Trần Thị Xuyến

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Công tác đăng ký kinh doanh (ĐKKD) nói riêng và đăng ký thuế nói chung đối với hộ kinh doanh (HKD) thời gian qua đã có một số thay đổi đáng kể từ khi Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Bài viết cung cấp một số thông tin về công tác đăng ký và quản lý dữ liệu đăng ký HKD trước và sau ngày 01/7/2023 để thấy được những tác động tích cực từ việc áp dụng quy định pháp luật nêu trên. Số liệu về tình hình đăng ký HKD được kết xuất trực tiếp từ Hệ thống thông tin về đăng ký HKD đối với các hộ đã đăng ký trên Hệ thống này từ ngày 01/7/2023 đến 30/9/2023 cho thấy sơ bộ bức tranh tổng hợp về tình hình đăng ký của khu vực này.

THỰC TRẠNG CẤP ĐĂNG KÝ HKD TRƯỚC NGÀY 01/7/2023

Việc cấp đăng ký HKD tại cơ quan ĐKKD cấp huyện chủ yếu được thực hiện thủ công hoặc bởi các phần mềm tự phát triển, nhưng không thống nhất giữa các địa phương hoặc giữa các quận huyện trong cùng địa bàn tỉnh. Do đó, không tạo lập được kho cơ sở dữ liệu dùng chung về đăng ký hộ kinh doanh của cả nước.

Những hạn chế, bất cập trong công tác đăng ký và quản lý dữ liệu đăng ký HKD trước ngày 01/7/2023 trên phạm vi cả nước bao gồm: khó khăn trong báo cáo, tổng hợp tình hình đăng ký HKD theo thời gian thực; khó khăn trong tìm kiếm thông tin đăng ký hiện tại và dữ liệu đăng ký lịch sử của HKD; thiếu sự minh bạch hóa thông tin và sự giám sát của cộng đồng đối với thông tin đăng ký của HKD; quy trình cấp ĐKKD và cấp đăng ký thuế cho HKD chưa có sự liên thông giữa cơ quan ĐKKD và cơ quan thuế, thời gian cấp đăng ký cho HKD gia nhập thị trường bị kéo dài; dữ liệu đăng ký của HKD tại 2 ngành không được chia sẻ; khó khăn trong cập nhật, nắm bắt tình hình thực tế trong ĐKKD đối với HKD, khả năng dự đoán xu hướng và dự báo tình hình phát triển HKD gặp nhiều hạn chế.

KHUNG PHÁP LÝ VÀ TÌNH HÌNH CẤP ĐĂNG KÝ HKD TỪ NGÀY 01/7/2023

Khung pháp lý

Nhằm khắc phục các hạn chế trong ĐKKD, quản lý dữ liệu đăng ký của HKD nêu trên và tiến tới phục vụ liên thông điện tử trong ĐKKD và đăng ký thuế, ngày 18/4/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT, ngày 18/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT, ngày 16/3/2021 để bổ sung quy định về việc liên thông ĐKKD và đăng ký thuế đối với HKD. Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Do vậy, kể từ ngày 01/7/2023, các văn bản pháp luật quy định về HKD và đăng ký HKD vẫn có hiệu lực thi hành, gồm: Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp; Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT và Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT. Tuy nhiên, một số quy định cụ thể tại Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT đã được thay thế bởi Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT.

Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT có một số điểm mới, nổi bật, cụ thể như sau:

Thứ nhất, bổ sung một điều quy định về việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký HKD trên Hệ thống thông tin đăng ký HKD. Theo đó, Cơ quan ĐKKD cấp huyện tiếp nhận và nhập thông tin hồ sơ đăng ký HKD vào Hệ thống thông tin về đăng ký HKD thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan ĐKKD cấp huyện nhập đầy đủ, chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký HKD, số hóa, đặt tên văn bản điện tử tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ đăng ký HKD bằng bản giấy và tải lên hệ thống thông tin về đăng ký HKD. Các thông tin đăng ký HKD trên Hệ thống thông tin về đăng ký HKD được truyền sang Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế để phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan ĐKKD cấp huyện và cơ quan thuế.

Thứ hai, làm rõ một số khái niệm, như: “đăng ký HKD”, “Giấy chứng nhận đăng ký HKD”, “Hệ thống thông tin về đăng ký HKD”, “mã số HKD”. Đây là những khái niệm cơ bản để phục vụ công tác đăng ký HKD trên môi trường thông tin điện tử, cũng như việc liên thông ĐKKD, đăng ký thuế đối với HKD.

Thứ ba, bổ sung khái niệm về mã số HKD. Mã số này là dãy số được tạo tự động bởi Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế truyền sang Hệ thống thông tin về đăng ký HKD, đồng thời là mã số thuế của HKD. Mã số HKD được sử dụng để thực hiện liên thông thủ tục đăng ký HKD, phục vụ công tác quản lý nhà nước và trao đổi thông tin về HKD.

Tình hình công tác cấp đăng ký HKD từ thời điểm 01/7/2023

Kể từ thời điểm Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT, công tác ĐKKD đối với HKD đã có một số thay đổi đáng kể. Theo đó, kể từ ngày 01/7/2023, quy trình về ĐKKD đối với HKD đã tạo bước đột phá trong quy trình cấp đăng ký, liên thông điện tử trong ĐKKD và đăng ký thuế, đồng thời lần đầu tiên tạo lập được Hệ thống thông tin về đăng ký HKD phục vụ công tác đăng ký HKD trên phạm vi cả nước. Thông qua Hệ thống này, toàn bộ hơn 700 cơ quan ĐKKD phải tác nghiệp trực tuyến, thường xuyên và liên tục, lần đầu tiên đã tạo lập được nguồn cơ sở dữ liệu chính thống về đăng ký HKD, đáp ứng một số yêu cầu ban đầu trong quản lý nhà nước về công tác thống kê, báo cáo theo thời gian thực về tình hình đăng ký HKD, đồng thời tăng cường được vai trò giám sát của các bên thứ ba đối với thông tin đăng ký của HKD.

Theo số liệu thống kê dựa trên các dữ liệu thực tế do HKD đăng ký tại địa phương và được cán bộ tại cơ quan ĐKKD cấp huyện thao tác trực tiếp trên Hệ thống thông tin về đăng ký HKD, tình hình đăng ký HKD từ ngày 01/7/2023 đến ngày 30/9/2023 cụ thể như sau:

Số HKD thành lập mới trong 3 tháng triển khai Hệ thống thông tin về đăng ký HKD là 112.156 hộ. Số vốn đăng ký của HKD thành lập mới trong 3 tháng triển khai Hệ thống thông tin về đăng ký HKD đạt 36.969 tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân trên một HKD trong 3 tháng đạt 330 triệu đồng. Lao động đăng ký của HKD đạt 244.817 lao động. Đồng bằng sông Hồng là khu vực duy nhất có đồng đều cả 3 tiêu chí: số lượng HKD thành lập mới, với số vốn đăng ký và số lao động đăng ký lớn nhất lần lượt là: 28.899 HKD, 12.470 tỷ đồng, 71.664 lao động. Địa phương có số HKD đăng ký thành lập mới và số lao động đăng ký lớn nhất là TP. Hồ Chí Minh (12.065 hộ, 1.317 tỷ đồng, 21.794 lao động); Hà Nội (10.447 hộ, 3.157 tỷ đồng, 30.891 lao động) và Nghệ An (4.149 hộ, 1.780 tỷ đồng, 8.620 lao động) là 2 địa phương duy nhất có cả số lượng HKD, vốn đăng ký và lao động đăng ký đều thuộc nhóm 5 địa phương lớn nhất cả nước.

- Xét về ngành nghề đăng ký, có 3/17 ngành có cả 3 tiêu chí (số lượng HKD thành lập mới, số vốn và số lao động đăng ký) lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (60.161 hộ, 21.827 tỷ đồng, 111.146 lao động)

KẾT QUẢ LIÊN THÔNG ĐIỆN TỬ GIỮA ĐKKD VÀ ĐĂNG KÝ THUẾ TRONG ĐĂNG KÝ HKD

Từ thực tiễn triển khai vận hành Hệ thống thông tin về đăng ký HKD liên thông Hệ thống thông tin đăng ký thuế trên cả nước sau 3 tháng, một số kết quả đạt được đáng ghi nhận được nêu ra như sau:

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước

Thứ nhất, toàn bộ quy trình đăng ký HKD, công tác quản lý dữ liệu đăng ký HKD được thống nhất phạm vi cả nước sử dụng; dữ liệu đăng ký HKD được quản lý tập trung cấp Trung ương, không còn rời rạc, manh mún tại từng địa phương như trước đây. Tác động từ việc áp dụng quy định mới tại Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT là rất lớn, có hiệu quả rõ rệt từ việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong đăng ký HKD và đăng ký thuế, đồng thời xây dựng được Hệ thống thông tin về đăng ký HKD có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng mong mỏi của các cơ quan quản lý về đăng ký kinh doanh trong công tác đăng ký HKD.

Thứ hai, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước về HKD. Các cơ quan quản lý, như: ĐKKD, thuế thu thập được nguồn thông tin đồng nhất và cập nhật theo thời gian thực trong công tác đăng ký HKD, theo đó, các cơ quan này có thể nắm bắt khá đầy đủ thông tin đăng ký của HKD, theo đó, có thể phân tích, kiểm soát và dự báo tình hình phát triển, xu thế chuyển dịch của khu vực này trong từng thời điểm và từng giai đoạn với nhiều chỉ tiêu thông tin đầy đủ hơn.

Thứ ba, đề xuất được những chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp với từng nhóm đối tượng, lĩnh vực cho khu vực HKD. Trên cơ sở nguồn thông tin, dữ liệu đăng ký của HKD được cập nhật đầy đủ theo thời gian thực từ phía cơ quan ĐKKD, các cơ quan quản lý chuyên ngành có thể nghiên cứu, đề xuất những chương trình, chính sách, gói hỗ trợ, miễn hoặc gia hạn thuế, phí,… kịp thời tới một số nhóm, lĩnh vực, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, kích thích quá trình sản xuất kinh doanh cho khu vực HKD.

Thứ tư, thông tin về đăng ký HKD đảm bảo tính chính xác, minh bạch, đồng nhất giữa các cơ quan quản lý (ĐKKD và thuế), góp phần thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu giữa 2 cơ quan này và với các cơ quan quản lý nhà nước khác trong giai đoạn tới. Thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký HKD được kiểm tra, đối chiếu, xác thực và được cập nhật tại Hệ thống thông tin về ĐKKD, đồng thời được truyền liên thông điện tử với Hệ thống thông tin thuế nhằm đảm bảo tính thống nhất về một nguồn dữ liệu, tiếp đó, tùy theo điều kiện sẵn sàng của các cơ quan quản lý nhà nước, có thể được chia sẻ những trường thông tin phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước đặc thù của các bên.

Về phía hộ kinh doanh và cộng đồng

Một là, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí của HKD, tạo thêm cơ hội mới cho HKD khi gia nhập thị trường. Thay vì phải kê khai lặp lại các trường thông tin tại 2 bộ hồ sơ và tại 2 cơ quan (ĐKKD và thuế), HKD chỉ cần kê khai một bộ hồ sơ duy nhất và thực hiện tại một cơ quan duy nhất là tại Phòng Tài chính-Kế hoạch cấp quận huyện.

Hai là, thông tin đăng ký của HKD được minh bạch hóa, góp phần khẳng định vị thế pháp lý của HKD, đồng thời giúp cho các bên thứ ba dễ dàng tìm kiếm thông tin đăng ký của HKD. Trên cơ sở các thông tin đăng ký của HKD đã được chấp thuận, ghi nhận trên Hệ thống thông tin về đăng ký HKD, các trường thông tin cơ bản và tình trạng hoạt động của HKD dự kiến sẽ được công khai tại 1 cấu phần thuộc Cổng thông tin về đăng ký doanh nghiệp nhằm minh bạch hóa thông tin đăng ký của HKD. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng cấu phần này và trong thời gian tới, các HKD, các bên thứ ba, cộng đồng sẽ có thể tra cứu, tìm kiếm thông tin đăng ký của HKD, đáp ứng phục vụ nhu cầu của cá nhân và xã hội về thông tin HKD.

Như vậy, việc cải cách ĐKKD đối với HKD và liên thông điện tử đã mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thành lập và đăng ký hoạt động kinh doanh không chỉ đối với HKD, mà còn nâng cao được hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương (2017), Nghị quyết số 10- NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Thông tư số 01/2021/TT - BKHĐT, ngày 16/3/2021 hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Thông tư số 02/2023/TT - BKHĐT, ngày 18/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT - BKHĐT.

4. Chính phủ (2021), Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp.

5. Nguyễn Thị Luyến, Phạm Đức Trung và cộng sự (2021), Một số giải pháp phát triển hộ kinh doanh theo hướng bền vững ở Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu thuộc Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh (GIZ).

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31, tháng 11/2023)