ThS. Vũ Văn Thành

Vũ Thị Tố Chinh

Khoa Kế toán – Tài chính, Trường Đại học Hải Phòng

Tóm tắt

Ngành thép giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng và sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, ngành thép đã đối mặt với nhiều thách thức. Bài viết này phân tích thực trạng, những khó khăn và các yếu tố kinh tế ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh và giá cổ phiếu ngành thép Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển bền vững trong bối cảnh chuyển đổi xanh.

Từ khóa: ngành thép, công nghệ luyện kim, phát triển bền vững, CBAM, chuyển đổi xanh, nguyên liệu, sản phẩm thép

Summary

The steel industry plays a vital role in the global and Vietnamese economies, particularly in the construction and industrial manufacturing sectors. However, following the Covid-19 pandemic, the industry has encountered numerous challenges. This paper analyzes the current situation, difficulties, and economic factors affecting the business performance and stock prices of Vietnam’s steel sector, thereby proposing solutions for sustainable development in the context of the green transition.

Keywords: Steel industry, metallurgical technology, sustainable development, CBAM, green transition, raw materials, steel products

ĐẶT VẤN ĐỀ

Ngành thép là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất trên toàn cầu, đóng vai trò xương sống cho các lĩnh vực, như: xây dựng, sản xuất ô tô, đóng tàu và phát triển cơ sở hạ tầng. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel Association), tổng sản lượng thép thô toàn cầu đạt 1,951 tỷ tấn vào năm 2022, giảm nhẹ 4,2% so với năm 2021 do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế và nhu cầu suy giảm tại các thị trường lớn (World Steel Association, 2023). Trung Quốc, quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới, đóng góp 1,013 tỷ tấn, chiếm hơn 51,9% sản lượng toàn cầu, nhưng sự suy yếu của ngành bất động sản nước này từ năm 2022 đã kéo theo nhu cầu thép giảm mạnh, khiến giá thép cán nóng (HRC) toàn cầu sụt giảm từ mức đỉnh 1.200 USD/tấn vào tháng 5/2021 xuống còn khoảng 580 USD/tấn vào cuối năm 2022 (Nguyen và Tran, 2023). Các yếu tố khác ảnh hưởng đến thị trường thép thế giới bao gồm: giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt (giảm từ 220 USD/tấn năm 2021 xuống 90 USD/tấn năm 2023), chi phí năng lượng tăng cao do xung đột Nga-Ukraine, và xu hướng chuyển dịch sang thép xanh để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải carbon (International Energy Agency, 2023).

THỰC TRẠNG NGÀNH THÉP TẠI VIỆT NAM

Kết quả đạt được

Tại Việt Nam, ngành thép giữ vị trí chiến lược trong nền kinh tế, nhờ đóng góp vào tăng trưởng GDP và hỗ trợ các dự án hạ tầng trọng điểm. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, sản lượng thép thô của Việt Nam đạt 20,1 triệu tấn trong năm 2022, giảm 11% so với năm 2021 do ảnh hưởng từ biến động giá toàn cầu và cạnh tranh nhập khẩu (Bộ Công Thương, 2023). Việt Nam hiện có hơn 30 doanh nghiệp thép niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong đó các công ty lớn như: Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG) và Thép Pomina (POM), chiếm hơn 70% thị phần thép xây dựng và thép cán nguội nội địa (Le và Pham, 2022). Nhu cầu thép nội địa chủ yếu đến từ xây dựng (60%), sản xuất công nghiệp (25%) và xuất khẩu (15%) (Nguyen và cộng sự., 2023).

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua những biến động đáng kể trong giai đoạn 2020-2023, đặc biệt với các cổ phiếu ngành thép niêm yết trên HOSE và HNX. Trong giai đoạn 2020-2021, giá thép tăng vọt do nhu cầu phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19 và gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy HRC lên mức kỷ lục 1.050 USD/tấn vào tháng 7/2021 (Nguyen và Tran, 2023). Điều này đã thúc đẩy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép Việt Nam, với Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu năm 2021 đạt 150.000 tỷ VND (tăng 65% so với năm 2020) và lợi nhuận sau thuế đạt 34.500 tỷ VND (tăng 80%), nhờ sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tăng 12% và giá bán cao (Hoang và Tran, 2023). Tương tự, Hoa Sen đạt doanh thu 46.000 tỷ VND và lợi nhuận ròng 4.500 tỷ VND trong năm tài chính 2020-2021, tăng trưởng lần lượt 65% và 300% so với năm trước, nhờ mảng thép tôn mạ và ống thép xuất khẩu sang Đông Nam Á và châu Âu (Pham và Le, 2021). Kết quả này đã tạo đà tăng mạnh cho giá cổ phiếu ngành thép: cổ phiếu HPG tăng từ 30.000 VND (tháng 1/2020) lên 62.000 VND (tháng 6/2021), HSG từ 15.000 VND lên 48.000 VND, và NKG từ 10.000 VND lên 35.000 VND trong cùng kỳ (Nguyen và cộng sự, 2023).

Tuy nhiên, từ năm 2022, thị trường thép đảo chiều khi giá HRC giảm xuống còn 550 USD/tấn vào quý IV/2022 do nhu cầu từ Trung Quốc suy yếu và tồn kho thép toàn cầu tăng cao. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép Việt Nam. Báo cáo tài chính quý II/2022 của Hòa Phát cho thấy, doanh thu giảm 15% xuống 37.000 tỷ VND và lợi nhuận sau thuế giảm 21,1% xuống 4.000 tỷ VND so với cùng kỳ năm 2021, do giá bán giảm và chi phí nguyên liệu chưa kịp điều chỉnh (Hoang và Tran, 2023). Hoa Sen thậm chí ghi nhận doanh thu quý III/2022 giảm 29% xuống 9.500 tỷ VND và lỗ ròng 150 tỷ VND, lần đầu tiên trong 5 năm, do tồn kho giá cao từ năm trước và nhu cầu nội địa suy giảm (Nguyen và Tran, 2023). Thép Nam Kim cũng đối mặt với biên lợi nhuận gộp giảm từ 12% (2021) xuống 5% (2022), khiến giá cổ phiếu lao dốc: HPG giảm từ 62.000 VND xuống 38.000 VND, HSG từ 48.000 VND xuống 18.000 VND, và NKG từ 35.000 VND xuống 12.000 VND vào giữa năm 2023 (Nguyen et al., 2023).

Các yếu tố ngoại lai cũng góp phần tác động đến hiệu quả kinh doanh và giá cổ phiếu ngành thép. Sự mất giá của VND so với USD (từ 23.000 VND/USD năm 2021 lên 25.000 VND/USD năm 2023) làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu, đặc biệt với các doanh nghiệp như Pomina (POM) vốn phụ thuộc 90% vào thép phế liệu nhập khẩu (Le và Pham, 2022). Trong khi đó, Hòa Phát, với lợi thế sở hữu mỏ quặng sắt nội địa và dây chuyền sản xuất khép kín từ lò cao, duy trì chi phí thấp hơn, giúp giá cổ phiếu ít biến động hơn so với đối thủ: từ 38.000 VND (tháng 6/2023) phục hồi lên 45.000 VND (tháng 12/2023) (Nguyen và Tran, 2023). Lạm phát trong nước tăng từ 1,8% (2021) lên 4,5% (2023) cũng làm giảm sức mua vật liệu xây dựng, ảnh hưởng đến doanh thu ngành thép (Hoang và Tran, 2023). Tuy nhiên, chính sách đầu tư công của Chính phủ Việt Nam, với gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ VND (2022-2025) tập trung vào hạ tầng, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu thép nội địa từ năm 2024, tạo cơ hội phục hồi cho hiệu quả kinh doanh và giá cổ phiếu. Dù vậy, trong ngắn hạn, ngành thép vẫn đối mặt với thách thức từ cạnh tranh khu vực, biến động giá nguyên liệu và áp lực thanh khoản của các doanh nghiệp nhỏ như Pomina, khiến giá cổ phiếu tiếp tục biến động theo xu hướng hiệu quả kinh doanh.

Một số tồn tại, hạn chế

Mặc dù đã có những bước phát triển đáng kể trong thập niên qua, ngành thép hiện vẫn đang phải đối mặt với một số tồn tại và hạn chế nội tại. Các vấn đề này không chỉ cản trở sự tăng trưởng bền vững của ngành, mà còn làm giảm năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Một là, mức độ phụ thuộc cao vào nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài. Hiện tại, hơn 70% quặng sắt, than luyện cốc và thép phế – những nguyên liệu đầu vào thiết yếu cho luyện thép – đều phải nhập khẩu. Điều này làm tăng chi phí sản xuất, khiến ngành thép dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả và rủi ro địa chính trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hai là, phần lớn các nhà máy luyện và cán thép tại Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ cũ, hiệu suất thấp, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ (< 500.000 tấn/năm) chiếm tỷ trọng lớn nhưng khó có khả năng đầu tư đổi mới công nghệ. Điều này làm suy giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thép nội địa so với sản phẩm cùng loại từ các quốc gia có trình độ công nghệ tiên tiến.

Ba là, cạnh tranh từ thép nhập khẩu. Trong nhiều năm qua, thép nhập khẩu – đặc biệt từ Trung Quốc và một số quốc gia ASEAN – đã gia tăng nhanh chóng về cả số lượng lẫn chủng loại. Sự hiện diện của các sản phẩm thép giá rẻ và có chất lượng ổn định trên thị trường nội địa đặt ra thách thức lớn đối với doanh nghiệp thép trong nước, đặc biệt là khi các biện pháp phòng vệ thương mại chưa thực sự phát huy hiệu quả tối đa.

Bốn là, thị trường thép trong nước hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào các sản phẩm thép xây dựng, thép cán thường. Trong khi đó, các sản phẩm thép kỹ thuật cao phục vụ cho các ngành công nghiệp chế tạo, đóng tàu, hàng không và điện tử lại chưa được đầu tư đúng mức. Hạn chế trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) khiến doanh nghiệp trong ngành khó phát triển các sản phẩm thép có hàm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn.

Năm là, ngành thép là một trong những ngành phát thải khí nhà kính lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nhà máy chưa có hệ thống xử lý khí thải và chất thải đạt chuẩn. Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và trước các yêu cầu ngày càng khắt khe từ các thị trường như EU thông qua cơ chế CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), ngành thép vẫn còn chậm trong việc triển khai các giải pháp sản xuất xanh và chuyển đổi công nghệ thân thiện với môi trường.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH THÉP VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI KINH TẾ XANH

Nhằm thúc đẩy sự phát triển hiệu quả của ngành thép Việt Nam trong giai đoạn tới đây, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, nâng cao công nghệ, quy mô sản xuất và loại bỏ công nghệ lạc hậu. Việt Nam cần phát triển thêm các khu liên hợp gang thép có quy mô lớn, đặc biệt là các khu liên hợp bám biển vì có lợi thế về cảng nước sâu và vận chuyển; Thu hút đầu tư công nghệ và thiết bị mới, tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm năng lượng, năng suất cao và thân thiện với môi trường theo xu hướng sử dụng năng lượng xanh, sạch, tuần hoàn.

Thứ hai, phát triển chủng loại sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm thép cho công nghiệp chế tạo. Tận dụng nguồn tài nguyên quặng sắt trong nước và khoáng sản kim loại màu như: crom, niken, titan, vonfram, mangan... nhằm chế tạo các loại hợp kim sắt, làm nguyên liệu để sản xuất thép hợp kim đặc biệt. Bên cạnh đó xây dựng chiến lược phát triển ngành thép theo hướng thu hút đầu tư các liên hợp thép lớn nhằm sản xuất các chủng loại sản phẩm thép đa dạng, đặc biệt tập trung thép ứng dụng trong ngành chế biến, chế tạo, cơ khí, ô tô.

Thứ ba, tăng cường năng lực cạnh tranh và xây dựng doanh nghiệp nội lực mạnh. Xây dựng bằng được một doanh nghiệp thép Việt Nam đủ mạnh bằng nguồn vốn nội lực để tránh tình trạng bị rút vốn, rút công nghệ và rơi vào tình thế bị động. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, cần chú trọng xây dựng nền tảng tài chính vững chắc, minh bạch thông tin và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn vốn ngắn hạn, đồng thời cải thiện năng lực quản trị rủi ro và tăng cường các biện pháp kiểm soát tài chính.

Thứ tư, kiến nghị Chính phủ hoàn thiện chính sách và quản lý. Chính phủ cần xây dựng những quy định pháp luật về quản lý chất lượng thép (cả trong nước và nhập khẩu) để tạo sân chơi chung, bình đẳng. Bên cạnh đó cũng chỉ đạo các bộ, ngành hỗ trợ ngành thép trong việc xây dựng và triển khai quy trình kiểm tra thép nhập khẩu trước khi thông quan nhằm đảm bảo thép nhập khẩu đáp ứng các quy chuẩn của Việt Nam./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Công Thương (2023). Báo cáo ngành thép Việt Nam năm 2022.

2. Lại Cao Mai Phương, Phạm Thị Phương Uyên, Đặng Thị Lệ Thi, Dương Hoàng Hồng Hân (2021). Các yếu tố tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp ngành Thép niêm yết trên thị trường chứng khoán, Tạp chí Tài chính, Kỳ 1 tháng 5.

3. Le, N. H. và Pham, T. H. (2022). Biến động giá và chi phí nguyên liệu trong chuỗi cung ứng thép Việt Nam, Tạp chí Kinh tế & Dự báo, số 5.

4. Nguyễn Thị Vân Hạnh (2022). Biến động giá cổ phiếu ngành hàng niêm yết thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Tài chính, 4/2022, 43-45.

5. Nguyen, Q. H., & Tran, V. T. (2023). Steel industry dynamics and stock market reactions in Vietnam: A post-pandemic analysis. Resources Policy, 85, 103890. https://doi.org/10.1016/j.resourpol.2023.103890,

6. Phạm Thu Hiền, Nguyễn Nhật Hà (2021). Các yếu tố tác động đến khả năng sinh lời của các doanh nghiệp ngành vật liệu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, 13(3), 2021.

7. Trung, N. T. and Phan, B. K. (2020). Các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty ngành công nghiệp, Tạp chí nnhiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á, 29(7), 25-40.

8. Trương Đông Lộc (2014). Các nhân tố ảnh hưởng đến sự bất ổn giá của cổ phiếu: Các bằng chứng từ giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ, Phần D: Khoa học Chính trị, Kinh tế và Pháp luật, 33, 72-78.

9. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội (2024). Số liệu thống kê cổ phiếu các ngành.

10. World Steel Association (2023). World Steel in Figures 2023.

Ngày nhận bài: 15/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 23/5/2025; Ngày duyệt đăng: 27/5/2025