Tình hình xuất khẩu gạo sang ASEAN của Việt Nam và một số khuyến nghị
ThS. Huỳnh Diệu Ngân, Nguyễn Huỳnh Lộc Như, Lê Thị Thùy Trinh
Khoa Marketing – Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh
Tác giả liên hệ: Huỳnh Diệu Ngân; Email: hd.ngan@hutech.edu.vn
Tóm tắt
Xuất khẩu gạo đóng vai trò đa chiều và toàn diện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành lúa gạo của quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bài báo đã sơ lược tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam nói chung và xuất khẩu gạo sang ASEAN nói riêng. Nhóm tác giả cũng đã đưa ra những nhận xét đánh giá về cơ hội và thách thức của xuất khẩu gạo đồng thời đề xuất một vài khuyến nghị để thúc đẩy sự phát triển ngành lúa gạo nói chung và xuất khẩu gạo sang ASEAN nói riêng.
Từ khóa: Xuất khẩu, xuất khẩu gạo, cơ hội, thách thức, ASEAN.
Summary
Rice export plays a multidimensional and comprehensive role in the socio-economic development of the rice sector, including Vietnam. This article briefly outlines an overview of rice export activities of Vietnam in general and rice exports to ASEAN countries in particular. The authors also list the opportunities and challenges of rice export, as well as propose several recommendations to promote the development of the rice sector in general and rice exports to ASEAN in particular.
Keywords: Export, rice export, opportunity, challenge, ASEAN.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Tổng kết năm 2024, Việt Nam đã duy trì xuất siêu 9 năm liên tiếp với 26 thị trường xuất siêu từ 1 tỷ USD. Điều đó cho thấy, xuất khẩu giữ một vai trò không hề nhỏ đối với sự phát triển của quốc gia, trong đó có mặt hàng gạo. Từ một quốc gia nhập khẩu gạo năm 1968, Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập thị trường xuất khẩu gạo thế giới và vươn lên vị trí thứ 3 năm 1989. Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn phát huy thế mạnh của mình và duy trì là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như chiến lược phát triển của quốc gia phần nào đã giúp cho Việt Nam tiếp cận với nhiều thị trường hơn. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu toàn cầu ở một số quốc gia vừa mở ra cơ hội nhưng cũng tạo thêm nhiều thách thức cho những quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường gạo quốc tế và những yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm đã tạo thêm nhiều động lực để Việt Nam nghiên cứu, định hướng và thúc đẩy xuất khẩu.
TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU GẠO CỦA VIỆT NAM
Trong giai đoạn 2015-2024, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng từ 2,8 tỷ USD năm 2015 lên 5,67 tỷ USD năm 2024. Mặc dù, trung bình cả giai đoạn đạt tốc độ tăng trưởng 10,26% nhưng nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng trưởng không ổn định, sụt giảm vào năm 2015, 2016 và 2019. Sự cạnh tranh gay gắt của thị trường gạo thế giới đã dẫn đến sản lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh, cụ thể giảm 26,5% vào năm 2016. Tuy nhiên, sự biến động giá cả cũng là một trong nhưng nguyên nhân làm cho kim ngạch xuất khẩu năm 2019 giảm 8,3% mặc dù sản lượng tăng 4,2%. Giai đoạn 2020-2021, thương mại quốc tế chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng nhất định, vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng dương. Đặc biệt hơn, giai đoạn 2022-2024 chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam ở hầu hết các thị trường. Tổng kết năm 2024, lịch sử ngành gạo Việt Nam đã ghi nhận kỷ lục khi có 9 triệu tấn gạo được xuất khẩu và thu về 5,67 tỷ USD; mở ra chuỗi giai đoạn 5 năm liên tiếp ghi nhận tăng trưởng dương (Hình 1).
Hình 1: Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2015-2024
![]() |
Nguồn: VietnamBiz và Bộ Công Thương, 2016-2025
Xét về khu vực xuất khẩu thì châu Á vẫn luôn là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống và lớn nhất của Việt Nam trong giai đoạn 2015-2024, trong đó Đông Nam Á và Đông Á chiếm tỷ trọng lớn nhất. Thị phần xuất khẩu gạo sang châu Á dao động từ 65-75% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong giai đoạn này. Philippines, Trung Quốc, Malaysia, và Indonesia là những thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam tại châu Á. Tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có những biến động lớn trong giai đoạn 2015-2024 với sự sụt giảm đáng kể trong những năm 2017-2019, có khuynh hướng phục hồi mạnh mẽ từ năm 2020. Tuy nhiên, lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2024 chứng kiến sự sụt giảm trầm trọng với mức giảm lên tới 68,9% so với năm 2023 (VietnamBiz, 2025). Khu vực châu Phi là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng thứ hai của Việt Nam, chiếm khoảng 15-20% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong giai đoạn 2015-2024. Cũng trong giai đoạn này, khu vực Trung Đông là thị trường xuất khẩu gạo mới nổi của Việt Nam, với thị phần tăng dần từ khoảng 3-5% lên khoảng 8-10%. Trong khi đó, khu vực châu Âu và khu vực châu Mỹ là những thị trường xuất khẩu gạo nhỏ, với tỷ trọng khoảng 3-7%.
Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, với sản lượng lớn và chủng loại đa dạng. Các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam không chỉ giới hạn ở gạo trắng truyền thống mà còn bao gồm nhiều dòng sản phẩm giá trị cao như gạo thơm, gạo nếp và các sản phẩm chế biến từ gạo. Gạo trắng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm khoảng 70% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm. Gạo thơm đã trở thành nhóm sản phẩm chiến lược trong cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam, chiếm gần 20% tổng lượng gạo xuất khẩu và có xu hướng tăng mạnh (Nhóm PV Báo điện tử Chính phủ, 2025).
TỔNG QUAN VỀ XUẤT KHẨU GẠO VIỆT NAM SANG ASEAN
Nhìn chung sản lượng gạo xuất khẩu sang ASEAN tăng trưởng rõ rệt trong giai đoạn 2015-2024, trong đó có sự sụt giảm mạnh vào năm 2015 và 2016 và sự giảm không đáng kể vào năm 2021. Như đã phân tích, theo báo cáo xuất nhập khẩu của Bộ công thương, giai đoạn 2016 và 2017 được xem là 2 năm khó khăn của các quốc gia xuất khẩu gạo nói chung và Việt Nam nói riêng khi cạnh tranh vô cùng gay gắt, nhu cầu thị trường giảm mạnh và áp lực dư cung ngày càng tăng. Kể từ năm 2018, xuất khẩu gạo Việt Nam sang ASEAN chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng.
Hình 2 cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của thị trường ASEAN trong xuất khẩu gạo. Nếu như tỷ trọng xuất khẩu gạo sang ASEAN chỉ chiếm 37,53% vào năm 2015 thì đến năm 2024, con số này đã lên đến hơn 70%, thể hiện rõ khu vực xuất khẩu chủ lực của mặt hàng này ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, điều này cũng chứng tỏ là xuất khẩu gạo Việt Nam hiện tại đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường ASEAN.
Hình 2: Kim ngạch xuất khẩu gạo sang ASEAN của Việt Nam giai đoạn 2015-2024
![]() |
Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2025
Ba thị trường xuất khẩu chủ lực của gạo Việt Nam ở ASEAN trong nhiều năm qua là Philippines, Indonesia và Malaysia, chiếm khoảng 90% trong cơ cấu. Điều này một lần nữa cho thấy, cơ cấu gạo xuất khẩu Việt Nam còn nhiều rủi ro khi cơ cấu gạo xuất khẩu đang chuyển dịch từ việc đa dạng hóa thị trường sang tập trung ở một vài quốc gia nhất định, đặc biệt là Phillipines. Mặc dù, vẫn giữ được vị thế hàng đầu thế giới, đạt được nhiều thành tựu, nhưng cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng là một vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm vì sự phát triển bền vững cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Giá gạo Việt Nam nhiều năm qua luôn được mang so sánh với 2 quốc gia còn lại trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ và Thái Lan. Tháng 2 năm 2020 là một trong những cột mốc quan trọng của Việt Nam khi giá gạo vượt qua Ấn Độ, xếp vị trí thứ hai. Đặc biệt trong những năm trở lại đây, gạo xuất khẩu Việt Nam và Thái Lan luôn cạnh tranh gay gắt về giá. Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam năm 2024 là 627USD/tấn, ghi nhận mức cao kỷ lục mới (VietnamBiz, 2025). Trong đó, giá gạo xuất khẩu bình quân 5% tấm của Việt Nam ở năm 2024 đạt 573,5 USD/tấn, thấp hơn 2,5USD so với Thái Lan nhưng cao hơn Ấn Độ 54,7USD (Phạm Minh Thụy và Phạm Minh Tâm, 2025).
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Cơ hội của việc xuất khẩu gạo sang ASEAN
Thứ nhất, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, có tiềm năng to lớn cùng cơ sở vật chất để sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, được thiên nhiên ưu đãi với mạng lưới sông ngòi dày đặc. Các công trình thủy lợi như kênh, mương, đê điều đã được đầu tư xây dựng và nâng cấp, giúp kiểm soát nguồn nước, ngăn chặn xâm nhập mặn, đảm bảo nước tưới tiêu cho lúa trong mùa khô và tiêu thoát nước trong mùa mưa. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, từ khâu làm đất, gieo sạ, chăm sóc đến thu hoạch. Việt Nam có hệ thống nhà máy xay xát và chế biến gạo được trang bị công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, hệ thống kho chứa và bảo quản gạo đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng gạo trong quá trình lưu trữ và vận chuyển. Việt Nam đã đầu tư vào xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông, đặc biệt là các tuyến đường kết nối các vùng sản xuất lúa với các cảng biển. Chỉ số năng lực quốc gia về logistics của Việt Nam có xu hướng tăng, cụ thể là năm 2023 đạt 3,3 điểm, xếp thứ 43 trên 160 quốc gia (Anh Tú, 2023). Việt Nam có hệ thống cảng biển phát triển, đặc biệt là các cảng ở khu vực ĐBSCL, như cảng Cần Thơ, cảng Cái Mép - Thị Vải, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu gạo. Ngoài đường bờ biển dài thì đường bộ xuyên Á vô cùng thuận lợi trong việc xuất khẩu, đặc biệt là sang các nước ASEAN (Anh Tú, 2023).
Thứ hai, các hoạt động xuất khẩu gạo sang thị trường ASEAN nói riêng và thị trường thế giới nói chung được sự hỗ trợ và thúc đẩy của Chính phủ và Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (Vietrisa). Cụ thể, Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo được ban hành giúp dỡ bỏ nhiều rào cản hành chính, tạo cơ chế thông thoáng hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Ngoài ra, nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định về quản lý ngoại thương, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động xuất khẩu gạo. Đặc biệt, Quyết định 583/QĐ-TTg ban hành năm 2023 đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đánh dấu sự chuyển đổi từ tập trung số lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 02/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” của Chính phủ được Vietrisa vô cùng quan tâm và chú trọng thực hiện. Trong năm 2025, Vietrisa dự định triển khai xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt xanh phát thải thấp” (Ánh Tuyết, 2025).
Thứ ba, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều FTA với những lợi ích về thuế quan. Việc tham gia các hiệp định cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng lúa gạo, từ khâu sản xuất, chế biến đến phân phối. Bên cạnh lợi ích kinh tế trực tiếp, các FTA còn giúp tăng cường quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước Đông Nam Á. Vị thế của Việt Nam như một đối tác tin cậy về an ninh lương thực đã được củng cố, đặc biệt sau khi Việt Nam duy trì xuất khẩu gạo ổn định trong đại dịch Covid-19 và khủng hoảng lương thực toàn cầu. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là nền tảng quan trọng cho sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong nhiều lĩnh vực khác.
Thách thức việc xuất khẩu gạo sang ASEAN
Một là, việc chưa thực sự nhận diện được thương hiệu Việt tại các quốc gia nhập khẩu gạo Việt Nam, mà chủ yếu là mang thương hiệu của các nhà nhập khẩu là một trong những thách thức đáng quan tâm. Mặc dù chất lượng gạo Việt Nam được đánh giá ngày càng cao, nhưng nhìn chung, đều sẽ được các nhà nhập khẩu chế biến và đóng gói rồi mới tiến hàng phân phối ra thị trường nội địa. Mặc dù những năm gần đây, một số đơn vị cũng đã và đang từng bước xây dựng thương hiệu Việt nhưng vẫn còn nhỏ lẻ và manh mún (Hải Yến, 2024).
Hai là, trong nhiều năm vừa qua, biến đổi khí hậu không chỉ là một thách thức lớn với ngành lúa gạo Việt Nam mà gần như tác động tiêu cực đến cả thế giới. Vựa lúa Nam Bộ nhiều lần đã chịu nhiều ảnh hưởng của ngập mặn, hơn thế nữa là tam hại, tứ hại (thiên vũ, lũ giáng, bão giập, triều dâng) ở một số vùng (Đỗ Văn Huân, 2025).
Ba là, việc đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng trở thành một khía cạnh quan trọng trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến dinh dưỡng và sức khỏe. Theo một báo cáo chỉ số Tetra Pak 2023, 70% người tiêu dùng cho rằng họ sẽ chọn sản phẩm lành mạnh thay vì sản phẩm tiện lợi (Thanh Thanh, 2024). Xu hướng thế giới hiện nay, người tiêu dùng đòi hỏi các sản phẩm phải được an toàn, không hóa chất và phải dinh dưỡng. Việc này được thể hiện trong các hàng rào kỹ thuật mà các quốc gia đã và đang xây dựng lên.
MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU GẠO SANG ASEAN
Thứ nhất, Chính phủ, doanh nghiệp và nông dân cần phối hợp chặt chẽ và chuyển đổi toàn diện trong việc lựa chọn giống lúa và cơ cấu thị trường xuất khẩu. Để hạn chế việc sản xuất manh mún, thiếu định hướng, chạy theo năng suất mà bỏ qua chất lượng, liên kết lỏng lẻo giữa người sản xuất và doanh nghiệp, thiếu thông tin thị trường, Việt Nam cần một cuộc cách mạng tư duy hướng đến sản xuất thông minh. Giải pháp then chốt nằm ở việc Chính phủ đóng vai trò định hướng chiến lược, thông qua việc xây dựng chiến lược quốc gia về giống lúa, đầu tư vào nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thông tin thị trường và xúc tiến thương mại. Cụ thể, việc tổng hợp dữ liệu và phân tích sâu thị trường sẽ giúp Chính phủ đưa ra các báo cáo có giá trị, làm cơ sở để doanh nghiệp và nông dân xây dựng chiến lược sản xuất và kinh doanh hiệu quả. Để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ chế biến và bảo quản, đồng thời hướng dẫn nông dân về quy trình canh tác. Về phía người nông dân, cần chủ động lựa chọn giống lúa theo chiến lược của Nhà nước, cập nhật các quy định về kiểm dịch thực vật và dư lượng thuốc bảo vệ, tuân thủ quy trình sản xuất sạch, an toàn như VietGAP, GlobalGAP và hướng đến bán hàng theo hợp đồng để đảm bảo giá cả ổn định.
Thứ hai, để nâng cao vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, việc xây dựng một chiến lược thương hiệu toàn diện cho từng loại gạo đặc sản là vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong trong việc kiến tạo thương hiệu, bắt đầu bằng việc khám phá và làm nổi bật những đặc trưng độc đáo, câu chuyện văn hóa gắn liền với mỗi giống gạo Việt. Trên thị trường quốc tế, việc tận dụng triệt để các nền tảng B2B trực tuyến như Alibaba, Tokopedia, Shopee,… mở ra cơ hội tiếp cận trực tiếp với các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối tiềm năng trên toàn cầu. Doanh nghiệp cần xây dựng gian hàng trực tuyến chuyên nghiệp, cung cấp thông tin chi tiết, hình ảnh chất lượng cao về sản phẩm, đồng thời tích cực tham gia các phiên kết nối giao thương trực tuyến do các nền tảng này tổ chức. Bộ Công Thương và VCCI đóng vai trò xúc tác mạnh mẽ trong quá trình này. Bộ Công Thương có thể thiết lập các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch B2B quốc tế, bao gồm hỗ trợ chi phí đăng ký, xây dựng gian hàng và các hoạt động marketing ban đầu. Đồng thời, Bộ có thể tổ chức các diễn đàn, hội thảo trực tuyến kết nối doanh nghiệp sản xuất gạo Việt Nam với các nhà nhập khẩu tiềm năng từ các thị trường mục tiêu. VCCI, với mạng lưới rộng khắp các hiệp hội doanh nghiệp quốc tế, có thể đóng vai trò cầu nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gạo Việt Nam tham gia các phái đoàn thương mại, các sự kiện xúc tiến đầu tư và thương mại song phương, và xây dựng các chứng nhận chất lượng quốc tế, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Người nông dân, ở khía cạnh này, cần nâng cao ý thức về tầm quan trọng của chất lượng và sự đồng nhất của sản phẩm, tuân thủ các quy trình canh tác tiên tiến và các tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ ba, cần áp dụng và phát triển công nghệ, thúc đẩy số hóa trong sản xuất, chế biến và đẩy mạnh xuất khẩu. Chính phủ cần kiến tạo một nền tảng tương tác số hóa đa chiều, nơi quy trình, tiêu chuẩn xuất khẩu được cập nhật liên tục và minh bạch, tích hợp công cụ AI để giải đáp thắc mắc tức thời cho doanh nghiệp và nông dân. Về phía doanh nghiệp, thay vì chỉ tham gia các hội thảo truyền thống, cần chủ động xây dựng các "trung tâm đổi mới sáng tạo mở" kết nối với các startup công nghệ nông nghiệp trong và ngoài khu vực. Một giải pháp mang tính đột phá khác là xây dựng "mạng lưới đại sứ thương hiệu nông sản số", tận dụng sức mạnh của KOLs và những người có ảnh hưởng trong cộng đồng Đông Nam Á để quảng bá câu chuyện về gạo Việt Nam một cách chân thực và hấp dẫn. Đồng thời, doanh nghiệp cần tiên phong xây dựng các "hệ sinh thái sản phẩm gạo", không chỉ dừng lại ở gạo thô mà còn phát triển các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với khẩu vị và xu hướng tiêu dùng đa dạng của thị trường Đông Nam Á nói riêng và các thị trường khác nói chung. Cuối cùng, Chính phủ khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm cho nông nghiệp thông minh rót vốn vào các dự án đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo, tạo động lực mạnh mẽ cho sự chuyển đổi toàn diện của ngành./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Anh Tú (2023). Nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông để nâng hạng năng lực logistics, https://vneconomy.vn/nang-cao-chat-luong-ha-tang-giao-thong-de-nang-hang-nang-luc-logistics.htm
2. Ánh Tuyết (2025). Chú trọng xuất khẩu gạo chất lượng cao, https://nhandan.vn/chu-trong-xuat-khau-gao-chat-luong-cao-post869685.html
3. Bộ Công thương (2017-2024). Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2016-2023, Nxb Công Thương, Hà Nội.
4. Đỗ Văn Huân (2025). Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh: Những động lực mới, Niên giám kinh tế Việt Nam và thế giới 2024-2025, Vneconomy (61-64.
5. Hải Yến (2024). Thương hiệu gạo “Made in Việt Nam” vẫn còn mờ nhạt, https://thoibaonganhang.vn/thuong-hieu-gao-made-in-viet-nam-van-con-mo-nhat-149506.html
6. Nhan Cẩm Trí (2024). Hệ thống cảng cạn: Mô hình thành công từ Đông Nam Á và hướng đi mới cho Việt Nam. Tạp chí Công thương, số 25.
7. Nhóm PV Báo điện tử Chính phủ (2025). Gạo Việt Nam trụ vững với phân khúc chất lượng cao, https://baochinhphu.vn/gao-viet-nam-tru-vung-nho-phan-khuc-chat-luong-cao-102250309171245344.htm
8. Phạm Minh Thụy và Phạm Minh Tâm (2025). Xu hướng giá cả và thị trường một số mặt hàng năm 2025, Niên giám kinh tế Việt Nam và thế giới 2024-2025, Vneconomy. [114 – 129]
9. Thanh Thanh (2024). Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới sức khỏe của cá nhân và trái đất, https://thitruongtaichinhtiente.vn/nguoi-tieu-dung-ngay-cang-quan-tam-toi-suc-khoe-cua-ca-nhan-va-trai-dat-51903.html
10. VietnamBiz (2025). Báo cáo thị trường lúa gạo, Hà Nội.
Ngày nhận bài: 05/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 22/5/2025; Ngày duyệt đăng: 28/5/2025 |
Bình luận