“Nóng” lộ lọt tài khoản ngân hàng

Tại phiên chất vấn chiều nay (ngày 8/6) về lĩnh vực ngân hàng, Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) nêu vấn đề, tội phạm công nghệ cao có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là vấn để lộ, lọt thông tin về cá nhân, tài khoản, các đối tượng lợi dụng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Tại Thái Nguyên có một vụ án liên quan đến các đối tượng đã xâm nhập vào tài khoản đánh cắp tiền trong tài khoản, gây khó khăn trong quá trình điều tra.

Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng phức tạp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói gì?
Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết có giải pháp gì, để đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân (ảnh: Quốc hội)

Từ thực tế trên, ông Huấn đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng có giải pháp gì, để đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân, cũng như giải pháp nào để giảm thiểu loại tội phạm này, đặc biệt trong thời gian tới việc phối hợp với Bộ Công an tích hợp tài khoản thẻ căn cước để thanh toán tiền?

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Hương (Hà Giang) về tình trạng các tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu không đúng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã ban hành quy định pháp lý về phân loại các nhóm nợ và khi nào thì chuyển thành nợ xấu. Đối với các tổ chức tín dụng phân loại nợ sai hoặc báo cáo không đúng với tình trạng của phần nợ, qua thanh tra phát hiện sẽ xử lý. NHNN có hệ thống thông tin tín dụng - là một công cụ rất tốt để các tổ chức tín dụng có thể kiểm tra xem khách hàng có khoản nợ tổ chức tín dụng khác hay không, trên cơ sở đó phân loại nợ chuẩn xác.

Bà Hồng cho biết, an toàn thông tin tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Đã có trường hợp làm giả các hồ sơ, giấy tờ để giao dịch với ngân hàng; lấy thông tin cá nhân của khách hàng, tiếp cận lấy tiền qua internet banking; tấn công lấy thông tin khách hàng, để mua bán, đòi tiền chuộc; dùng giấy tờ giả để mạo danh lừa đảo…

Trước tình hình trên, năm 2021, Thống đốc NHNN đã ban hành một chỉ thị riêng về tăng cường công tác bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay. Đầu năm 2022, Thống đốc NHNN tiếp tục có Chỉ thị số 02/CT-NHNN đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Liên quan đến giải pháp cho vấn đề trên, bà Hồng cho biết, NHNN đã phối hợp với Bộ công an, Cục An toàn thông tin của Bộ Thông tin Truyền thông đưa ra các tình huống, để có biện pháp ứng phó, kịp thời ngăn chặn. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phần mềm phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin cho khách hàng. Trong thời gian qua, với sự tham gia của các bộ, ngành, tình trạng này đã suy giảm đáng kể…

“NHNN tiếp tục rà soát, kiện toàn phương án bảo vệ an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng; xây dựng nguồn nhân lực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu quản lý. Ban hành hướng dẫn xử lý khủng hoảng khi xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng, để nâng cao năng lực chung của toàn ngành về khả năng ứng phó, sẵn sàng xử lý các sự cố an ninh mạng; phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro mất an toàn thông tin...”, bà Hồng cho hay.

Mạnh tay với tín dụng “đen”

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) về các giải pháp ngăn chặn tín dụng “đen”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN được giao nhiệm vụ tăng cường các kênh tiếp cận tín dụng chính thức. Thời gian qua, NHNN đã ban hành thông tư cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, trong đó có một phần quy định về cho vay phục vụ nhu cầu của đời sống.

Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng phức tạp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói gì?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều ngày 8/6 (ảnh: Quốc hội)

“NHNN đang rà soát, sửa đổi cho áp dụng công nghệ vào hoạt động cho vay bằng việc cấp, lưu giữ hồ sơ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; ban hành thông tư riêng về tín dụng của công ty tài chính, trong đó quy định rất rõ về đòi nợ, lãi suất…”, Thống đốc cho hay.

Cũng theo bà Hồng, NHNN còn chỉ đạo các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, triển khai các chính sách cho vay ở vùng sâu, vùng xa. NHNN cũng phối hợp tích cực với Bộ Công an tổ chức các hội nghị về phòng, chống tín dụng “đen” tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước…/.