2023)
Tương ứng với sự tăng lên của các dự án đầu tư, giá trị vốn đầu tư được thu hút vào TP. Hải Phòng cũng có xu hướng tăng suốt thời gian qua. Năm 2018, tổng vốn đầu tư thu hút vào Thành phố mới đạt 109.218,55 tỷ đồng, thì năm 2022 đã tăng lên là 171.374,10 tỷ đồng. Chỉ duy nhất năm 2020, khi bắt đầu xảy ra dịch Covid-19, lượng vốn đầu tư vào Hải Phòng có sụt giảm 12% so với 2019. Tuy nhiên, vốn thu hút vào các ngành kinh tế biển lại không lớn. Chỉ có ngành vận tải, kho bãi tỷ lệ vốn chiếm trung bình khoảng 16% tổng số vốn đầu tư thu hút vào Hải Phòng và có sự liên tục tăng lên về số lượng, còn lại ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản hay dịch vụ du lịch lữ hành và các dịch vụ ăn uống, lưu trú đều rất thấp kém (Bảng 2).
Bảng 2: Tình hình thu hút vốn đầu tư của TP. Hải Phòng vào các ngành kinh tế biển giai đoạn 2018-2022
Nguồn: Cục Thống kê TP. Hải Phòng (2019-2023)
Năm 2018, lượng vốn đầu tư vào ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản là 406,56 tỷ đồng chiếm 0,37% tổng số vốn toàn Thành phố, tăng lên trong 2 năm 2019 và 2020, nhưng sau đó giảm mạnh vào năm 2021. Đến hết năm 2022, lượng vốn chỉ có 367,01 tỷ đồng (chiếm 0,21% tổng số vốn). Ngành dịch vụ du lịch cũng có sự biến động khá nhiều không theo xu hướng. Năm 2018, lượng vốn đầu tư vào ngành này là 783,57 tỷ đồng (chiếm 0,72% tổng số vốn). Năm 2020 đã tăng gấp 4 lần lên 3.388,28 tỷ đồng nhưng sau đó giảm chỉ còn 1.134,45 tỷ đồng vào năm 2021 và khôi phục một chút vào năm 2022 (chiếm 0,84% tổng số vốn) (Bảng 2). Như vậy, trên thực tế, mặc dù lượng vốn thu hút vào TP. Hải Phòng có sự tăng lên trong 5 năm gần đây nhưng chủ yếu vào các ngành công nghiệp, các ngành kinh tế biển, thì mới chỉ có ngành vận tải hàng hải, kho bãi là được quan tâm. Số lượng vốn đầu tư thu hút vào ngành kinh tế biển cũng chưa tương xứng với tiềm năng mà Thành phố đang có.
Bảng 3: Thu hút FDI của TP. Hải Phòng vào các ngành kinh tế biển năm 2022
Đơn vị: Triệu USD
Ngành | Tính đến hết 31/12/2022 | Năm 2022 | |||
Số dự án | Số vốn | Số dự án | Số vốn |
| |
Nông nghiệp, thủy sản | 0 | 0 | 0 | 0 |
|
Vận tải, kho bãi | 37 | 197,1 | 4 | 24,3 |
|
Dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống | 10 | 59,2 | 0 | 0 |
|
Tổng số | 844 | 24.780,00 | 88 | 988,3 |
|
Nguồn: Cục Thống kê TP. Hải Phòng (2019-2023)
Chỉ xem xét riêng lĩnh vực FDI, tính đến hết ngày 31/12/2022, toàn Thành phố đã thu hút được 844 dự án với tổng số vốn đầu tư là 24.780 triệu USD. Tuy nhiên, không có dự án nào về nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản; có 37 dự án vào lĩnh vực vận tải, kho bãi (chiếm 4,4% tổng số dự án FDI) và có 10 dự án vào ngành dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống (chiếm 1,1% tổng số dự án FDI). Riêng năm 2022, cả Thành phố thu hút được 88 dự án FDI, thì chỉ có 4 dự án của ngành vận tải, kho bãi. Lượng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực kinh tế biển cũng rất ít ỏi, chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng lượng vốn vào TP. Hải Phòng (Bảng 3).
Có thể thấy, TP. Hải Phòng đã chưa có những giải pháp để tăng cường thu hút vốn đầu tư vào phát triển kinh tế biển mà mới chỉ quan tâm tới việc thu hút đầu tư nói chung và các ngành sản xuất công nghiệp nói riêng.
Về phát triển doanh nghiệp (DN) đầu tư trong lĩnh vực kinh tế biển
Số lượng các DN đầu tư vào lĩnh vực kinh tế biển có sự tăng lên trong giai đoạn 2018-2022. Xét riêng số lượng DN năm 2022 hoạt động trong lĩnh vực kinh tế biển, trong tổng số 17.500 DN chỉ có 54 DN nuôi trồng, đánh bắt, chế biến hải sản, 3.541 DN trong lĩnh vực vận chuyển, kho bãi và 546 DN trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch (Hình). Số DN hoạt động trong lĩnh vực kinh tế biển khá nhỏ bé trong toàn bộ nền kinh tế của TP. Hải Phòng.
Hình: Số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực kinh tế biển ở TP. Hải Phòng giai đoạn 2018-2022
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016-2023)
Mặc dù số lượng DN đầu tư vào ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản là ít nhất, nhưng giai đoạn 2018-2019 vẫn có sự tăng trưởng khá mạnh mẽ. Năm 2019, số lượng DN ngành này còn tăng tới 40,9% so với năm trước. Nhưng năm 2020-2021 lại có sự sụt giảm tới 24,5% và chỉ khôi phục tăng lên vào năm 2022. Tốc độ tăng trưởng số DN trong lĩnh vực cảng biển - logistics trong giai đoạn 2018-2021 và cũng chỉ tăng trở lại đến 9,4% vào năm 2022 (Bảng 4).
Bảng 4: Tốc độ tăng trưởng DN trong lĩnh vực kinh tế biển ở Hải Phòng giai đoạn 2017-2022
Đơn vị: %
Ngành | 2017-2018 | 2018-2019 | 2019- 2020 | 2020-2021 | 2021- 2022 |
Tổng số | -0,1 | 4,2 | 4,4 | 0,5 | 8,7 |
Khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản | 0,0 | 40,9 | -14,5 | -24,5 | 35,0 |
Cảng biển, logistics | -0,1 | 3,4 | 4,7 | 0,0 | 9,4 |
Du lịch và dịch vụ biển | 0,0 | 5,5 | 5,0 | 6,2 | 2,4 |
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016-2023)
Với những phân tích ở trên, có thể thấy, mức độ thu hút các DN đầu tư vào các ngành kinh tế biển ở TP. Hải Phòng còn khá yếu cả về quy mô vốn lẫn số lượng DN. Chỉ có ngành cảng biển - logistics là hấp dẫn nhất, hai ngành còn lại là khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và du lịch - dịch vụ biển, thì còn rất hạn chế chưa xứng với tiềm năng. Điều này cũng chỉ ra vấn đề hạn chế trong thu hút đầu tư phát triển những ngành kinh tế biển chưa cân đối.
Về hiệu quả hoạt động của DN trong thu hút đầu tư trong lĩnh vực kinh tế biển
Hiệu quả hoạt động của DN ở TP. Hải Phòng có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2018-2022. Hiệu suất sử dụng lao động năm 2018 là 17,9 lần và giảm dần. Tới năm 2022 chỉ còn 17,2 lần. Có nghĩa là với 1 đồng chi cho người lao động, DN chỉ thu về 17,2 đồng doanh thu. Chỉ số vòng quay của vốn cũng giảm và trong 3 năm từ 2020 tới 2022 chỉ còn là 1 lần. Chỉ số nợ DN giảm từ 2,4 lần vào năm 2018 xuống còn 1,8 lần vào năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu giảm từ 1,5% năm 2018 xuống còn 0,4% vào năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn giảm từ 6% năm 2018 còn 3,11% vào năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tài sản giảm từ 1,8% năm 2018 xuống còn 1,08% năm 2022. Cho dù các chỉ số năm 2022 có dấu hiệu tăng nhẹ so với 2021 nhưng đều cho thấy hiệu quả hoạt động của DN giảm sút rất nhiều dưới tác động của đại dịch Covid-19 và suy thóai kinh tế (Bảng 5).
Bảng 5: Hiệu quả hoạt động của DN đầu tư ở TP. Hải Phòng
Chỉ tiêu đánh giá | Đơn vị | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 |
Hiệu suất sử dụng lao động | Lần | 17,9 | 17 | 17,7 | 18,8 | 17,2 |
Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu thuần | % | 1,5 | 1,4 | 1,8 | 0,8 | 0,4 |
Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn | % | 6 | 4,3 | 6 | 2,2 | 3,11 |
Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tài sản | % | 1,8 | 1,6 | 1,9 | 0,9 | 1,08 |
Chỉ số vòng quay vốn của DN | Lần | 1,22 | 1,1 | 1 | 1,1 | 1 |
Chỉ số nợ của DN | Lần | 2,4 | 1,7 | 2,3 | 1,6 | 1,8 |
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016-2023)
NSLĐ của DN
Số liệu (Bảng 6) cho thấy, năng suất lao động (NSLĐ) chung của nền kinh tế TP. Hải Phòng chỉ giảm vào năm 2019 và sau đó tăng lên liên tục từ 2020-2022. Năm 2018, NSLĐ của Thành phố là 202,2 nghìn đồng/lao động, thì năm 2022 đã lên tới 360 nghìn đồng/lao động. Tuy nhiên, sự tăng lên của NSLĐ không hoàn toàn xảy ra ở các ngành kinh tế biển. NSLĐ chỉ tăng ở ngành nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản. Năm 2018, NSLĐ của ngành mới là 33 nghìn đồng/lao động thì đến năm 2022 tăng lên là 247,1 nghìn đồng/lao động (tăng 7,5 lần), nhưng vẫn thấp hơn NSLĐ chung toàn Thành phố. Trong khi đó, NSLĐ trong ngành vận tải, kho bãi giảm từ 1.147,6 nghìn đồng/lao động năm 2018 xuống còn 488,7 nghìn đồng năm 2019 và tăng nhẹ trong suốt giai đoạn 2020-2022. Đến năm 2022, năng suất ngành này đạt 781,5 nghìn đồng/lao động. Đây cũng là ngành có NSLĐ cao nhất, gấp đôi NSLĐ chung của cả nền kinh tế TP. Hải Phòng. NSLĐ ngành du lịch, lưu trú, ăn uống giảm trong giai đoạn 2019-2021 chỉ còn một nửa so với 2018 do tác động của đại dịch Covid và mới chỉ bắt đầu tăng trở lại vào năm 2022 đạt 154,6 nghìn đồng/lao động, vẫn còn thấp bằng ½ so với NSLĐ chung của Thành phố. Thời gian qua, TP. Hải Phòng tập trung thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao vào ngành mang lại nhiều giá trị là cảng biển - logistics trong khi ngành hải sản vẫn chủ yếu tập trung lao động tay nghề thấp, cách thức sản xuất thủ công. Có thể thấy, ngành du lịch và dịch vụ biển vẫn chưa tạo ra giá trị xứng với tiềm năng bởi việc thu hút đầu tư còn hạn chế.
Bảng 6: NSLĐ của các ngành kinh tế biển ở TP. Hải Phòng giai đoạn 2018-2022
Đơn vị: Nghìn đồng/lao động
Ngành | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 |
Nông nghiệp, thủy sản | 33 | 66 | 87,8 | 140,9 | 247,1 |
Vận tải, kho bãi | 1147,6 | 488,7 | 535,1 | 608,1 | 781,5 |
Dịch vụ lưu trú, ăn uống | 279,8 | 122,3 | 115,5 | 103,5 | 154,6 |
Tổng | 202,2 | 151,8 | 260,7 | 312,3 | 360 |
Nguồn: Cục Thống kê TP. Hải Phòng (2019-2023)
Mức độ đóng góp của kinh tế biển trong nền kinh tế của TP. Hải Phòng
Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện so với tổng sản phẩm trên địa bàn của TP. Hải Phòng có xu hướng giảm từ năm 2019 tới 2022. Năm 2019, tỷ lệ này đã tăng lên 60,63% (cao hơn năm 2018 là 51,87%). Nhưng, đến năm 2020 chỉ còn 48,24% và năm 2022 là 46,88%. Tuy nhiên, khi xét riêng các ngành kinh tế biển, tỷ lệ này chỉ giảm ở ngành nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản. Tỷ lệ vốn đầu tư/GRDP ngành vận tải, kho bãi lại tăng từ 42,24% năm 2018 lên tới 49,83% năm 2022. Tương tự, ngành dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống cũng có tỷ lệ này tăng từ 11,62% năm 2018 lên 20,85% năm 2022 (Bảng 7).
Bảng 7: Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện so với tổng sản phẩm trên địa bàn của các ngành kinh tế biển ở TP. Hải Phòng giai đoạn 2018-2022
Đơn vị: %
Ngành | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 |
Nông nghiệp, thủy sản | 3,73 | 3,94 | 4,11 | 2,85 | 2,78 |
Vận tải, kho bãi | 42,24 | 58,49 | 50,24 | 49,56 | 49,83 |
Dịch vụ lưu trú, ăn uống | 11,62 | 8,56 | 49,85 | 19,47 | 20,85 |
Tổng | 51,87 | 60,63 | 48,24 | 49,45 | 46,88 |
Nguồn: Cục Thống kê TP. Hải Phòng (2019-2023)
Mức độ đóng góp của các ngành kinh tế biển khá thấp trong tổng sản phẩm trên địa bàn của TP. Hải Phòng. Năm 2018, ngành nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản đóng góp 5,17% trong tổng GRDP, thì đến năm 2022 chỉ còn 3,61%. Tương tự, ngành du lịch, lưu trú, ăn uống đóng góp 3,2% năm 2018 và giảm chỉ còn 1,88% năm 2022. Ngành vận tải, kho bãi cũng giảm mức độ đóng góp từ 16,73% năm 2018 xuống còn 15,37% vào năm 2022 (Bảng 8).
Bảng 8: Mức độ đóng góp của các ngành kinh tế biển vào GRDP TP. Hải Phòng giai đoạn 2018-2022
Nguồn: Cục Thống kê TP. Hải Phòng (2019-2023)
Có thể thấy, tổng mức đóng góp của lĩnh vực kinh tế biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn của TP. Hải Phòng chỉ khoảng 20%. Điều này cho thấy, chính quyền TP. Hải Phòng chưa phát huy hiệu quả vai trò nhà nước trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển.
Xem xét khả năng sản xuất theo từng ngành kinh tế biển, sản lượng ngành thủy sản ở TP. Hải Phòng có sự tăng lên trong suốt giai đoạn 2018-2022 cho thấy:
- Sản lượng thủy sản. Năm 2018, sản lượng ngành thủy sản đạt 158,48 tấn nhưng đến năm 2022 đã tăng lên 192,42 tấn. Trong đó, khai thác hay nuôi trồng đều có xu hướng tăng sản lượng. Cá là loại thủy sản được khai thác, nuôi trồng nhiều nhất ở Hải Phòng và cũng có xu hướng tăng sản lượng (tăng từ 98,78 tấn năm 2018 lên 123,97 tấn năm 2022 (Bảng 9).
Bảng 9: Sản lượng thủy sản ở TP. Hải Phòng giai đoạn 2018-2022
Đơn vị: Tấn
Nội dung | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 |
TỔNG SỐ | 158,48 | 173,79 | 182,71 | 188,51 | 192,42 |
Phân theo khai thác, nuôi trồng |
|
|
|
|
|
Khai thác | 94,79 | 101,42 | 109,34 | 113,09 | 115,65 |
Nuôi trồng | 63,69 | 72,37 | 73,37 | 75,42 | 76,77 |
Phân theo loại thủy sản |
|
|
|
|
|
Cá | 98,78 | 101,05 | 117,77 | 121,23 | 123,97 |
Tôm | 14,16 | 16,25 | 15,75 | 15,91 | 16,06 |
Thủy sản khác | 45,54 | 56,49 | 49,19 | 51,37 | 52,39 |
Nguồn: Cục Thống kê TP. Hải Phòng (2019-2023)
- Sản lượng ngành đóng tàu không lớn. Năm 2018, tổng số tàu được sản xuất là 77 chiếc, giảm còn 68 chiếc năm 2019, tăng lên 124 chiếc năm 2020, nhưng lại giảm dần chỉ còn 108 chiếc vào năm 2022. Trong đó, khu vực nhà nước sản xuất khá ổn định khoảng 40 tàu mỗi năm. Khu vực ngoài nhà nước cũng không có biến động quá lớn, trung bình khoảng hơn 20 tàu/năm. Còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, sản phẩm chỉ xuất hiện từ năm 2021, nhưng lại đóng góp ở mức khá cao là 67 tàu năm 2021 và 60 tàu năm 2022 (Bảng 10).
Bảng 10: Sản phẩm đóng tàu ở TP. Hải Phòng giai đoạn 2018-2022
Đơn vị: Tàu
Khu vực kinh tế | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 |
Tổng | 77 | 68 | 124 | 120 | 108 |
Nhà nước | “ | 45 | 40 | 39 | 40 |
Ngoài nhà nước | “ | 23 | 28 | 18 | 20 |
FDI | “ | - | - | 67 | 60 |
Nguồn: Cục Thống kê TP. Hải Phòng (2019-2023)
Những hạn chế về vao trò của Nhà nước trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển ở TP. Hải Phòng
Công tác xây dựng các đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển
Công tác lập, phê duyệt các quy hoạch có liên quan đến phát triển kinh tế biển nhìn chung đã đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, vẫn tồn tại những hạn chế cần khắc phục để thúc đẩy hơn nữa quá trình phát triển kinh tế biển: quy hoạch cảng biển và quy hoạch giao thông chưa theo kịp xu thế phát triển hệ thống cảng biển thế giới, luôn "chạy" sau so với sự phát triển của hệ thống cảng biển là những bất cập cần được tháo gỡ.
Công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tiến hành chậm; khả năng cạnh tranh của các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản còn hạn chế; sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn ít, chậm được cải tiến phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Việc rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải gắn với Quy hoạch chung xây dựng TP. Hải Phòng đến năm 2030 để đảm bảo tính thống nhất chưa được thực hiện.
Chưa có một chiến lược phát triển khoa học về du lịch của các cấp ngành quản lý. Thiếu sự tham gia phát triển du lịch của cộng đồng do thiếu cơ chế khuyến khích, của các cơ quan chức năng. Đặc biệt, cần xây dựng những tiêu chí trong đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển cụ thể và thiết thực hơn nữa.
Xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế biển
Hệ thống kết cấu hạ tầng tuy đã có nhiều cải thiện, đặc biệt là cảng biển, nhưng vẫn còn những hạn chế cần tháo gỡ để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế biển: hạ tầng cảng biển bị chia cắt bởi nhiều DN và chưa đáp ứng được mức độ tăng trưởng của hàng hóa và lượt tàu. Hệ thống đường bộ, đường sắt kết nối cảng lạc hậu, xuống cấp và thường xuyên tắc nghẽn. Luồng, lạch cảng Hải Phòng bị bồi lắng không đạt tiêu chuẩn thiết kế, khiến tàu ra vào khó khăn nhiều khi phải chuyển tải. Hạ tầng giao thông khu vực cảng và giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố chậm được được cải tạo, nâng cấp.
Cơ sở hạ tầng của ngành thủy sản, như: chế biến, sản xuất giống, còn lạc hậu và chưa đồng bộ. Phần lớn các dự án đầu tư trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đều thực hiện dở dang hoặc tạm dừng, không đạt mục tiêu đề ra. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, nhìn chung tiến độ triển khai chậm.
Hạ tầng du lịch thiếu đồng bộ, cơ sở lưu trú có thứ hạng phát triển chậm, chủ yếu thứ hạng thấp (chưa có khách sạn 5 sao). Các dịch vụ bổ trợ còn nghèo nàn, thiếu khu vui chơi giải trí tổng hợp, cao cấp, hiện đại. Sự phát triển du lịch thì thiếu quản lý chung, chưa có sự liên kết tạo thành mạch phát triển giữa cơ sở ăn uống, vui chơi giải trí, các điểm du lịch, đã làm du lịch biển Hải Phòng phát triển kém bền vững.
Sử dụng nguồn lực cho phát triển kinh tế biển
Khả năng khai thác cầu cảng không cao, năng suất bình quân của 1m cầu cảng chỉ đạt khoảng 4.000 tấn/năm. Trong khi đó, khả năng thông qua thực tế 1m chiều dài bình quân là 4.500 tấn/m/năm, tương ứng với khoảng 48 triệu tấn/năm. Nếu so với cảng tại khu vực TP. Hồ Chí Minh với khoảng 5.500 tấn đến 6.000 tấn/m/năm, thì lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng vẫn thấp (Thủ tướng Chính phủ, 2023).
Nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến thủy sản không ổn định về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng. Tổ chức sản xuất nhỏ và phân tán. Chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chủ yếu là lao động phổ thông, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch trong sản xuất thủy sản còn hạn chế, chủ yếu bảo quản bằng nước đá. Vì vậy, tỷ lệ hao hụt sản phẩm còn chiếm tỷ trọng cao, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững của ngành.
Nguồn nhân lực cho du lịch của vùng biển Hải Phòng thực tế rất thiếu: kinh nghiệm, ngoại ngữ, trình độ cao trong quản lý kinh doanh du lịch. Sự yếu kém trong việc quảng bá và bảo đảm uy tín tại cơ sở du lịch làm cho lượng khách quay lại với cơ sở du lịch rất thấp. Điều này đã và đang là những vấn đề không nhỏ trong tiến trình phát triển du lịch bền vững của vùng biển Hải Phòng.
Kiểm tra, giám sát các hoạt động phát triển kinh tế biển
Việc tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết còn chậm, thiếu đồng bộ, chủ yếu tập trung triển khai ở UBND Thành phố. Đa số các cấp ủy, chính quyền không có chương trình, kế hoạch hành động riêng để thực hiện nghị quyết. Ban chỉ đạo Thành phố về phát triển kinh tế biển chưa được thành lập. Quá trình triển khai thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, báo cáo định kỳ kết quả thực hiện nghị quyết ở tất cả các cấp, ngành.
Công tác quản lý nhà nước về thủy sản còn tồn tại nhiều hạn chế, nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và nước ngọt bị khai thác vượt giới hạn, năng suất khai thác trên một đơn vị mã lực giảm; việc truy xuất nguồn gốc theo mô hình quản lý chuỗi sản phẩm thủy sản và quy định chống đánh bắt bất hợp pháp được triển khai chậm; vẫn còn hiện tượng khai thác thủy sản không thân thiện với môi trường.
Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực biển, đảo còn chồng chéo, thiếu thống nhất, chưa thường xuyên, chặt chẽ. Quản lý nhà nước về cảng còn hạn chế trong việc chia sẻ thông tin. Cổng khai báo điện tử dùng chung cho các cơ quan quản lý chuyên ngành tại cảng chưa được xây dựng. Công tác quản lý môi trường tồn tại nhiều bất cập. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, khách sạn... có nước thải không được xử lý đều đổ thẳng ra sông, biển.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG THU HÚT ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN Ở TP. HẢI PHÒNG
Một là, hoàn thiện, xây dựng và bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế biển và thu hút đầu tư
Việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế biển ở TP. Hải Phòng phải phù hợp với quy hoạch chung của các tỉnh ven biển Đồng bằng Bắc Bộ, Quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Chiến lược biển Việt Nam, quy hoạch không gian biển; phù hợp với Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phải được xây dựng dựa trên các lợi thế về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên biển, kinh nghiệm, truyền thống.
Rà soát lại các quy hoạch hiện hành, tìm ra những mâu thuẫn giữa quy hoạch hiện hành với chiến lược phát triển kinh tế biển của Thành phố và của quốc gia. Từ đó, tiến hành sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch phát triển các ngành kinh tế biển về mọi mặt.
Quy hoạch sau khi được thông qua phải được triển khai hiệu quả trong thực tế. Phải xây dựng và thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện quy hoạch ở từng cấp, ngành và từng địa phương. Đồng thời, Thành phố phải tạo nguồn lực đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quy hoạch. Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, cần tiếp tục bổ sung, điều chỉnh để quy hoạch càng phù hợp hơn với thực tiễn phát triển.
Hai là, sớm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế biển phù hợp với quy hoạch hiện hành
Chính quyền TP. Hải Phòng cần nhanh chóng thúc đẩy thực hiện các dự án hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại bao gồm cả hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng điện, nước và hệ thống xử lý chất thải theo tiêu chuẩn môi trường. Những hệ thống cơ sở hạ tầng đã có và lạc hậu cần phải được rà soát để thay thế, sửa chữa, nâng cấp bên cạnh việc bổ sung mới những cơ sở hạ tầng theo quy hoạch phát triển kinh tế biển Thành phố.
Tập trung quan tâm hệ thống cơ sở hạ tầng riêng cho các ngành kinh tế biển. Trong đó, hệ thống cảng biển hiện đại, đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế cần được bổ sung, nâng cấp, mở rộng nhằm phát triển ngành logistics phục vụ cho cả nhu cầu trong và ngoài nước. Khuyến khích mở thêm các tuyến vận tải biển và các dịch vụ hậu cần đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nhiều nhóm doanh nghiệp.
Đẩy mạnh việc thực hiện các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế thủy sản, như: hệ thống ao, đầm, thủy lợi, giao thông, thông tin liên lạc; cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn và các phương tiện phục vụ khai thác, chế biến thủy sản, cơ sở đào tạo chuyên ngành thủy sản.
Ba là, nâng cao năng lực, trình độ của người lao động
Hải Phòng cần tiếp tục đầu tư và nâng cấp các cơ sở đào tạo nghề liên quan đến kinh tế biển trên địa bàn thành phố. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các doanh nghiệp kinh tế biển cũng hướng tới đổi mới phương thức sản xuất ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý để nâng cao năng lực cạnh tranh và NSLĐ.
Mở rộng công tác, tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp có mặt trên địa bàn Thành phố nhận thức đúng đắn về phát triển kinh tế biển. Đồng thời, có chính sách thu hút và giữ chân lực lượng lao động có chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật nhằm đáp ứng hơn nữa nhu cầu về nguồn lao động chất lượng cao.
Bốn là, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư
UBND TP. Hải Phòng phải quán triệt và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của xúc tiến đầu tư trong thu hút đầu tư vào khu vực kinh tế biển. Các hoạt động xúc tiến đầu tư phải được thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ. Trọng tâm của hoạt động xúc tiến đầu tư là cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác để các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể hiểu sâu sắc hơn về mục tiêu, định hướng thu hút đầu tư, làm nổi bật sự hấp dẫn của môi trường đầu tư cũng như cho thấy những quan tâm, hỗ trợ mà chính quyền thành phố dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh tế biển.
Tổ chức bộ phận chuyên trách đủ về số lượng, tốt về chất lượng để thực hiện kế hoạch xúc tiến đầu tư, đảm bảo yêu cầu xúc tiến hiệu quả. Với sự thay đổi liên tục về nhu cầu xúc tiến đầu tư thực tiễn, UBND Thành phố cũng cần thường xuyên rà soát bộ phận chuyên trách, thực hiện các cách thức nâng cao chất lượng đội ngũ như đào tạo, bồi dưỡng, phát triển cán bộ.
Tập trung đầu tư nguồn lực để phát triển là hệ thống cung cấp thông tin tới nhà nhà đầu tư, đó là trang thông tin đầu tư nước ngoài và tài liệu xúc tiến đầu tư, cần tăng cường cập nhật thông tin này dưới một số ngôn ngữ, đáp ứng nhu cầu của số đông nhà đầu tư (Tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Nga)... Hoàn thiện và cập nhật thông tin liên tục trên các website thông tin kêu gọi đầu tư chính thức của TP. Hải Phòng, cổng thông tin doanh nghiệp và đầu tư Hải Phòng.
Năm là, hoàn thiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện vai trò nhà nước trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển
UBND TP. Hải Phòng cần quan tâm cải thiện hiệu quả công tác thẩm định dự án đầu tư. Ngoài việc phải thực hiện tốt công tác thẩm định dự án thì việc kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện dự án cũng rất cần thiết. Hạn chế những dự án khai thác tài nguyên hay có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao hoặc đe doạ tới an ninh quốc phòng vùng biển đảo. Kiên quyết không chấp nhận những dự án có ảnh hưởng xấu tới sự phát triển kinh tế - xã hội – môi trường của thành phố. Bên cạnh đó, các hoạt động kiểm tra, kiểm soát cần phải được thực hiện chéo để đảm bảo tính khách quan.
Triển khai các hoạt động kiểm soát doanh nghiệp triển khai đầu tư sau cấp phép. Theo đó, cơ quan chức năng phải lưu giữ đầy đủ thông tin về các nhà đầu tư, các dự án đầu tư được thu hút vào Thành phố và chịu trách nhiệm theo dõi thường xuyên việc thực hiện các cam kết trên thực tế. Kiểm soát chặt chẽ lượng vốn đầu tư được đưa vào triển khai dự án. Thường xuyên theo dõi, giám sát để ngăn ngừa các nguy cơ xảy ra tranh chấp tại khu vực kinh tế biển (tranh chấp giữa các cổ đông, thành viên, tranh chấp giữa nhà đầu tư với cơ quan quản lý nhà nước của Thành phố...). Xử lý tốt các tranh chấp đã xảy ra, ưu tiên biện pháp hòa giải, thương lượng. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Dự án (liên quan đến thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh, xử lý các vấn đề xung đột lợi ích giữa người lao động với chủ đầu tư.... Kiểm soát chặt chẽ tác động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh tới môi trường…/.
Lời cảm ơn: Bài viết trong khuôn khổ đề tài KT.2023.47, được tài trợ bởi Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016-2023), Sách trắng DN Việt Nam, Nxb Thống kê.
2. Cục Thống kê TP. Hải Phòng (2023), Niên giám Thống kê TP. Hải Phòng 2022. Nxb Thống kê.
3. Nguyễn Thị Phượng (2017), Kiểm soát ô nhiễm môi trường vùng cửa sông, ven biển Hải Phòng, Tạp chí Môi trường, số 4/2017.
4. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 1516/QĐ-TTg, ngày 02/12/2023 phê duyệt Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
5. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories. AISDL.
Ngày nhận bài: 15/8/2024; Ngày phản biện: 04/9/2024; Ngày duyệt đăng: 27/9/2024 |
Bình luận