Thuyết ưu sinh đề cập đến một tập hợp các niềm tin và thực hành gây tranh cãi nhằm cải thiện chất lượng gene của dân số [1]. Cũng chính vì các niềm tin và lối thực hành đấy, nên lý thuyết nổi tiếng này cũng gánh chịu một phần trách nhiệm cho việc khơi mào chiến tranh thế giới thứ hai, cũng như vấn nạn phân biệt chủng tộc, kỳ thị...

Ở các nước phương Tây, Thuyết ưu sinh đã bị cấm vì nó là nguyên nhân dẫn đến các thảm họa và khủng hoảng nhân đạo tồi tệ, như thảm sát diệt chủng trong Thế chiến thứ hai dẫn đến sự thiệt mạng của khoảng 6 triệu người Do Thái. Hiện tại, nó được gắn liền với các từ ngữ có ý nghĩa tiêu cực như: Chủ nghĩa thực dân, áp bức chủng tộc, thuyết ưu thế thượng đẳng người da trắng… [2-5]. Trong thế kỷ XX, thuyết này vẫn dai dẳng tồn tại và lại có lúc trỗi dậy tại các quốc gia Đông Á, như Trung Quốc và Nhật Bản dưới nhiều chế độ, đảng phái và nhân vật chính trị thông qua nhiều hệ tư tưởng và chương trình hành động chính trị khác nhau.

Trong một xuất bản phẩm gần đây, nhà nghiên cứu Yuehtsen Juliette Chung (Đại học Quốc gia Thanh Hoa, Đài Loan) [6] đã trình bày lịch sử của Thuyết ưu sinh tại Trung Quốc trong giai đoạn từ thời kỳ nhà Thanh đến chế độ chính trị đương đại. Tác giả chỉ ra, học thuyết này đã gắn bó với tính cách dân tộc, thể chế quốc gia và sự tồn vong của Trung Quốc thông qua các phong trào xã hội và chiến dịch chính trị. Sự tái sinh gần đây nhất của Thuyết ưu sinh tại Trung Quốc là vào thập niên 1980, khi Đảng Cộng sản và chính quyền Trung Quốc cố gắng thúc đẩy chính sách một con gây tranh cãi (One Child Policy) [6]. Trong chiến dịch này, Thuyết ưu sinh được dùng để tuyên truyền như mục tiêu và cách lý giải cho những nỗ lực kiểm soát dân số của chính quyền, như cưỡng bức phá thai đối với phụ nữ ở nông thôn và triệt sản những người thiểu năng trí tuệ.

Tưởng chừng như đó chỉ là quá khứ, vậy mà thật kỳ lạ khi ngày nay lại thấy sức sống của Thuyết ưu sinh trỗi dậy ngay tại Trung Quốc, nơi mà Nho giáo đã ăn sâu vào niềm tin của người dân và ảnh hưởng tới suy nghĩ, hành vi của đa phần cư dân. Cụ thể là câu nói “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” trong học thuyết của Nho giáo. Nghĩa là trong ba tội bất hiếu, không có con nối dõi tông đường, đặc biệt là con trai, là tội lớn nhất.

Trên phương diện học thuật hiện đại, cách tiếp cận “cộng tính văn hóa” (cultural additivity – 文化叠加性) có thể giúp giải thích được sự chung sống của hai học thuyết mâu thuẫn lẫn nhau này (Thuyết ưu sinh và Nho giáo). Cộng tính văn hóa là khái niệm dùng để chỉ “những người thuộc một nền văn hóa nhất định sẵn sàng kết nạp vào văn hóa của họ những giá trị và chuẩn mực từ các hệ thống niềm tin khác có thể hoặc không mâu thuẫn về mặt logic với các nguyên tắc của hệ thống niềm tin hiện có của họ” [7]. Có thể chính vì khả năng cộng tính văn hóa cao của người Trung Quốc, nên họ có thể chấp nhận và tiếp thu được những giá trị mâu thuẫn với các giá trị văn hóa hiện có của họ.

Thông thường, các thông tin (hoặc giá trị, nhất là giá trị văn hóa) đối nghịch hoàn toàn với hệ giá trị của một người sẽ thường xuyên bị loại bỏ ra khỏi quá trình suy nghĩ của họ [8]. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp hai loại thông tin (hoặc giá trị) đối nghịch với nhau cùng tồn tại [9]. Trường hợp này xảy ra khi hệ thống đa lọc (multi-filtering system) của họ đánh giá cả hai dạng thông tin (hoặc giá trị) đều có ích đối với bản thân. Một mặt, người Trung Quốc nhận thức được hậu quả của việc không có con trai và nó liên quan đến sự bất hiếu như thế nào, mặt khác, họ vẫn chấp nhận Thuyết ưu sinh vì các biện pháp kiểm soát dân số của giúp họ tăng cường hạnh phúc gia đình thông qua cải thiện chất lượng dân số, như cách tuyên truyền được minh họa trong Hình.

Thuyết ưu sinh ở Trung Quốc qua lăng kính cộng tính văn hóa

Tuyên truyền về Thuyết ưu sinh tại nông thôn Trung Quốc (少生优生,幸福一生 - Ít sinh hơn và sinh tốt hơn, cuộc sống hạnh phúc)

Như vậy, các nhà chính trị và xã hội học nói riêng, những người có quan tâm tới tương lai phát triển bền vững của xã hội nói chung, không thể bỏ qua sự trỗi dậy của học thuyết đã tồn tại dai dẳng và để lại nhiều hậu quả chính trị - xã hội này./.

Bài viết được dịch và hiệu đính bởi Nguyễn Minh Hoàng, Trường Đại học Phenikaa, Hà Nội

Tài liệu tham khảo

[1] Galton F. (1904). Eugenics: Its definition, scope, and aims. The Sociological Review, 1(1), 1-25.

[2] Black E. (2012). War against the weak: Eugenics and America’s campaign to create a master race. Dialog Press.

[3] Campbell C. (2007). Race and Empire: Eugenics in colonial Kenya. Manchester University Press.

[4] Fong M, Johnson, LO, Johnson LD. (1974). The Eugenics movement: Some insight into the institutionalization of racism. Issues in Criminology, 9(2), 89-115.

[5] Stern AM. (1999). Responsible mothers and normal children: Eugenics, Nationalism, and welfare in post-revolutionary Mexico, 1920–1940. Journal of Historical Sociology, 12(4), 369–397.

[6] Chung YJ. (2014). Better science and better race?: Social Darwinism and Chinese Eugenics. Isis, 105(4), 793–802.

[7] Jin R, Vuong QH. (2023). 从“文化叠加性”的角度概述越南社会的“三教合流”. https://osf.io/z9egt/

[8] Vuong QH. (2023). Mindsponge Theory. Walter de Gruyter GmbH. https://www.amazon.de/dp/8367405145

[9] Nguyen MH, Jones TE. (2022). Predictors of support for biodiversity loss countermeasure and bushmeat consumption among Vietnamese urban residents. Conservation Science and Practice, 4, e12822.