Khu du lịch đường hầm đất sét hay còn gọi là đường hầm điêu khắc Dalat Star, là kết quả của sự sáng tạo và nhiệt tâm từ hơn 100 bàn tay của họa sĩ, thợ điêu khắc cùng thợ xây dựng. Đường hầm đặc biệt này chính là ý tưởng mà anh Trịnh Bá Dũng đã ấp ủ suốt 2 năm, và sau khoảng thời gian dài nghiên cứu thành công công thức pha trộn đất sét, đường hầm ra đời như một kiệt tác giữa núi rừng ngàn thông. Đây là con đường hầm điêu khắc đầu tiên ở thành phố du lịch Đà Lạt, một công trình chứa đựng chiều dài của thời gian, của lịch sử vùng đất và bao quát được không gian thành phố trên cao nguyên.

Toàn bộ công trình có hai chủ đề chính nhằm tái tạo lịch sử thành phố Đà Lạt và những câu chuyện văn hóa, nhân văn có tính giáo dục. Con đường bắt đầu với tên gọi “miền đất lạnh” tái hiện toàn cảnh mảnh đất này từ thuở còn hoang sơ với đầy đủ cây cỏ, thú rừng…Nối liền đó là phần “Đà Lạt hình thành và phát triển”. Đi dọc đường hầm, Cao nguyên Lang Biang xuất hiện với sức sống của núi rừng, những mái nhà của các dân tộc thiểu số Cơ Ho, Cil, Lạch… và cạnh đó là những công trình kiến trúc đã trở thành vốn di sản mà chỉ cần nhắc tên người ta đã nghĩ ngay đến Đà Lạt như: Nhà ga, Trường Cao đẳng Đà Lạt, những nhà thờ theo lối kiến trúc Pháp… Bên cạnh đó là mô hình các vật dụng, phương tiện một thời gắn bó với người dân phố núi như: xe hơi cổ, vespa cổ, đầu xe lửa hơi nước, điện thoại cổ… Hai bên đường, những cỗ xe ngựa thường thấy trên phố, những loài hoa mang đặc trưng địa phương, những thác nước tuyệt đẹp cũng đều hiện diện ở đây. Tất cả hiện ra sống động từ những hình khối làm bằng đất đỏ cao nguyên trên vách con đường hầm dài 1km.

Bằng chất liệu có sẵn từ thiên nhiên, anh Trịnh Bá Dũng đã không ngần ngại đầu tư hơn 200 tỷ đồng để hoàn thành công trình một cách ấn tượng.Chỉ khi đến đây và tận mắt chứng kiến thì du khách mới có thể cảm nhận được hết những tâm huyết mà chủ nhân đã dành cho nơi đây nhiều như thế nào.Anh Dũng cho biết: “Mục đích xây dựng đường hầm của tôi là tạo ra một thành phố thu nhỏ, một cuốn từ điển phong phú nhằm giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước có được cái nhìn tổng quan hơn về Đà Lạt, giúp họ hiểu hơn, yêu hơn nơi này để từ đó chung tay góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch quê hương.”

Bên cạnh những chi tiết đặc trưng và tỉ mỉ thì sự độc đáo của đường hầm còn nằm ở tính chất bảo vệ đất đỏ khỏi sạt lở, tránh khỏi sự xâm hại của thiên nhiênbằng cách tạo ra một hỗn hợp có độ bền tương đương với bê tông. Đặc biệt, dọc suốt con đường là chiếc ghế rồng có đủ chân rồng, vẩy rồng uốn lượn mềm mại. Đầu rồng bắt đầu từ miền đất lạnh, chạy theo dọc con đường hầm điêu khắc và trở về kết thúc đuôi rồng cũng tại đây. Ghế rồng tượng trưng cho nguồn gốc dân tộc, đầu và đuôi quay về một nơi như sự nhớ ơn nguồn cội. Chiếc ghế rồng dài 1.200m ấy như 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, sẵn sàng đón chào và đưa 90 triệu dân Việt Nam bay lên.

Trong đường hầm điêu khắc có một ngôi nhà đã được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận hai kỷ lục đó là: Ngôi nhà đất đỏ Bazan không nung đầu tiên có phong cách độc đáo nhất và Ngôi nhà đất đỏ bazan không nung có mái đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đầu tiên và có diện tích lớn nhất.Ngôi nhà độc đáo này có diện tích khoảng 90m2, ngoài bản đồ còn có tên của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nhằm nhắc nhở du khách về chủ quyền biên đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Có thể nói, Đường hầm điêu khắc không chỉ mang giá trị phát triển kinh tế, mà nó còn là một cuốn biên niên sử sinh động tái hiện 120 năm TP. Đà Lạt. Với đường hầm điêu khắc, một kỳ nghỉ tại xứ sở hoa đào sẽ thực sự thoải mái và trở nên bổ ích hơn cho những tín đồ du lịch, những ai ham mê khám phá và tìm hiểu văn hóa lịch sử địa phương./.